. (tiếp theo và hết)
Những người tị nạn được tập trung vào một khu đất, ở đó những mái lều được vội vã dựng lên san sát như bát úp. Nhưng đối với Thư thì bây giờ nàng lại cảm thấy mình tự do như gió trời. Những người thân thích của nàng không còn ai nữa. Thằng Há đã ngã xuống trên bờ rào nhà cụ Năm Điếc trong hôm ruồng xét. Đó là điều may mắn trong muôn ngàn nỗi bất hạnh của bà mẹ Hoanh, bởi vì nó đã không ngã gục vì chính những viên đạn của thằng anh nó. Chúng nó đã vĩnh viễn, không gặp lại nhau từ ngày thằng Hoanh vô biệt kích Mỹ và biệt tăm không có lấy được một lá thư gửi về thăm nhà. Nhưng như thế là đủ. Như thế là bà cụ có thể yên tâm mà nhắm mắt. Bà đã toại nguyện với ý định sống chết với mảnh đất quê hương cằn cỗi của mình..
Thư rầu rĩ nhìn đăm đăm vào những cột khói đen vẫn còn cuồn cuộn bốc. Nàng muốn thu lại một lần cuối cùng hình ảnh chấm dứt của một đoạn đời mà nàng đã sống vui buồn ở đó. Sau đây nàng sẽ vĩnh viễn từ bỏ khoảnh đất đau thương và tàn phá này để lật qua một giai đoạn mới, có thể là khổ nhọc hơn, bi thảm hơn, nhưng chắc chắn là nó sẽ phải khác những ngày đã qua, nó phải khác với bầu không khí ngột ngạt hiện tại.
Tấm vé xe đò chạy đường liên tỉnh đã nằm trong sắc tay. Thư tiếc là ngày xưa không chịu chụp lấy một tấm hình cho Há, cho Hoanh, cho bà mẹ khổ đau và cho cả chính mình. Nhưng sự tiếc nuối chỉ thoáng qua mỏng manh. Cũng như sự tiếc nuối mỏng manh về mối tình câm nín giữa nàng với chuẩn uý Dũng vậy.
Trước giờ lên xe, Thư ghé vào trại tị nạn một lần cuối cùng. Mọi người nhìn Thư bằng những cái nhìn đối với một kẻ đào ngũ. Tóc Thư vẫn óng mượt. Đôi má phơn phớt hồng. Vành môi chín mọng. Giải khăn tang trắng trên đầu càng làm tăng thêm cho nàng vẻ đẹp của một góa phụ trẻ. Vốn liếng của nàng bây giờ chỉ còn có thế. Nhưng nó cần thiết biết bao đối với một kẻ sắp phải lăn mình vào cuộc sống đầy ánh sáng sa hoa rực rỡ của những thành phố mà cho đến nay vẫn chưa hề biết mùi vị chiến tranh là gì.
Ông Năm Điếc tiếp nàng vội vã vì sắp sửa phải “chủ tọa” một phiên họp. Ông luôn miệng than phiền về cái nhiệm vụ đại diện các gia đình đồng bào tị nạn ở trong trại tạm trú này. Ông phàn nàn với Thư:
- Họp hành gì mà hỗn độn, vô tổ chức, không có kỷ cương gì hết cả. Vấn đề chưa bàn cãi thì bà con cô bác đã quay ra kể lể gia cảnh của mình rồi khóc với nhau tùm lum! Phải cho tôi làm phận sự của tôi với chớ!
Thư rầu rĩ nhìn đăm đăm vào những cột khói đen vẫn còn cuồn cuộn bốc. Nàng muốn thu lại một lần cuối cùng hình ảnh chấm dứt của một đoạn đời mà nàng đã sống vui buồn ở đó. Sau đây nàng sẽ vĩnh viễn từ bỏ khoảnh đất đau thương và tàn phá này để lật qua một giai đoạn mới, có thể là khổ nhọc hơn, bi thảm hơn, nhưng chắc chắn là nó sẽ phải khác những ngày đã qua, nó phải khác với bầu không khí ngột ngạt hiện tại.
Tấm vé xe đò chạy đường liên tỉnh đã nằm trong sắc tay. Thư tiếc là ngày xưa không chịu chụp lấy một tấm hình cho Há, cho Hoanh, cho bà mẹ khổ đau và cho cả chính mình. Nhưng sự tiếc nuối chỉ thoáng qua mỏng manh. Cũng như sự tiếc nuối mỏng manh về mối tình câm nín giữa nàng với chuẩn uý Dũng vậy.
Trước giờ lên xe, Thư ghé vào trại tị nạn một lần cuối cùng. Mọi người nhìn Thư bằng những cái nhìn đối với một kẻ đào ngũ. Tóc Thư vẫn óng mượt. Đôi má phơn phớt hồng. Vành môi chín mọng. Giải khăn tang trắng trên đầu càng làm tăng thêm cho nàng vẻ đẹp của một góa phụ trẻ. Vốn liếng của nàng bây giờ chỉ còn có thế. Nhưng nó cần thiết biết bao đối với một kẻ sắp phải lăn mình vào cuộc sống đầy ánh sáng sa hoa rực rỡ của những thành phố mà cho đến nay vẫn chưa hề biết mùi vị chiến tranh là gì.
Ông Năm Điếc tiếp nàng vội vã vì sắp sửa phải “chủ tọa” một phiên họp. Ông luôn miệng than phiền về cái nhiệm vụ đại diện các gia đình đồng bào tị nạn ở trong trại tạm trú này. Ông phàn nàn với Thư:
- Họp hành gì mà hỗn độn, vô tổ chức, không có kỷ cương gì hết cả. Vấn đề chưa bàn cãi thì bà con cô bác đã quay ra kể lể gia cảnh của mình rồi khóc với nhau tùm lum! Phải cho tôi làm phận sự của tôi với chớ!
HẾT
NHẬT TIẾN
Vài nhận xét về cuốn "GIẤC NGỦ CHẬP CHỜN" của NHẬT TIẾN
TRẦN HỒNG DƯƠNG
Đó là cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam, chống Mỹ cứu nước” ? - đó là cuộc chiến tranh “xâm lược của cộng sản Việt Nam” ? - đó là cuộc chiến tranh giữa hai phe “thế giới tự do” và “ xã hội chủ nghĩa...” ? - hàng trăm cuốn truyện đã viết về cuộc chiến tranh này theo cách nhìn tùy thuộc ở phía “bên này” hay “phía bên kia”.
“Giấc ngủ chập chờn” không phe phái như vậy, cuộc chiến trong đó được diễn tả qua cái nhìn của... lão Đối.
Lão Đối là ai vậy?
Là người mà “Bẩy mươi năm không rời khu chợ Lùng lấy vài chục cây số, lão trở nên một hình ảnh gắn liền với những mái nhà tranh, những bụi duối dại, những bờ lau rậm rạp, hay con suối uốn quanh chảy qua cánh đồng gồ ghề nom như một cái thung lũng nhỏ. Cũng vì thế lão yêu mến mảnh đất quê hương của lão đến độ thuộc lầu cả từng biến chuyển dù nhỏ nhặt nhất của cảnh vật chung quanh.”
Lão Đối chẳng phải “quốc gia” càng không phải “cộng sản”, lão thuộc về phe “con người” - con người Việt Nam, những con người sống lam lũ, tử tế, yêu thương lẫn nhau, gắn bó với quê hương, là cây cổ thụ tượng trưng dân tộc mà “một khi có tin dữ bay về, lão lại có cảm giác như... chịu đựng thêm một vết chém mới của tiều phu”.
Cái gã tiều phu ngày ngày bổ rìu vào quê hương xứ sở ấy chính là... chiến tranh. Nó như một trận đại dịch bùng phát hai loại virus mang tên “quốc gia” và “cộng sản” - lây nhiễm toàn bộ thanh niên trai tráng, kẻ nào nhiễm thứ nào thì bị đẩy về phía bên đó và như dẫn dắt bởi một thế lực vô hình nào đó, họ xúm vào chém giết lẫn nhau một cách thiệt tình. Tiêu biểu nhất có lẽ là hai anh em ruột trong gia đình bà cụ Chín, cả hai đã qua một tuổi thơ gắn bó, thương yêu ruột thịt.
“Có bận thằng Há ốm, Hoanh đã ngồi bên cạnh giường nó suốt hai ba ngày liền để có dịp ngắm kỹ cái đầu trọc nhẵn, khuôn mặt choắt cheo, hai mắt lờ đờ, sâu trũng như hai lỗ đáo của nó. Khi đó, thằng Há là tất cả. Hoanh nhường nhịn đủ mọi thứ và chỉ mong mỏi một điều độc nhất là nó khỏi bệnh”.
Ấy thế rồi trời đất đảo điên, âm dương loạn xạ, đùng một cái “Thằng anh đi lính cho bên này. Thằng em lại là đệ tử cuồng nhiệt của chủ nghĩa bên kia. Thằng Há đã thề không đội trời chung với anh của nó. Nó dọa sẽ có ngày cắt tiết thằng Hoanh bằng mã tấu. Hoanh biết thế, tự ái nổi lên đùng đùng, nhắn tin thách thức đứa em diện đối diện, để xem thằng nào cắt tiết được thằng nào. Hắn rất tin tưởng vào hai cánh tay vạm vỡ của mình. Hắn ước ao có lúc kẹp được cổ thằng Há ốm nhom bằng đôi cánh tay cuồn cuộn những bắp thịt để cho nó biết là ai hơn ai.”
Vì sao, vì sao ra nông nỗi ấy? Vì sao thằng Hoanh “quốc gia” lúc nào cũng sẵn sàng xả súng vào “ cộng sản”, và thằng Há thề không đội trời chung với “quốc gia”?
Phải chăng hai anh em nhà nó căm thù nhau chỉ vì một cô Thư xinh đẹp và lẳng lơ? Chẳng phải, sắc đẹp đàn bà không gây nổi những cơn say máu thế?
Phải chăng thằng Há đã “giác ngộ lý tưởng cách mạng” tiến lên “giải phóng miền Nam”, “giải phóng thế giới”? Cũng chẳng phải, gã nhảy theo phe cộng sản chẳng qua là vì cái cớ ngớ ngẩn: ẩu đả trong một cuộc nhậu: “Gã đàn ông vớ ngay lấy chai rượu đập thằng Há một cái vào đầu tét máu. Há sùng quá gầm lên, đạp đổ cái bàn khập khiễng và vớ ngay khẩu súng bên cạnh mình, giơ lên bắn chỉ thiên lia lịa. Rủi cho nó, khẩu súng bị lạc nòng ghim ngay hai phát vào một anh dân vệ ngồi ở cuối bàn khiến kẻ xấu số ngã lăn ra, chết ngay trên vũng máu. Thằng Há hoảng hốt xách súng chạy tuốt luôn vô trong đồng. Nó gia nhập du kích xã với một bản án tập nã: “Bắn chết đồng đội để đào ngũ, có mang theo võ khí!”
Chỉ thế thôi và những con virus chiến tranh đã làm tiếp công việc biến gã thành một tên du kích khát máu, hãm hiếp cả vợ Xê, vốn là vợ đồng đội cũ. Trường hợp “giác ngộ” của thằng Bình lại cũng “lãng sệt” không kém, chỉ vì cái bệnh mê vũ khí, nghe lời rủ rê của thằng Há, hắn ăn cắp súng của dân vệ xã rông tuốt ra khu cộng sản. Rồi Lầu và Đực, hai thằng bạn thân từ nhỏ. Thằng Lầu đăng lính quốc gia, thằng Đực được móc nối làm du kích cộng sản. Việt Nam vốn chẳng phải là xứ sở màu mỡ cho các cuộc chiến tranh ý thức hệ- Phật, Lão, Trang, Chúa Giêsu... vào đây đều phải “chung sống hòa bình”, không gây nổi bất kỳ một cuộc chiến “tử vì đạo” đẫm máu nào. Ấy thế mà khi nghe tin thằng Đực, con lão Đối nhảy ra khu, thằng Lầu “quốc gia” đã tới nói với lão: “Thằng Đực đã theo Cộng Sản thì cháu không còn tình nghĩa gì với nó. Cháu quí bác, mà điều bó buộc cháu phải nói với bác như vậy. Gặp nó, cháu không tha đâu. Cháu xin lỗi bác trước rồi đó.”
Thằng Đực “cộng sản” cũng không vừa, nó vặc lại:
- “Chèn đét ơi! Bộ tía tưởng nó cứ nói rồi là nó ăn thịt được tui ngay đó sao? Tía biểu cho nó hay, thằng Đực sẽ ăn gan của nó trước.”
Thằng đòi “ăn gan”, thằng “uống máu”, ghê gớm chưa? Từ thời vua Hùng dựng nước, đã có cái thời nào “máu me” như cái thời đó? Tại sao? Đến gã lính “quốc gia” là Lầu cũng nhận ra chẳng phải là do “đối kháng ý thức hệ” gì, mà chính vì “Đó là chiến đấu để tự bảo vệ! Thế thôi! Bởi vì trong một cuộc xung đột, kẻ ngập ngừng là kẻ bị hạ trước tiên. Vậy nếu muốn sống thì hãy biết chiến đấu một cách can đảm. Điều này, có lẽ bọn thằng Há, thằng Bình cũng chỉ bị ràng buộc đến thế mà thôi. Chứ chúng nó biết mẹ gì về “Cộng Sản”.
Và ngay cả chính gã, người mang trong người “chính nghĩa quốc gia” thì “...cái chính nghĩa ấy cũng chỉ đem lại cho gã cái cảm giác đẹp chứ không gây được trong lòng gã sự sôi nổi, cuồng nhiệt để có thể khiến cho gã chỉ cần nghĩ đến là đã có được một niềm tin vững vàng... Gã tự hỏi mình chiến đấu cho ai? Những kẻ đồng đội ngã xuống, những thằng bạn thân thiết dâng hiến một cẳng chân, một cánh tay, một khúc ruột, tất cả đã vì cái gì? Vì mấy ông chính khách ư? Họ ở xa quá tầm ý nghĩ của những người như gã. Vì bộ quần áo đồng phục gã mang trên mình ư? Đó chỉ là ý niệm mơ hồ...”
Và chính chị Lầu, vợ gã, người phụ nữ chân chất chẳng bị nhiễm con virus nào đã nhận ra thực chất của đôi bên:
- “Nói là Cộng Sản vậy thôi, chớ tụi thằng Há thì biết cái gì. Nó đọc chưa thông mà. Rồi ngay cả bên đây nữa, nói mình là Quốc Gia, chớ thật ra nào có khác gì nhau đâu. Cũng một ngày chạy ăn hai bữa thôi chớ gì.” Và chị đặt cho chồng một câu hỏi hắc búa: “Nhưng tại sao hai bên lại cứ bắn nhau chớ?” khiến anh ta phải lúng túng: “Ôi! Vấn đề đó cao xa, nói làm gì...”.
Người trong cuộc chẳng ai cắt nghĩa được, nhà văn đành phải huỵch toẹt:
- “Cho nên, nhìn kỹ lại, toàn thể chúng nó chỉ là những nạn nhân bèo bọt của một guồng máy lớn đang chuyển mình. Những bàn tay bấm nút ở tận tít mù đâu đó, có khi chẳng thuộc cùng màu da, cùng ngôn ngữ như chúng nó. Và khi các bánh xe của guồng máy bắt đầu quay tròn, thì thịt da, xương máu của lứa tuổi như gã bây giờ bắt đầu thấm xuống, khiến cho mảnh đất quê hương đã điêu tàn lại càng thêm điêu tàn hơn nữa.”
Cái sự huỵch toẹt này cho dù nhà văn đã gài vào miệng thằng Lầu, vẫn chỉ là câu nói ngoài cánh gà chứ chưa toát lên từ những gì diễn ra trên sân khấu của truyện. Mặc dầu vậy, cái guồng máy chiến tranh ấy cứ thế mà lạnh lùng chuyển động khiến cho không có bất kỳ ai, cả ở phía bên này lẫn bên kia, đứng ngoài được tầm tàn sát của nó. Lần lượt những con người cả hai bên phe “quốc gia” và “cộng sản” đã ngã xuống: thằng Bình, thằng Dụng, thằng Xê, thằng Há, vợ chồng Lầu... Và rồi ngay cả lão Đối, người tưởng như một chứng nhân đứng ngoài cuộc, cây “cổ thụ” ngày ngày chịu đựng những vết chém, cũng bị lôi vào vòng ảnh hưởng của cuộc giao đấu giữa hai bên: bên này là yêu cầu mua thuốc cho con trai là du kích, bên kia là cấm đoán của những người quốc gia. Mặc kệ những tổn thất nhân mạng, những nỗi đau thương tang tóc, guồng máy vẫn lạnh lùng quay, cơn đại dịch vẫn hoành hành ngày càng dữ dội, quét sạch cái xóm Phú Mỹ thanh bình và dồn đuổi tất cả mọi người ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn.
Người chết, nhà cháy, nhưng kỳ lạ thay, vượt lên trên tất cả là cái sức sống bền bỉ của con người Việt Nam, nó giúp cho cái cộng đồng dân cư khốn khổ này tồn tại để vượt qua cơn đại dịch. Sức sống đó không nằm trong những gã đàn ông thuộc cả hai phe đang lên cơn say máu lăn xả vào nhau chém giết như một cuộc tự sát tập thể, thực trớ trêu, sức sống đó lại nằm sâu trong những người “chân yếu tay mềm”, những người phụ nữ mang bản năng làm mẹ còn mạnh mẽ hơn cả súng đạn và ý thức hệ. Bên “quốc gia” có chị Lầu, người vợ, người mẹ dẫu có chết trong đám lửa vẫn để lại một đứa con cho cộng đồng, bên “cộng sản” có cô cán bộ Vấn, trùng trùng vây bủa là thế vẫn không quên nhiệm vụ “hoài thai” để duy trì cái dòng giống Việt Nam.
Nhật Tiến đã làm bật ra cái bản năng tồn tại của dân tộc đó ở cuối sách khi đưa ra hình ảnh cô nàng Thư “Tóc vẫn óng mượt. Đôi má phơn phớt hồng. Vành môi chín mọng. Giải khăn tang trắng trên đầu càng làm tăng thêm cho nàng vẻ đẹp của một góa phụ trẻ. Vốn liếng của nàng bây giờ chỉ còn có thế.”
Vâng vốn liếng của nàng chỉ có thế, nàng đào ngũ khỏi đám người đang tự hủy diệt để lên thành phố - ở đó bằng nhan sắc, bằng lẳng lơ, bằng tính bản thiện chưa nhiễm virus ý thức hệ, nàng sẽ sinh ra những đứa con và chính chúng nó sẽ làm một cuộc hồi sinh mới cho dân tộc mặc kệ nỗi lo của lão Đối: “nhà cửa sụp đổ sẽ còn có cơ hội xây dựng lại, ruộng đất bỏ hoang sẽ còn có ngày được cầy cấy, còn cái sự phá sản tình yêu thương bà con làng xóm, tình nghĩa đồng bào trong chia rẽ, thù hận thì biết đến bao giờ mới hàn gắn lại được đây?”
Liệu có phải đã quá mệt nhọc trong thể hiện những mất mát, chém giết, ngòi bút của nhà văn thoát trở nên sinh động, sảng khoái khi mô tả cái bản năng đàn bà trong chiến tranh.
Đây là cảnh thằng Há trở về nhà với chị dâu khi Hoanh đã bỏ đi biệt kích:
“Rồi bỗng nhiên Thư thấy nóng ở phía đằng sau gáy. Không quay lại nàng cũng biết thằng Há đã lén tới từ lúc nào. Hơi thở của nó mỗi lúc một dồn dập như át tiếng nước đang bắt đầu sôi. Rồi bàn tay của nó đặt lên vai Thư vuốt nhè nhẹ. Thư lắng nghe để phân biệt tiếng động ở nhà trên. Bốn bề thật êm ả như một đêm nào Thư đã cùng với Hoanh chia sẻ sự sung sướng, hồi hộp, lúc hai người gần gũi nhau lần đầu. Bàn tay của thằng Há vẫn như những con rắn êm ái luồn quanh cổ nàng. Thư rùng mình một cái nhẹ rồi ném cây cời lửa vào giữa bếp. Thư thấy cánh tay của Há đỡ lấy giải tóc của mình như một cái gối êm. Nồi canh đã sôi lên, khiến chiếc vung bật mở và những dòng nước tuôn ra ở mép nồi rồi chẩy xuống nghe xèo xèo. Ánh lửa đảo lên một vài vòng rồi vụt thu bé lại. Căn bếp chìm trong bóng tối mênh mông...”
Và đây là cô cán bộ Vấn với du kích Đực:
“Vấn không đón lấy bông hoa mà lại nói:
- Cài lên áo thử coi có ngộ không?
Rồi ngực nàng vươn ra, chờ đợi. Đực bỗng thấy nóng ở mặt. Toàn thân của gã rạo rực. Gã gắng gượng đặt những ngón tay run rẩy lên gò ngực của Vấn. Miệng gã khô đến se đắng lại. Nhưng gã chưa kịp cài bông hoa lên áo của nàng thì Vấn đã ngả người thật nhanh xuống nệm cỏ, bàn tay của nàng vít cổ gã theo. Bông hoa dập nát ngay dưới sức ép của hai người. Vấn nhích người qua, quơ lấy được bông hoa, liền ném nó ra ngoài mái lều. Bông hoa đảo đi vài vòng trong bụi mưa rồi rớt trên một bờ cỏ. Mưa bên ngoài tuôn xối xả chôn vùi ngay những cánh hoa dập nát trong làn bụi trắng xóa mờ mịt...”
Hai đoạn văn như hai bông hoa dại len lén nở trên thềm nhà đang bốc cháy. Nhà cháy, người chết... mặc kệ, ngọn lửa trong lòng người phụ nữ thì không cái gì có thể dập tắt khi nó vốn là sức mạnh để họ hoàn thành cái sứ mệnh “hoài thai”. Không nhăm nhăm mô tả “người lính cầm súng trên chiến hào” như rất nhiều cuốn truyện viết về chiến tranh, Nhật Tiến đi sâu vào cái “đời thường của lính” với những lo toan rất hằng ngày. Lầu lo vợ đẻ, Đực lo thuốc tây cho Vấn, những nồi cháo ếch, cháo kỳ nhông... những trang viết rất cụ thể, sinh động về “đời thường trong chiến tranh”.
Đọc Giấc ngủ chập chờn, người ta không bị mệt mỏi bởi những “đường lối chiến lược”, “chỉ đạo chiến thuật”, những tiến công và phòng ngự, những tướng lĩnh vênh váo và những binh nhì nín nhịn chịu kỷ luật, đọc Nhật Tiến người ta được thấy những phong cảnh thiên nhiên đầy tình người và lãng mạn, những con người bằng xương bằng thịt như bước ra từ trang giấy với những tính cách rất Nam kỳ, được tác giả khắc họa bằng nghệ thuật xây dựng đối thoại rất nhuần nhuyễn ngôn ngữ địa phương.
Và sau cùng, Giấc ngủ chập chờn với giá trị tự thân đã bày ra một nghịch lý: vì sao mãi sau 45 năm, kể từ ngày nó ra đời trên quê hương lúc đó còn đắm chìm trong máu lửa, mà mãi tới nay vẫn còn nhiều người chưa biết tới nó?
TRẦN HỒNG DƯƠNG
0 nhận xét