(tiếp theo)
- Con ạ, con phải giữ tuyệt đối không đưọc để cảm cúm đâu đấy.
- Cảm cúm thì sao mẹ?
- Sao à? Sao với giăng ở trên trời ấy.
Mẹ tôi cười mủm mỉm khiến tôi hiểu ngay mẹ đã nhận thấy một dấu hiệu gì đó ở người tôi. Tôi không giận mẹ như mọi lần, ngược lại còn tò mó muốn biết mẹ nhìn thấy cái gì.
- Như thế là thế nào hả mẹ?
- Còn như thế nào nữa, lông mày dựng ngược, lại còn chỗ này...
Mẹ tôi chỉ ra những dấu hiệu làm tôi ngượng nóng cả người. Tôi quay phắt vào trong, cuốn chăn xung quanh người, gắt khẽ:
- Mẹ chỉ được cái đoán mò.
- Cha bố cô, trúng rồi còn gì...
Mẹ tôi lại cười sung sướng, hồ hởi hiếm thấy. Chao ôi, nếu một đứa cháu đã làm mẹ vui thế này, tôi sẵn sàng đẻ cho cụ cả chục đứa. Tuy vậy, chắc gì đã đúng. Không khéo mẹ mừng hụt thì thật đau lòng quá. Tuy nhiên, trường hợp này y học sẽ trả lời chính xác nhưng đó lại là cái tôi tối kỵ.
- Mai mẹ sẽ mua hai con ếch đực mang tới nhờ chị Sở trong bệnh viện “Bà mẹ và trẻ em” thì biết ngay.
- Điên, mẹ điên rồi.
Tôi ngủ thiếp đi mẹ tôi vẫn lẩn mẩn kể chuyện thời xưa mẹ có mang tôi. Tỉnh dậy đã thấy mẹ đi chợ về, xách cái túi to, cười nói vui vẻ.
- Hôm nay chủ nhật, ở nhà mẹ nấu bún ốc. Chợ đông phát khiếp, chen mãi mới mua được mớ ốc béo ơi là béo.
Chợt nhớ Hồng Loan, tôi hốt hoảng nhảy vội xuống giường cuống quýt mặc quần áo. Tôi nói hôm nay tôi phải họp Đại hội công đoàn. Mẹ tôi buồn hẳn. Tôi đành an ủi mẹ bằng cách đồng ý để mẹ tôi mua về hai con ếch đực. Gần 8 giờ rồi, tôi đạp xe thục mạng giữa phố phường nghẹt xe vào sáng chủ nhật. Hồng Loan đã chờ tôi ngoài cửa, tay xách lỉnh kỉnh mấy cái túi.
- Cậu làm tớ hết hồn, cứ tưởng quên mất ngày cưới của tớ.
- Chú rể đâu?
Hồng Loan cười nhạt:
- Phải đợi tới giờ rước dâu chứ. Tối qua Hoàng Minh có đến trang trí không?
Tôi xầm mặt, lẳng lặng mở khóa, đẩy Hồng Loan vào phòng. Nó giở ra trên bàn la liệt nào áo cưới, mũ cô dâu, rượu tây, bánh ngọt... Thú thực lúc này tôi vẫn còn nửa tin nửa ngờ, đám cưới một người như Hồng Loan không lẽ lại đơn sơ, lén lút thế này ư? Tất nhiên, với tính cách ngạo mạn, nó có thể giở đủ mọi trò tinh quái, nhưng chẳng lẽ ngày quan trọng nhất đời con gái cũng mang ra đùa được sao?
- Cậu lấy chồng thật hả?
Nó nhìn tôi khinh khỉnh, nhún vai tỏ ý không thèm trả lời câu hỏi thừa. Hai đứa lặng lẽ bày bàn, có hoa tươi, có ly pha lê uống rượu, có bát kiểu, toàn những thứ ở nhà nó xách tới .
- Cậu mời những ai mà bày những... bốn người ăn.
- Hai vợ chồng tớ, cậu và Hoàng Minh.
Tôi xua tay:
- Bày ba người thôi, Hoàng Minh không đến đâu.
- Sao cậu biết?. Tớ mời rồi mà.
Tôi không thể kể cho nó nghe chuyện tối qua, tôi chỉ bảo đoán vậy thôi, ngày chủ nhật chắc anh ta bị bà già cấm trại. Hồng Loan nhìn tôi nghi ngờ. Tôi biết tôi không thể lừa nó dễ dàng, đành lảng chuyện vu vơ về những món đặc sản nó mang tới. Nó không truy tôi nữa, nhưng vẫn lẳng lặng bày bốn bộ đồ ăn lên bàn. Hôm nay nó rất ít nói, vẻ mặt lầm lì khó biết vui hay buồn. Khi nó trang điểm xong, mặc áo cưới, đội chiếc mũ cô dâu, uyển chuyển bước ra giữa phòng , tôi mới tin nó lấy chồng thật. Tội nghiệp, không hiểu trắc trở gì phải cưới lén thế này?
- Sao? Nom được không?
- Tuyệt đẹp, chẳng biết chú rể tu từ mấy kiếp trước?
Tôi đi vòng quanh nó và nhớ ra ngày xưa, khi tôi đội lên đầu chiếc mũ cô dâu, nó cứ xúi vào tai tôi: “Lẻn đi, lẻn đi, vẫn còn kịp...”. Tôi không nỡ nhắc lại với nó câu đó, nếu muốn chuồn, nó chẳng cần lẻn đi đâu cả, chỉ cần cởi bộ đồ cưới, phóng xe máy về nhà.
- Tớ vẫn thắc mắc chú rể người thế nào?
- Lát nữa cậu sẽ gặp, một anh chàng da đen như tớ vẫn nói.
- Người Cônggô hay An độ?
Nó cười rất buồn:
- Nếu vậy tớ đã chẳng phải cưới chui thế này? Thôi, sắp tới giờ rồi, mở nhạc lên đi.
“Beautifull Sunday”, ngày chủ nhật tươi hồng, bài hát rộn lên trong căn phòng cưới không khách khứa, không quan viên hai họ, không cả hai chữ đầu tên cô dâu chú rể vẽ lồng nhau treo cao như thường thấy. Một đám cưới chỉ có hai đứa con gái nhìn nhau nóng lòng chờ chú rể. Hồng Loan đã bắt đầu sốt ruột. Một giọt mồ hôi chảy dài trên má phấn đánh rất công phu của nó.
- Kiều Vân, cậu ra ban công xem có anh chàng da đen nào tới chưa?
Tôi chiều ý bạn, ngong ngóng xuống đường ngày chủ nhật đang khoác bộ mặt mới. Đôi vợ chồng già mặc đủ thứ áo chống rét chậm rãi đi bên nhau tạo ra một sự riễu cợt với đôi trai gái quần áo lòe loẹt ôm vai nhau nói cười nghiêng ngả. Một con chó mải mê gặm ống xương bò chắc vừa cướp giật được của ông lão hàng phở đẩy xe bên kia đường.
- Vân ơi, Vân có nhìn thấy anh da đen nào chưa?
Tôi suýt buột miệng buông một câu nói đùa, rất may kìm được, chỉ trả lời chưa nhìn thấy một người như thế, rồi lại căng mắt nhìn đám người đang xúm xít khiêng một hòm gỗ dài như chiếc quan tài. Khi họ đi ngang, tôi đọc dòng chữ viết trên đó và hiểu họ mới đi nước ngoài về. Khiếp thật, không biết trong hòm đựng bàn là , dây bếp điện, hay kìm, búa gì mà nặng đến thế? Ở cơ quan tôi cũng có một ông đi Liên Xô bảy ngày khiêng về ba cái tủ lạnh, 10 cái nồi áp lực và 20 cái quạt tai voi.
- Vân ơi, Vân đã nhìn thấy anh ấy chưa?
- Chưa, chưa thấy anh da đen nào cả.
“Trong khi chờ đợi Godot”, tôi thả sức ngắm nghía người qua lại. Tội nghịệp bạn tôi, chưa bao giờ tiếng gọi của nó lại thảng thốt đến thế. Rút cuộc, nó vẫn là cô gái phải lấy chồng như trăm nghìn các cô gái khác. Nếu anh chàng ấy cũng giống như Godot, chờ mãi chẳng đến ; liệu nó có treo cổ lên như anh chàng trong kịch không? Tôi lo sợ không dám nghĩ tới khả năng đó, nếu xảy ra, tôi biết lấy ai thay thế anh chàng da đen, cứu Hồng Loan khỏi tai họa còn kinh hoàng hơn một cơn hồng thủy. Tôi bỗng giận sôi anh ta, quá hẹn cả tiếng đồng hồ trong một việc tối quan trọng không được phép chậm dù chỉ một phút. “Chúng ta là thế giới, chúng ta là trẻ thơ...” , người Phi vốn hùng dũng vậy mà lúc cưới vợ sao đù đờ quá thế.
Đoàn người diễu qua gần hết, đi sau cùng là một chàng to con dắt chiếc xe máy mới tinh phía sau gắn biển “XE CHỜ SỐ”. Thì ra chẳng phải riêng bạn tôi chờ chồng, ai cũng đang chờ cả, xe chờ số, Biên Cương chờ đọc bản thảo, tôi chờ hai con ếch đực, mẹ tôi chờ giấy phép mở quán, chồng tôi chờ thư tôi… Tôi quay vào, tránh ánh mắt Hồng Loan. Nó đang ngồi trước bàn vẫn trong bộ đồ cô dâu, bó hoa cưới trước mặt và những chai bia “Trúc Bạch” vẫn nằm im chờ bật nút, chỉ riêng chiếc máy hát thôi không còn hát “Ngày chủ nhật tươi hồng” nữa.
Bỗng dưng tôi đói cồn cả ruột, cái dạ dày phản chủ trống rỗng từ sáng sớm được kích thích bởi những món đặc sản bày la liệt trên bàn đã lên tiếng kêu la đúng vào lúc lẽ ra nó phải nằm im khi chủ nó đang phải trải qua tình huống đầy tính bi kịch. Chao ôi, giữa cơn đau buồn bối rối này nếu Hồng Loan biết được trong đầu tôi hiện chỉ có hình ảnh con vịt tiềm ngoẹo cổ xuống một hạt sen hầm bám trên lưng thì nó sẽ khinh bỉ tôi biết chừng nào. Bởi vậy tôi phải lập tức xóa đi và nghĩ tới một cái gì đó thiêng liêng cao quý hơn. Tôi quay mặt khỏi bàn tiệc, đây rồi, món quà cưới tặng Hồng Loan vẫn để trên giá sách. Dòng chữ: “Chúc mừng hạnh phúc của hai bạn”trên nền giấy đỏ đang có nguy cơ trở nên một sự riễu cợt chợt làm Hồng Loan tươi lên khi tôi đưa hộp quà cho nó. Nó nhanh nhẹn tháo giấy, mở nắp hộp quà và reo lên:
- A, con búp bê da đen.
- Điềm may đấy, nhất định anh chàng ấy sẽ tới.
Nó cười nhoẻn, hôn hít con búp bê như bà mẹ hôn con sơ sinh. Biết đâu, mai kia, nó lại chẳng đẻ đứa bé như thế? Niềm vui của nó lây sang khiến tôi không thể nào mà không nhón một cái kẹo Hải Châu bỏ vào miệng. Ơi anh da đen, cánh đâu sao mà bay chậm thế? Các món ăn đã nguội, đá tan thành nước trong các ly, vợ sắp cưới của anh đang phai hết phấn trên đôi má hồng nâu. Ba hồn bảy vía anh ở đâu mau mau mà về.
Nhạc hiệu 12 giờ trưa vẳng sang từ radio nhà bên cạnh. Hồng Loan đặt con búp bê xuống nhìn tôi. Chao ôi, Picasso sống lại cũng không diễn tả nổi ánh mắt của nó. Khắc khoải, lo âu, giận dữ, đợi chờ...biết bao nhiêu điều ẩn chứa trong cái nhìn ngơ ngác của nó.
- Để tớ ra ban công xem anh chàng tới chưa?
Tôi phải bịa ra một cái cớ để trốn ánh mắt của nó. Chao ôi, xé rào gia đình làm gì cho khổ, cứ để bố mẹ lo : một chàng phó tiến sĩ học nước ngoài về, một căn hộ rộng rãi và một đám cưới rầm rộ, thiết thực thế có sướng hơn không? Sự chậm trễ của chàng da đen khiến tôi lo rằng bí mật của Hồng Loan đã bị “bật mí”, chắc hẳn bố mẹ nó đã phái người đi bắt cóc chú rể và tìm cho ra tổ uyên ương để phá bằng được đám cưới chui. Tôi không muốn vẽ cho Hồng Loan một bức tranh bi thảm như vậy, tôi vẫn muốn tin trong xã hội hiện đại, sự đối đầu giữa bố mẹ và con cái trong hôn nhân không còn là thảm kịch như Romeo Juliette , như trong tiểu thuyết ngày xưa.
Từ phía đầu đường xuất hiện một chiếc xe xích lô, tôi nhói lên hồi hộp, không phải anh chàng da đen ấy, ngồi trên xe là một bà già mặc đồ đen, khô quắt, phẳng lỳ, “trước sau như một”.
- Vân ơi, Vân đã thấy gì chưa?
- Thấy rồi, thấy rồi...
Tôi la hoảng lên, chạy vào báo Hồng Loan biết mẹ nó đang tới. Tôi bối rối, cuống quýt nhìn quanh và tuyệt vọng không nghĩ ra cách gì đối phó.
- Cậu xuống chặn bà ấy lại, đừng cho lên đây.
Hồng Loan bình tĩnh một cách không ngờ. Nó mở gương ra tô lại môi cứ như anh chàng ấy tới chứ không phải mẹ nó. Tôi luống cuống đi nhầm cả dép chân phải sang chân trái, lao xuống cầu thang như một kẻ trộm, chặn ngay được bà già khi bà vừa định bước lên gác.
- Con Hồng Loan đang trên phòng cô phải không?
- Dạ không, dạ không...
- Bác nói thật , bố mẹ nói mãi không nghe, thôi tùy, muốn lấy ai tự lo liệu lấy, da đen da đỏ gì cũng được, chỉ đừng có dẫn nhau về nhà, coi như bác mất đứa con gái.
Đấy, thế mà tôi cứ tưởng tượng ra bao nhiêu rắc rối, rùng rợn. Vậy là tốt cho Hồng Loan quá rồi, miễn bố mẹ trung lập, không phá đám là được, mai mốt vợ chồng bế con về, các cụ hết giận mà.
- Giữa tôi và nó đã giải quyết xong , cả bố nó cũng thống nhất thế. Chỉ còn mỗi việc nhờ cô nhắn nó phải làm ngay lập tức, ngay trong ngày hôm nay...
Mắt bà chợt long lên làm tôi chột dạ. Hóa ra Hồng Loan đã đi khỏi nhà, bố mẹ đã coi như từ nó, chỉ còn dây dưa một việc duy nhất chắc quan trong lắm khiến bà già phải hoảng lên đi tìm nó.
- Thằng con bác đang học ở Tiệp mới gửi hàng về. Cháu nhắn con Hồng Loan phải trả ngay sổ hộ khẩu cho bác để sáng mai đi làm thủ tục lĩnh về, để chậm, chết tiền lưu kho.
Rồi như để tôi tin, bà móc ví ra một tờ giấy báo hàng ấn vào tay tôi. Tôi rụt cả người lại như chạm phải điện, xua tay rối rít:
- Thôi thôi, được rồi , cháu sẽ bảo nó trả ngay cho bác.
- Nếu ngại về nhà, nó cứ gửi cháu hoặc bất cứ ai cầm về cũng được.
(còn tiếp)
0 nhận xét