(tiếp theo)
Nhà văn Nguyên Ngọc:
những suy nghĩ và hành động trong
cao trào văn nghệ phản kháng
Nhà văn Nguyên Ngọc (tên thật là Nguyễn văn Báu), sinh năm 1932 tại Quảng Nam. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập quân đội năm 1950. Tốt nghiệp trường Lục quân Khu 5, tham gia chiến trường một thời gian rồi trở thành phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân, khu 5. Tác phẩm đầu tay “Đất nước đứng lên “ xuất bản năm 1956 viết về cuộc chiến đấu của một thanh niên thuộc bộ lạc Bahnar tên là Núp và dân làng Kông Hoa, được trao giải nhất về tiểu thuyết thuộc giải Văn Học 1954-1955 của Hội Văn Nghệ Việt Nam (miền Bắc). Sau đó in tiếp những tác phẩm như: Mạch Nước Ngầm, Rẻo Cao, Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Đất Quảng. Năm 1962, là chủ tịch Chi Hội Văn Nghệ Giải Phóng miền Nam Trung Bộ và phụ trách tờ báo Văn Nghệ Quân Giải Phóng Khu 5, sáng tác với những bút hiệu khác như Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Kim.
Sau 1975, ông ra Hà nội, công tác ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, rồi phụ trách Ban Thường Vụ Hội Nhà Văn V.N trong cương vị Bí thư Đảng Đoàn. Nhìn lại quá trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ 1956 đến l975, Nguyễn văn Long trong Tự Điển Văn Học V.N. đã nêu nhận định :
“Sự quan tâm hàng đầu đến những vấn đề có ý nghĩa trọng đại lịch sử của dân tộc và cách mạng cùng với niềm say mê những tính cách anh hùng khiến cho tác phẩm của Nguyên Ngọc mang tính chất hùng tráng lại đậm nét trữ tình và chất lý tưởng .”
Sau năm 1975, trong sự tan rã của chế độ VNCH miền Nam, và trước những vấn đề nẩy sinh trong cuộc thống nhất đất nước do sự hòa nhập ồ ạt của dân chúng hai miền Nam Bắc sau hơn một phần tư thế kỷ cách biệt vì chia cắt, người cầm bút nói chung đã phải đối diện với những thực tế ngày càng gay gắt. Vấn đề khả năng quản lý và lãnh đạo của các cán bộ miền Bắc trong sinh hoạt xã hội miền Nam. Vấn đề cải tạo Công Thương Nghiệp Tư Bản Tư doanh. Vấn đề tù nhân Cải tạo với sự dính líu liên hệ gia đình của nhân dân cả hai miền. Vấn đề thất bại thảm thương của chiến dịch vận động đi Kinh tế mới (lý thuyết thì rất hay ho nhưng thực tế là cả một sự đầy đọa quần chúng trong tinh thần vô trách nhiệm). Vấn đề thuyền nhân ồ ạt ra đi. Vấn đề hủ hóa của những con người đã từng đóng góp tích cực cho cách mạng. Và đời sống xã hội ngày càng đi xuống về cả mặt vật chất lần tinh thần. Đó là những lý do mà sau 1975, giới cầm bút đã không đưa ra được những tác phẩm có giá trị tiêu biểu, tương xứng với “thành quả vĩ đại” mà chế độ miền Bắc đã đạt được sau cuộc chiến thắng mùa xuân 1975.
Rõ ràng đã có một sự trăn trở trong tâm thức người cầm bút khi họ nhìn ra xã hội chung quanh, với đầy rẫy những gai nhọn của đời sống thực tế hằng ngày. Và đó hẳn cũng là lý do mà Đảng Đoàn Hội Nhà Văn Việt Nam đã phải tổ chức hội nghị một số đảng viên trong Hội để bàn về “Sáng tác văn học” vào tháng 6-1979 để bước đầu trao đổi ý kiến trước khi đem ra thảo luận rộng rãi trước toàn thể hội viên.
Nhân danh Bí thư Đảng đoàn, nhà văn Nguyên Ngọc đã đọc một bản “Đề cương đề dẫn thảo luận ở Hội Nghị Đảng Viên bàn về sáng tác văn học”.
Nếu trước đây, lao mình vào cuộc chiến với “Sự quan tâm hàng đầu” những vấn đề “có ý nghĩa lịch sử dân tộc và cách mạng” và với niềm “say mê những tính cách anh hùng”, Nguyên Ngọc đã viết như một sự đóng góp hăng hái cho cuộc chiến đấu mà ông nghĩ là thần thánh, viết như một tuyên dương cho những cá nhân xả thân vì lý tưởng anh hùng cách mạng, thì nay trong bản Đề dẫn kể trên, nhà văn đã có dịp thẩm định lại quá trình sinh hoạt văn học của giới cầm bút với cái nhìn thâm trầm hơn, sâu xa hơn và thoát ly được cái tình cảm bồng bột, say mê vì lý tưởng hơn. Ông nhận định rằng:
“Trong văn học, lồ lộ khá rõ là số phận chung của cả dân tộc, cả đất nước, nhưng còn số phận riêng của từng người, từng thành viên trong đội ngũ lớn đó thì còn quá sơ lược, giản đơn. Mặt yêu nước nổi bật lên và đây là chỗ mạnh của văn học ta thời kỳ này như đã nói ở trên nhưng mặt đấu tranh xã hội thì không rõ bằng. Tính thơ lý tưởng của cuộc chiến đấu được biểu hiện khá mạnh nhưng còn tính sần sùi, phức tạp của đời sống thì yếu hơn. “
Tính sần sùi, phức tạp của đời sống ấy là gì, nếu không là tính cách trở lại với con người đích thực cùng với những nỗi khốn cùng mà con người phải chịu đựng trong chiến tranh.
Thân phận con người như thế, trong một thời gian dài bị khỏa lấp đi vì những nhu cầu của chiến tranh, nhưng khi hòa bình trở lại, nó đã trở thành mối day dứt của những người cầm bút có lương tri khi một mặt phải trực diện với những thân phận đó hiện diện đầy rẫy trong xã hội trước mắt, và một mặt khác viết lách vẫn phải nằm trong sự chi phối của tính Đảng, tính cách mạng, để chỉ có thể in ấn được những gì có tính cách “phải đạo”.
Đó là lý do mà Nguyên Ngọc đã phải nêu lên trong bản đề dẫn:
“Chính trong thời điểm này, các lực lượng văn học của ta trước nay đã hình thành được một thế bám sâu khá đẹp trên các địa bàn, ở các mũi nhọn của cuộc sống nay hầu hết đều bị bật ra khỏi các vị trí của mình. Mất liên hệ với đời sống chúng ta bỗng bối rối mất phương hướng “, và rằng : “Phải chăng lúc này có hiện tượng không ít phổ biến là người viết văn cứ viết mà không thật tin ở chính điều mình viết ra . “Người là muối mà chính người lại không mặn thì biết lấy gì để muốí người. “ Văn học nói theo một cách nào đấy là lòng tin. Không có lòng tin lớn thì không bao giờ có thể có văn học lớn. “ (Bản đề dẫn, tháng 6-1979)
Bước sang lãnh vực lý luận, phê bình văn học, một hình thức công an văn hóa nhằm ngăn chặn và triệt tiêu ảnh hưởng của những tác phẩm đi ra ngoài lề lối văn chương “phải đạo”, cũng trong bản đề dẫn nói trên, nhà văn Nguyên Ngọc nhận định:
“Có lẽ điều đáng lo hơn cả trong tình hình công tác lý luận, phê bình văn học thô thiển kéo dài, là ở chỗ nó đã tạo nên có thể nói là những định kiến xã hội đơn giản, dung tục đối với văn học, xói mòn năng lực thẩm mỹ của người đọc, mặt khác thấm cả vào chính người cầm bút, xói mòn ý chí sáng tạo, dũng khí sáng tạo nghệ thuật và ý thức trách nhiệm xã hội đứng đắn của nhà văn, tạo nên sự cản trở vừa ở ngoài họ, quanh họ và ở chính họ. “
Trên cương vi một bí thư Đảng đoàn, và với sự mẫn cảm về tình trạng sinh hoạt văn học tồi tệ của một người cầm bút có lương tri, vào thời điểm đó (tháng 6-1979), Nguyên Ngọc tuy mong muốn đi tìm một lối thoát cho sự sáng tạo của người cầm bút, nhưng vì ông vẫn còn tin tưởng ở đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nên phương hướng giải quyết vấn đề của ông vẫn không ngoài sự trông cậy vào sự chỉ đạo của giai cấp lãnh đạo. Ông nhận định :
“Một nguyên nhân khác nữa đã hạn chế những thành tựu của văn học ta vừa qua là ở sự chỉ đạo cụ thể đốí với sáng tác. Nói chung vừa qua, trong chỉ đạo sáng tác chúng ta còn dừng lại ở chỉ đạo đề tài, chưa đi sâu vào chỉ đạo chủ đề hoặc có thì cũng còn khá chung chung. Chỉ đạo đề tài là rất quan trọng. Buông lỏng chỉ đạo đề tài sẽ để dẫn đến phủ nhận chức năng xã hội của văn học. Đánh đồng tất cả đề tài tức là phủ nhận sự cần thiết văn học phải luôn luôn hướng vào những mũi nhọn nhất của đời sống và như vậy cũng không thể nhận ra tính đúng đắn sâu sắc của những chủ đề lớn, những nội dung lớn của đời sống. Nhất là khi trong hiện thực diễn ra những biến động sâu, mạnh, phức tạp, thì việc chỉ đạo chủ đề càng có ý nghĩa quyết định “ (Đề dẫn, tháng 6,1979)
Đúng là lề lối suy nghĩ của Bí thư Đảng đoàn của một hội nhà văn trong sinh hoạt của một xã hội đã gần một phần tư thế kỷ luôn luôn chịu đựng sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền, phủ nhận khả năng suy nghĩ và cảm hứng tự do sáng tạo của người cầm bút.
Tuy nhiên ngần ấy năm trời trôi qua, từ 1979 đến 1987, hẳn thời gian đã đủ chín mùi để nhà văn Nguyên Ngọc ngày càng cảm thấy khả năng của giới lãnh đạo văn nghệ không phải là vô hạn, và nhất là sự rung cảm nghệ thuật của họ lại càng không phải là sự rung cảm nghệ thuật của người cầm bút chân chính.
Do đó, con người văn nghệ của Nguyên Ngọc hẳn đã đấu tranh kịch liệt với con người Bí Thư Đảng Đoàn, và kết quả là nhà văn Nguyên Ngọc đã nhẩy vô nhập cuộc với phong trào văn nghệ phản kháng tuy trễ tràng hơn một năm sau so với những báo khác, nhưng lại là sự đóng góp tích cực nhất, tiêu biểu nhất, dọn đường để cho nhiều nhà văn phản kháng có cơ hội đưa ra ánh sáng những tác phẩm của mình.
Nhận công tác Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Nhà Văn V.N. từ tháng 6, 1987, nhà văn Nguyên Ngọc phải lèo lái tờ báo ngay đúng thời điểm phong trào văn nghệ đổi mới đang lên cao với những đồng nghiệp nhập cuộc sớm sủa khác như tờ Tiền Phong, Lao Động, Phụ Nữ, Tuần Tin Tức ở miền Bắc, hay những tờ Đại Đoàn Kết, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Sông Hương, Lang Bian,.., ở miền Nam. Tuy trễ hơn các đồng nghiệp khác hơn một năm sau, nhưng với sự lèo lái của người Tổng Biên Tập Nguyên Ngọc, tờ Văn Nghệ đã mau chóng trở thành ngọn cờ đầu đăng tải những truyện ngắn, những bài ký có nội dung phản kháng sâu xa và mạnh mẽ, gây được sự hưởng ứng hết sức sâu rộng và có tiếng vang rộng rãi cả trong nước lẫn ngoài nước. Sau đây là phần nhận định của nhà văn Mai văn Tạo trong việc đánh giá sự đóng góp của tờ Văn Nghệ trong phong trào văn chương đổi mới:
“Tờ Văn Nghệ xông thẳng vào những vấn đề vô cùng bức xúc của con người và xã hội, phanh phui, phê phán và lên án những hành vi xấu xa tội lỗi xúc phạm đến đời sống và con người. Khoảng cách giữa đời sống và thơ văn trên trang báo dần dần thu ngắn lại. Những bất công xã hội, bọn cường hào mới, kẻ lợi dụng chức quyền vơ vét của công ức hiếp nhân dân được nhìều ngòi bút có lòng còn dũng khí vạch mặt và tố giác gắt gao, nghiêm khắc. Cái đêm hôm ấy đêm gì, Vua lốp, Tiếng hú con tàu, Tướng về hưu, Công lý chẳng quên ai... tưởng chừng không bao giờ được ra mắt người đời, thì nhiều tháng qua đã phơi bầy trên những trang Văn Nghệ. Chưa bao giờ báo Văn Nghệ hội tụ được đông đảo người sáng tác trên khắp mọi miền đất nước như thời gian qua. Và chính vì thế, độc giả từ Bắc chí Nam đã đón nhận Văn Nghệ như người bạn trung thực, đồng cảm cảnh ngộ oan khuất của mình. Chưa bao giờ Văn nghệ được coi là tờ báo của mọi người như những tháng gần đây.
(Các nhà văn nói về vụ “báo Văn Nghệ” - Đất Việt, Canada, tháng 2-1989)
(còn tiếp)
0 nhận xét