Open top menu
Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012



                          
                                        (tiếp theo)

Hoá ra từ thời đó đã hiển hiện loại người mới xuất hiện sau cách mạng :“ cán bộ” . Tham lam vật chất, khăng khăng giữ ghế, sẵn sàng hạ độc thủ  bất kỳ ai động chạm tới ghế của mình . Hình ảnh ông Thường trực uỷ ban xã đúng là chân dung tiền bối của quan chức các cấp thời bây giờ. Có điều , ông nhà văn chỉ dám dựng nhân vật đó như trường hợp cá biệt, “con sâu làm rầu nồi canh”,  còn tuyệt đại đa số cán bộ ta vẫn chí công vô tư, hết lòng vì nước vì dân.Và tin tưởng sắt đá loại “cán bộ tiêu cực” như Thuỵ nhất định sẽ bị đào thải :
Hơn nửa năm nay …Thuỵ không còn được đảng viên trong chi bộ tín nhiệm nữa. Kỳ bầu ban chi uỷ vừa qua, Thuỵ chỉ được  vỏn vẹn có hai phiếu, một lá của Môn và một nữa chắc do Thuỵ viết…”
Nhà văn tuyệt nhiên không dám thừa nhận loại cán bộ như Thuỵ mới chính là “nhân vật thời đại” . Nó như ký sinh trùng ngày càng sinh sôi nảy nở, hằng hà sa số, sống bám trên cơ thể dân tộc, đục khoét, ăn cắp từ tiền bạc, địa vị xã hội tới tài nguyên, môi trường, phá hoại những di sản quá khứ và làm băng hoại những giá trị tinh thần và đạo đức xã hội.
Sau khi cải cách ruộng đất phá tan đạo lý cổ truyền làng quê Việt Nam, vài năm sau Đảng lại rầm rộ phát động hợp tác hoá nông nghiệp chỉ  hơn 20 năm sau đã phá huỷ gần hết năng lực canh tác trên ruộng đồng .
Tuy nhiên mãi tới năm 1986, tính chất phá hoại đã rõ rành rành, cái chết nó gây ra đã tới sau lưng, Đảng mới ngấm ngầm xoá bỏ nó bằng việc trả lại ruộng đất cho dân và giải tán các hợp tác xã nông nghiệp.
Sự sụp đổ của công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp kéo theo cái chết hàng loạt tác phẩm lừng lẫy  một thời : Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm  của Đào Vũ, Đất làng của Nguyễn thị Ngọc Túvà cả Xung đột ( tập 2) của Nguyễn Khải…. Bao nhiêu thành tích, bao nhiêu tính ưu việt , bao nhiêu đổi thay tích cực của bộ mặt nông thôn, bao nhiêu đổi đời sung sướng  của người nông dân được  các nhà văn tô vẽ, tâng bốc lên mây xanh bỗng chốc tan tành  sương khói bới cái nghị quyết “ khoán sản phẩm” của Đảng  - thực chất là sự cáo chung cho “ lề lối làm ăn tập thể”, cho “hợp tác xã nông nghiệp” mà suốt mấy chục năm các nhà văn của Đảng ra sức tô vẽ. 
Trong Xung đột – phần II, “vào ngày lễ mở đầu tháng đức Mẹ  cũng là ngày thứ ba của cuộc “vận động hợp tác hoá” sôi nổi, rầm rộ suốt tám xóm trong xã. Mỗi xóm thành lập một ban vận động gồm những người trong ban quản trị hợp tác xã cũ, đội trưởng đội sản xuất và một vài người mới nữa. Tiếng trống , tiếng loa nổi lên từ lúc chuông nhất và chỉ tắt đi vào khoảng gần nửa đêm…”
Chống đối lại cuộc vận động đó, theo ông nhà văn, tất nhiên chỉ có…nhà thờ :
Tiếng loa của đức chúa Trời  và lời giảng hùng hồn của cha Lân“ đối lập với “tiếng trống của người thế gian và lời lẽ vận động đầy sức thuyết phục của cán bộ xã “ làm cho “cuộc sống ở thôn Hỗ cứ náo động suốt đêm ngày. Không có tiếng súng nổ nhưng tâm trạng con người thì giống hệt như trong một trận chiến đấu. Cũng có những người kiên quyết và những kẻ dao động, tin tưởng và bi quan, phẫn nộ và bình tĩnh…”
Đó là cuộc chiến tranh được ông nhà văn “tô vẽ” giữa “nhà thờ” và chính quyền cộng sản đại diện là mấy ông cán bộ xã . “ Tiếng loa của đức chúa trời “ chẳng thấy đâu nhưng lời giảng được cho là của cha :
Hiện nay ma quỷ đang dùng thóc gạo làm chước độc để mê hoặc linh hồn các con. Song các con hãy nhớ lời Chúa đã từng phán tỏ tường rằng : bay lo ngày mai mà làm chi, đến ngày mai sẽ hay , bởi chưng sự khốn khó ngày nào đã đủ cho ngày ấy…”
không những chẳng lọt  được vào tai giáo dân :
không nói đâu xa xem như vợ chống thằng Quảng kìa, chồng vay hợp tác được  mấy chục cân thóc gánh về, vợ đã mặc áo ra nhà thờ thấy thóc cởi cả áo ra, chồng xay vợ sàng  hì hụi từ chập tối đến nửa đêm, vừa làm vừa đùa bỡn nhau dễ còn vui hơn cả lễ Phục Sinh…”
mà còn bị bôi bác :
“Ấy vậy mà cha mới nói là ma quỷ dùng thóc gạo cám dỗ nên người thế gian mới bỏ cả đức tin, bỏ cả Chúa…”
Vậy là “cha” thua một cách dễ dàng, nông dân ào ào nộp đơn vào hợp tác xã . Ông nhà văn diễn tả một ông bố sai con viết đơn với nhiệt tình và lòng thành kính  như viết đơn cho Chúa Giê xu xin lên …thiên đàng  :
“ Vui, này lấy giấy bút ra đây tao muốn nhờ mày một việc…”
Cô con gái lấy tờ giấy mực lem luốc , lập tức bị ông bố mắng :
Mày coi khinh bố mày thế hả con , không nỡ cho bố một tờ giấy đẹp đẽ ư ? Đã dùng vào việc cao trọng thì chớ lấy những thứ dơ dáy. .”
Rồi ông quay sang vợ :
“ Cả đời chỉ có một lần. Bà hiểu  cái việc tôi nói là việc gì rồi chứ ?”
và lệnh cho con :
“ Lấy vạt áo lau sạch cái ngòi bút đi thì nét nó mới thanh được. Bắt đầu như thế nào nhỉ ? Việt Nam dân chủ cộng hoà… năm thứ mười lắm…”
Trong thực tế, lùa được nông dân vào hợp tác xã là một việc phải thúc ép, cưỡng chế vậy mà ông nhà văn “tâng” lên thành một thứ ý nguyện thiết tha của dân làng . Ông còn “mượn mồm” một bà nhà quê để ca ngợi cái ưu việt của lề lối “ làm ăn tập thể” :
“ Như nhà tôi chỉ riêng khoán cày khoán bừa hai mẫu cũng mất đứt hai chục thóc rồi.Cái trò đem trâu cày ruộng nhà người đến mùa lấy thóc thì làm kỹ sao được…Còn vụ vừa rồi ai cày ai bừa mặc ai, chị em chúng tôi cứ ra công cấy, làm chung ăn chung, anh  làm dối thì cái cót thóc của anh cũng ít…”
Ca ngợi “ làm chung ăn chung” như vậy, ông nhà văn đâu có biết  cái kiểu “tập thể hoá “ đó khác gì “ cha chung không ai khóc” khiến đồng ruộng bỏ hoang, mùa màng thất bát khiến Đảng lại phải giải tán “làm chung” trả ruộng đất về cho ai nấy làm. Ngày đó chắc ông Nguyễn Khải chưa nhận ra hoặc nhận ra mà vẫn giả ngu, vẫn nhiệt tình ca ngợi cái lợi của hợp tác xã qua mắt bà nông dân :
Tôi chẳng gì cũng nhiều tuổi hơn các chị, cái khổ cái sướng đã trải qua, trước khi vào hợp tác xã tôi cũng tính toán chán, nếu không có lợi thì tôi vào đầu làm gì…Lạy Chúa, từ ngày biết làm ngươiø tới giò, chỉ có mỗi vụ chiêm vừa rồi vào hợp tác tôi mới nhàn nhàn cái thân chút ít…”
Tất nhiên vào hợp tác xã không chỉ đánh trống ghi tên, khối người lừng khừng , đắn  đo để rồi  :
Không vào cũng chẳng được, họ vác trống vác loa đến tận đầu nhà kể lể, than vãn nghe nẫu cả ruột chứ dễ được yên ư ? Hết tốp cán bộ này ra, lại đến tốp khác nối chân  vào. Ngồi tiếp chuyện  các ông ấy thì mất ngày mất buổi , lánh mặt lại sợ họ bảo mình có ý tứ gì…”
Vậy là cả làng cả tổng đều ‘tiến bộ”, đều thành xã viên hợp tác xã chỉ trừ ra có mỗi …ông linh mục,  khiến bà con phàn nàn :
Ông Tam ạ, tôi xem ra các cha mà tiến bộ được như mình thật là khó. Mình theo chế độ mới nào có mất gì, chỉ được thôi, còn các ông ấy mà theo ta thì túi tiền vơi đi quá nửa…”
Thế rồi ông nhà văn lấy ‘dạ tiểu nhân đo lòng quân tử”, lấy cái “tâm lúc nào cũng lo ăn” để phân tích các cha tinh thần :
Tôi tính cho các ông các bà nghe nhá. Trước kia ở tổng này có ba chục thằng địa chủ , đứa nào hàng năm chẳng có mấy ngày giỗ kỵ cha mẹ , tổ tiên , lại sửa một mâm chén , tiền lễ đưa cha để cha cầu nguyện cho. Vậy là một món. Nhà nào có cha già mẹ héo cũng phải cố thu xếp mời bằng được cha đến làm phúc , cơm ăn rồi còn tiền đưa tận tay cho cha cầm về. Một năm một lần làm lễ kỳ hồn cho cả xứ, gia đình nào cũng phải đưa tiền , neo túng thì hai ba đồng , sang trọng thì từ một trăm trở lên. Ba món nhé !...Chả trách người ta đồn vàng ở Toà thánh còn nhiều hơn cả thế gian gộp lại…”
Nhìn nhận về thiên chúa giáo như vậy, quả thực ông nhà văn Nguyễn Khải xứng đáng là người…”duy vật”. Chỉ có điều tới ngày nay nếu có dịp đọc lại tác phẩm của mình, hẳn ông nhà văn phải cay đắng thừa nhận rằng cái “hợp tác xã nông nghiệp” mà ông hết lòng ca ngợi đã sụp đổ từ tám đời, nay chỉ còn là cái “bia miệng” cho thiên hạ chê cười , còn cái nhà thờ  mà ông ra sức bôi bácvẫn cứ lừng lững mà xem ra mỗi ngày cái “sự đạo” lại thêm tưng bừng náo nhiệt.
                                            
Tuy thế  đọc kỹ Xung đột cũng có thể lọc ra ít nhiều dấu ấn của cái thời đại “ hợp tác hoá nông nghiệp” kinh hoàng đó.
Vợ chồng nhà Lận trong làng có con trâu sẽ phải đưa vào hợp tác xã nhưng được hoá giá quá rẻ nên tự mổ thịt bán cho bà con trong xóm. Đó là tội ác tày đình, chỉ tiến hành lén lút ngoài bờ đê trong lúc Chủ tịch xã đi vắng. Trong số những người chạy ra đám mổ trâu mua về xâu thịt có ông Phó Chủ nhiệm Tam mà vì “đến mấy tháng nay mâm cơm không có được miếng thịt “ nên “đụng vài cân cho trẻ nó xởi lởi”.
Thịt trâu ăn vào bụng cả nhà rồi chẳng ngờ ông Môn,  Chủ tịch xã đi họp về biết chuyện, mắng xa xả :
Con trâu khoẻ mạnh thế mà nỡ giật ngửa ra ở rìa đê mổ thịt. Thàng Minh gộc pha thịt, thằng Long chọc tiết. Phen này ông cho cả lũ đi tù, chúng nó định làm loạn à  ?”
Ghê gớm chưa ? Người  dân ăn có miếng thịt trâu của chính mình mà ông Chủ tịch xã đã doạ “cho cả lũ đi tù” thì hoá ra ở cái xã hội ưu việt này, con người ta lúc nào cũng sẵn sàng…đi tù. Riêng ông Phó Chủ nhiệm Tam,  trót dại vì thương con cái thèm thịt mua về một xâu, ông vừa lo bị Chủ tịch xã dằn vặt, vừa lo “mất uy tín” “ hàng trăm cặp mắt chế giễu, căm giận, hàng nghìn lời nói đay nghiến, chì chiết sẽ bao vây lấy anh, tấn công anh và kẻ bị hành hình đã đành không thể sống nổi cũng không chết ngay được …”.
Ôi chao ôi, xã hội gì kỳ quặc, ăn có miếng thịt trâu mua bằng chính đồng tiền của mình  mà ông Phó Chủ nhiệm Tam  phải điêu đứng thế đến nỗi ông  phải than trời :
” Ôi, tủi nhục quá, cay chua quá và dại dột không biết chừng nào…Đằng nào thì  trong ngày hôm nay địa vị của anh cũng sẽ  thay đổi . Anh sẽ được nghe những tiếng hò reo gian ác, khoái trá của Đoàn và đồng bọn :” Tưởng gì, hoá ra cũng là một anh đạo đức giả. “
Và Tam quay mặt đi khóc nức nở…”
Muốn khóc gì thì khóc, trót ăn miếng thịt trâu rồi, ông Phó Chủ nhiệm sẽ bị đưa ra đại hội xã viên xem xét và bị Chủ tịch xã Môn chửi xơi xơi vào mặt :
Anh không xứng đáng, anh phụ lòng tin cậy của tôi , của cả chi bộ . Thằng địch có đâm tôi một nhát dao vào giữa ngực  cũng không đau đớn bằng cướp đi của tôi một người bạn.Thế là anh đã chết rồi, phải coi như là anh đã chết rồi. Biết vậy mà  không sao cứu được  nữa…”
Oi chao ôi, từ cổ chí kim, trên khắp mặt địa cầu này, có lẽ chẳng ở đâu chỉ vì bỏ tiền túi ra mua một miếng thịt trâu bỏ miệng mà bị rủa xả nhục nhã, coi như đã chết rồi đến như vậy. Chỉ nguyên cái chuyện “thịt trâu mổ lậu” , Nguyễn Khải đã “vô tình” lột trần tính phi nhân trong quan hệ đồng chí . Bởi vậy không phải “thân yêu nhau chúng ta gọi đồng chí”, mà chính là trong hội nghị sắp sửa sát phạt nhau , hai chữ “đồng chí” mới được dùng để đưa nhau lên thớt .
                          (còn tiếp)

Tagged
Bài đăng Mới hơn
This is the last post.

0 nhận xét