Open top menu
Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013



                                     (tiếp theo)




Chiếc xe đi qua dãy phố người đứng nghẹt hai bên vỉa hè. Nhiều người cầm cờ, biểu ngữ và đang hò hét gì đó. Dòng xe cộ đi chậm hẳn lại. Kelly cho xe kè sát vỉa hè lập tức một cảnh sát Mỹ nhô ra vẫy tay ra hiệu chạy tiếp. Bác Ba Phi nhìn thấy một ông già tóc bạc phơ chỉ tay vào phía trong toà nhà và miệng như đang hô khẩu hiệu .
" Biểu tình kìa..." – Kelly Thi đập tay vào vai bác Ba Phi kêu lên.
Bác Ba Phi ngạc nhiên :
" Ủa ...sao lại biểu tình ? Tôi tưởng bên này đồng bào ta ai cũng cơm no , áo ấm, nhà cao cửa rộng cả, còn có gì bất mãn mà phải biểu tình ?"
Chị Kelly Thi nhìn bác Ba Phi ra vẻ thương hại :
" Người ta sống đâu phải chỉ vì miếng cơm manh áo ? Còn cần nhiều thứ khác nữa chớ ?"
Bác Ba Phi gật đầu :
" Tôi hiểu rồi...ý cô muốn món ăn tinh thần chứ gì ? Tỉ như coi hát, coi phim, coi ti vi phải không ? Bên này tôi thấy những cái đó cũng đầy ra đâu có thiếu ?"
Chị Kelly Thi lại cười :
" Mới có vậy thôi đã thoả mãn lắm rồi à ? Thảo nào ở Việt Nam chẳng thấy ai đi biểu tình ?"
Bác Ba Phi gân cổ cãi :
" Ai bảo chị Việt Nam không có biểu tình ? Bữa trước dân oan trong tỉnh tôi kéo nhau lên Sàigòn, biểu tình trước cửa văn phòng quốc hội chương biểu ngữ tố cáo  Chủ tịch huyện ăn chặn tiền đền bù giải toả của dân...."
Chị Kelly Thi lại cười :
" Chắc được vài ngày rồi công an nó hốt hết chứ gì ? Bên này biểu tình kéo dài có khi cả tháng mà cảnh sát cứ đứng nhìn, giữ trật tự , không đàn áp bắt bớ ai hết !"
Bác Ba Phi than trời :
" Chèn đéc ôi, ở Việt Nam cảnh sát cứ đứng yên vậy thì quanh năm biểu tình. Nào công nhân đòi tăng lương, nông dân đòi trả lại đất, các bà nội trợ đòi chấm dứt tăng giá xăng, giá điện, sinh viên , học sinh đòi bỏ lối học tập nhồi sọ, chạy theo thành tích, nhà báo, nhà văn đòi huỷ bỏ chế độ kiểm duyệt, con chiên đòi lại đất nhà thờ, sư sãi đòi đất chùa ...nhiều lắm nhiều lắm...Cứ tự do như bên Mỹ này hả, có mà cả nước biểu tình ..."
Chị Kelly Thi thích chí :
" Thiệt vậy hả ?"
Bác Ba Phi trợn mắt :
" Thiệt chớ sao không ? Đó hồi mới rồi có mấy mống thanh niên, sinh viên loe ngoe biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Trường Sa- Hoàng Sa mà công an đã hốt trọn ổ rồi...Như ở Sàigòn mà biểu tình thế kia thì cảnh sát, công an, dân phòng vây đầy xung quanh có khi còn nhiều hơn cả người biểu tình ... "
Chị Kelly Thi cười to :
" Vậy mới nói ở Mỹ tự do hơn Việt Nam gấp trăm lần..."
Bác Ba Phi vẫn đưa mắt nhìn đoàn biểu tình, đề nghị :
" Chị cho tôi đi bộ vào đó coi Việt kiều biểu tình ra sao được  không ?"
Chị Kelly Thi cười  gật đầu, vòng xe vào một bãi đậu rồi mở cửa xe cho bác ba Phi :
" Bác cứ xuống coi cho đã rồi quay lại đây, em chờ..."
Bác Ba Phi bước thấp bước cao đi tới toà nhà lớn ở đó có cả một đám đông đang vẫy cờ, giăng khẩu hiệu và hô "đả đảo, đả đảo" gì đó mà bác nghe không rõ . Cụ già tóc bạc phơ lúc nãy bác Ba Phi ngồi xe nhìn thấy, chạy tới kéo tay bác :
" Ông cũng muốn zô biểu tình hả  ? Zô đây...zô đây đập chết cha cái tụi nhà báo nhục mạ quốc kỳ đi..."
Bác Ba Phi ngớ ra lắp bắp :
" Tôi ...tôi không hiểu...tôi không hiểu...tôi chỉ ghé coi thôi mà..."
Ông già tóc bạc trợn mắt :
" Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách...ông cũng thuộc bậc cao niên huynh trưởng,  ông cũng có trách nhiệm phải lên tiếng chớ..."
Nói rồi ông ấn vào tay bác Ba Phi một lá cờ nhỏ :
" Đây... ông cầm lấy rồi đứng vào hàng mà phất mạnh lên...rồi hô to lên theo bà con..."
Ông già tóc bạc nói xong chạy đi, bỏ mặc bác Ba Phi đứng chơ vơ một mình trong đám đông. Bác trố mắt nhìn lá cờ trong tay. Nó hoàn toàn không giống lá cờ đỏ có sao vàng bác vẫn nhìn thấy đầy rẫy trên đường phố Sàigòn. Lá cờ bác đang cầm trong tay là lá cờ vàng có ba sọc đỏ, cờ của ông Diệm, ông Thiệu ngày xưa, cờ của Việt kiều ngày nay. Ai mà cầm lá cờ này đi giữa Sàigòn thì cảnh sát còng cổ ngay lập tức. Nhưng ở đây, nó đang được nâng niu, được vẫy phấp phới, được tung bay trong nắng, trong gió.
Bác Ba Phi cứ ngơ ngẩn cầm lá cờ vàng trong tay không dám phất, tai nghe loáng thoáng hai chữ "đả đảo" mà miệng không dám hô, bởi lẽ bác có hay biết họ đòi hỏi cái gì, họ đả đảo cái gì ?
Họ đòi tiền đền bù giải toả đất đai ? Không phải ? Họ đả đảo nhà cầm quyền hà khắc, áp bức dân đen ? Không phải . Họ đòi trừng trị bọn tham quan ô lại, sống phè phỡn trên đầu trên cổ người dân ? Không phải . Họ đòi cho con nít phải đến trường học tập cha mẹ không phải lo đóng góp cắc nào ? Không phải ? Họ đòi bênh vực những cô dâu mang thân đi bán cho người nước ngoài ở Hàn Quốc, Đài Loan ? Không phải . Họ kêu cứu cho những lao động Việt Nam đang chết tràn lan ở bên Malaysia ? Không phải nốt. Bác chẳng hiểu họ đang la hét đòi cái gì, đả đảo cái gì , đành cứ đứng trợn tròn mắt giữa đám đông sôi sục khí thế căm giận và chợt cảm thấy mình vô cùng cô đơn và lẻ loi. Thế rồi, thật lạ, chẳng hiểu sao nước mắt bác Ba Phi cứ ứa ra chứa chan .  
Ông già tóc bạc ban nãy đã quay lại, nhìn bác Ba Phi hỏi lớn :
" Sao không dzô hàng ngũ mà vẫy cờ, hô khẩu hiệu ?"
Rồi nhìn sát mặt bác Ba Phi, ông già la lên :
" Ủa...bác khóc hả ? Sao lại khóc ?"
Bác Ba Phi thật thà :
" Tôi khóc là vì tôi nghĩ chẳng biết tới bao giờ đất nước Việt Nam mình mới được  tự do biểu tình bầy tỏ bất mãn  như thế này ?"
Ông già tóc bạc kinh ngạc :
" ủa, vậy ra bác là người trong nước mới sang hả ? Hèn chi , tôi cứ thấy bác đứng ngoài lơ ngơ như ba cái thằng tàu đứng coi ta biểu tình vậy ?"
Nói rồi ông già giật lại lá cờ trong bác ba Phi :
" Nếu vậy tôi không ép bác cầm lá cờ này. Bác trả lại tôi. Nhỡ chẳng may bác phất lá cờ vàng này lên, công an cộng sản nó chụp được mai kia về nước tới sân bay Tân Sơn Nhất là nó còng tay bác liền..."
Bác Ba Phi ngạc nhiên :
" Sao sang tới bên Mỹ này cũng vẫn còn có công an cộng sản ?"
Ông già tóc bạc trợn mắt :
" Chắc là phải có chớ ! Nó có đại sứ quán ở Washington DC, lãnh sự quán ở San Francisco, Houston  kìa ? Còn công an chìm, mật vụ cộng sản hả ? Tụi nó lắm tiền nhiều bạc đi đâu chẳng được, nó trà trộn vào đây ai mà cấm được. Luật pháp Mỹ đâu có đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Bởi vậy bây giờ tụi nó mới tràn sang đây mua nhà tậu đất ở ngay Bolsa này mới chết chớ ?"
Bác Ba Phi tròn mắt :
" Thiệt vậy hả ? Biết cộng sản nó mùa đất mua nhà ở đây sao đồng bào không biểu tình phản đối ?"
Ông già tóc bạc lắc đầu :
" Phản đối sao được ? Cảnh sát Mỹ nó tới can thiệp liền. Đây là xứ sở tự do mà. Chỉ trừ ra đừng có xâm phạm tới người khác thôi, còn muốn làm gì làm ..."
Hoá ra là vậy. Hay thiệt, tự do gì tự do nhưng cũng vẫn có luật lệ , nhất là chớ có xâm phạm tới tự do của người khác. Bác Ba Phi nghĩ bụng và quay về xe ô tô, chị Kelly Thi hỏi ngay :
“ Bác coi kỹ biểu tình chưa ? Bác thấy sao ?”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Mới như cỡi ngựa xem hoa thôi. Nào đã biết họ phản đối ai và đòi cái gì đâu ?”
Chị Kelly Thi cười :
“ Họ phản đối mấy ông nhà báo in hình của cô hoạ sĩ vẽ cái chậu rửa chân bên trong có hình cờ vàng đó….”
Bác Ba Phi tá hoả :
“ Chèn đéc ôi, sao lại vẽ cờ vào cái chậu rửa chân ? Họ biểu tình phản đối là đúng rồi..”
Chị Kelly Thi lắc đầu :
“ Nhưng cô hoạ sĩ cũng có cái lý của cô ấy. Cái chậu rửa chân đối với cô là biểu tượng cao quý vì bà mẹ chồng đã dùng nó để nuôi cả gia đình vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất khi mới sang định cư bên Mỹ. Còn cờ vàng cũng là biểu tượng  thân yêu của cô ấy vì cô ấy lớn lên và thoát thai từ chế độ  cộng hoà mà ra. Bởi vậy cô ấy mới đem gộp hai cái biểu tượng thân yêu của mình vào trong một bức tranh. Nếu cô ấy treo nó trong phòng riêng thì chẳng sao, nhưng lại in lên báo cho cả cộng đồng coi thì mới nên chuyện…”
Bác Ba Phi gật đầu :
“ Phải rồi, với cô hoạ sĩ thì cái chậu rửa chân là biểu tượng thiêng liêng, nhưng với người khác thì ngược lại, nó vẫn chỉ là cái chậu rửa chân thôi. Đem lá cờ vẽ vào đó bị người ta phản đối là phải rồi, thế còn cô ? Sao cô không xuống xe phản đối ?”
Chị Kelly Thi cười cười :
“ Bác ơi…em lại giống cô hoạ sĩ trẻ kia. Cái chậu rửa chân đó cũng là biểu tượng thiêng liêng của em. Nhờ có nó em đã thoát được cảnh bị đuổi ra khỏi nhà vì bị lay off, nhờ có nó em nuôi được con gái em khôn lớn, học hành tử tế. Vậy sao em phải  phản đối nó ?”
Bác Ba Phi gật gù :
“ Ra bên này bách nhân bách tính thiệt, mà ai cũng có quyền giữ cái bản tính riêng của mình…”


                                         (còn tiếp )

0 nhận xét