Open top menu
Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012




Tại các nước tiên tiến kỹ nghê Tây phương, người ta bị ám ảnh bởi bóng ma Cộng sản. Nhưng tại các nước Cộng sản, người ta không bị bóng ma Tư bản ám ảnh, mà bị bóng ma Stalin. Nhất là Nga.
Các sách viết về Stalin, đại đa số đều do các tác gỉa ngoài vòng kiểm sóat của xã hội chủ nghĩa viết. Những số sách hiếm hoi, do từ trong chế độ viết, hoặc sau khi Liên Xô sụp đổ…nay được chú ý nhiều hơn. Lý do là nhiều tài liệu trực tiếp do các tác gỉa thu thập được thêm về sau.
“Stalin, Triều đình sao đỏ” là nhan cuốn sách của tác gỉa người Ý, học ở Anh, Simon Sebag Montefiore (s.n 1965) đi sang Nga, sưu tầm tài liệu về Triều đình Stalin…được nhiều khen ngợi. “Một chiến công của văn chương trong năm”, tờ Daily Telegraph nhận định. Sách xuất bản năm 2003.
1/ Không, mi không là Stalin.
Trong những trang mở đầu, S.S.Montefiore thuật lại chuyện người con nuôi của Stalin, Artyom Sergeev nhớ chuyện con ruột Stalin là Vasily, có lần vòi vĩnh điều ưu đãi gì đó. Bị Stalin từ khước, anh ta nằn nì,”Tên con cũng là Stalin mà.” Liền bị Stalin quát mắng,”Không, mi không là Stalin và ta cũng không là Stalin. Stalin là quyền uy Xôviết. Là báo chí nói sao thì y như thế. Là chân dung treo khắp nơi. Đó là Stalin.”
Một con người tự tách mình ra, tự tạo một hình ảnh riêng trên sân khấu, tự biên tiểu sử dòng dõi, ngày tháng sinh đẻ cũng tự viết, lý lịch học vấn cũng tự nhận, vai trò sân khấu chính trị cũng tự diễn…Người nào như thế, chỉ có vào Viện Tâm thần. Thế mà lãnh tụ Cộng sản như Stalin làm được. Phải nhận là với tính quỷ quyệt cộng với may mắn của Phong trào và Thời cuộc mới có thể thực hiện được. Phong trào là tính ưu việt của Bolshevik; Thời cuộc là sự tàn lụi của chế độ vua quan.
Sự ngự trị tột đỉnh của Stalin kéo dài mấy chục năm không hề ngẫu nhiên. Chỉ trong đảng của Lênin-Trốtki mới duy nhất có một người quỷ quyệt, bẻ quẹo lý thuyết, giết đồng chí có tính tóan, cùng tàn bạo phi nhân…đã cộng với tính ưu việt của cách mạng mà thành hiện tượng Stalin. Biết cách soi tấm gương này, cho ta thấy suốt bề sâu lịch sử.
2/Nỗi sợ và sự tức giận của Lênin.
Trước khi lâm bệnh, Lênin đã tỏ ý lo sợ có sự phân ly trong Đảng. Thư gửi cho Molotov, lúc ấy là bí thư của ban Trung ương, ngày 26 tháng Ba, 1922, Lênin đã viết,” Chỉ một bất đồng quan điểm nhỏ nhặt nhất trong nội bộ ban lãnh đạo cũng đủ làm suy yếu uy tín của tầng lớp này, khiến nó không còn khả năng quyết định và mất tự chủ trước tình thế. Thành thử bằng mọi gía, chúng ta phải giữ sự đòan kết trong đội cận vệ cũ và đặt niềm tin vào sứ mệnh lịch sử của họ.”
Nhiều lần, Lênin công khai tỏ sự căm ghét nạn quan liêu. Yelizaveta Drabkina, cộng sự thân cận của Lênin, nhận xét,”Nếu bắt Lênin làm bản kê khai về mình, như Mác đã làm cho các con ông, thì khi trả lời câu hỏi, ông căm ghét điều gì nhất, hẳn Lênin phải trả lời, ông căm ghét tệ quan liêu! Trong bất cứ trường hợp nào, không điều gì làm ông tức giận như những biểu hiện của quan liêu!”
Câu tái bút trong thư gửi bộ Chính trị, phê bình thành ủy Moscow ngày 18 tháng Ba, 1922, Lênin viết,
” Là một nỗi nhục nhã và đê tiện nếu một đảng cầm quyền bảo vệ những kẻ xấu xa “của họ” (Nguyễn Văn Liên, “Lênin, con người, cuộc đời và sư nghiệp” tr. 385.)
Càng trung thành với lãnh tụ, càng suy tôn lãnh tụ, càng được bảo vệ để ngồi mát ăn bát vàng. Đó là đường lối chế độ kiểu Stalin, không nhiều thì ít, đang còn di sót trong các xứ xã hội chủ nghĩa méo lệch.
Di sản của Stalin là làm cho dân quen Đảng chỉ đạo, không quen suy nghĩ độc lập. Quan liêu là Đảng, quan liêu thờ phụng lãnh tụ, Đảng đi theo đường lối lãnh tụ, chống đường lối Đảng lại là…chống chủ nghĩa Mác-Lênin.
3/ Nhưng chê bai chủ nghĩa Mác, lại không suy suyển gì tới quan liêu Đảng cả.
Đọc sách Mác căn bản chỉ bằng Việt ngữ, mỗi người hiểu một cách. Đây là điều không kỳ lạ, vì khi giai cấp Proletariat, từng được Tàu Quảng Đông dịch là giai cấp Phổ La, đã khó hiểu, nay dịch thành giai cấp Vô sản (không có tài sản) để đối đầu với giai cấp bourgeoisie (Tàu dịch là giai cấp Tư sản) để chỉ người có tài sản, thì chả ăn nhập gì đến chủ thuyết Mác. Thời nào chẳng có người không tài sản! Trong giới thợ thuyền sản xuất lãnh lương, có người ngạch trật cao, luơng chuyên viên của họ có thể mua nhà mua xe dễ dàng, tuy trong giai cấp Vô-sản proletariat, nhưng có phải họ không có tài sản riêng đâu! Một phú nông, tuy có tài sản hơn một người thợ, nhưng phú nông ấy không trong giai cấp Vô-sản. Vậy đã có người viết sử, viết về Cải Cách Ruộng Đất, ”…dầu trước kia có hay không […] nông dân nay trở thành Vô sản hoàn toàn dưới chế độ CS”!
Bóng ma Stalin đã đẻ ra sự thần tượng lãnh tụ, càng thần tượng lãnh tụ, bóng ma càng lớn, nuôi dưỡng quan liêu, bẻ quẹo lý thuyết, đẻ ra chủ nghĩa xã hội trong một xứ…Nhưng, mấy ai nhìn ra Stalin nếu chúng ta cứ hiểu chủ nghĩa Mác …như trên.
4/ “Để Lich sử Xử - những nguồn gốc và hậu qủa của chủ nghĩa Stalin”.
“Let History Judge - the origins and consequences of Stalinism” của Roy A. Medvedev.
R.A.Medvedev là một học gỉa Nga. Ông dạy sử ở Tbilis, Georgia, cùng quê với Stalin. Sinh năm 1925, lớn lên trong thời Stalin hoành hành. Sau diễn văn tố Stalin của Kútxép, ông sưu tầm tài liệu, nhân chứng về Stalin hàng chục năm. Sách ông viết trong 4 năm, dù trong thời mở cửa ở Nga, nhưng không nhà xuất bản nào nhận in (có thể vì vấn đề Nhạy Cảm) ông phải chuyển ra ngọai quốc. Tuy sách chỉ muốn víết cho độc giả Nga, nhưng các sử gia Pháp, Đức và Anh-Mỹ chào đón nhiệt liệt. Ban biên tập có tới hàng chục chuyên viên đã hòan tất năm 1971. Trong năm đầu đã phải tái bản ngay.
Trong số sách hiếm hoi in bên kia bức màn sắt, cuốn này còn nhiều tài liệu hơn, cả với cuốn của Trốtki (mất 1940) và cuốn của Isaacs Deutscher, xb 1963. Nhưng có những trang, nhiều người không dám đọc lại, như khi tác giả viết về cảnh nạn nhân chết đói ở Nga.
 Xin tóm lược chương kêt của cuốn sách.
“Chúng ta cần thông tin đầy đủ, chân thực. Và sự thực không phải dành để phục vụ cho riêng ai.” – Lênin.
“Tự phê-không khoan nhượng, cay đắng thế nào đi nữa, sẽ đến tận cùng gốc rễ sự việc – đó là tia sáng và khí trời cho phong trào Vô-sản.” – Rosa Luxemburg.
Sự lượng gía hành động Stalin thu hút các sử gia buốc-gioa cũng như sử gia Xôviết. Phe buốc-gioa coi Stalin là lãnh tụ lớn nhất trong thế giới Cộng sản chỉ sau Lênin, có những hành động thay đổi lớn không chỉ với Xôviết mà cả thế giới. Khi nhận chân về mức độ tội ác của Stalin, họ muốn nói để xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Xôviết thành công thì phải không thể nào không tạo những tội ác như thế được, không thì không thể tạo ra một chế độ tòan trị tận cùng được. Hành động của Stalin chỉ là kế tục hành động của Lênin mà thôi […]
Lênin và Trốtki lãnh đạo Cách mạng tháng Mười, đem lại cho dân Nga biết thế nào là Xã hội chủ nghĩa, và Stalin là người thực hiện nó. Họ biện luận tiếp, cái gía phải trả dĩ nhiên là đắt, nhưng không còn cách nào khác. Các trí thức chống-Cộng tiểu tư sản…đồng thanh như thế.Tương tự, tờ báo Đức DIE WELT tuyên bố rằng Stalin đã chuyển Nga Xô từ một nước chậm tiến nông nghiệp sang một nước kỹ nghệ, mới có khả năng chặn được quân Nazi, điều các Sa hòang trước đây không làm nổi. Nhưng nếu hỏi ngược lại, có cần phải cho hàng triệu người chết đói, tàn sát hàng vạn nạn nhân để làm điều ấy không, tờ DIE WELT không trả lời. (1)
Người Mácxít, trên khía cạnh lý luận lịch sử, không chấp nhận những suy luận lọai ấy. Không phải Stalin gây ra cho quần chúng biết thế nào là chủ nghĩa xã hội, hay dạy cho dân biết đọc biết viết, như tờ DIE WELT bảo. Cánh cửa giáo dục, văn học đã mở từ Cách mạng tháng Mười. Sự chuyển mình còn lớn nhanh nữa, nếu chính Stalin không ra tay giết hàng trăm ngàn người trong giới trí thức, nghệ sĩ, vừa cũ (2) vừa mới. Tù nhân trong các trại tập trung của Stalin đã hòan tất được những công trình lớn, nào đào kênh, dựng trạm biến điện, làm tuyến đường sắt, đặt ống dẫn dầu, xây cất ngay cả những binđinh lớn tại Moscow. Nhưng kỹ nghệ còn phát triển nhanh hơn, nếu như hàng triệu nhân công vô tội kia được lao động như những người tự do. Cũng vậy, cách sử dụng bạo lực đối với nông dân làm chậm mức tăng trưởng sản xuất nông phẩm, gây nên những đau đớn cho tòan thể kinh tế Xôviết cho đến tận ngày nay. Đó là hậu quả không thể đảo ngược, căn cứ trên thống kê con số là Stalin đã không chọn con đường ngắn nhất, không thúc đẩy tiến triển, lại còn làm chậm lụt phong trào tiến lên con đường xã  hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Nhiều nhà xã hội và xét lại có nhiều lối giải thích tương tự nhau, theo kiểu các sử gia buốc gioa. Pietro Nenni chả hạn (3), tự trả lời câu hỏi, “Điều gì làm Stalin thắng chiếm quyền lực”, bảo rằng,”Hơn những người Bolshevik khác, Stalin thấm nhuần được thực tế Nga Xô”. Để tránh không nhìn vấn đề làm sao mà một người lãnh hết trách nhiệm trên bao nhiêu biến cố lớn như thế, Nanni chỉ giản dị kết luận, là “chủ nghĩa Stalin đã hội nhập với chủ nghĩa Cộng sản suốt ba chục năm, từ khi Lênin chết, cho đến khi Stalin chết” (4)
Chú Thích:
(1)    “Đây là một bí ẩn lịch sử đích thực.” DIE WELT, March, 5, 1963.
(2)    “Bí Ẩn về cái chết của Vladimir Maiakovski”, của Valentin Skoriatin. Lê Khánh Trường dịch. Nhà XB TRẺ, 2002. Cuốn sách hiếm hoi bằng Việt ngữ, tuy nói về nghi vấn, nhưng độc gỉa cũng thấy Mật vụ Stalin lấp ló qúa nhiều trong cái chết của nhà thơ lớn này.
(3)    Nenni, Le prospective dei socialism dopo la destalinizzazione (Turin, 1962), tác gỉa trích theo bản dịch Nga văn (Moscow, 1963).
(4)    Nenni, sđd, tr.5.

                                                                                                            (Còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét