Tham khảo:
-“The Political of China 1840-1928” – Li Chien-nung. Xb 1956.
-“Sun Yat-sen – A Critical Biography” by Lyon Sharman, 1934. Ấn bản thứ nhì, Stanford, 1968.
Khởi đầu, để dẹp phong trào Thái Bình Thiên quốc, Lý Hồng Chương, từ năm 1863 đã nhận thấy phải có sức mạnh cơ giới mới thắng trận được. Người Trung Hoa, sau Chiến tranh Nha phiến, với những nhục nhã phải chịu sau đó, (khi liên quân Anh-Pháp chiếm Bắc Kinh), Lý Hồng Chương ngó sang Nhật, rút kinh nghiệm của Nhật, khởi xướng chuyện học hỏi Tây phương, và gửi sinh viên đi du học. Trung quốc chuyển mình.
Năm 1866, lập xưởng đóng tàu ở Phúc châu. (*)
Năm 1872, chọn những sinh viên không nhiễm ảnh hưởng Trung hoa cổ, cho du học.
Năm 1872, lập đội thương thuyền.
Năm 1876, gửi sĩ quan hải quân đi học ở Đức. Cũng là năm bắt đầu cho sinh viên du học Âu châu.
Năm 1880, mở trường Hải quân ở Thiên Tân
Năm 1882, mở và xây cảng Lữ Thuận, mở đường dây điện tín cho Triều đình.
Năm 1888, hạm dội Bắc Dương thành hình.
Vân vân…
Tôn Văn, (cũng gọi là Tôn Dật Tiên,Tôn Trung Sơn) sinh năm 1866, lớn lên cũng chịu ảnh hưởng của phong trào nhìn Tây phương như hướng để học hỏi, cách tân số mệnh Trung quốc. Nhưng sách của Li Chien-nung, người Thiệu Hưng, Hồ Nam, du học Nhật, biên tập Thái Bình Dương tạp chí, là một học gỉa thuộc thế hệ cổ - có khi vì theo chính sách cách mạng quốc gia, có khi là cả hai - khi ghi biến cố chính trị, thường đứng trên quan điểm bảo thủ: Ông không nhìn sự việc về Tôn Văn nhiều chiều: Khi Tôn Văn mất ngày 12, tháng Ba, 1925, ông chỉ ghi được nửa trang trong cuốn sách dày 550 trang của ông. Về Ngũ Tứ Vận động, ông ghi được hai lần, tổng cộng chưa dầy 2 trang…trong sách của ông.
Lyon Sharman là con gái một nhà truyền giáo (Tin Lành), ra đời ở Trung quốc, yêu tha thiết quê hương chào đời của mình. Lên 8 tuổi, được gửi về Mỹ học. Học xong (Ph.D), lập gia đình thì nghe tin Tôn Văn mất. Bà trở lại Trung quốc, viết cuốn tiểu sử Tôn Văn. Sách của bà, như để trả nợ cho nơi đã cho bà chào đời, hoàn tất năm 1934, không ngờ sau này được đánh gía cao hơn bất kỳ cuốn tiểu sử phê phán nào. Năm 1968, Đại Học Stanford thương thảo để sách tái xuất.
Khi L. Sharman trở lại Trung quốc, bà nhìn ngay ra, thuyết Tam Dân của Tôn Văn, cũng như con người Tôn Văn, đều đã được thánh hóa. Gần như đại cấm kị, nếu dám phê bình Quốc phụ Tôn Văn cùng thuyết Tam Dân của ông. Cho đến tận nay, Tôn Văn vẫn được coi là Quốc Phụ, cả ở Lục địa, cũng như Đài Loan. Sách Tam Dân của ông phổ biến khắp, cũng như việc xây lăng cho ông được coi là trả ơn thuyết Tam Dân. Thuyết Tam Dân còn được coi như thuyết cách mạng thay thế cho chủ thuyết Mác-Lênin, đối với rất nhiều người.
Nhưng L.Sharman đặt câu hỏi, Tôn Văn là người hay thần? Tôn Văn chủ trương gì?
***
Sinh ở một làng nghèo khó thuộc Quảng Đông, năm 12 tuổi, Tôn được anh đem qua Honolulu nuôi ăn học. Sau ông vào nội trú trường Đạo, tốt nghiệp y khoa. Ông lưu lạc khắp nơi, qua Anh, Mỹ, Nhật, Âu châu, Nga…và đến nhiều cộng đồng người Hoa ( đến cả Chợ Lớn, Việt Nam). Ở đâu ông cũng kêu gọi đòan kết (dĩ nhiên) và canh tân đất nước. Canh tân thế nào? Bằng cách kỹ nghệ hóa Trung quốc. Người dân Trung quốc cần gì? - Dân sinh, Dân tộc, Dân quyền.
Ông sống ở ngoại quốc nhiều hơn ở trong nước. Chín năm cuối đời Tôn Văn mới sống trên đất Trung quốc trở lại (tổng cộng là 21 năm trên đất Trung quốc, với tuổi thọ là 58 tuổi). Khi ông đòi Tây phương cùng canh tân đất nước của ông, để hai bên “cùng có lợi”, L. Sharman bảo, ông đã không hiểu người Trung quốc, hiện cảnh Trung quốc, ông cũng không hiểu thế nào là Tây phương nữa. Ông tin tôn giáo Giêsu của Tây phương vì cho rằng tôn giáo này gắn liền với lịch sử, còn đạo Khổng của Trung quốc không đi đôi với canh tân xứ sở. Nhưng, dân chủ của Tam Dân không dính gì đến dân chủ Tây phương cả. Quốc Dân Đảng của ông, chỉ là một đảng độc quyền, không có đối lập, đảng Tư sản-buốcgioa này tự tung tự tác làm Giám hộ, dạy dỗ (Tutelage) dân chúng Trung quốc, khi họ còn trong tình trạng thấp kém dân trí ! Khai dân trí! Chấn dân khí! (Trong lúc ở Thượng Hải, hàng năm có 50,000 xác hài nhi vô thừa nhận bỏ ngoài đường). Xã hội nông nghiệp của nước ông, ông đưa ra giải pháp mơ hồ, là sẽ định gía đất cho địa chủ và nông dân để bên nào cũng bằng lòng, ai cũng sẽ sở hữu ruộng đất công bằng cả (!). Canh tân đất nước? - Thì lực lượng thợ thuyền, ông không hề ghé mắt nhìn vào thực trạng của công nhân, của tiểu thương, của những phường buôn, với sản phẩm tiểu công nghệ.
Khi Nga cho mở trường Đại Học Tôn Trung Sơn để cho sinh viên Trung quốc học, lại mở trường võ bị Hoàng Phố (1924), ông nhìn Nga Xô như nơi ông đặt hết tin tưởng. Nếu Trung quốc có lòng tự ái dân tộc, hẳn không thể quy tụ chỉ vào một, hay vài người. Nhưng Tôn Văn càng về gìa, càng chỉ tin vào mỗi mình mình, là trung tâm của cách mạng, là đấng sáng tạo chương trình mà dân ông nhất định phải theo. Trọng trách của ông tự đặt cho mình, kèm với tính ích kỷ, ông bước lên sân khấu, bi kịch của ông cũng làm người trong hậu trường tin như thế, khán giả cũng tin như thế, rồi Đảng của ông lấy làm nền tảng cho sự thờ phụng lãnh tụ.
Ông có 3 di chúc. Một, cho Quốc Dân Đảng (các đồng chí nhớ theo thuyết Tam Dân); một cho vợ, là Tống Khánh Linh (sở hữu căn nhà ở Thượng Hải, và bảo quản sách vở cùng trước tác của ông); và di chúc thứ ba, gửi cho Đảng Cộng Sản Nga.
Bản di chúc này, viết trước đó 2 tuần, chưa ký, cho đến ngày 11 tháng Ba, Tôn Văn mới ký. Ông qua đời ngày 12. Báo chí Bắc Kinh chỉ đăng di chúc gửi cho Quốc Dân Đảng.
“Thông điệp gửi Nga Xôviết”, với nơi nhận là Ban chấp hành Trung Ương Liên hợp Xô viết Xã hội Cộng hòa:
Các Đồng chí thân mến:
Trong lúc tôi nằm để chống chỏi vô vọng với bệnh họan, ý nghĩ của tôi hướng về các đồng chí cùng số phận đảng tôi và nước tôi.
Các đồng chí đang đứng hàng đầu của khối liên hiệp các xứ cộng hòa tự do – di sản cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới mà Lênin bất tử để lại. Với sự trợ giúp từ di sản ấy, những nạn nhân sẽ không thể nào không thành công trước việc giải phóng khỏi những nền móng đã làm gốc rễ cho nhiều thế hệ của nô lệ, chiến tranh, và bất công.
Tôi để lại sau tôi Đảng mà, như tôi luôn mong đợi, sẽ ràng buộc chặt chẽ với các đồng chí trong nhiệm vụ lịch sử của cuộc giải phóng Trung quốc cùng những xứ bị bóc lột khác, khỏi ách đế quốc chủ nghĩa. Vì số phận mà tôi phải dở dang nhiệm vụ, để chuyển cho những ai trung thành với nguyên tắc cùng giáo huấn của Đảng, những người ấy sẽ là những người trung thành với tôi thực sự.
Do đó tôi đòi hỏi Quốc Dân Đảng tiếp tục nhiệm vụ phong trào cách mạng quốc gia, để Trung quốc, bớt ách đế quốc, tiến tới giai đọan bán thuộc địa, rồi tiến tới tự do.
Với mục đích ấy, tôi đã chỉ thị cho Đảng là phải liên hệ chặt chẽ với các đồng chí. Tôi tin chắc sự hỗ trợ từ trước đến nay của các đồng chí đã rất thích hợp với đất nước tôi.
Tôi phải ra đi, các đồng chí thân mến, tôi muốn bày tỏ mối hi vọng, rằng sẽ có ngày rất sớm khi Liên bang Xô viết trở thành bạn hữu và đồng minh của một nước Trung hoa hùng cường, tự do, và sự tranh đấu cho công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới, cả hai đồng minh chúng ta cùng nắm tay nhau đi tới thắng lợi.
Gửi lời chào huynh đệ,
Tôn Dật Tiên. (1)
Thông điệp này đã làm cho Quốc Dân Đảng nhận được ngay sau khi Tôn Dật Tiên qua đời, bức điện tín phân ưu của Stalin, đại diện cho Đảng Cộng Sản Nga, và bức điện của Zinoviev, chủ tịch Quốc tế Cộng sản, với lời hứa tiếp tục ủng hộ của Đệ Tam Quốc Tế.
***
Lịch sử thật trớ trêu. Tôn Văn thất bại trong thương thảo với sứ quân Bắc Dương. Hai tháng sau khi qua đời, phong trào Ngũ Táp (ngày 30 tháng Năm, 1925) do sinh viên – công nhân nổi dậy, làm Quốc Dân Đảng hồi phục. Thế mà, chỉ năm sau, 1926, trong đảng cách mạng của Tôn Văn, Tưởng đem quân đi tàn sát sinh viên - công nhân Quảng châu. Năm sau nữa, 1927, Tưởng tàn sát công nhân Thượng Hải. Năm 1929, Stalin đóng cửa trường Tôn Dật Tiên (2). Năm 1937, đế quốc Nhật khởi đánh Trung quốc qua biến cố Lư Cầu Kiều. Người đánh điện cho QDĐ hứa trợ giúp là Zinoviev bị xử bắn. Và đại đệ tử của Tôn Văn, là Tưởng Giới Thạch…lên chức Thống Chê. Tưởng viết sách chống Tây phương, quay về với đạo Khổng cổ truyền, cuốn “Định Mệnh Trung quốc” (China’s Destiny). Sau khi giết sạch những ai không tin chế độ độc đảng của mình, Tưởng tiêu diệt họ (3). Sau khi giàu có (4), Tưởng chạy ra Đài Loan…Xem ra Quốc phụ Tôn Văn không hiểu Tây phương, không hiểu Trung quốc, lại cũng không hiểu nội bộ nhân sự của Đảng mình lẫn Quốc tế Cộng sản.
Lịch sử trớ trêu hơn nữa, khi mà di chúc Tôn Văn, cả Lục địa, cả Đài Loan đều dấu nhẹm đi, không hề nhắc tới. Theo tác giả Lyon Sharman, đây là văn bản gây bối rối tột bậc cho giới lãnh đạo - cả Quốc lẫn Cộng.
Cho nên hầu hết dân Trung quốc không hề biết di chúc Quốc phụ.
-Vũ Huy Quang.
(NOV-2012)
Chú thích:
(*) Fuzhou, Foochow, thuộc Phúc Kiến, trông ra Thái Bình Dương, hướng Đài Loan.(tr.103, “Political of China” - Li Chien –nung.)
(1) “Sun Yat-Sen”, The Legacy of Programs, tr. 308-309, Lyon Sharman. Bài di chúc này cũng đã đăng trên New York Times, ngày 24 tháng Năm, 1925.
(2) Theo Hoàng Phần Du, du học ở Moscow từ 1927-29, thì Mật vụ Stalin kiếm được danh sách quá bán tổng số sinh viên ở Nga (trên 200 người) theo Tả Đối Lập, chống đường lối Stalin áp dụng tại Trung quốc. Những người này, bị vào trại lao cải, hoặc đi đầy ở Siberia, hoặc chết mất xác trong các nhà tù rải rác ở Nga. Số sinh viên còn lại bị tống xuất về nước. Đại học Tôn Trung Sơn đóng cửa năm 1929. “Chinese Rev., Memoirs 1919-1949.”, Wang Fan-hsi, Oxford Univ.Press, 1980.
(3) Từ tháng Tư đến tháng Chạp, 1927, theo tài liệu tóm luợc, có 37,985 người chết và 32,316 người bị bắt vì tội tù nhân chính trị. Từ tháng Giêng đến tháng Tám, 1928, 27,699 người chính thức bị án tử hình bởi Tòa án quân sự Quốc Dân Đảng, và trên 17,000 người bị án tù giam. Cuối 1930, ước lượng là có 140,000 người bị giết. Năm 1931, ban nghiên cứu của chỉ 6 tỉnh thôi, có kết luận là trong năm đó, có 38,778 người bị xử quyết vì tội danh là kẻ thù của Quốc Dân Đảng. “No Peace for Asia”,1947; 1967, M.I.T Press. Harold Isaacs, tr. 60.
(4) Giữa 1927 và 1932, chính quyền Tưởng Giới Thạch có quốc trái là $1,100,000,000 (đô la Trung quốc, gía tương đương 2.50 đến 4.50/ 1 đôla Mỹ ), lãnh đạo Đảng chiếm dụng hết. Chỉ để 1% trên tổng số cho nhu cầu quân đội cùng chi phí hành chính. (sđd, H.I. tr.62)
0 nhận xét