Bác Ba Phi thở hắt ra :
“ Bởi vậy tụi nó mới chết…Con vợ thằng Đậu thì bỏ ra tỉnh làm con ở cho người ta, thằng chồng thì lang thang đi bụi đời…”. Một phần cũng vì nghe lời cha hoạ sĩ này tin tưởng có 3000 đô bán tranh nên mới chết chớ ?”
Cô hoạ sĩ Ban Mai cười cười :
“ Vậy cái tranh bác vẽ đâu rồi ?”
Bác Ba Phi la lên :
“ Tranh với pháo gì ? Tôi nguệch ngoạc bậy bạ ấy mà. Ong hoạ sĩ này vứt nó vào sọt rác rồi. “
Bà chủ gallery cười theo :
“ Ong ấy nói chơi vậy mà sao bác cũng tin thì lạ thật ?”
Bác Ba Phi bực dọc :
“ Thì tôi thấy mấy cái tranh ông ấy gọi là trừu voi trừu tượng gì đó cũng nguệch ngoạc như con nít nghịch mầu , bởi vậy tôi mới nghĩ vẽ vậy thì mình cũng vẽ được . Ai ngờ đâu…”
Cô hoạ sĩ Ban Mai giảng giải :
“ Bác ơi , không phải vậy đâu. Vẽ trừu tượng không phải nguệch ngoạc mà thành đâu, vẽ trừu tượng đòi hỏi phai có một nội lực mạnh mẽ, một trí tưởng tượng phong phú lắm. Thường thường người ta phải vẽ hiện thực rất giỏi rồi mới dám vẽ trừu tượng…”
Bác Ba Phi cười như mếu :
“ Cô nói vậy thì tôi cũng biết vậy, chớ tôi có biết vẽ vời là cái gì đâu. Tôi chỉ cần tiền gửi về cho hai đứa cháu ở nhà khỏi đi ăn mày thôi…”
Bà chủ gallery an ủi :
“ Bác đừng buồn . Tôi phải nói thật với bác bức tranh “vượt biên” này cách nay hai chục năm tôi bán được ngay, còn bây giờ chắc khó lắm. Bác xoay xở chỗ khác đi, đừng có trông chờ vào việc bán bức tranh này…chắc chẳng được đâu…”
Bác Ba Phi thở dài :
“ Tôi biết rồi…thôi cứ mặc tụi nó ở nhà xoay xở với nhau vậy. Tôi sang đây chủ yếu là thăm con thăm cháu chứ có làm ăn gì đâu mà bảo có tiền. Để tôi gọi điện về nhà nói tụi nó “tự lực cánh sinh” , đừng trông chờ vào đâu mà chết…”
Ong hoạ sĩ kéo tay bác Ba Phi ra khỏi phòng :
“ Thôi đành vậy…tôi cũng chỉ giúp bác bức tranh để bán thôi…không may khó bán được thì cũng đành thôi, biết làm sao. Thôi chào bà chủ, chúng tôivề…kiếm cái gì nhậu cho đỡ buồn vậy…”
Hai người lếch thếch kéo nhau ra khỏi phòng. Bất chợt cô hoạ sĩ Ban Mai chạy theo gọi lại :
“ Khoan đã…hai bác đợi cho một lát nữa đã…”
Ong hoạ sĩ tròn mắt :
“ Chuyện gì nữa đây ? Mời hai chúng tôi đi nhậu chắc ?”
Cô nữ hoạ sĩ Ban Mai lắc đầu, quay sang hỏi bà chủ gallery :
“ Sáng nay chị nói bức “Trừu tượng phố” chị có thể lấy ngay cho em đượckhỏi cần ký gửi phải không ạ ?”
Bà chủ gallery vui vẻ :
“ Đúng đúng…bức này tôi sẵn sàng mua ngay…3000 USD …nếu để ký gửi thì có thể cao hơn…”
Cô nữ hoạ sĩ Ban Mai quay sang bác Ba Phi :
“ Cháu tặng bác bức tranh này…gallery mua nó với giá 3000 USD…bác có thể gửi ngay số tiền này về cho gia đình ở quê nhà…”
Bác Ba Phi kinh ngạc :
“ Cô..cô nói gì…cô..cô cho tôi những 3000 đôla kia à ?”
Cô nữ hoạ sĩ Ban Mai lắc đầu :
“ Cháu không biếu bác tiền…cháu biếu bác bức tranh này bác bán lấy tiền…”
Ong hoạ sĩ vỗ tay đôm đốp :
“ Hoan hô cô Ban Mai…cô tặng tranh bán được ngay thì khác gì tặng tiền. Nếu thế đề nghị bà chủ gallery xuất ngay tiền cho bác Ba Phi mang ra tiệm Hoà Phát gửi nhanh về Việt Nam…”
Bà chủ gallery lắc đầu :
“ Tôi đâu có để sẵn tiền mặt ở nhà. Phải ra ngân hàng rút…hôm nay đang ngày lễ…chắc phải hai , ba hôm nữa…”
Ong hoạ sĩ vui vẻ :
“ Chờ vài hôm nữa cũng được…chị cứ đưa cho bác đi gửi 3000 đôla về nhà là mừng quá rồi…”
Bà chủ gallery gật đầu :
“ Được thôi…chờ nhà băng mở cửa tôi sẽ đi rút tiền ngay. Có điều tôi khuyên bác chi nên gửi 2900 đôla thôi…”
Bác Ba Phi tròn mắt :
“ ủa sao kỳ vậy ? Saao không gửi 3000 đôla cho tròn số ?”
“ Gửi dưới 3000 USD thì gửi thoải mái, gửi 3000 USD trở lên thì phải khai báo, giấy tờ mệt lắm…”
Bác Ba Phi vội vàng :
“ Được được, chị cứ cho tôi gửi 2900 cũng tốt quá rồi. Vậy cũng dư tiền cho tụi nó đầu tư nuôi ba ba rồi..”
Cô nữ hoạ sĩ Ban Mai tròn mắt :
“ Nuôi ba ba ạ ? Chà chà cái món này đang thịnh hành ở Hà Nội đây. Tôi hay được bạn bè mời cái món này. Đắt lắm . Một nồi ba ba chừng 7 người ăn giá phải triệu rưởi hai triệu.Nếu cháu bác Ba Phi nuôi được loại này thì mau giàu lắm…”
Bác Ba Phi vui vẻ :
“ Cô giúp vốn cho như vậy chắc chắn tụi nói nuôi được thôi. Một năm nữa cô vào Sàigòn chơi thế nào tụi nó cũng đón cô mời một bữa ba ba…”
Chị chủ gallery xoa tay :
“ Mời ăn ba ba của cháu bác chắc còn cả năm nữa. Nhưng ngay bây giờ xin mời mọi người đi ăn một bữa crawfish , món này trong nước chưa có…”
Bác Ba Phi không biết nó là cái món gì, cứ ngồi xe đi theo mọi người chạy ra ngoài phố. Bước vào tiệm có tấm bảng to tướng đề “crawfish” nhìn hình vẽ bác mới gật gù :
“ Đúng loại này ở nhà không thấy bán thật. Thứ tôm này nửa tôm nửa cua, ở nhà gọi là tôm rồng…”
Bốn người ngồi vào bàn trải khăn bằng…giấy. Ong hoạ sĩ giảng giải :
“ Lát nữa họ đổ cả ký tôm cho mình bóc ăn rồi vứt vỏ lên bàn. Khi nào ăn xong họ túm cả cái khăn trải bàn lại rồi cho vào sọt rác. Vừa nhanh, tiện, lại sạch nữa. Cả ly uống bia cũng bằng giấy rồi vứt luôn kìa…”
Bác Ba Phi tò mò cầm con tôm nhỏ xíu lột ra được có một chút thịt, ăn thử rồi gật gù :
“ Cái thứ tôm rồng này thịt thơm và có vị đặc biệt lắm. Chỉ tiếc lại này nhỏ quá, mỗi con tôm có chút chút thịt…”
Cô nữ hoạ sĩ Ban Mai ăn thử , khen ngon rồi kể :
“ Loại tôm rồng này ở Hải Phòng cũng có nhưng mà lớn hơn nhiều. Có con nặng tới 7 lạng , lưng tôm rồng có sọc đen, đốt chân màu xanh lục, đầu tôm lấp lánh sắc cầu vồng , còn đánh được cả tiết canh nữa ạ…”
Chị chủ gallery kêu lên :
“ Oh My God…tôi tưởng chỉ có tiết canh vịt , tiết canh heo thôi chớ. Tôm mà cũng đánh tiết canh ?”
Cô nữ hoạ sĩ Ban Mai gật đầu kể lể :
“ Có chứ ạ…có lần em ra Hải Phòng được hưởng thứ đặc sản này rồi. Họ còn biểu diễn cắt tiết tôm cho mình xem nữa kìa. Trước tiên phải gỡ từng miếng nạc trong càng cua cho vào đĩa, trộn với gia vị cho đậm đà và thêm một ít ngò gai, tía tô thái nhuyễn. Vì tiết tôm không thể hãm như tiết canh vịt nên phải khéo léo cắt tiết tôm cho chảy ngay vào địa thịt. Người ta gập chặt lưng không cho tôm dãy rồi dùng dao nhọn chọc vào phần gáy tôm. Tiết tôm màu trắng chảy thẳng xuống đĩa nhân đã được bày biện sẵn, ban đầu thành vòi nhỏ, sau đó ri rỉ cho đến hết. Tiết tôm luôn có lẫn nước, khi tiết đã đông phần nước nổi lên mặt, phải dùng giấy quệt chậm cho thật khô rồi mới rắc lên ngò rí, đậu phộng giã nhỏ…”
(còn tiếp)
0 nhận xét