(Kênh 13) – Một ngôi làng cổ tròn trịa nghìn năm tuổi nép mình bình yên bên hai dòng sông Cầu – Máng với những ngôi nhà gỗ mốc mác rêu xanh.
Người lạ ai lọt vào ngôi làng cổ này cũng khó thoát khỏi những ngỡ ngàng tựa hoài cổ xa xưa của màu thời gian.
Anh bạn tôi, họa sĩ Đinh Công Khải nổi danh làng hội họa Sài Gòn. Cái tài giúp anh nổi danh không phải điều gì cao siêu, mà bởi anh tìm ra được sự mới lạ trong những ngôi làng cổ của Việt Nam. Và lần này không biết do đâu, anh lại tìm ra làng cổ Xuân Phương, Phú Bình, Thái Nguyên.
Trầm mặc làng cổ
Tôi ngờ rằng, ở miền Bắc khó có ngôi làng cổ nào khoảng vài trăm năm tuổi chứ chẳng cần nói đến nghìn năm xa lạ. Cùng lắm là những làng thời thuộc Pháp như làng Nha Xá (Hà Nam) hay Cự Đà (Hà Nội), thảng hoặc lâu hơn tí nữa là đất hai vua Đường Lâm.
Đằng này, nghe họa sĩ Khải nói làng nghìn năm tuổi mới khó tin. Gọi điện cho một cán bộ ở Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, ThS Lương Thị Duyên mới xác nhận đúng là Xuân Phương là làng cổ nghìn năm. Chứng tích còn lại là hai cây cổ thụ, hai ngôi đình làng và hàng chục ngôi nhà gỗ mốc mác rêu xanh. Mà nhà nào cũng có gia phả, lịch sử xây dựng lẫn trùng tu rõ từng năm từng tháng.
Vẻ đẹp Xuân Phương mở ra trước mắt chúng tôi. Tuy có những ngôi nhà cao tầng bụng chửa bụng thóp phình ra hóp vào và nặng chình chịch xen kẽ những ngôi nhà thấp le te tồi tàn nhưng cái hồn cốt của làng cổ vẫn đoạt phần lấn át. Bụi tre làng ngả bóng bên sông Cầu đời nối đời khiến cho ngôi làng càng thêm trầm mặc.
Họa sĩ Khải bảo: “Chỉ có thời gian mới là gã họa sĩ tài tình nhất để vẽ ra những mảng màu pha trộn nắng gió. Những bức tranh tôi vẽ ở ngôi làng này không lột tả hết được “phần hồn” già nua cũ kỹ quý hiếm này”.
Đường làng Xuân Phương đâu cũng bé tin hin, chỉ đủ vừa một chiếc xe ngựa lắt léo đi qua. Làng hình bàn cờ. Ô cờ là những khóm nhà vài ba bốn cái chụm lại, lưng quay chung mặt hướng ra đường. Những bức tường mấy trăm năm trước được tôn tạo giờ hoen hoẻn rữa bột màu đỏ sậm. Có những chỗ lại đen sì màu rêu chết tưởng như mấy trăm đời sống ký sinh vào đó.
Tuy đường làng Xuân Phương đã bê tông hoá theo dự án Nông thôn mới, nhưng những lắt léo vắt vẻo của làng cổ thì chẳng lẫn vào đâu. ThS Lương Thị Duyên bảo: “Các cụ trong làng xưa phải là những thầy đồ uyên thâm lắm mới tạo cho làng hình hài chữ nghĩa vậy.
Những con ngõ nhỏ tưởng vô tình nhưng đầy dụng ý. Có những ngõ mang hình chữ Thiên, chữ Bát, chữ Không, cả chữ Nhẫn, chữ Tâm. Ngõ là lối đi, nhưng cũng là lối sống thâm nho xưa của các cụ đồ làng.
Những nếp nhà xưa cũ
Men theo đường làng, chúng tôi ghé qua nhà cụ Hoàng Thị Nhi (97 tuổi). Trước thềm, cụ Nhi đang lọ mọ tẽ ngô cho gà. Ngôi nhà gỗ cũ kỹ cụ đang ở đến nay cũng đã gần 20 đời trú ngụ.
Cụ Nhi rót nước mời khách xong thì khom lưng lấy cuốn gia phả toàn chữ Nho cất kỹ trong tủ. “Nhà xây gần 1.000 năm trước rồi. Cứ hỏng lại trùng tu cho nhà luôn mới và chắc chắn. 50 năm trước ông nhà tôi cho xây gạch ở hai đầu chái, còn ba gian giữa giữ nguyên cột kèo không thay thứ gì”.
Ngôi nhà 5 gian đặt trên một gò đất cao theo thuyết phong thủy. 24 chiếc cột chia làm bốn vì đẽo gọt từ gỗ Nhặm tía. Những rồng phượng thời Lý, thời Trần khắc tỉ mỉ đến từng cái vuốt, cái răng trên kèo nhà.
Tôi để ý phía trong mỗi cái kèo đều có những chữ Nho mà đồ rằng, là những đối thơ hay triết lý cuộc sống. Nhưng các cụ không phô chữ khoe khoang mà khéo léo ẩn phía trong kèo để ai quý chữ, hiểu đời thì hẵng đọc hẵng ngẫm.
Họa sĩ Đinh Công Khải cho rằng: “Hầu hết các nếp nhà cũ ở làng Xuân Phương đều theo lối kiến trúc kẻ truyền, soi vẽ, kênh bong với các hình đầu rồng, hoa lá tứ quý. Riêng về kiến trúc này thì phổ biến nhưng cũng chỉ còn ở ngôi làng này mà thôi. Các nơi khác cũng còn, nhưng hiếm lắm mới có một nhà”.
Ông Dương Đình Tiến, Phụ trách văn hoá của xã Xuân Phương bảo: “Cả làng còn trên chục ngôi nhà như vậy. Các chân cột đều bằng đá hộp xanh, cột lim và ngay cả hai ngôi đình cổ được xếp hạng văn hoá Quốc gia cũng giống kiến trúc của nhà dân”.
Cách nhà cụ Nhi không xa, cụ Nguyễn Khắc Nghiên cũng đang sở hữu ngôi nhà cổ đẹp mắt nhất nhì làng. Mặt trước ngôi nhà có 3 cửa ra vào ứng với 3 bậc thềm lên xuống. Cửa sổ theo lối cổ bản song cuốn vòm kiểu tò vò. Mặt tường sau nhà xây gạch Đáp Cầu vuông thành sắc cạnh trát loại vữa lạ lùng là tro tranh với vỏ hến nghiền nhỏ.
Cụ Nghiên thổ lộ: “Năm ngoái, có thằng buôn nhà cổ lên trả bộ khung này 1,2 tỷ. Con cái đứa nào cũng muốn bán nhưng già này không chịu. Già bảo, khi nào con cá nó sống trên cây thì hẵng bán đi. Nếp nhà xưa cũng là nếp sống, tính người. Bán nhà đi khác nào bán cả tông ti họ hàng”.
Cổng làng độc nhất vô nhị
Nói về làng cổ Xuân Phương mà chỉ nói tới những nếp nhà có lẽ chưa đủ. Phải kể qua một chút về cái cổng làng mà tôi nghĩ chẳng đâu có được. Cổng làng thì bao giờ cũng là cổng xây gạch, nhưng Xuân Phương lại có cái cổng bằng hai cây đa cổ thụ lạ lùng.
Hai cây đa này chưa đến nghìn tuổi nhưng cũng trên 700 năm. Một cây là vợ, một cây là chồng. Hai cây nối liền xoắn xuýt vào nhau tạo thành một cái vòm cổng huyền bí. Các cụ trong làng bảo, cổng là do giời làm chứ người không thể làm được. Cho nên, hễ cành đa gẫy rơi về phía nào, thì y như rằng ba ngày sau phía ấy có người chết.
Cổng làng cũng là nơi mọi người trú nắng trú mưa. Ở hai bên gốc cây đa có những rãnh sâu vào trong như một ngôi nhà nhỏ. Nên khi đi qua chẳng may trời mưa thì người làng cứ chạy vào đó. Cổng làng cổ cũng là nơi tránh bom của bộ đội thời chiến.
Cách hai cây đa cổ này là một cây lim tròn chẵn 1.000 năm tuổi. Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên cũng đã chụp ảnh giới thiệu trưng bày. Nhưng tịnh không ai đề xuất thành cây di sản để bảo tồn. Hỏi ra mới vỡ nhẽ đó là cây lim thần trước đình Xuân La. Không tự nhiên mà cây tồn tại được 1.000 năm ở đó, phải có một mầu nhiệm nào rất khó lý giải khi có thời, bom đã cày nát cả ngôi đình hòng giết hại Việt Minh và dân thường.
Cái cảm giác ngỡ ngàng lẫn những thơ thẩn khi đứng giữa làng cổ Xuân Phương đã níu chúng tôi không muốn bước qua cánh cổng lạ kia để sang thế giới hiện tại. Những nếp nhà gỗ bạc màu thời gian như đã nói được tất cả, nhưng chỉ cần bước qua cổng làng thì mọi chuyện đã khác.
“Rất ít người biết đến ngôi làng cổ ở Xuân Phương. Phần vì người dân nơi đây không thích ồn ào, thứ nữa là họ bảo quản ngôi nhà rất tốt. Bảo tảng tỉnh cũng đã khảo sát, lên phương án bảo tồn nhưng không ai có thể bảo tồn tốt hơn chính gia chủ của ngôi nhà”.
Ông Dương Nghĩa Định (Chủ tịch UBND xã Xuân Phương)
(Trí Thức)
Cây đa thần, rơi cành phía nào, phía đó có người chết
0 nhận xét