(tiếp theo)
Bác Ba Phi nín lặng. Bác liếc thằng cháu ngoại Jimmy. Nó vẫn hồn nhiên líu lo với má nó những câu gì bác đâu có hiểu. Tóc nó vàng hoe và xoăn tít, mắt xanh lè – nó đúng là Mỹ thứ thiệt . Vậy mà lúc ở nhà bác đã định sang đây nhất định sẽ dậy cho thằng cháu ngoại hát dân ca Nam bộ như Lý con sáo, Lý ngựa ô, Ví dầu cầu ván đóng đinh...Bác định kể nó nghe nhiều cổ tích , nhiều dã sử để gieo vào đầu óc non nớt của nó gốc gác Việt Nam .
Tuy nhiên lúc này dự định đó hầu như tan rồi . Thằng Jimmy cháu ngoại ông lúc nào cũng nhảy cà tưng như con choi choi , tiếng tây tiếng u đến một nửa chữ bác không biết, còn nó rõ ràng là chẳng biết câu tiếng Việt nào, lại gần nó đã khó, huống hồ dậy hát, kể chuyện đâu có được. Bác thấy buồn trĩu trong lòng khi mỗi lúc cảm thấy rõ bức màn vô hình giữa hai ông cháu.
Chao ôi, nếu con Út ở nhà lấy chồng "người Việt đằng mình:" thì nhất định bác và thằng cháu ngoại suốt ngày sẽ bám víu, ríu rít. Ông sẽ dẫn cháu ra ghe chở đi dọc kinh xáng , dậy nó đào hang bắt con chuột đồng, đặt mối câu con lươn con ếch. Ông sẽ dắt nó theo trong những buổi đờn ca tài tử cùng các cụ trong xóm ấp. Ngày hai buổi ông sẽ đưa đón nó đi học ở trường cấp 1 của xã. Sẽ giảng giải cho nó những điều cô giáo dậy ở trường mà nó chưa hiểu . Chao ôi, bao nhiêu dự định của bác ba Phi với thằng cháu ngoại như thế là tan tành.
Ở ngoài cổng thằng Tômmy, con rể bác Ba Phi đang treo một lá cờ rất lớn. Cô Út dẫn bác tới gần. Bác hỏi :
" Có ngày lễ nào không mà treo cờ ?"
Cô Út giải thích :
" Sắp tới ngày 9 tháng 11, ngày tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới của Mỹ bị khủng bố đánh sập nên nhà nào cũng treo cờ vừa tưởng nhớ nạn nhân bị giết hại vừa nhắc nhở cảnh giác âm mưu bọn khủng bố đó tía..."
" Treo cờ thế này là do mình tự nguyện hay là có cảnh sát đi từng nhà nhắc nhở?"
Cô Út bật cười :
" Tự nguyện chứ tía. Cảnh sát nào ép buộc mình?"
Bác ba Phi lắc đầu :
" Vậy mà ở Việt nam cứ sắp tới ngày quốc khánh là công an khu vực đi từng nhà nhắc nhở treo quốc kỳ mà khối anh chẳng chịu treo đó."
" Vậy rồi những người đó có sao không tía ?"
Bác Ba Phi dài giọng :
" Ngày xưa bao cấp còn sợ nó cắt sổ gạo chứ bây giờ làm gì nhau ?"
Chàng Tommy nghe vợ kể lại lời bác Ba Phi, mở máy nói một hồi cho vợ dịch lại :
" Ảnh nói luật Liên bang có quy định mọi công dân phải coi quốc kỳ như biểu tượng thiêng liêng, không được vẽ bậy, để dưới đất, dùng vào mục đích quảng cáo. Cờ phải giữ cho sạch sẽ, không rách và treo ở nơi có ánh sáng. Trong lễ chào cờ chính thức người ta hay đọc lời thề : " Tôi xin thề trung thành với lá cờ của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và với nền cộng hoà mà lá cờ đó đại diện..."
Bác Ba Phi chợt bật cười :
" Vậy không thề trung thành với Đảng à ?"
Cô Út cũng cười theo :
" ở Mỹ có hai đảng lớn là dân chủ và cộng hoà. Đảng viên thuộc đảng nào thì theo đảng đó, người dân không theo đảng nào, mắc mớ gì phải thề ?"
Bác Ba Phi tò mò giở lá cờ Mỹ ra coi. í mèn ôi, sao lắm sao nhiều vạch đến vậy ? Xanh, trắng, đỏ nom đến hoa cả mắt. Bác hỏi :
" Ba màu này có ý nghĩa gì không ?"
Cô Út nhanh nhảu :
" Màu đỏ biểu hiện lòng dũng cảm, màu trắng là sự tinh khiết, tinh thần kỷ luật còn mầu xanh là biểu hiện của thiên đàng, Thượng đế..."
Bác ba Phi lại hỏi tiếp "
" Thế những ngôi sao và những cái vạch này ?"
" 50 ngôi sao tượng trưng cho 50 bang. 13 vạch trắng đỏ tượng trưng 13 bang thủa ban đầu..."
Bác Ba Phi gật gù ra vẻ suy nghĩ lắm. Thế rồi, bất chợt bác oà lên khóc hu hu làm cô Út hoảng hồn :
" Kìa tía...sao tía lại khóc..."
Bác ba Phi gạt nước mắt :
" Cờ Mỹ có tới 50 sao mà nước nó đoàn kết nhất trí xây dựng quốc gia đa chủng tộc, còn cờ mình có mỗi một sao thôi mà uýnh nhau lộn bậy. Cộng sản đánh quốc gia. Miền Bắc đánh miền Nam. Đất nước chẳng khác gì cái giỏ của, cắp nhau trối chết, không thằng nào nhường thằng nào. Bởi vậy nên tao mới khóc...hu hu... hu hu..."
Tiệm cơm ta khá đông. Người ra vào nườm nượp. Ai cũng ăn mặc sang trọng và có vẻ vội vàng, tất bật khác hẳn cái chậm chạp, lè phè của đa số người trong nước. Xe hơi đậu kín trước cửa . Chàng Tommy chạy vòng vòng mãi vẫn chưa tìm được chỗ đậu xe. Bác Ba Phi sốt ruột :
“ Nó kiếm cái gì mà cứ chạy tới chạy lui hoài vậy ?”
Cô Ut giải thích :
“ Anh tìm chỗ đậu xe đó tía . Chiều nay thứ bảy nên đông vậy tía …”
Bác Ba Phi trỏ tay vào một chỗ trống :
“ Kia kìa…chỗ kia vừa có thằng de xe ra kìa …”
Cô Ut lắc đầu :
“ Không được đâu tía…chỗ đó giành cho người tàn tật đó tía…”
“ Tàn tật mà lái được cả xe ô tô ?”
“ Được chớ tía…cần nhất hai cái tay, còn chân đi cà nhắc vẫn lái được chớ tía…”
Bác Ba Phi bật cười :
“ Xi cà que mà cũng đòi lái xe ? Ở Việt Nam tao chưa thấy ai. Giỏi lắm là ngồi xe lăn có gắn máy là hết cỡ thợ mộc…”
Cô Ut lắc đầu :
“Luật bên này đâu có cấm..miễn điều khiển được tay lái, thắng. Còn sang số đã tự động rồi…”
Bác Ba Phi chỉ tay vào chỗ đậu xe đang bỏ trống :
“ Mình cứ vô đại đó được không ? Nó đâu có biết mình lành lặn hay tàn tật…”
“ Không được đâu tía…nó phát hiện ra, phạt chết đó…”
Sau cùng chàng Tommy cũng tìm được chỗ đậu. Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Đây về nhà cuốc bộ bất quá mất 20 phút, vừa khoẻ chân lại vừa đỡ tiền xăng. Xe cộ làm gì cho khổ. Rõ thật văn minh quá cũng chết…”
Cô Ut cười rũ, kéo bố vào nhà hàng. Các dãy bàn người ngồi chật cứng. Mấy cô hầu bàn tất bật chạy lui chạy tới. Mùi thức ăn xông lên ngào ngạt. Cô Ut tìm mãi trong góc mới ra cái bàn trống cho mọi người ngồi. Bác Ba Phi nhìn quanh rồi chỉ vào một cái bảng có con số 50 treo trên tường :
“ Ở bên Mỹ thiệt kỳ, treo cả số nhà trong phòng ?”
Cô Ut la hoảng :
“ Không phải đâu tía ơi ! Cái số này không phải số nhà đâu, số này quy định nhà hàng này chứa tối đa là 50 người thôi…”
Bác Ba Phi nhìn quanh :
“ Lại còn quy định cụ thể vậy nữa kia à . Tía thấy ở đây còn rộng mà. Còn kê thêm mấy lớp bàn nữa cũng vẫn vừa…”
“ Í không được…ở Mỹ người ta tiêu chuẩn hoá cả diện tích sinh hoạt. Lèn cá hộp như ở Việt Nam đâu có được…”
Chàng rể Tommy đưa cho bác Ba Phi cuốn thực đơn viết bằng tiếng Việt. Mới giở qua vài tờ bác đã la lên :
“ Canh chua cá lóc : 12 đôla…cá kho tộ : 8 đôla …heo quay : 10 đô la…Í mèn ôi, quy ra tiền Việt đều hơn trăm ngàn cả…. Nó bán vậy bằng cắt cổ người ta…”
Cô Ut cười cười :
“ Tiêu tiền Mỹ tía đừng quy ra tiền Việt kẻo chẳng dám tiêu gì đâu …”
Cho dù bác Ba Phi ngăn cản, cô Ut cũng kêu đầy một bàn thức ăn. Lúc trả tiền, thấy con gái xỉa ra mấy tờ trăm đô, bác Ba Phi than trời :
“ Mèn ôi, mình ăn bữa này bằng cả một gia đình ở Việt Nam ăn một tháng…”
Lúc đứng dậy, bác Ba Phi thấy cô Ut để lại trên bàn mấy tờ bạc 1 đôla, bác tưởng cô để quên tính cầm lên nhưng cô Ut đã ngăn lại :
“ Ay chớ…tiền này kêu bằng tiền “tip” đó tía…mình “ bo” cho mấy người chạy bàn mà…”
Bác Ba Phi kêu lên :
“ Bo 1 đôla là nhiều , bo làm gì những 4, 5 đô la tức cả trăm ngàn lận ? Mấy con nhỏ bưng bê chứ có phải gái bia ôm đâu mà bo dữ vậy ?”
Cô Ut cười lắc đầu, kéo tay bác Ba Phi ra khỏi quán. Chàng Tommy cho xe chạy chầm chậm trên phố Bolsa để bác ba Phi ngắm nghía các cửa hàng, các siêu thị. Bác chỉ tay vào cái bảng to tổ chảng treo trên tít cao hỏi cô Ut :
“ Cái bảng có con số 99 đằng kia, nghĩa là sao ?”
Cô Ut cười cắt nghĩa :
“ Đó là 99 cents đó tía. Trong đó có đủ các món hàng, mỗi món chỉ bán đúng giá 99 xu thôi…”
Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Sao không tính tròn 1 đôla có phải tiện không ?”
Cô Ut giải thích :
“ Đây là đòn tâm lý mà tía. 99 xu thì vẫn là tiền xu khác với 1 đôla là tiền đô rồi. Người mua thấy rẻ là kéo tới nghìn nghịt thôi…”
Bác Ba Phi trề môi :
“ Rõ đúng là…9 xu đổi lấy 1 hào…”
Cô Ut bật cười :
“ Nghệ thuật bán hàng bên này nó vậy đó tía… Tía sống bên này dần dần sẽ quen thôi…”
(còn tiếp)
0 nhận xét