Open top menu
Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012



                                                    (tiếp theo)



Gọi là “nhớ lại những mối tình” nhưng tác giả bỏ qua phần hay nhất là những “cuộc tình cô đầu”  để kể chuyện hai bà vợ chính thức và những giao tiếp với các tên tuổi như Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Đỗ Cung, Điềm Phùng Thị…qua đó nêu bật con đường từ danh gia vọng tộc đến với cách mạng như thế nào.
Bà vợ đầu là cô gái Hội An, sau lần gặp ở Huế lặn lội ra tận Hà Nội gặp nhà thơ  để “ngày nào cũng đi chơi với nhau”. Cô Tài là người hùn vốn sản xuất dầu tràm nhãn hiệu Thanh Thuỷ, trùng với một bút hiệu của nhà thơ bởi thế đem lòng quý mến.
Cưới cô Tài ít lâu, nhà thơ đưa vợ về quê Quảng Bình sống trong ngôi nhà nhỏ ven sông Gianh; nhờ tiền vợ nên ngày ngày chỉ “ sớm leo núi, chiều bơi thuyền”. Khi tiền cạn, vợ chồng đành dọn về Huế tìm kế sinh nhai.
Thời gian này Lưu Trọng Lư viết truyện ngắn “Người sơn nhân “  theo tác giả được cụ Phan Khôi “ đưa cuốn truyện của tôi lên mây xanh” với lời tâng bốc “văn đoàn cho đến nay chưa có tác phẩm nào có giá trị sáng tạo như thế…”.
 Cùng lúc đó những bài thơ mới đầu tiên của Lưu Trọng Lư ra đời gây xôn xao dư luận tạo đà cho nhà thơ đưa cả gia đình ra Hà Nội, nơi phồn hoa đô hội, đâu ngờ ra đó “khác gì số phận một chiếc thuyền nan bé nhỏ giữa ngàn sóng đại dương”.
Lúc đầu nhiều người tìm tới để “mua lúa non”, giao tiền chưa cần bản thảo , chỉ cần “khi hứng ông viết vài câu để lại cho đời”. Thế rồi “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhà thơ than thở :
Bên những bài thơ trong sạch là “ Khói lam chiều”,”Voi già vua Hàm Nghi”,” Lầu sương điếm cỏ”….lương tâm nhà văn  đã qua những bước chán chường mệt mỏi. Tôi sẵn sàng viết những tiểu thuyết để làm vui lòng những tiểu thư, những bà lớn, những cô gái tân thời…”.
Lời tự thuật hiếm hoi trong sự nghiệp văn chương Lưu Trọng Lư. Tiếc thay, giá lời tự thú này được viết 50 năm sau đó, thì trước khi trở về với đất, “con nai vàng “ còn lưu lại chút ngậm ngùi trong lòng người đọc.
Nhưng rồi dù có viết để “vui lòng các bà, các cô” đi chăng nữa, nhà thơ cũng không trụ nổi đất Hà thành, đành dắt díu nhau về Thanh Hoá dạy học, sống đời công chức tỉnh lẻ.
Dăm năm sau, bà vợ đầu mất đi, để lại hai con nhỏ và như lời tác giả :” kết thúc mười năm tình nghĩa” và “một chương mới của đời tôi đã mở ra”.
Chương mới đó là chuyện tình thứ hai và cũng là sau cùng, chiếm tới 9 phần 10 “Nửa đêm sực tỉnh”. Lúc này nhà thơ đã vào tuổi tam thập, đang thất vọng vì thơ không nuôi nổi người, “ cái buồn , cái đau, cái tuyệt vọng để bán liệu có ai mua ?”.
Có lần, đọc vài đoạn trong kịch thơ “Ngọc Du, Ngọc Duệ” trước một cử toạ ít người, nhà thơ cảm thán thân phận “không còn một chỗ ngồi, chỗ đứng, một nẻo đi…” đến mức  “như không còn kiểm soát được mình nữa , sẵn có bao quẹt trong túi, tôi đốt luôn tập thơ của tôi trên tay…”. Đó là lần duy nhất đốt bản thảo, tiếc thay, từ đó về sau, nhà thơ không lặp lại cái việc đáng làm này nữa. Chắc vì đã có “một chỗ ngồi, một chỗ đứng” trong làng thơ và đã có “một nẻo đi” theo cách mạng chứ không bế tắc như hồi chưa có đảng . Tất nhiên,  giúp nhà thơ thoát khỏi bế tắc lúc đó  chưa phải đảng mà vẫn là…tình yêu.
Cô gái đó – tên Mừng, bà vợ sau chót, cũng dòng hoàng tộc, con gái một thày đờn, trước khi chết đã kịp truyền cho con gái mọi ngón nghề đàn tranh để sau này cô dạy cho giới quan lại, quý tộc, “dạy cho cả con gái Phạm Quỳnh, quen vào ra các nơi dinh thự “ và sau cách mạng được “ anh Nguyễn Chí Thanh cũng như anh Tố Hữu thường khen :” đàn của Mừng rất lạc quan, rất tươi”.
Sau khi bố chết, cô Mừng được mẹ hứa gả cho một công chức giàu có, “môn đăng hộ đối”. Ấy thế rồi chẳng hiểu ma đưa lối tiên dẫn đường, hay vì tâm hồn lãng mạn, trái tim cô “lạc nẻo” sang chàng thi sĩ nghèo kiết xác, đáng tuổi cha chú, đã một đời vợ và hai con riêng.
Tất nhiên bà mẹ phản đối quyết liệt mối tình trong con mắt  bà cọc cạch và phi đạo đức. Nhưng ngăn sao được ma lực của những vần thơ rót vào tai, chảy xuống tim con gái bà ? Theo nhà thơ kể lại, một ngày nọ,  chẳng hiểu thi sĩ dỗ ngon dỗ ngọt ra sao, cô gái con nhà gia giáo tên Mừng đó đã nói dối mẹ để hẹn hò người tình “qua đêm” trên một chiếc thuyền nhỏ đi xa khỏi Huế.
Đêm ấy, gió cứ thổi. Thuyền cứ trôi. Chúng tôi không cần biết thuyền ngược lên Tuần hay xuôi tới cửa Thuận. Nếu tình yêu có đỉnh cao, thì đây là đêm thiên thai của chúng tôi…”.
Vậy là sau đêm “động phòng” trên sông ấy, “chẳng cần những cái gọi là  lễ hỏi, lẽ cưới ở trên đời”, ông nhà thơ đã phỗng tay trên cô vợ sắp cưới của anh công chức và đứa con gái rượu của một bà mạ xứ Huế hết lòng thương con. Bù đắp lại, cô gái được nhà thơ ca ngợi :
          “ Em là chim ý nhi
          Vơ vẩn dưới gốc Thuỳ
          Thẩn thơ tình nghệ sĩ
          Thơ thẩn cơn chia ly
          Em chở một hồn đầy…”
Vậy mới biết, “dùng bút làm đòn xoay chế độ “ chưa thấy đâu, nhưng cứ rót vào tai con gái những vần thơ như thế thì đến mười bà mẹ cũng phải chào thua chịu mất con gái cho thi sĩ.
Riêng bà mẹ cô Mừng không dễ chịu thua, bà phản kháng  quyết liệt. Sau đêm đi hoang, cô gái viết thư cho nhà thơ :
” Ra đến giữa sân mạ gọi lại : Mừng vào đây tao hỏi. Một buổi chiều, một ngày, một đêm mày đi với ai, mày đi những đâu…đừng nói nữa tao biết cả rồi.Dưới nhà “anh ấy” (tức chồng sắp cưới) cũng biết cả rồi, khỏi phải nói. Mày đi với “chú mày” (tức nhà thơ), mày đi giữa phố có thèm tránh ai đâu, từ lúc nào mạ chuẩn bị sẵn một thanh củi. Cứ thế mà phang vào em, bên hông trái, bên hông phải. Em nói : mạ cứ đánh đi…Mạ giựt tóc em, bứt từng khuy áo em ra, giựt cả vòng ngọc em đeo nơi cổ. Những hạt ngọc văng ra tung toé…”.
 Đúng là một bi kịch Romeo và Juliette thời thơ mới ở Việt Nam. Duy có điều chàng Romeo xứ Mít  chẳng hành động gì hết , chẳng tới dàn xếp với vị hôn phu của người yêu, cũng chẳng tới quỳ xuống xin “mạ” tha thứ, chàng chẳng làm gì , chỉ ngồi…làm thơ.
“Quả tình tôi là một kẻ bất lực. Tôi chỉ biết ngồi chờ Mừng đối phó , chờ Mừng hành động.Tôi bị gạt ra ngoài vùng lo toan, mưu kế của Mùng. Tôi tin rằng trước bao sự doạ dẫm hay doạ nạt của người mẹ, Mừng chẳng đầu hàng. Đau đớn càng nhiều, Mừng càng gắn bó, chung thuỷ với tôi…”.
Nhà thơ đã tiên đoán đúng, chỉ một tháng sau, nàng Juliette đã trốn nhà đi theo chàng Romeo trên chuyến tàu lửa về Đà Nẵng xây tổ ấm bằng “ bán đồ trang sức ra khỏi thịt da, đem đi cầm đi cố. Cả vòng chuỗi ngọc cũng đã ra đi…”. Rồi đến lúc chẳng còn gì để bán nữa , hai trái tim vàng không thể uống nước cầm hơi trong túp lều tranh và cô gái đã quyết định :”Không thể như thế này được nữa đâu. Em phải về thôi”, Mừng khóc ré lên như một đứa trẻ…”.
Cô gái trở về không phải để xin xỏ mẹ mà vì – theo tác giả “ Mừng đã sung sướng rỉ vào tai tôi :” Cụ Hồ Chí Minh đã về rồi đấy…”.
Ôi chao ôi, tiền hết gạo cạn thì cái sự trở về của cô gái chẳng qua để xin tiền mẹ là rõ rồi, vậy mà ông nhà thơ lại bịa ra một cái cớ tận đẩu tận đâu. Rồi hứng lên, ông đặt vào miệng người yêu lời lẽ  chỉ có ở nữ nhân vật tiểu thuyết những năm 1960 sau này :
”Mừng còn nói thêm:”Em tin cách mạng sẽ đến, em sẽ đứng trước toà án cách mạng, em bảo vệ tình yêu của em…”.
Và thế là bi kịch Romeo Juliette thời tiền chiến ở VN nay đã có “ông Bụt”… cách mạng hiện lên để gỡ rối mọi chuyện. Nàng trở về nhà, ít ngày sau chàng cũng về theo và phép mầu thần kỳ của “ông Bụt” đã xảy ra, khi nhà thơ về tới Huế “Thành phố đã lên đèn . Tôi đứng nhìn xuống sông, hứng ngọn gió thì nghe có tiếng trống nhịp. Khúc hát hành quân . Tôi ngẩng lên bàng hoàng không tin ở mắt mình. Người cầm cờ đi trước…một cô gái mặc cái áo thô đen trông giống Mừng và tôi phóng mắt nhìn kỹ lại : Mừng . Tôi không chạy tới Mừng . Tôi cũng chẳng kêu to tên Mừng…Tôi cứ thế, bước theo đám biểu tình …”.
Oi trời ơi, sao mà “tốc độ” quá vậy ? Một người con gái hoàng tộc, bỏ nhà theo trai, hết tiền quay về với mẹ mà thoắt cái,  hôm trước hôm sau đã trở thành… nữ chiến sĩ cách mạng cầm cờ đi đầu đoàn biểu tình thì quả thực trí tưởng tượng của nhà thơ đã vượt quá sức chịu đựng của người đọc.

                                        ( còn nữa)
Tagged

No related article available

0 nhận xét