(tiếp theo)
Hôm đó chị Hai chạy về nhà nồi cám đã cháy đen, chị bực mình méc chồng. Anh Hai biết tính em gái nên mắng át vợ cấm không được lộ chuyện . Cô Ut là người có lỗi, lẽ ra cô phải xin lỗi anh chị, nhưng cô đành hanh, chẳng chịu ai bao giờ, cô giận ngược anh Hai, đổ tại anh đi mua thức ăn cho gà nên cô mới nhìn gà hoá cuốc vậy. Suốt cả tuần cô không hỏi han, nhìn mặt. Anh Hai có hỏi gì cô cũng nguây nguẩy không thèm nghe.
Cái tính cô dễ giận dễ hờn vậy cả nhà ai cũng sợ . Cứ mỗi lần cô đi học về không thấy cười cười nói nói là người nào cũng giật mình thon thót, liệu phải cô giận mình ? Từ ngày cô vượt biên, lấy chồng Mỹ rồi về thăm quê hương đôi ba lần, bác Ba Phi đã mừng vì thấy tính nết cô Ut đã đằm lại, không còn chợt vui chợt buồn, dễ giận dễ hờn như ngày xưa .
Vậy nhưng, lần này trên đất Mỹ, sau cuộc tranh luận “ chánh trị “, cô Ut đùng đùng nổi giận,mặt đỏ tía tai, bác Ba Phi mới cay đắng nhận ra tính nết cô vẫn nguyên xi ngày xưa. Cô vẫn là người hiếu thắng, quá nhạy cảm, dễ tổn thương, ai có ý kiến khác là cô đỏ mặt tía tai cãi bằng được, khi cãi không nổi thì cô giận cô hờn làm xung quanh phát hoảng.
Đúng vào lúc cô căng thẳng với bác Ba Phi thì Tommy, anh chồng Mỹ đi đâu về. Thấy mặt vợ hầm hầm anh chàng xì xồ rồi nghe xong cô Ut trả lời anh chàng giơ cả hai tay lên trời la oai oái.
Bác Ba Phi chẳng hiểu con gái và con rể nói gì , chắc đang bàn về bác, tất nhiên chẳng hay ho gì. Tuồng như tụi nó chỉ chờ bác hở ra sơ xuất là xúm lại cười cợt, chê bai hả hê. Kiểu này tụi nó có chửi cha tía nó lên thì bác cũng đành chịu, giương mắt ếch lên nghe chứ biết gì mà cãi .
Càng nghĩ bác càng tức, khoác chiếc áo ngoài xăm xăm bỏ khỏi nhà. Đường phố ở Mỹ lúc mới sang nhìn hoa cả mắt, qua ít ngày cuốc bộ cũng quen quen, hoá ra cứ nhìn theo các bảng với đèn mà đi cũng chẳng có gì ghê gớm. Bác cũng đã biết phần đường giành cho người đi bộ, biết bấm vào nút xin băng ngang, biết lúc nào được đi và chưa được đi.
Khác mọi khi vừa đi vừa ngắm phố, lần này đang giận con gái nên chẳng ngó ngàng gì tới dòng xe cộ vun vút dưới lòng đường, những ngôi nhà đóng kín mít, những cửa hàng tấp nập. Bác cứ cắm cổ đi, chẳng biết đi đâu, cứ đi cho tiêu thời gian .
Khi còn ở quê , bác tưởng tượng những ngày sang Mỹ sẽ chẳng khác gì những ngày trên thiên đàng. Nào ở trong nhà mọi người sẽ quây quần trò chuyện vui vẻ, đầm ấm, nào những bữa ăn sang trọng, toàn những sơn hào hải vị thơm ngon,lạ miệng, nào những cuộc đi thăm thú danh lam thắng cảnh nổi tiếng khắp nước Mỹ…Vậy mà chèn đéc ôi, chẳng mấy giống như tưởng tượng hồi còn ở quê, ngày này qua ngày khác, không chuyện này cũng chuyện kia, nếu không buồn phiền như hôm nay thì cũng quanh quẩn trong nhà, hết nằm lại ngồi giữa bốn bức tường giết thời gian .
Bác Ba Phi cứ vừa đi vừa nghĩ bất ngờ đâm sầm vào một bà Mỹ đen cao lớn đứng lù lù trước mặt . Bác hoảng hồn vội rối rít “só dì…só dì..” làm bà Mỹ đen cứ tròn xoe mắt chẳng biết bác nói gì. Hoá ra bác đang đứng trong trạm chờ xe buýt cũng có mái che, có băng ghế ngồi chẳng khác gì trạm xe ở Sàigòn. Thấy băng ghế trống không người , bác Ba Phi ghé ngồi cho đỡ mỏi chân.
Bác cứ ngồi như vậy bên dòng ô tô chạy loang loáng. Ghê thiệt, từ dưới quê lên Sàigòn bác đã thấy chóng mặt vì xe cộ, sang Mỹ còn ghê hơn. Chẳng biết họ đi đâu về đâu mà cứ chạy trối chết vậy ? Dễ thường dân Mỹ suốt ngày suốt đêm như con chuột đánh vòng, chẳng hiểu có lúc nào ngơi nghỉ mà ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh một mầu xanh vời vợi kia chăng ?
Bác Ba Phi tự hỏi lại tự trả lời :
“Chắc là không .”
Quả thực người bên Mỹ này tuy sướng thiệt sướng, sướng đủ mọi điều, lại thêm thời tiết mát mẻ, trời đất thoáng đãng, nhưng mà lúc nào cũng như có lửa đốt đít. Trong đầu chắc toàn những công việc, lương bổng, giá cả, hàng họ, ăn uống….tóm lại rặt những thứ làm sao cho sướng cả thôi ?
Thật chẳng bù cho người Việt đằng mình, sáng dậy lè phè một chầu cà phê, buổi trưa làm gì làm phải có ly bia , chiều về không gây độ nhậu mồm miệng nhạt thếch, tay chân rời rã…Không ô tô, cũng chẳng nhà lầu với máy lạnh, máy sưởi nhưng được cái ăn uống thả dàn chẳng lo cao máu, cao mỡ, tiểu đường, cô-lét-tê-rôn,chẳng phải kè kè bên mình ba cái máy đo quái quỉ đó…Vậy là chẳng biết “mỉu” nào sướng hơn “mỉu nào. Thôi ta về ta cứ tắm ao ta , khăn gói quả mướp lên máy bay về quê là xong .
Bác Ba Phi nở nụ cười mãn nguyện rồi mắt ríu lại , thiu thiu ngủ gật. Bác mơ thấy quảy gùi, xách mác đi săn cùng với cô Ut vào rừng U minh. Cô Ut đang còn nhỏ, mặc bộ bà ba, choàng khăn lên đầu. Trời nóng thiệt là nóng. Đi qua con kinh nước xanh mát, cô Ut dừng lại :
“ Tía chờ con bắt ít cá nghen tía…”
Nói rồi cô xắn quần, chít khăn quanh đầu lội xuống. Bác Ba Phi cũng trèo lên cây kiếm mật ong. Khi gùi đã gần đầy mật, bác tụt xuống đất ngồi dựa lưng vào gốc cây tràm, móc túi ra lấy thuốc hút phì phèo. Chợt bác trố mắt nhìn. Í mèn ôi, cô Ut đang quăng lên bờ cơ man nào cá bổi phệt, cá lóc kềnh, cá trê nộng, cá sặc bản, cá rô mề …Bác Ba Phi cất tiếng gọi cô út :
“ Về thôi con…cá nhiều quá rồi…”
Cô Ut lắc đầu :
“ Tía chờ con bắt ít con tôm về nướng tía nhậu…”
Chèn đéc ôi…, miệng cô vừa nhắc tới “tôm”, bỗng thấy từ dưới nước vụt dậy lên một cái rầm. Trời đất ơi! Tôm! Con nhỏ nghiêng mặt né tránh .Nào là tôm càng, tôm thẻ, tôm đất, tôm lóng … phóng lên ghim ngập gai vô chiếc khăn trùm đầu của nó, đuôi chỏng ra ngoài lách chách. Cái đầu của cô Út lúc lắc những tôm là tôm nom chẳng khác đang đội mớ san hô trên đầu .
Bác Ba Phi vội chạy tới gỡ ra từng con được đầy một rổ. Gió đâu bỗng ào ào thổi tới. Rồi nghe có tiếng lửa cháy đùng đùng …cháy rừng…cháy rừng…Đi rừng mà gặp lửa cháy thì phải mau mau đào đất thấp, chui xuống dưới hoặc trèo lên những cây thật cao, chờ lửa cháy ào qua chớ không phương nào chạy kịp. Cô Ut đã nhảy ào xuống kinh miệng la toáng :
“ Tía trèo lên cây đi tía…”
Bác ba Phi lập tức quăng bỏ gùi mật ong, bỏ cây mác còn lại và tìm được một cây, trèo lên tuột xuống. Í trời, cây gì mà trơn chuồi, thót lên ba phóng thì bị tuột trở xuống hết hai. Nhưng mà lửa cháy đã tới gần, bác phải cố trèo. Trèo lên vừa tới chỗ cháng hai thì lửa cũng vừa cháy tới, nhưng chỗ cháng hai cái cây sao có nhiều mảnh dầm lười xười tách ra đâm tay bác đau quá. Mặc dù mỏi run tay nhưng ngó xuống thấy lửa đã cháy tới phía dưới, bác đâu có dám buông tay.
Ngọn lửa bốc cao ngất trời, táp tới ầm ầm, như một trận bão. Lửa cháy qua rồi, bác định tụt xuống, nhưng sao nghe cái cây động đậy. Rồi ngay chỗ cháng hai lại mọc ra nhánh chà cây quơ qua quơ lại, cào cào vào đầu bác. Bác thụt xuống chút nữa. Cái cây kia cứ ngoéo xuống quét vào đầu , vào cổ . Nó còn trây vào mình bác một thứ gì nhớt nhợt như nước miếng.
Trời đất! Chỗ cháng hai sao lại có hai cái mu lồi ra láng bóng và rực sáng như đèn xe hơi. Thế rồi khi không hai cây khép lại, mở ra nghe bầm bập... Chèn đéc ôi, hoá ra không phải cây mà là con trăn khổng lồ.
Hồn vía lên mây, tay chân rũ liệt, bác ngã người ra, sút tay rớt luôn xuống đất. Hai lỗ tai nghe vo vo, mắt nhắm híp lại, phó mặc số mạng cho trời đất. Khi rớt xuống tới đất, bác thấy "cái cây" bắt đầu bò đi, le lưỡi, thổi hơi phèo phèo. Vừa lúc đó bác mở choàng mắt vì có ai đó đập đập vào người. Chèn đéc ôi, cô Ut đã biến thành một người đàn bà mập thù lù, đen xì xì…
Giấc mơ rừng U Minh với cô Ut trong trận cháy rừng biến đâu mất. Hoá ra bác đang ở hè phố nước Mỹ cuồn cuộn xe cộ, chót vót nhà tầng chứ chẳng phải trong rừng với những cây tràm, cây sú , cây trâm bầu quen thuộc. Một bà Mỹ đen ngồi cạnh bác từ lúc nào đập tay vào bác rồi chỉ chỉ vào chiếc xe buýt vừa đậu sát hè đường miệng xí lô xí la điều gì bác chẳng biết.
Bất chợt người đàn ông lái xe buýt mở cửa xe đập đập tay ra hiệu cho bác chuyện gì đó. Bác Ba Phi thầm reo lên . À thôi phải rồi. Ong hỏi bác có muốn lên xe không chứ gì ? ừ thì lên xe cho nó chạy vòng vòng “tham quan” thành phố Mỹ cái coi. Bất quá mất mấy đô la chứ mấy.
Thế là đang từ trèo cây trong rừng U Minh, bác Ba Phi chuyển sang ngồi xe hơi giữa thành phố Mỹ. Thật là một cuộc chuyển đổi vĩ đại qua hai đầu quả địa cầu, có nằm mơ cũng chẳng thấy. Nghĩ vậy , bác Ba Phi đứng dậy trèo lên xe .
Ai chà…xe buýt Mỹ có khác, chỗ ngồi rộng rãi, trần xe cao và thoáng, hơi mát máy lạnh thoang thoảng…Bác chưa kịp nhìn kỹ xung quanh, một bà mập da đen bước tới cầm tập vé trong tay xí la xí lô. À thôi phải rồi, bà ta bắt mình mua vé đây. Chẳng hiểu bà ta nói gì, bác ba Phi cứ “ô kê…ô kê…” rối rít rồi móc ra đưa cho bà tờ 10 đô la. Bà ta đưa cho bác một tờ vé và một nắm tiền thối.
Chiếc xe buýt lại chạy tiếp trên đường phố Mỹ. Bác Ba Phi khoan khoái ngồi ruỗi người trên chiếc ghế rộng rinh. Thỉnh thoảng xe buýt ghé trạm đón người . Có khác gì Sàigòn . Khác mỗi cái toàn tây đầm và người lên xuống văn minh lịch sự lắm. Con nít, người già luôn được nhường nhịn chứ chẳng bị chen lấn, xô đẩy hoặc chửi bới “thằng già mắc dịch” như ở nhà.
Chiếc xe buýt cứ thế chạy qua các trạm, phố xá cứ rối mù, chẳng còn biết đầu tỉnh hay cuối tỉnh . Nhà cô Ut lúc này cũng mất hút sau lưng. Bác Ba Phi thoáng lo lắng. Thôi chết, kiểu này không khéo lạc thì chết. Làm sao giờ ?
Bác chợt nhớ ra cái “name card” của cô Ut vẫn cất kỹ ở trong ví. Hoá ra cô Ut đã phòng xa, sợ cha có vui chân đi lạc thì gọi điện cho cô tới đón. Vậy thì có gì mà sợ. Đó, ở Mỹ người ta lo xa, phòng hờ kỹ lưỡng vậy đó. Vậy thì bác cứ yên tâm ngồi xe buýt, đi đây đi đó thoải mái, lúc nào cần về cứ gọi điện cho cô Ut. Vả lại nói phòng xa vậy thôi, cứ đi hết tuyến xe buýt, chơi cho chán rồi lại lên xe buýt quay ngược về. Lo gì….Thế là bác ba Phi yên tâm ngồi ngắm phố xá qua kính xe.
Chiếc xe buýt lại ghé vào một trạm. Một ông già mang kính đen, dáng người châu Á leo lên xe, nhìn xung quanh rồi bước tới ghé ngồi ngay cạnh bác Ba Phi. Cha này chắc người Nhật Bổn, Đài Loan đây. Bác Ba Phi đoán già đoán non. Bất đồ ông già giở kính ra nhìn lom lom vào mặt bác :
“ Ong người Việt ?”
Bác Ba Phi ngớ người :
“ Vậy ra bác…bác cũng người Việt ?”
Ong già bật cười ha hả :
“ Thì cũng người Việt đằng mình cả thôi…Nào bắt tay cái…”
Bác Ba Phi không ưa cái lão này chút nào. Người lão gầy nhẳng, choắt cheo, thoạt nhìn tưởng già mà thật ra mới khoảng ngoài 50 . Cái nhìn của lão tinh quái, muốn xăm xoi vào gan vào ruột người ta khiến bác khó chịu quay ra ngoài cửa xe nhìn phố xá.Phải đó, thà nhìn cửa hàng, cửa hiệu, trạm xăng…còn hơn nhìn cái mặt câng câng của lão.Vậy nhưng lão đâu chịu tha, lão đập tay vào bác, hỏi chuyện :
“ Mới sang Mỹ hay sao thích ngắm nghía thế ?”
A…lão nói giọng Bắc Kỳ đặc sệt, chắc lại dân “đuổi Tây quá đà “ thừa thắng chạy vô Nam năm 54, rồi lại “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” tuốt sang đây năm 75 chớ gì ? Bác Ba Phi không trả lời, chăm chú nhìn theo cái rơ mooc y như toa xe lửa nhưng nhìn kỹ hoá ra cái nhà, bên trong có cả bếp, cả phòng ngủ. Thấy vậy, lão già nói giọng hướng dẫn viên du lịch :
“ Cái đó Mỹ nó kêu bằng mobile home , nhà lưu động đó. Dân giang hồ ham chơi quên quê hương, dân thích xê dịch kiểu ông nhà văn Nguyễn Tuân là khoái nhất. Nó y như nhà mình vậy, có đủ cả hố xí, hố đái, buồng tắm, bếp nấu ăn, máy lạnh, máy sưởi …cứ anh hùng nhất khoảnh vậy kéo đi khắp nước Mỹ.Thích đâu dừng đó. Khỏi lo công an khu vực, khỏi lo họp tổ dân phố…ha ha …ha ha…”
Lão cười khoái trá in như thoát được công an với tổ dân phố làm lão sướng như lên tiên vậy đó ? Bác Ba Phi không nén nổi tò mò :
“ Vậy rồi rác rến, cứt đái….giải quyết sao ? Không lẽ thải ra rừng ? Lại còn điện đóm, nước nôi nữa ?”
Lão già nhìn lom lom vào mặt bác Ba Phi phá ra cười :
“ Hoá ra ông là dân “miền đù” mới sang Mỹ hả ?”
Bác Ba Phi ngớ ra :
“ Miền “đù” là miền quỷ gì ?”
“ Ha ha ha…miền đù là cái miền đù…má đó mà. Tại các bác hay nói tiếng Đan Mạch nên dân Bắc Kỳ nó gọi các bác là dân miền…đù…ha ha ha…”
Bác Ba Phi tức quá , nổi đoá :
“ Đù…má nó…nói láo…đúng là Bắc Kỳ ăn cá rô phi…ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc Kỳ…”
Lão già cười phá :
“ Đó…đó… lại …đù nữa rồi…bởi vậy nó gọi các bác là dân miền “đù” đâu có oan ? Lại còn cãi nữa ?”
Bác Ba Phi bật cười, cái lão này kể ra cũng vui vui, kiếm được thằng cha như vầy trên đất Mỹ để chuyện tào lao kể cũng khó. Bởi vậy bác quay sang bắt chuyện :
“ Ong rành nước Mỹ quá ta. Chắc ông vượt biên sang đây từ lâu và đã có quốc tịch Mỹ ?”
Lão già lắc quày quạy :
“ Chưa…chưa đâu…tôi cũng là “phó thường dân như bác thôi…”
(còn tiếp)
0 nhận xét