Nhà thơ Lưu Trọng Lư
Ngay sau khi giành được chính quyền ở Sàigòn, đảng ta tổ chức “một khoá học tập gọi là khoá bồi dưỡng chính trị dành cho văn nghệ sĩ Sàigòn ”, cấp tốc đưa từ Hà Nội vào những cây đa,cây đề trong giới văn học miền Bắc như Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Bảo Định Giang...v..v...”
Dịp này nhà thơ Lưu Trọng Lư “đã kể lại con đường phục vụ "cách mạng" của mình và kêu gọi văn nghệ sĩ miền Nam hãy mạnh dạn đi theo con đường mà ông đã trải qua. “.
Thực ra chẳng phải chờ tới “khoá bồi dưỡng chính trị” này, ngay sau ngày Huế rơi vào tay “bộ đội giải phóng”, đứng trước cảnh nhà cháy, người chết, gia đình ly tán, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã “kể lại con đường của mình” bằng những lời sảng khoái, mừng rỡ trong bài thơ “Đường ta đi thế đấy bạn lòng ơi “ :
“ Đất này không phải xứ sở của thần tiên,
Người với người thôi , sao mà đẹp vậy…
Đường ta đi thế đấy
Đường ta đi thế đấy bạn lòng ơi…”
Ba ngày sau khi tiếng súng đã tắt trên cố đô, đặt chân trên đường phố Huế, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã bịt tai che mắt sao mà không nhìn thấy những dấu tích máu còn lại , những thảm trạng người với người giết nhau, giành giật nhau cơ hội sống trong trốn chạy, tưởng như “Thượng đế đã chết trong thành phố”, vậy mà trái tim thi nhân của nhà thơ vẫn reo vui :
“ Người với người thôi, sao mà đẹp vậy…”
Phải đặt câu thơ vào thời khắc của lịch sử , người đời sau mới thấy hết được trái tim đen của thi nhân, ngòi bút của ông ta đã chấm vào mực hay máu để mà cười vui trước nỗi đau của dân tộc ?
“Như con ngựa đường trường
Ta về đây gõ móng
Trời cao đất rộng
Mở phanh vạt áo của hồn ta…”
Tháng Tư 1975, từ biệt thự cơ quan Hội nghệ sĩ sân khấu 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội , “con ngựa đường trường “ Lưu Trọng Lư đã phi thẳng tới “ cố đô Huế “hỗn loạn để …gõ móng . Ông gõ vào ai vậy ? Tất nhiên không phải vào “Ban quân quản thành phố”, không phải “đoàn quân chiến thắng xạm màu súng đạn”, cũng không phải Đại Nội rợp trời cờ đỏ ? Vậy thì nó chỉ còn gõ móng vào nỗi đau của đồng loại trong “mùa hè đỏ lửa” trên “đại lộ kinh hoàng” và liệu ông có coi những mẹ, những em, những nỗi đau “bọt bèo số phận” là “đồng loại” không ? Chắc là không ? Đồng loại của nhà thơ phải là những “mũ tai bèo đôi cánh đang bay”, những “em băng trong lửa đạn chiến hào , tóc nữ sinh cuốn theo vành mũ vải…”
Vô cảm với nỗi đau con người trong loạn lạc, Lưu Trọng Lư lại còn tự đấm ngực, bứt tóc, rên rỉ, gào rú cho thân phận của chính mình trước ngày ông có Đảng :
“ Ôi bé bỏng một tấm thân người
Một chiếc thuyền nan bồng bềnh giữa hai bờ sống chết
Có nỗi thương của Giêdu, có nước mắt của Phật
Và trên tay áo này,
Trên tay áo này
Những giọt đau !
Những giọt đau !
…Trong cõi lạnh hư vô
Một con đò, ôi một con đò…”
Viện cả đức Chúa Giêsu và đức Phật Thích ca để “phản tỉnh con người cũ” liệu có lôi kéo được ông Nguyễn Khắc Viện ( người được Lưu Trọng Lư tặng bài thơ này” đi theo “ Đường ta đi thế đấy…” :
“Ta một giang hồ thi sĩ
Dừng nghe tiếng gọi từ xoáy hồn ta
Hay tiếng gọi từ một bến bờ xa
Tiếng gọi từ một bến bờ xa
Tiếng gọi từ một bến bờ quang đãng
Trận gió Thu và những ngày Tháng Tám
Đắng cay sực tỉnh, mình lạnh mồ hôi…”
Đó, một “giang hồ thi sĩ” lớn như Lưu Trọng Lư còn đi theo Cách mạng Tháng Tám, huống hồ nhà viết sách “học làm người” như Nguyễn Khắc Viện còn chần chừ làm chi ? Thôi thôi hãy cùng nhà thơ lên đường :
“ Rồi với kẻ cùng đi
Với những tấm lòng theo nhau vào trận đánh
Thế thôi !mà sao vất vả rộn ràng…
Một ngày qua nhanh, tiếc ngẩn…”
Lời rủ rê này chẳng riêng gửi bác Nguyễn Khắc Viện mà cho cả trên 400 văn nghệ sĩ Sàigòn trong “khoá học chính trị “ ngày đó. Các quý vị còn chần chừ gì nữa, hãy “theo nhau vào trận đánh”, chậm một ngày tiếc ngẩn một ngày, đơn giản thế thôi mà sao cứ “vất vả” chần chừ mãi thế ? Tiếc thay, bỏ ngoài tai lời kêu gọi của nhà thơ, chỉ vài năm sau , gần 400 văn nghệ sĩ này đã bỏ của chạy lấy người, rủ nhau vượt biển, biến sạch ra…hải ngoại.
Làm thơ chưa đã, Lưu Trọng Thư còn diễn dịch ra 80 trang văn xuôi “Đường ta đi thế đó bạn lòng ơi…” để “giác ngộ thanh niên Huế”.
“ Sau khi Huế giải phóng dược vài hôm, giữa phố Paul Bert cũ , tôi đã gặp mấy thanh niên…Cũng không hiểu sao, họ đã nhận ra tôi và điều đầu tiên là họ muốn biết từ Tiếng thu những bước đi của tôi như thế nào ?”
Và nhà thơ hãnh diện trả lời :
“ Còn thế nào nữa ?
Tôi ngày nay đã là một người cộng sản. Với những người bạn trẻ ở miền Nam vừa được giải phóng, những bạn đã từ một đêm dài trở lại với ánh sáng, hôm nay tôi muốn có đôi lời gửi gắm…”
Nào các bạn thanh niên miền Nam vừa từ “đêm dài” trở lại “ánh sáng”, sắp được rời thành phố lên rừng đi kinh tế mới, sắp được khăn gói đi học tập cải tạo, sắp được bước vào công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, hợp tác hoá nông nghiệp trên toàn miền Nam, các bạn hãy lắng nghe nhà thơ “Tiếng thu” ngày xưa , “cộng sản” ngày nay gửi gắm những lời lẽ gì ?
Sau khi nhắc lại hình ảnh ông là chiếc thuyền nhỏ bé đi giữa hai bờ sống chết, nhà thơ tâm sự : “ Câu thơ này thật ra có thể tổng kết cả một thời trai trẻ của tôi , nói lên cả một chân lý cuộc đời tôi…Thật là lênh đênh giữa hai bờ sống chết. Không phải thân thế tôi chỉ “giang hồ “ trong cuộc sống , mà tâm tư tôi còn “phiêu bạt” trong cõi đất trời mông lung mà tôi không hiểu nổi…”
Trong cả chục triệu thanh niên miền Nam trước 1975, liệu có được bao nhiêu người “lênh đênh giữa hai bờ sống chết”,” giang hồ” trong cuộc sống”, “tâm tư phiêu bạt trong trời đất” như nhà thơ ? Khéo lắm chỉ có đám đâm thuê chém mướn, “đá cá lăn dưa” ở chợ Cầu Muối mới có cùng tâm trạng với ông, còn tuyệt đại đa số thanh niên miền Nam vốn chí thú làm ăn và coi gia đình là gốc, vậy lời “gửi gắm” của ông còn có tác dụng gì? Vậy nhưng ông vẫn kiên trì kể lể :
“ Tôi có thể nói từ thủa nhỏ, từ nhà tôi, một nhà quan cũng như từ cung vua của Thái tử đi ra tám hướng, hướng nào cũng ngập những nỗi khổ đau của con người…Tôi đi tới phương nào cũng gặp những nối khổ đau của con người. Nào tôi đã làm gì để giảm nhẹ , để xoá bỏ nỗi đau khổ của con người ?”
“ Đời là bể khổ” mà, Phật đã dậy rồi. Vậy là mang lý tưởng của Đức Như Lai, cậu bé Lưu Trọng Lư lên đường để “xoá bỏ nỗi đau khổ của con người”. Ôi cao quý thay…Vậy cậu đã làm gì ?
“ Cũng chỉ đến đổ nước mắt thôi!Chỉ có nước mắt thôi , không cứu nổi con người đâu …”
Vậy thì cái gì cứu nổi con người. Chẳng vòng vo gì nhiều, ông nhà thơ huỵch toẹt :
“Sau này khi tôi có bài thơ nói về Đảng của tôi, trong đó có câu :
“ Mẹ không cho nhiều nước mắt Như Lai…”
Là ý nghĩa như thế, Đảng trân trọng những gịọt nước mắt nhưng Đảng không khuyên con người cứ chết chìm trong nước mắt. Niệm một nghìn lần câu “ Đời là bể khổ” cũng không cứu đời ra bể khổ…”.
Vậy là đã rõ, đứng trước mọi khổ đau của kiếp người cho dù bố đi cải tạo, mẹ vất vả thăm nuôi, chị gái ra đứng đường, em gái liếm lá ngoài chợ… thì cũng không nên “ chết chìm trong nước mắt”. Vậy phải làm gì ? Ông nhà thơ đã vạch cho tuổi trẻ miền Nam một lối thoát : tin yêu vào cuộc sống .
“ Sự tin yêu cuộc sống đã cho tôi sức trẻ…Trong thơ văn tôi đã nhắc nhiều lần đến hai chữ “hồi sinh”. Trong bài thơ “Tiếng thu II” tôi có câu :
“ Những kiếp người tất tả hồi sinh”
Vậy “hồi sinh” tôi hiểu thế nào ? Là từ bỏ những gì vẩn đục , đen tối xấu xa để chuyển tới một cuộc đời trong sáng hơn, cao đẹp hơn…”
Rất chí lý, hàng triệu thanh niên miền Nam đã thực hiện y như lời gửi gắm của nhà thơ Lưu Trọng Lư, họ cũng từ bỏ những gì vẩn đục, đen tối, xấu xa để chuyển tới một cuộc đời trong sáng hơn, cao đẹp hơn, chỉ tiếc rằng họ “hồi sinh” bằng “đôi chân” chạy trốn khỏi cái xứ sở thời đó mà đến cái cột đèn nếu có chân cũng phải bỏ đi…
(còn tiếp)
0 nhận xét