Open top menu
Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Cui cùng thì ông Mai Quc Liên
đã công nhn min Nam có văn hoá 
   Nht Tiến

Nhà xuất bản Huyền Trân vừa chuyển cho tôi mấy cái Email liên tiếp quanh vụ “Văn nghệ Sĩ miền Nam tham dự khóa bồi dưỡng chính trị” mùa hè năm 1976 tại Sài Gòn, do một người viết ký tên “Người Việt ĐCPN” nhắc lại qua chủ đề “Nên sám hối nếu nói như thế” để chất vấn ông Mai Quốc Liên khi ông tuyên bố trong khóa bồi dưỡng kể trên rằng “Miền Nam các anh các chị làm gì có văn hóa!”

Trong một Email mới nhất đề ngày 20 tháng 11-2012, gửi đi từ tòa soạn báo Hồn Việt tức Tạp chí điện tử Hồn Việt có trụ sở ở đường Trần Quốc Thảo, Quận 3, Sài Gòn (do ông Mai Quốc Liên làm Tổng Biên Tập), ông Mai Quốc Liên đã trả lời “Người Việt ĐCPN” mấy điều tóm tắt như sau:

- Ông Nhật Tiến bịa nhưng không khôn. Lâu quá rồi, 40 năm rồi, không có ghi âm, ghi chép bằng trí nhớ và sự thù hận của ông, để câu khách thì ông tha hồ bịa.

- Khi đó, tôi là 1 cán bộ thường, ngoài Đảng, tôi có phải lãnh đạo đâu mà dám nói câu giáng bề trên: “Khóa học này mở ra để các anh, các chị hiểu biết về xã hội mới thôi, chứ đừng trông mong gì vào việc cầm bút trở lại”.

- Còn “bởi vì miền Namcác anh, các chị làm gì có văn hóa” thì là 1 câu ngu ngốc mà không ai dại gì nói! Nên nhớ tôi là 1 người nghiên cứu văn hóa cổ - Hán Nôm- là chính, mà lúc ấy tôi còn khá trẻ, tôi phải biết ở SG có những nhà nghiên cứu nào chứ (như Trần Ngọc Ninh – không kể người viết văn)

- Chắc là hồi đó có sự hiểu lầm trong phát biểu sao đó, tôi cũng không còn nhớ.
***
Tôi xin trả lời từng điểm một, không phải vì lý do tôi muốn tranh cãi với một người như ông Mai Quốc Liên, nhưng đối với những độc giả vốn đã từng đọc tôi từ 60 năm qua, tôi không thể làm phụ lòng tin cậy của họ khi nghe có người kết án tôi là “bịa chuyện” để ‘câu khách”(Nghe sao nó “lùn” và ấu trĩ đến thế!).

Vâng, tôi không thể để bỏ qua câu chuyện liên hệ tới vấn đề văn hóa ở miền Nam trước 1975 này, dù nó đã từng xẩy ra 40 năm trước và cho dù thời đó chẳng có máy ghi âm, chỉ ghi chép bằng trí nhớ. Các Cụ ta ngày xưa đâu có máy ghi âm mà biết bao nhiêu giai thoại văn chương, bao nhiêu chứng tích lịch sử, văn hóa từ cả ngàn năm trước vẫn còn lưu truyền cho tới nay. Chẳng lẽ ông Mai Quốc Liên cũng lấy cớ không có máy móc mà đòi xổ toẹt hết cả hay sao? Rồi ông lại còn bảo tôi vì ‘thù hận”. Làm sao tôi lại thù hận đích cái tên của ông được, trong khi ông ngồi quan sát sinh hoạt của Tổ Văn, Thơ trong Khóa Bồi dưỡng Chính trị, không xưng tên tuổi, chúng tôi chẳng biết ông là ai, đến từ đâu.

Rồi ngay cả khi ông buông một câu xanh rờn “Miền Nam làm gì có văn hóa” thì chúng tôi cũng còn chưa biết kẻ tuyên bố như thế là ai? Cho đến khi Ban Chủ tọa tuyên bố nghỉ giải lao, ra sân rồi hỏi ra mới biết đến cái tên “Mai Quốc Liên” mà tôi được nghe lần đầu. Như vậy thì giữa tôi với ông đâu có gì liên đới để đến nỗi sinh thù hận làm tôi phải “bịa chuyện” cho ông như thế!

Trước sau, tôi chỉ đòi trả lại sự công bằng cho những người đã từng hao tâm, tổn trí trong nhiều năm đã gây dựng nên một nền văn hóa được gọi là “Văn Hóa Miền Nam trước năm 1975” mà thôi.

Sau đây tôi xin đi sâu vào mấy điểm mà ông Mai Quốc Liên đã nêu ra:

1) Ông Mai Quốc Liên nói rằng tôi bịa một câu chuyện đã lâu tới 40 năm, không có ghi âm, chỉ ghi chép bằng trí nhớ và sự thù hận của tôi và để “câu khách” chắc là ám chỉ mấy cuốn sách của tôi vừa mới ra.

Xin thưa rằng, câu chuyện này không phải chỉ được nói ra trong thời điểm này 2012, trong cuốn Hành Trình Chữ Nghĩa và Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác vừa được phát hành trong năm nay.

Nhưng hơn 30 năm trước, nhà văn Hồ Trường An ở Paris, nhà văn Tuấn Huy ở California cũng đã tường thuật quanh đề tài “Khóa bồi dưỡng chính trị cho Văn nghệ sĩ miền Nam ngay sau khi chế độ miền Nam sụp đổ”. Rồi trong thời gian cộng tác với tờ tuần báo Việt Tide xuất bản ở Nam Cali (2001-2010), tôi cũng đã từng nhắc lại chuyện này trong mục Sổ Tay Văn Học, mà vào thời kỳ đó Việt Tide cũng đã có bản digital, độc giả có thể coi dễ dàng trên internet.

Lại nữa, trên đài Little Saigon ở Nam Cali, một thời gian dài đã phát thanh về tới VN, trong đó ký giả Đinh Quang Anh Thái cũng đã phỏng vấn tôi về khóa Bồi Dưỡng Chính Trị này. Thế mà ông Mai Quốc Liên chưa bao giờ lên tiếng cải chính được lấy một lời!

Mặt khác, khi “bịa chuyện” thì ai dại gì đi bịa một chuyện có sự hiện diện đầy đủ các nhà văn, nhà thơ tên tuổi tham dự khóa học mà ai cũng có thể dễ dàng kiểm chứng, nhất là khi loạt bài của Hồ Trường An, của Tuấn Huy in ra từ hơn 30 năm trước, dữ kiện còn rất mới trong tâm trí mọi người.

Tôi xin kể tên những vị sau đây đã chứng kiến việc Mai Quốc Liên nhục mạ văn hóa miền Nam nhân trả lời nhà văn Nguyễn Thị Hoàng khi cô này ví mình như trẻ sơ sinh (mới giải phóng có 1 năm, so với các anh đã từng vượt Trường Sơn trước đó nhiều năm), cần thời gian học tập để viết trở lại. Đó là các vị: Nguyễn thị Vinh, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn thị Thụy Vũ, Lệ Hằng, Tường Linh, Phạm Thiên Thư, Đỗ Phương Khanh, Vũ Hạnh, Nguyễn Hữu Đống, Hồ Trường An, Tuấn Huy….và nhiều vị khác nữa, nhất thời tôi không thể liệt kê ra hết.

2) Ông Mai Quốc Liên nói khi đó, ông là 1 cán bộ thường, ngoài Đảng, có phải lãnh đạo đâu mà dám nói câu giáng bề trên: “Khóa học này mở ra để các anh, các chị hiểu biết về xã hội mới thôi, chứ đừng trông mong gì vào việc cầm bút trở lại”.

Về sự kiện ông Mai Quốc Liên chỉ là một cán bộ thường, ngoài Đảng thì có lẽ là đúng. Cho nên ngay sau khi ông tuyên bố câu nhục mạ văn hóa miền Nam và bị nhiều người phản ứng, ban Chủ tọa khóa học đã tuyên bố nghỉ giải lao ngay lập tức, và chiều hôm đó, Mai Quốc Liên không được tham dự nữa với lời giải thích của chủ tọa đoàn:

“Mai Quốc Liên chỉ tham dự với tư cách dự thính, không có quyền phát biểu”!

3) Người phản ứng đầu tiên ngay sau khi Mai Quốc Liên buông câu nhục mạ là nhà văn Đỗ Phương Khanh, biên tập viên các báo Dân Chủ, Hòa Bình, Tân Phong, Đông Phương, Thiếu Nhi. Đỗ Phương Khanh đã đứng phắt dậy, chỉ vào mặt Mai Quốc Liên và cao giọng:

“Anh vào Nam bao lâu, đọc được bao nhiêu cuốn sách rồi mà anh nói miền Nam không có văn hóa....Có một cuốn sách rất mỏng là cuốn Những Giọt Mực của Lê Tất Điều, anh đã đọc chưa?”

Mai Quốc Liên không thể trả lời câu hỏi này, trong khi tôi và Nguyễn Thụy Long cùng đứng dậy để chất vấn thêm về câu tuyên bố mục hạ vô nhân này, nhưng Chủ tọa đoàn đã vội vã tuyên bố nghỉ giải lao vì bầu không khí sục sôi của nhiều người tham dự.

Một cán bộ, tôi không nhớ tên, đã tới ngay bên Nguyễn Thụy Long để kè anh đi ra. Còn tôi cũng bị nhà văn Vũ Hạnh kèm sát ra sân sau và nói:

“Anh đừng có nóng! Anh phản ứng như thế người ta sẽ cho là anh phá hoại khóa học”. (Nhà văn Vũ Hạnh hiện còn sinh sống ở Sài Gòn)

Với tất cả những chi tiết cùng những nhân chứng có tên tuổi kể trên, ta có thể coi là “bịa chuyện” để “câu khách” được chăng?

4) Ông Mai Quốc Liên cuối cùng cũng đã thú nhận rằng:

“Chắc là hồi đó có sự hiểu lầm trong phát biểu sao đó, tôi cũng không còn nhớ.” Và “….tôi là 1 người nghiên cứu văn hóa cổ - Hán Nôm- là chính, mà lúc ấy tôi còn khá trẻ, tôi phải biết ở SG có những nhà nghiên cứu nào chứ (như Trần Ngọc Ninh – không kể người viết văn)”

Nghiên cứu văn hóa cổ - Hán Nôm - là chính mà chỉ liệt kê được có mỗi một tên Trần Ngọc Ninh, trong khi còn nhiều tên tuổi lẫy lừng khác thuộc lãnh vực này của miền Nam thì không nhắc tới, thì tôi cũng có thế đánh giá khả năng hiểu biết của ông Mai Quốc Liên ở mức độ nào rồi.

Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện bên lề. Điều chính yếu, thật tình tôi chỉ muốn nghe, cần nghe là ông Mai Quốc Liên công khai thú nhận rằng “Miền Nam có Văn Hóa”.

Và cho tới bây giờ, ông đã phải công nhận rằng: “bởi vì miền Nam các anh, các chị làm gì có văn hóa” thì là 1 câu ngu ngốc mà không ai dại gì nói!”.

Đúng trăm phần trăm! Chỉ những kẻ ngu dốt, dại dột mới nói lên câu đó. Đây chính là lời của ông Mai Quốc Liên phát biểu năm 2012.

Rất đáng tiếc là tôi đã chờ câu nói này suốt 40 năm qua, sau các bài báo của chính tôi, của Hồ Trường An, của Tuấn Huy..v..v.. mà ông vẫn giữ im lặng. Phải chi ông lên tiếng sớm hơn thì tôi đã không nhắc đến chuyện này trong cuốn sách mới ra của tôi. Không phải là tôi mong mỏi kết hợp, hòa giải gì với những người cầm bút cực đoan như ông, và tôi cũng không trông mong gì ở cái sự nhà nước giang tay đón các văn nghệ sĩ trở về hợp tác với chế độ.

Khi đất nước còn dậy trời tiếng kêu than của dân oan, khi các thanh niên, sinh viên, các người VN yêu nước chỉ vì lên tiếng đòi bảo toàn lãnh thổ mà còn bị cầm tù…thì tôi không thấy cần phải tự hỏi “Tại sao dân tộc, đất nước chúng ta suy vi đến thế về đạo đức từ người lãnh đạo đất nước đến giới trẻ tương lai của dân tộc....” như vị ký tên “Người Việt ĐCPN” nêu ra trong E-mail, nhưng tôi phải cám ơn vị này, vì lòng công chính đối với vấn đề văn hóa nên ông đã bức xúc lên tiếng, đòi hỏi kẻ nào hỗn hào với văn hóa phải thành tâm mà xin tạ lỗi.
Nhật Tiến
Garden Grove, Californiangày 20-12-2012



Tagged

0 nhận xét