Vậy mà bây giờ, chi trong khoảnh khắc đã phải đem sổ toẹt hết ? Rồi lập trường có phải thay đổi không, tổ chức ra sao, lãnh đạo thế nào . . . . .tất cả đều thay đổi hết sao? ôi, niềm tự hào cao ngất và lòng tin tưởng dũng mãnh trong trái tim một con người đâu có phải là thứ hàng hóa vật chất mà dễ đổi thay trong một sớm một chiều. Sau này tôi lại biết thêm rằng chuyện xây ra ở sân trường Nguyễn Bá Tòng bữa hôm ấy chỉ là một sự nôn nóng có tính cục bộ. Việc xóa bỏ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đương nhiên là một nhu cầu có tính sách lược nhưng làm gì thì cũng cần phải có lớp lang, lộ liễu quá sẽ chẳng hay ho gì.
Quả nhiên, chỉ ít lâu sau đó, nào việc tổ chức Hội Nghị Hiệp Thương thống nhất đất nước, nào tổ chức Tổng Tuyển Cử Quốc Hội trên cả nước, nào đổi tên nước thành Cộng Hòa XHCN/VN, nào đổi tên Sài Gòn thành T/P Hồ Chí Minh. . .v..v..tất cả diễn ra một cách tuần tự, đầy đủ ý nghĩa ngõ hầu êm thắm xóa đi một thực thể vốn đã từng làm choá mắt biết bao nhiêu chính trị gia khù khờ trên thế giới.
Đến ngay nhưng người trong cuộc, chắc hẳn cũng đã nếm mùi cay đắng của sự ruồng bỏ phũ phàng. Tại một nhà in Hợp Doanh ở đường Phạm Ngũ Lão, tôi đã thấy mấy bà cán bộ phụ nữ có vẻ thuộc thành phần cao cấp thường hay lui tới để lo chăm sóc tờ báo hằng tuần lấy tên là tờ Phụ Nữ Giải Phóng, cơ quan của Hội Phụ Nữ Giải Phóng thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Hẳn họ có biết bao niềm vui sướng và tự hào khi tờ báo trước đây ở trong khu chỉ xuất bản lúi xùi, in ấn xấu xí cốt ra cho có mặt, nay thì ấn loát đẹp đẽ, phát hành rộng rãi công khai ở Sài Gòn. .
Thế nhưng đứa con tinh thần của những chị Bẩy, chị Chín, những vị cán bộ cấp cao ấy cũng chẳng tồn tại được bao lâu. Bởi nó không thể hiện diện cùng một lúc với tờ Phụ Nữ, cơ quan của Hội Phụ Nữ Trung Ương ấn hành ở Hà Nội. Làm gì có chuyện "một quốc gia tồn tại ' trong một quốc gia được". Cộng sản là độc quyền ! Các bà, các chị vốn tự hào mình giác ngộ cách mạng, vậy mà có một điều giản dị như thế cũng không nghĩ ra để còn cố vớt vát vài hy vọng hão huyền.
Cho nên tờ báo của các chị đã âm thầm dẹp tiệm sau ngày Bầu cử Quốc Hội Thống Nhất Đất Nước và những con người phụ nữ đây nhiệt huyết kia, tôi không biết họ đã đi đâu, về đâu. Nhưng chắc số phận của họ cũng sẽ giống như những huyền thoại về đoàn quân tóc dài của Bến Tre đất thép, thành đồng do chị Ba Nguyễn thị Định làm tư lệnh. Mọi tài liệu ca ngợi thành tích, tuyên dương công trạng của các "chiến sĩ gái" trong thời chiến, sau cuộc tổng tuyến cử tất cả cũng đã tan xèo theo mây khói.
***
Nói đến bầu cử, tôi lại nhớ đến cuộc mít tinh lớn lao được tổ chức khoảng giữa năm 1976 để chào mừng kết quả cuộc Tổng Tuyển cử trên cả nước. Hầu như tất cả nhân dân thành phố Sài Gòn đều được huy động tập trung tại đường Thống Nhất để vừa nghe diễn văn vừa tham gia diễu hành.
Học sinh các lớp trong trường của tôi hôm đó cũng phải tham dự và được lệnh của Ban Giám Hiệu tập trung ở trước cổng trường ngay từ sáng sớm, lúc chưa tỏ mặt người . Mổi trò được phát một lá cờ giấy cầin tay. Dĩ nhiên là chỉ có cờ đỏ sao vàng. Ngoài ra, dẫn đầu mỗi lớp học còn có một tấm biểu ngữ do hai trò giăng ngang, trên có hàng chữ :” không có gì quý hơn Độc lập, Tự Do" hay là:” Yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội ".
Đám giáo viên chúng tôi cũng được cắt cử đi theo để trông nom học trò và giữ trật tự. Con đường Thống Nhất đông nghẹt những người với cờ xí, biển ngữ và những bó hoa cầm tay ở xế vườn hoa trước Dinh Độc Lập, phía có đặt những trụ sở của các công ty thì ở ngay sát bờ tường, tôi thấy Ban Tổ Chức đã dựng lên nhiều gian chạy dài, quây kín bằng những tấm cỏi hay tấm bạt nylon xanh trên có kẻ những chữ bằng vôi bột thật to : “Nhà Đái nam” và “ Nhà đái Nữ “.
Phải thức dậy đi biểu tình từ sáng sớm, lại đứng phơi nắng đến xế trưa, cái khoản giải quyết nhu cầu cá nhân dĩ nhiên là rất cần thiết. Tổ chức được nơi giải tỏa như thế cũng đã là chu đáo quá rồi, mặc dù nó vẫn còn có giới hạn. Bởi chỉ đái thôi, không đợc ỉa. Tôi biết chắc như vậy vì có nhiều nơi nếu cho phép "đủ lệ bộ" thì đã ghi rõ ràng:" Nhà Đái Ỉa Nam", "Nhà Đái Ỉa Nữ”. Chữ nghĩa cách mạng vừa gọn ghẽ, vừa rạch ròi, giới bình dân tất ai cũng hiểu. Dân Sài Gòn thoạt nghe thì có thấy chối tai, nhưng riết rồi cũng quen đi. Sau này, dân chúng còn kháo nhau bệnh viện Từ Dũ cũng đã đổi bảng hiệu trở thành "Xưởng Đẻ". Thoạt nghe tôi đã không tin, nhưng cách tốt nhất để kiểm chứng coi đúng hay sai là phải đi đến tận nơi tìm hiểu. Vì thế tôi đã tạt qua bệnh viện này vài lần, vừa nghe ngóng, vừa hỏi thăm nhưng không có ai xác nhận với tôi là bệnh viện này đã đổi tên cả. Ngay cả cái bảng hiệu chắn ngang trên cổng vào, tôi vẫn thấy cái tên cũ là Bệnh Viện Từ Dũ, với mầu sơn cũ kỹ chưa có dấu vết gì gọi là đã được chỉnh sửa. Như vậy, "xưởng đẻ" là chuyện bịa đặt, mua vui, cũng có thể là có ý đồ bôi bác. Rồi sau này, vì chờ đợi mãi không thấy cái bảng "Xưởng Đẻ" ấy trương lên thì dư luận lại viện cớ là do dân chúng chống đối dữ quá nên, nhà nước bỏ ý định đổi tên. Nhưng lại bịa chuyện nữa ! Làm gì có chuyện cái nhà nước này "sợ dân chống đối" !
Trong quá khứ, còn có biết bao chuyện động trời gấp cả triệu lần như thế mà vẫn được đem thi hành, Đảng và Nhà nước đâu có sợ hãi gì ai ? Lấy ngay một ví dụ cụ thể. Cũng vào thời gian khoảng cuối năm 1976, các nhà in, các tòa báo, các cơ quan nhà nước được lệnh ban ra là : “Kể từ nay mọi dấu gạch nối trong các tên riêng như Hà-Nội, Bắc-Ninh, Hải-Phòng . . . . đều phải loại bỏ để viết thành Hà Nội, Bắc Ninh. Hải Phòng. Nhưng đặc biệt dấu gạch nối giữa hai chữ Trường - Chinh thì phải ngoại trừ, nghĩa là khi viết ra thì vẫn phải có gạch nối !"
Trường Chinh là bí danh của ông Đặng Xuân Khu, khi đó (1976) đang là ủy viên Trung Ương Đảng kiêm Chủ tịch Quốc Hội Thống Nhất, và sau này thăng lên Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước, rồi Tổng Bí Thư Đảng CSVN thay thế Lê Duẩn khi ông này qua đời.
Mọi thứ tên riêng đều phải thay đổi cách trình bầy, trừ tên một người ? Hỏi có khi nào một con người lại dám có thái độ ngang nhiên và ngạo mạn, ngồi xổm một cách chính thức và công khai lên dư luận cả nước đến như vậy không ấy vậy mà báo chí cứ phải răm rắp tuân theo. Cái sự "phong kiến" mà chế độ này muốn đánh đổ thì chính nó lại tỏ ra còn phong kiến hơn ai hết ! Khốn khổ nhất là thợ xếp chữ ở các nhà in trong Nam. Sơ xẩy một chút, bỏ hay không bỏ dấu gạch nối cho đúng quy định, lập tức sẽ có vấn đề ngay, bởi trên đầu của họ vẫn còn bị lơ lửng treo lên bản án có tên là " tàn dư Mỹ Ngụy".
***
Nói chuyện ngôn ngữ thì hầu như dân chúng càng sống lâu năm dưới chế độ XHCN thì cung cách vận dụng chữ nghĩa càng mang vẻ sắc bén và cay độc. Cụ thể nhất là cứ nhìn vào con số đông đảo của những người từ miền Bắc kéo vào thăm bà con thân nhân trong Sài Gòn để hàn huyên trăm nghìn nỗi nhớ hay tíu tít chuyện trò. Ngôn ngữ dễ dàng bộc lộ nhất là ở trong những dịp này. Vì thế tôi cũng đã học được nhiều từ ngữ mới hay những cách ví von. Như nghề dạy học, ở trong Nam cùng lắm thì chỉ gọi là "nghề bán cháo phổi' , nhưng ngoài Bắc thì nói là đem cấu phổi bỏ vào dạ dầy". Thật kinh khủng. Chữ nghĩa cụ thể và tàn bạo cứ như những mũi tên phóng thẳng vào tim óc người nghe. Tôi cho rằng, có lẽ khi con người phải triền miên đương đầu với những nỗi khó khăn trong đời sống thì bản năng của nó sẽ thưng trực trỗi đậy để sẵn sàng thích ứng mà tồn tại. Ngôn ngữ sử dụng hàng ngày vì thế cũng phải thích ứng theo.
Buổi mít tinh chào mừng thắng lợi của cuộc Bầu Cử Quốc Hội Thống Nhất vào sáng hôm ấy không xây ra "sự cố” đáng tiếc nào. Riêng lớp của tôi, thì "khâu' trật tự tưởng sẽ không "giản đơn" nhưng lại được các học sinh chấp hành "tốt". Tinh thần kỷ luật, trật tự rất đáng "biểu dương". Các Thầy giáo, cô giáo cũng "đảm bảo" thi hành "tốt" nhiệm vụ được giao phó. . .
Đấy là đại cương nội dung phần báo cáo mà tôi đã phải viết ra để nạp cho Ban Giám Hiệu nhà trường.Xét ra, mới chỉ có chưa đầy một năm làm việc trong vai trò Tổ trưởng Nhóm Lý-hóa-sinh mà chữ nghĩa của tôi đã có phần phong phú và "nhuần nhuyễn" thêm ra. Hầu như những từ ngữ mà tôi đã sử dụng khi cần viết bản tường trình, làm biên bản hoặc giáo án, chúng đã có vẻ như trôi tuồn tuột ra khỏi ngòi bút mà không bắt tôi phải nghĩ ngợi gì.
(còn tiếp)
0 nhận xét