(tiếp theo)
Như vậy đã thành một công thức trong “nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết” của Nguyễn Huy Tưởng : mọi chiến sĩ , dù là kinh hay thượng, dù là dân thường hay bộ đội, trước khi chết đều nhớ tới bác Hồ và Đảng. Sự thực ra sao chắc chỉ những “người trong cuộc” mới biết, chỉ tiếc họ đã ra người thiên cổ nên chẳng ai kiểm chứng được huyền thoại về những cái chết trong nỗi niềm thương nhớ Bác Đảng mà ông nhà văn đã tô vẽ.
Một điều khá đặc biệt nữa là hầu hết những người lính của Nguyễn Huy Tưởng đều có “dính dáng” tới cụ Hồ.
Thí dụ như Bảo, người lính cuối cùng trong trận chiến đấu bảo vệ Bắc bộ phủ “ là một thợ tiện tập sự của Sở máy nước đá . Ngày cách mạng , Bảo xin đi biểu tình , bố mẹ cấm vì Bảo còn nhỏ.Bảo trốn đi, theo anh em vào cướp dinh và được phát hai quả lựu đạn Nhật, một con dao găm. Một hôm có tin là cụ Hồ ở chiến khu về. Bảo hỏi một người đội viên Thổ “ Hồ Chủ tịch là gì ? “Anh Thổ nói :” là đứng đầu nước, giữ độc lập cho dân…”. Buổi chiều , một ông già áo kaki, dép con hổ, đi với nhiều người vào. Thấy nhiều người hô muôn năm, Bảo cũng hô. Bảo đoán đấy là Hồ Chủ tịch vì anh em đã cho xem ảnh trước…Từ đấy , Bảo yên tâm ở bộ đội…”
Vậy đó, hình ảnh của cụ Hồ chẳng những ăn sâu trong tâm hồn những người lính của Nguyễn Huy Tưởng mà còn tràn lan trong những trang viết “Sống mãi với Thủ đô”.
Hầu như tất cả các trận đánh giữa ta và Pháp ở Hà Nội đều được tác giả “Sống mãi với thủ đô” thuật lại. Nhà máy đèn, Bưu điện, Bắc bộ Phủ, Chủ tịch phủ, chợ Đồng Xuân, Nhà thờ lớn…nơi nào cũng có chung một tính chất , hết sức phổ biến là quân dân ta cực kỳ anh dũng, quân địch cực kỳ độc ác và hèn nhát. Tính đơn điệu và một chiều trong những nhân vật tự vệ thủ đô như Trần Văn, Thu Phong, Tân, Bảo, ông già Phùng Gia Lộc…những anh bộ đội người Thượng, những cô nữ sinh Hà Nội như Oanh, Quyên, những người cộng sản như Quốc Vinh , Bí thư…là ở chỗ cho dù họ mang những danh xưng khác nhau, tên tuổi khác nhau, cho dù là nghệ sĩ, trí thức, tư sản, công nhân…nhưng họ giống nhau y hệt như những hạt đậu trong hũ. Cái mẫu số chung đã được quy đồng cho mọi nhân vật đó là sự bỏ quên cá nhân, quên gia đình, quên mọi thứ trên đời để toàn tâm toàn ý tập trung vào đánh giặc và trong lòng người nào cũng có một vị thánh sống là …”bác Hồ”.
Tuy thế, trong cái bức tranh rực một mầu hồng đó, đôi khi cũng lộ hé cái bệnh “ độc đoán”,”độc quyền lãnh đạo” của những người cộng sản đủ để cho ta thấy song song với việc đánh Pháp, Đảng cộng sản đã ráo riết thâu tóm quyền hành thiết lập chế độ độc đảng ngay từ khi còn trứng nước như thế nào.
Nguyên ông Uỷ viên quân sự Văn Việt là người ngoài Đảng, chức quan trọng vậy nhưng không được họp nội bộ Đảng, không được biết những tin tức quan trọng, bởi vậy ông Uỷ viên quân sự này vẫn ấm ức về trò lén lén lút lút qua mặt ông của các đồng chí đảng viên. Khi nổ ra cuộc chiến đấu chống Pháp, ông Uỷ viên Văn Việt đưa lực lượng tự vệ tới đánh chiếm nhà Xôva của hãng tàu thuỷ Pháp. Khí thế hăng hái lắm. “ Trong đêm tối, bộ đội và tự vệ vây lấy cái hãng , bắn súng và ném lựu đạn. Giặc không dám bắn ra. Đánh mãi, đánh mãi, đến nửa tiếng đồng hồ. Ta trèo vào trong sân , tiến tới sát cửa , đập cửa ầm ầm. Người ta xông vào trong nhà, hô chiến thắng vang lừng . Người ở dưới nhà chạy lên gác, người trên gác chạy xuống dưới nhà , vào buồng này, sang buồng kia, gọi nhau í ới , ồn ào như vỡ chợ. Xục mãi không tìm được một tên giặc , không thu được một viên đạn….”
Sao lạ thế ? Quân Pháp đâu hết cả rồi ?
Thì ra họ đã rút từ tám đời, chi bộ Đảng biết điều đó nhưng lại không thông báo cho Văn Việt, vì anh ta là người ngoài Đảng. Bởi vậy khi có người hỏi : “Nó rút từ lúc nào ?” Văn Việt buông cả hai tay , cay đắng :”“ Mình là quần chúng, ai cho biết mà chủ động…”
Vậy đó, dù có là Uỷ viên quân sự đi nữa, nhưng không phải đảng viên thì cũng không được biết những “tin tức nội bộ”. Thực ra ông Uỷ viên muốn “đánh một trận ra trò , tiêu diệt hoàn toàn vị trí Xôva, để cho các ông đoàn thể – tức là Đảng, biết rằng dù bị thành kiến, một thằng quần chúng khi nhận nhiệm vụ , vẫn làm đâu vào đấy, vẫn cừ. Khi biết là đã đánh vào một vị trí không người, anh choáng đi, như bị sét đánh. Anh càng giận Quốc Vinh ( cán bộ Đảng đã dấu không cho biết chuyện Pháp đã rút khỏi nhà Xôva) . Giặc không tiêu diệt được, đoàn thể thành kiến, mất uy tín , không lập được công trong đêm đầu. Anh khóc vì tức vì xấu hổ…” .
Thế rồi không chịu nổi đồng chí cấp uỷ Đảng chơi xỏ mình, ông Uỷ viên quân sự tìm tới tận trụ sở, xông lên phòng ông chính trị viên, “mặt tối sầm, giọng xẵng, lưỡi như rít lại :
“ Sao anh không cho tôi biết trước ? Anh coi tôi là người thế nào mà phải giấu tôi ? Tôi là Uỷ viên quân sự để làm vì à ?”
Đồng chí cấp uỷ “ đối với quần chúng bao giờ cũng giữ được cái lễ độ và mềm mỏng cần thiết :
“ Cứ bình tĩnh, anh ạ. Tôi nghĩ rằng việc thì có cái nói trước, có cái nói sau, người thì có người nói trước, có người nói sau…”
Ông Uỷ viên quân sự ngoài Đảng tức giận :
“ Thế nghĩa là chúng tôi là những người làm thì làm trước, biết thì biết sau chứ gì ? Anh giữ bí mật thế à ?”
Không kìm nổi tức giận, ông Uỷ viên quân sự ngoài Đảng “ giáng một cái tát vào một má hóp” của ông cán bộ Đảng. Nếu là người bình thường thì ông bị ăn tát này đã nhảy xổ ra trả đũa rồi, nhưng ông cán bộ Đảng vốn cáo già về chính trị, ông chỉ “cau trán, loáng một ánh sáng nơi đuôi mắt “ rồi trở lại bình thường ngay :
“ Bây giờ anh đang nóng. Để một dịp khác ta sẽ nói với nhau về chuyện này. Còn chuyện gì khác nữa không , anh Văn Việt ?”
Ông cán bộ Đảng mềm mỏng nhưng mà dứt khoát, ông chỉ gọi ông Uỷ viên là “anh” thôi chứ không gọi “ đồng chí” . Vậy là ông ngầm tỏ ý sẽ không tha cho cái “tát hỗn xược “ ấy đâu, nhất định sẽ có ngày ông trả mối nhục này, nhất định sẽ có dịp cho ông “nói lại chuyện này.” Lúc đó ông sẽ phân tích trong cuộc họp nội bộ Đảng rằng quần chúng mà dám giang tay tát cả Đảng thì còn gì là uy tín đoàn thể nữa, đây không chỉ xúc phạm cá nhân mà xúc phạm cả tổ chức. Cánh cửa vào Đảng giành cho ông Uỷ viên quân sự như thế là vĩnh viễn đóng lại. Không phải đảng viên thì ông Uỷ viên quân sự cũng hết hy vọng thăng tiến theo con đường quan lộ, mai mốt leo được cái chức đại đội trưởng cũng là kịch trần rồi.
Mấy trang cuối cùng của cuốn “ Sống mãi với thủ đô”, Nguyễn Huy Tưởng giành cho “chú bé Gavơrốt Việt Nam “, bé Thắng . Chú bé này mới 8 tuổi đã khăng khăng đòi mẹ theo các anh bộ đội đi đánh tây. Sau một trận đánh, lúc rút kinh nghiệm , bé Thắng cũng đòi … phê bình thủ trưởng :
“ Thắng đứng dậy, hai tay buông thẳng cứng cỏi như một chiến sĩ. Thắng nhìn thẳng vào Dân – chỉ huy, vênh mặt lên :
“ Báo cáo đồng chí . Đồng chí có một khuyết điểm . Sao đang chiến đấu , đồng chí lại đẩy tôi xuống hố…”
Thắng cau trán lườm mọi người, nét mặt nghiêm nghị , mắt quắc lên nhìn Dân bĩu môi . Một chị đẩy chén chè tới trước mặt chú bé. Thắng gạt đi giận dữ. Dân nói :
“ Tôi thấy đồng chí bò, tôi sợ nó bắn đồng chí nên phải đẩy đồng chí xuống hố. Nhưng đồng chí phê bình thì tôi chịu…”
Quả thực khó mà tin được một chú bé đang tuổi nhi đồng mà lại hăng hái, coi thường cái chết một cách hỗn xược như vậy. Tính chất “giả” , bịa đặt theo yêu cầu tuyên truyền cứ bàng bạc trong suốt cuốn tiểu thuyết cho tới tận dòng cuối cùng của cuốn sách. Năm 1961 “ Sống mãi với thủ đô” ra mắt bạn đọc, lập tức nó được các nhà văn hàng đầu của cách mạng như Nguyễn Tuân , Nguyễn Khải, Tô Hoài …“bốc “ lên mây xanh dẫu rằng nó được viết theo cảm hứng chủ đạo là ca ngợi một chiều và vì thế nó mang nặng giá trị tuyên truyền hơn là giá trị nghệ thuật.
Tổng kết về Nguyễn Huy Tưởng, nhà phê bình Phan Cự Đệ đã viết trong cuốn “ Nhà văn Việt Nam 1945-1975” :
“ Nội dung tinh thần dân tộc trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng càng ngày càng sâu sắc trên cơ sở lập trường giai cấp được củng cố vững chắc hơn. Anh đã thấy được nội dung của hạt nhân dân tộc là lực lượng đông đảo quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng…”
Sáng tác bám sát đường lối của Đảng vậy trách gì Nguyễn Huy Tưởng “Sống mãi trong lòng Hội nhà văn” chứ chẳng phải trong lòng độc giả.
HẾT CHÂN DUNG NGUYỄN HUY TƯỞNG
0 nhận xét