Chị Kelly Thi quả quyết :
“ Chuyện đó chỉ đúng một phần . Ơ bên Mỹ ngược lại, có tiểu bang có luật đề nghị mỗi khi bị cướp khống chế không nên kháng cự quyết liệt, nguy hiểm đến tính mạng, mà khuyến cáo nạn nhân cứ nên nhẹ nhàng làm theo ý nó để bảo đảm tính mạng mình cái đã…”
Bác Ba Phi vỗ tay :
“ Hay…hay thiệt…luật thế mới là luật bảo vệ con người. Chẳng bù ở Sàigòn mỗi khi dân báo tin có cướp , mấy cha công an, dân phòng ở phường cứ ngó lơ như không nghe không thấy gì. Chờ mãi khi người dân có đơn trình lên họ mới bắt đầu “ngâm cứu” mở cuộc điều tra thì cướp đã cao chạy xa bay từ tám đời rồi…”
Chị Kelly Thi reo lên :
“ Đó…đó … nguyên nhân chính cái ác mỗi ngày tràn lan là ở đó chứ đâu ? Nhà nước bất lực, coi rẻ tài sản, tính mạng người dân, có khi còn bảo kê tham nhũng, dung dưỡng trộm cắp hoành hành …”
Bác Ba Phi thở dài :
“ Khổ nỗi toàn giở lý ra với nhau chứ mấy ai nói chuyện nhân nghĩa ?”
Buổi chiều, nấu cơm xong, chị Kelly Thi đánh xe đi đón con gái tan học .Cô bé xinh xắn, mới 9, 10 tuổi, chẳng hiểu do mẹ dặn không, vừa xuống xe, đã chạy tới trước bác Ba Phi khoanh tay cúi chào lễ phép :
“ Con chào “anh” ạ…”
Bác Ba Phi bật cười :
“ Giỏi …giỏi thiệt …ông chào con…”
Chị Kelly Thi mắng yêu :
“ Con phải nói “chào ông ạ” chứ , không phải “chào anh”!”
Cô bé chào lại theo lời mẹ rồi nhảy chân sáo vào buồng trong. Bác Ba Phi tấm tắc :
“ Cháu bé dễ thương quá mà nom nét mặt đứa nào cũng tươi roi rói và hiền hậu chứ không như ở quê nhà, mặt mũi cứ khó đăm đăm, chẳng vô tư , hồn nhiên mới lạ…”
Chị Kelly Thi cười cười :
“ Chắc vì đời sống khó khăn, thiếu thốn . Bên này con nít sướng bằng tiên. Cái ăn, cái mặc chẳng phải lo, đồ chơi đủ các loại thừa thãi, đi học đầu óc thoải mái không bị ép buộc, nhồi sọ nên lúc nào cũng hồn nhiên vui vẻ…”
Bác Ba Phi gật đầu :
“ Chị nói cũng đúng…tôi thấy ở Việt Nam con nít học hành vất vả quá …nội đeo cái cặp sách cũng đủ vẹo xương sườn chưa kể đầu óc còn bị nhồi nét đủ thứ …”
Chị Kelly Thi reo lên :
“ Hèn chi báo đăng con nít bỏ học hàng loạt. Tụi nó chịu không thấu mà. Bởi vậy nghe nói mới đây một ông nhà văn nổi tiếng trong nước cũng phải tuyên bố :” với sách giáo khoa như hiện nay tôi mà đi học như các cháu thì chính tôi cũng phải bỏ học…”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“Ngoài sách giáo khoa, phụ huynh còn phải đóng khoản tiền lớn nữa kìa. Trong khi bên này tôi nghe con Ut nhà tôi nói con nít đi học được miễn phí hoàn toàn ?”
Chị Kelly Thi gật đầu :
“ Vậy mới nói nước Mỹ là thiên đàng cho con nít mà !”
Rồi chị cười to :
“ Thiên đàng thiệt chớ không phải “thiên đàng mù” như tiểu thuyết của bà Dương Thu Hương đâu ?”
Bác Ba Phi ngẩn người :
“ Bà Dương Thu Hương là ai, “thiên đàng mù” là sao ?”
Chị Kelly Thi trợn tròn cả mắt :
“ Oh My God…bác không biết Dương Thu Hương là ai thật à ? Nhà văn phản kháng số 1 đó. Bà này mạnh miệng chửi Đảng và nhà nước lắm, nổi tiếng thế giới mà bác không biết sao ?”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Làm sao biết được. Radô, tivi có thấy nhắc tới tên bả hồi nào đâu ? Mà bả chửi Đảng Nhà nước vậy mà hổng bị bắt sao ?”
Chị Kelly Thi trợn mắt :
“ Bắt sao được ? Bắt một lần rồi quốc tế phản đối dữ quá lại phải thả ra. Mà kể cũng lạ thật, bà này nổi tiếng vậy sao bác không biết bà là ai thì lạ thật ?”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Chẳng những tôi, vợ chồng thằng Đậu mà chị cứ về hỏi cả làng, cả xã coi, hổng ai biết bả là ai ?”
Chị Kelly Thi thở dài :
“ Buồn thật ! Một người kiên cường, dũng cảm vậy mà chỉ hải ngoại mới biết thì buồn cho dân mình thật đấy. …”
Bác Ba Phi an ủi :
“ Cái đó đâu phải tại dân mình. Tại Nhà nước chớ. Đài radô, tivi rồi cả báo chí nữa có bao giờ nhắc tới đâu mà bà con biết bả là ai ?”
Chị Kelly Thi lại thở dài :
“ Dân trí thấp như ngọn cỏ vậy biết đến cái thủa nào mới có dân chủ, đa nguyên đây ?”
Bác Ba Phi cười cười :
“ Tôi sang đây đi đâu cũng thấy bà con nói Việt Nam phải có “dân chủ “và ” đa nguyên” …”
Chị Kelly Thi trợn mắt :
“ Nói vậy không đúng sao ?”
Bác Ba Phi vội vàng :
“ Đúng chớ…đúng chớ…có hai cái đó nước mình mới mong mở mặt với thế giới chớ ? Có điều nước Mỹ cách xa nước Việt Nam quá nên từ đây nói về khó thấu tai người trong nước, bởi vậy có mấy ai biết dân chủ, đa nguyên là cái gì đâu ? ”
Chị Kelly Thi bật cười :
“ Không từ đây chẳng lẽ về Sàigòn đứng giữa chợ Bến Thành lên bục hô hào ? Vậy bác chưa biết công an cộng sản ghê gớm thế nào hả ? Giả dụ mình dự định về kêu gọi bà con đứng lên đòi tự do dân chủ thì chỉ mới xuống sân bay Tân Sơn Nhất là nó đã biết rồi. Về tới khách sạn chưa nóng chỗ nó đã gọi hỏi, gây khó khăn , có khi còn giữ lại chưa cho về Mỹ làm mình trễ phép mất job thì chết..”
Bác Ba Phi cũng cười theo :
“ Đã đi làm cách mạng còn sợ mất job ?”
“ Thế bác chưa biết bên này công ăn việc làm quan trọng mức nào ? Bác nhìn em nè, nhà cao cửa rộng, bước ra đường là bước lên xe …Tất cả trông vào đồng lương trả góp, mất job thì chỉ vài tháng sau là ra đường thành homeless đó…”
Chị Kelly Thi dẫn bác Ba Phi vào phòng khá rộng, tiện nghi sang trọng :
“ Bác nghỉ phòng này…phòng này trước đây là của ông xã em đó. Ong ấy đi xa lắm rồi nhưng em vẫn giữ nguyên căn phòng như khi ông ấy còn nhà…”
Bác Ba Phi nhìn lên tường thấy một tấm hình khổ lớn chụp hai vợ chồng , đứa con đứng sát nhau trong khung cảnh hạnh phúc. Bác Ba Phi chỉ tay :
“ Anh đây phải không ?”
Chị Kelly Thi gật đầu. Bác Ba Phi ngắm nghía rồi khen ngợi :
“ Nom ảnh đẹp trai và hiền hậu lắm đấy chớ ?”
Chị Kelly Thi gật đầu, giọng buồn buồn :
“ Bác nói đúng, nhà em hiền lành, hết lòng yêu thương vợ con…”
Bác Ba Phi kêu lên :
“ Vầy sao lại tan đàn xẻ nghé vậy ? Chắc có uẩn khúc gì ?”
Chị Kelly Thi lắc đầu :
“ Không, chẳng có uẩn khúc gì. Tụi em vẫn yêu thương nhau lắm…”
Bác Ba Phi lại sửng sốt :
“ Sao kỳ dzâỵ ? Yêu thương nhau mà lại chia tay ?”
Chị Kelly Thi cười buồn :
“ Bác có hay đọc truyện không ? Bác có đọc “ Anh phải sống” của nhà văn Nhất Linh không ?”
Bác Ba Phi bẽn lẽn thú nhận rằng bác chỉ quen với…văn chương truyền khẩu, kể chuyện theo cái lối người nọ sang tai người kia , còn sách báo dành cho …học trò. Chị Kelly Thi lắc đầu, kể vắn tắt chuyện hai vợ chồng thuyền chài gặp cơn lụt lớn thuyền đắm, nhà trôi, hai vợ chồng may vớ được mảnh ván chống chọi dòng nước hung dữ giữa trời nước mênh mông. Hại thay mảnh ván chỉ làm nổi đủ cho một người. Hai vợ chồng định cùng chết nhưng rồi nghĩ tới đứa con , chị vợ buông tay cho trôi theo dòng nước nói với lại :” Anh phải sống!”. Nghe kể chuyện, bác Ba Phi kêu lên :
“ Chuyện đó liên quan gì tới chị ? Bộ bên Mỹ cũng lũ lụt sao ?”
Chị Kelly Thi cười buồn :
“ Không lũ lụt vì vỡ đê nhưng cũng có những cơn lũ “ lay off” tức là mất job hàng loạt cũng kinh hoàng không thua gì nước lụt bác ạ…”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Chị nói gì tôi chưa rõ lắm ?”
Chị Kelly Thi im lặng. Dường như phải nhớ về cái thời khốn khó đó chị rất khổ tâm. Nhưng sau cùng chị cũng thở dài, lên tiếng :
“ Hồi đó hai dứa chúng em cùng làm assembler cho một Công ty, lương bổng cũng khá nên mới dám mua trả góp cái nhà này. Không ngờ được vài năm Công ty chuyển ra nước ngoài vì nhân công rẻ hơn nên hàng loạt người mất việc, trước hết là chồng em.Tuy đã biết trước nguy cơ nhưng sự việc quá đột ngột. Đúng vào dịp nghỉ week end tụi em tính đi du lịch ra biển thì chiều hôm đó, đi làm về mặt mũi chồng em xám ngoét, tóc tai bơ phờ. Em chưa kịp hỏi chuyện gì, anh đã thở dài :” Anh bị lay off rồi em ạ…”. Không biết người khác có cảm giác ra sao khi nghe tin này chứ em nói thật với bác em cứ như bị ai đánh vào đầu ..”
Bác Ba Phi ái ngại :
“ Tôi tưởng ở bên này có lương thất nghiệp cho mình sống tạm trong khi tìm việc chớ ?”
Chị Kelly Thi gật đầu :
“ Đúng vậy nhưng cũng chẳng được bao nhiêu và cũng chỉ được chỉ được vài tháng , trong khi đó thì tiền nhà, tiền xe, tiền điện, tiền bảo hiểm…đủ thứ tiền tới hạn phải nộp không thì nó phạt phải nộp thêm nữa. Giữa lúc anh ấy nghỉ việc thì trong Công ty có ông kỹ sư già thấy hoàn cảnh em liền tấn công em sát sạt. Em không giấu anh ấy chuyện này và bỏ ngoài tai những lời đề nghị của ông ta. Nhưng thời gian đi quá mau, hết 6 tháng ăn lương trợ cấp anh ấy vẫn không tìm ra việc nào khả dĩ ở cái thành phố đông người thất nghiệp này. Sau cùng anh ấy nói anh phải đi thôi, anh đi cho em có chỗ dựa mới để mà cứu lấy cái nhà, cứu lấy con gái mình . Thế là chúng em đành chấp nhận ra toà ly dị để anh ấy ra đi…”
Bác Ba Phi kêu lên :
“ Chèn đéc ôi…sao lại dại dột quá vậy ? Vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau, sông có lúc người có khúc chớ ?”
Chị Kelly Thi :
“ Cái kiểu suy nghĩ của bác chỉ đúng ở quê nhà thôi. Bên này khác bác ạ. Lúc đó anh ấy cũng hỏi em còn nhớ truyện ngắn “ Anh phải sống” chớ ? Có điều vào hoàn cảnh của anh và em lúc đó thì phải đổi lại thành “ em phải sống”. Và anh ấy đã “buông tay” cho em giữ được “miếng ván” để mà sống sót qua cơn lụt “ lay off” bác ạ…”
Bác Ba Phi thở dài :
“ Vậy bây giờ anh ấy đâu rồi ?”
“ Anh ấy ở tít trên miền Bắc nước Mỹ ở Winsconsin hiện giờ cũng đã có vợ và một đứa con trai…”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Tôi không hiểu nổi…thiệt tình tôi không hiểu nổi…”
Chị Kelly Thi bật cười :
“ Bên này còn nhiều chuyện mà với cái kiểu “tư duy trên luống cày” như bác thì còn là không hiểu …”
Tối hôm đó chị Kelly Thi nổi hứng mời bác Ba Phi đi ăn tiệm “ all you can eat”. Chị giới thiệu trước :
“ Vào đó có đủ thứ cho bác muốn ăn gì ăn…”
Bác ba Phi lắc đầu :
“ Thôi thôi…ăn vậy tốn tiền chết ..”
Chị Kelly Thi cười lắc đầu :
“ Tiệm có tới mấy trăm món, bác tha hồ ăn , ăn mệt nghỉ cũng chỉ mất mỗi người có 8 đồng thôi…”
Tiệm đông nghẹt, chị Kelly Thi vất vả mãi chưa kiếm được chỗ đậu xe. Bác Ba Phi đưa mắt nhìn ra , reo lên :
“ Kia kìa…chỗ kia trống mấy chỗ kìa…”
Chị Kelly Thi lắc đầu :
“ Không được…chỗ đó giành cho người tàn tật đó bác.”
Bác ba Phi thán phục :
“ Ghê thiệt…người tàn tật có cả chỗ đậu xe ưu tiên. Vậy mới đúng là vì con người chớ…”
(còn tiếp)
0 nhận xét