Open top menu
Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012



                                 
 
                          (tiếp theo)

Chàng Dư mừng hết biết, mới gặp chặp tối, sáng sớm hôm sau đã được ôm người đẹp, một cuộc tình, một hôn nhân tốc độ còn chớp nhoáng hơn cả mấy ông Đài Loan sang Việt Nam lấy vợ thời nay. Dĩ nhiên, suốt đêm hôm đó chàng Dư sao mà “đánh một giấc ngon lành” được, cứ phấp phỏng đốt nến ngồi chờ tiếng chim Anh Vũ đón nàng. Khổ nỗi chàng cứ chờ hoài, chờ hoài chẳng thấy chim lẫn người đâu ra :
          “ Ta về mái tây, không hề nhắm mắt
          Mấy lần đốt nến lên, mấy lần thổi tắt
          Nào hay Anh Vũ chẳng hót cho
          Tin mừng chẳng có
          Có phải trời đã ngủ quên
          Đất không thức dậy ?”
Vậy là chưa hết đêm, bình minh chưa tới chàng Dư đã than trời trách đất,  “nghi ngờ” lòng tốt ân nhân , thật chẳng “quân tử” chút nào. Thế rồi có tiếng chân động ngoài thềm, mặc dù chưa đúng “ám hiệu” , chàng cũng “ vội đứng dậy, cài áo sửa khăn bước ra” hoá ra là…gió. Lại thấp tha thấp thỏm chờ đợi. Bỗng có tiếng chim hót.Dư lại một lần nữa cài áo sửa khăn. Nhưng khi nhận ra không phải tiếng chim Anh Vũ, Dư lại một lần nữa bàng hoàng thất vọng :
          “ Tiếng hót sao nghe như rối rít bàng hoàng
          Mà đâu phải tiếng chim Anh Vũ…”
Mới chưa qua một đêm chờ đợi, tính cách chàng nho sinh họ Dư đã bộc lộ cái phần “kém trượng phu” trong nhân vật chính vở kịch “Bình Minh Anh Vũ” làm người coi ngờ rằng nó phản chiếu chính ông tác giả.                                                                                             
Thế còn nàng Tuý Tiêu ?
Xuất thân nhà nghèo nơi thôn dã, bố chết sớm năm 17 tuổi, lọt vào tay một gã thuyền chài, sau được quan Nguyên soái chuộc về dạy múa, dạy ca…theo kiểu “đào tạo” kỹ nữ làm vui trong phủ. Trong tối hội thơ, vừa nhìn thấy Dư Sinh lần đầu nàng đã ưng trong bụng , đã “nhấm nháy”, ngầm đánh “tín hiệu”  đủ thấy gốc gác chẳng phải gia giáo. Tan hội, đêm về, được quan Nguyên soái báo tin gả nàng cho Dư sinh, lại được đọc bài thơ chàng làm có ghép tên mình, nàng mừng rỡ OK liền và xin vâng theo đúng kịch bản quan nguyên soái đề ra khi có tiếng chim anh vũ  cất lên  nàng sẽ đi “tìm cọc” ở phòng chàng Dư.
Đêm đó, cũng giống chàng thi sĩ, nàng bồn chồn, sốt ruột chẳng ngủ được, chờ hoài chẳng thấy chim chóc nào cất tiếng hót. Thế là nàng đành  phớt lờ “kịch bản” :
          “Băng sương vượt lối
          Ta đến với người
          Chân không bước mạnh
          Sợ động hồn mai…”
Xăm xăm tới phòng Dư Sinh, chàng lại đang … ngủ khì, nàng đành đánh động tự giới thiệu mình là “ người áo xanh” trong tối hội và tên Tuý Tiêu trong bài thơ chàng mới làm. Những tưởng chàng sẽ mừng quớ, ai ngờ lại vô tâm, hỏi cắc cớ :” Áo nào ? Thơ nào?”, rồi còn nghi ngại :
          “ Nguyên soái đã dặn
          Khi nắng sớm trên cành
          Và Anh Vũ hót inh
          Thì nàng sẽ đến…”
Tới nước này, nàng Tuý Tiêu đành phải giải thích chắc là chim anh vũ…ngủ quên nên :
          “Chẳng ngại sương đêm
          Thiếp đến với chàng tưởng  như đi trong bình minh rạng rỡ…”
Có lý do chính đáng “chim ngủ quên”, lúc này chàng Dư  mới như người ngủ dậy nghe tin trúng số , vội vàng  :
          “ Tuý Tiêu !Tuý Tiêu !
          Chuyện trong mơ, mà quả người đã đến thật…”
Thế là tình lớn gặp nhau, đồng lòng gặp gỡ khỏi chờ tiếng chim anh vũ như lời dặn quan nguyên soái, chàng nàng tranh nhau kể lể . Nàng than vãn “ 12 bến nước lênh đênh, không cội không cành, dạt đâu là phận đó, kể sao cho hết nỗi niềm” .
Còn chàng lại khoe chí khí nam nhi :
          “ Lòng ta chỉ muốn được rong chơi
          Ném quản bút tre vào mực đen thế sự
          Giấy nhân tình nhoè đỏ
          Cười  khóc chuyện người…”
Í trời , giá thi sĩ Lưu Trọng Lư cũng “ném bút vào thế sự” thì nay người đọc hẳn đã được hưởng di sản thơ giàu có chứ chẳng phải trắng tay như ông để lại. Tỏ vẻ lấy bút chống trời xong , chàng dùng nó chinh phục người đẹp :
          “ Nghe lời ca ai não nuột
          Nhìn điệu múa ai uốn đau
          Ruột này cũng quặn héo…”
Và chàng thề thốt :
          “Hãy sáng lên hỡi ngọn đèn
          Ta nguyện vì em làm phên che gió…”
Chàng nàng đang nỉ non tình sự, hốt nhiên Nguyên soái xuất hiện tay xách lồng chim. Người ta tưởng đòn trừng phạt tội cãi lời quan, không chịu chờ chim anh vũ lên tiếng  sẽ giáng xuống đôi tình lang, may thay ông quan là người tử tế , chẳng những không bắt lỗi mà còn cho ngựa, cho kiệu để chàng rước nàng về quê lại kèm theo quà tặng cưới chiếc lồng chim anh vũ ghi lại kỷ niệm ngày quan đi săn loại chim này, chuộc nàng về.
Tuy nhiên chẳng phải ông quan nào cũng tử tế như quan nguyên soái. Cái ông quan thứ hai làm thay đổi cuộc đời Dư Sinh và Tuý Tiêu lại là một bạo quan – Thân Trụ Quốc từng khoe khoang :
          “ Trong triều ngoài quận đều biết tiếng ta
          Có trầm quý nào trong rừng mà ta không kiếm được
          Tội nặng như núi, một chữ của ta còn xoá được nữa là…”
So với ngày nay, ông quan này có khả năng “chạy án” phải ngang cỡ….Uỷ viên Bộ chính trị. Nghe tin chùa Phổ Tế mới có ni cô xinh đẹp, ngài cũng dẹp việc quan, mò tới coi. Cô này được nho sinh ca ngợi :
“Hôm nay thỉnh chuông mới thì nhà chùa cũng thỉnh về một cô tiểu thư mới. Cứ nghe cô cất giọng kệ thì Phật có cho vào Niết Bàn cũng chẳng thiết vào nữa . Còn quan to quan nhỏ trong triều , cứ thấy mặt cô một lần , cũng không muốn rời khỏi cửa  tam quan…”
Không may cho vợ chồng  Dư Sinh, cũng đi vãn cảnh chùa trong tuần trăng mật đúng lúc đó. Vừa nhìn thấy Tuý Tiêu đứng bên hồ tay cầm đoá sen, tướng công đã hồn xiêu phách lạc, quên bẵng mất ni cô trong chùa.  Ngài lệnh :”Cứ cho lên kiệu về kinh ngay. Gấm vóc sẽ ban sau cho cha mẹ. Bọn lính dạ ran . Trong nháy mắt , chúng làm theo ý Thân Quốc Trụ. Tuý Tiên kêu la, chống lại nhưng chúng đã ép nàng lên kiệu khiêng đi. Mọi người chỉ biết nhìn theo. Đây đó một vài tiếng niệm :” A di đà Phật…”
Chứng kiến cảnh bắt người ngay trước cửa Phật, thiện nam tín nữ chỉ biết niệm kinh. Thế còn Dư Sinh, người chồng mất vợ, chàng thi sĩ mất người yêu ? Không chạy theo kiệu quan mà giải thoát Tuý Tiêu , không vạch mặt chỉ tên quan cướp ngày Thân tướng công, chàng  chỉ  ngửa mặt kêu trời :
          “Xanh xanh!Xanh xanh!Trời rất xanh
          Gíó như không gió vẫn dưa cành
          Ta đi đi về đâu ? Lội xuống hồ sen hay vào Tây Trúc ?
          Miệng ta mắc niệm Phật
          Ai khóc cho ta nỗi bất bình ?”
Cái kiểu cam chịu trước cường quyền bạo ngược, chỉ biết “khóc” và hỏi “trời xanh” này,  chẳng riêng nhân vật chàng Dư mà ngay ông tác giả đẻ ra nó và cả sĩ phu Bắc Hà ngày nay, hỏi ai là không có ? Bởi vậy nàng Tuý Tiên còn mong gì được giải thoát ?
Quả nhiên sống trong dinh Trụ Quốc Công, ngày đêm nàng chỉ còn biết giữ chặt “ chữ trinh” khiến quan lớn trong triều phải đặt mình ….ngoài vòng chăn gối của nàng tới đêm thứ …109  và “chiến công “ đó làm nàng thích chí.
Nhưng rồi một trăm đêm, một ngàn đêm, liệu giữ mãi được không , nàng than :
          “ Thảm thương số kiếp hoa cành
          Làm sao giữ mãi hương trinh hở trời ?”
Vậy là nàng chỉ còn biết trông vào trời, chứ còn cái anh chồng Dư Sinh  chỉ  đánh võ mồm “Ném quản bút tre vào mực đen thế sự”, chỉ “cười  khóc chuyện người…” chứ còn chuyện của chính mình thì …thua, lại đành phó thác cho trời chứ biết sao ?
Quả nhiên suốt trong thời gian đó, chàng Dư mất vợ chỉ quẩn quanh xó nhà “áo để buông không thắt giải, trên đầu đội một cái mũ cỏ, dáng đi thất thểu “ và than vãn :
          “ Một ngày xa vợ hết khôn
          Ta đi lùng hoa dại
          Vò nát giữa bàn tay
          Máu trong hồn rỉ mãi…”
   Rồi gặp vợ ngồi kiệu đi trên đường, chàng cũng chỉ đành trố mắt:
          “Ngồi trên kiệu đúng người thương
          Người vũ nữ . chính áo vàng đau chưa ?
          Nhìn lên chẳng thấy mắt xưa
          Ta đành cúi mặt , miệng và lệ thương…
          Rõ ràng ta đó, ai kia ?
          Tay nào xé rách trăng thề đó ai ?”
Hoá ra không những chàng  quên phứt lời thề làm phên liếp che mưa cho cuộc đời nàng mà còn trách móc nàng “đã khác xưa”. Thói cam chịu, than vãn trời đất của chàng Dư Sinh khiến người bõ già của chàng cũng phải bực mình. Oâng mượn lời mắng chim anh vũ, nhưng chính là nhằm vào chàng :
          “Lão nói cho mà biết
          Làm chim thì phải bay
          Có cánh thì phải đạp mây.
          Ngày hai buổi tốn công lão…”
Vậy đó, làm đàn ông phải vẫy vùng trời đất, chống lại tham quan, bạo quyền, làm chồng phải bao bọc, cưu mang được vợ, tiếc thay những lời răn  chí tình đó chẳng lọt lỗ tai chàng thi sĩ Dư Sinh, ngày ngày chàng cứ điên điên :
          “Cơm bữa chẳng thành cơm
          Gặp hoa nào cũng hái…”
Lạ thay, điên vậy mà từ miệng chàng chẳng khi nào thốt ra được một lời oán trách, chửi bới Thân tướng công – kẻ đã cướp vợ, gây cho chàng nỗi thống khổ “máu trong hồn rỉ mãi” . Hoá ra không dám vạch mặt chỉ tên những kẻ gây nên bao đau đớn khiến thế gian này ngập tràn nước mắt  chính là nỗi khiếp sợ thâm căn cố đế chẳng riêng thời nào, cho tới tận bây giờ cố tật đó vẫn còn ăn sâu vào những người cầm bút.

                                (còn tiếp)

Tagged

0 nhận xét