Open top menu
Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012




                                     (tiếp theo)

Thực ra, Nguyễn Khải ngoài ý muốn đã mô tả chính xác tâm trạng người dân khi phải ghé “cửa quyền” theo giấy triệu tập. Họ lo lắng, khép nép, rúm vào nhau chứ làm gì  có hồ hởi, phấn khởi vẫn tuyên truyền :
“ Môn – Chủ tịch xã mở đầu, nét mặt đã cau có :
“Chúng tôi đã cử người đi mời từ chiều hôm qua, vậy mà chỉ có – Môn ngừng lại đưa mắt đếm một lượt – hơn 10 gia đình…Sao các bà lại ngồi túm vào một góc thế ? Ghế đây !Rộng rãi bao nhiêu. Đã đi họp thì phải ngồi cho đàng hoàng thì nghe mới lọt vào tai chứ . Nào, mời  các bà ngồi dịch lại đằng này…”
Vậy là giữa dân và chính quyền đã ngăn cách, một đằng cố tránh ra xa, một đằng cố kéo lại không phải vì thông cảm mà để “ làm việc” . Thấy dân tránh xa mình như tránh dịch, Chủ tịch xã càng nóng :
“ Các bà cứ đi nghe những chuyện nhảm nhí đâu đâu rồi lại thắc mắc với chính phủ, với Uỷ ban. Uỷ ban cho người đến tận nhà mời lại nói chuyện thì viện cớ từ chối. Chính quyền là công bộc của nhân dân, nhưng nhân dân cũng phải biết vâng lời chính quyền chứ.…”
Đảng vần luôn nhắc nhở cán bộ  “là đầy tớ của dân”, “ vì nhân dân phục vụ”,  thực chất “đầy tớ” luôn coi “ông chủ” như kẻ thù…  thành thực. Bởi thế  câu trước câu sau, Chủ tịch xã thò ngay bộ mặt trấn áp ra :
“ Được, những gia đình nào không cử người đến chúng tôi sẽ có cách , phải cảnh cáo. Trên không ra trên, dưới không ra dưới thì còn thành thể thống gì nữa. Dân chủ nhưng phải có kỷ luật…:”
“ Dân chủ nhưng phải  có kỷ luật” – dân chủ tập trung, dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ hơn cả … Mỹ bao năm nay Đảng đã “ban”cho dân. Sau cùng, ông Mẫn , cán bộ trên huyện cử xuống cũng huỵch toẹt :
Trong khi nhà trường chuẩn bị một chương trình dậy văn hoá đầy đủ thì phải giải tán số học sinh hiện nay. “
Và ra lệnh cho phụ huynh học sinh :
“ Vậy như ở xã ta đây, các ông các bà đã cho gọi các em dưới ấy về chưa ? Chẳng lẽ cứ để chúng nó chơi bời dông dài mãi. Về nhà học thêm được ngày nào lợi ngày ấy. “
Vậy đã rõ, khi chưa dám công khai giải tán chủng viện thì chơi trò lén lút áp lực với dân rút con em về không cho học nữa. Ông ta còn giở giọng đểu :
“ Chúa gọi thì nhiều Chúa chọn có mấy, trăm người may đỗ cụ được vài người…”
Một bà là phụ huynh của học sinh chủng viện nghe ngứa tai quá, phản ứng :
“ Thưa với chư ông, cho con đi tu cũng chẳng mong gì con đỗ cụ để làm bà cố đâu ạ. Số mệnh nó đã do Chúa định thì giao phó cho nhà Chúa. Chúng tôi là kẻ làm cha mẹ chẳng dám ân hận điều gì…”.
Tuy nhiên chuyện “giao con cho Chúa” với ông cán bộ huyện là chuyện tầm phào, bởi vậy lại đe dọa :
“ Các bà tưởng cái trường ấy chỉ có đào tạo người đi truyền giáo hẳn. Học đạo một phần, học làm kẻ thù của cách mạng chín phần… Thử hỏi những đứa do công an tóm được đi kẻ khẩu hiệu , dán truyền đơn chống cộng là ai, toàn học sinh chủng viện cả .”
Đến lượt Chủ tịch xã giở giọng  xuyên tạc:
“ Khi đi chúng là người tử tế lúc về hoá ra thằng  ma cà bông. Các bà có muốn có con các bà đi một bước công an phải theo dõi một bước không ?”
Con run xéo lắm cũng quằn , nghe cán bộ mạt sát con cái , một bà gầy gò, vấn khăn trắng lên tiếng :
“ Ông nói như thế chúng tôi không được đồng ý. Lúc  nó ở nhà có một, đi học về lại gấp năm gấp mười, hẳn hoi , tử tế. Thực thà là không thấy nó ăn nói cấc lấc điều gì, bố mẹ cũng phải nể con chứ không nói  khác…”
Nói vậy khác nào vả vào miệng cán bộ . Còn chút liêm sỉ, hẳn ông sẽ xấu hổ vì sự vu cáo của mình bị lật tẩy. Đằng này đuối lý, ông Chủ tịch giở giọng “chính quyền” với người cả gan cãi hắn  :
“ Bà Đỗ có định gọi cháu nó về nhà không ? Niên học mới thì chưa đến, nhà trường chưa khai giảng vậy  còn để con nó ở đấy làm gì ?”
Đứng trước cường quyền, người đàn bà vẫn không chịu khuất phục nhưng đành phải mềm dẻo :
Thưa với ông, cháu đã nhất quyết đi tu, không gánh vác phần đời , không màng  chuyện thế gian, là tự do tín ngưỡng của nó, tôi nào nỡ gọi nó về, phải tội chết…”
Nghe mấy chữ “tự do tín ngưỡng”, ông Chủ tịch giật mình vì nó nằm trong  “chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước”, vội nhẹ giọng:
“ Bà có chắc rằng cậu  ấy chỉ đi tu chứ không làm việc gì khác ?”
Hắn hỏi một câu rất khôn, gạt ngay chuyện “tự do tín ngưỡng “   chuyển ngay sang chuyện “truy tìm phản động”. Hắn cười  gằn, giở giọng đe doạ:
“ Bà có biết những người có trách nhiệm ở đây đã dùng con bà vào việc gì không ? làm liên lạc đưa tài liệu tin tức chống cộng đấy. Vụ hè vừa rồi con bà về mang cả một bản kinh “ cầu cho giáo hội im lặng”  đút vào trong giầy ống. Nó mới mười lăm tuổi đầu, còn ngây thơ lắm. Chớ để nó đi sâu vào con đường lầm lạc rồi sau này nó oán trách bố mẹ đấy…”
Thấy chính quyền chụp cho con tội “phản động” tầy trời, bà mẹ hoảng sợ không còn dám cãi nhau tay đôi với ông Chủ tịch xã nữa, “đành chỉ thở dài uất ức rồi lại ngồi nén mình như cũ. Ông Chủ tịch ép đến tận cùng :
“ Nếu các bà không đi được thì cứ viết thư cho các cháu, uỷ ban chúng tôi sẽ cử cán bộ đi đón về…”
Đây là một “mẹo” cao cường , một khi nắm được những lá thư gọi con về của bố mẹ, Uỷ ban sẽ có cớ dẹp bỏ trường chủng viện một cách êm thấm mà không phạm chính sách “tự do tín ngưỡng “ cả Đảng. Chắc hiểu rõ dã tâm đó, người mẹ chối phắt :
“ Dạ không dám ạ, cháu nó bé còn phải mang xống áo cho cháu …thật tình không dám phiền đến Uỷ ban…sợ cháu nó không chịu về lại thêm mất  thời gian ”
Vậy nhưng ông Chủ tịch vẫn dai như đỉa, giở giọng nhân nghĩa :
“ Uỷ ban chịu phiền cũng được , miễn là phục vụ được nhân dân…Mất đến nửa tháng cũng chẳng sao. Nếu bà đồng ý mai chúng tôi sẽ cho người đi…”
Nhưng người dân đời nào chịu “gửi trứng cho ác”, giao con cho uỷ ban  với du kích, người mẹ bị dồn vào chân tường, sau cùng cũng đành phải chống lệnh chính quyền :
“ Thưa với các ông, tôi xin thưa thực là tôi không có quyền phép gì gọi cháu nó về. Trước đây nó là con tôi đẻ ra, nhưng  bây giờ thì nó là quân lính nhà Chúa. Nếu nhà có ơn phúc thì nó cứ đàng ngay lối thẳng mà đi, nhược  bằng phận mỏng đức bạc , làm chuyện bậy bạ thì chính phủ cứ việc bắt bớ bỏ tù, vợ chồng tôi không dám thắc mắc…”
Giở giọng“chính quyền” ra lệnh, vu cáo, doạ nạt không xong, ông Chủ tịch  thay đổi chiến thuật, giở giọng mẹ mìn, “đồng chủng đồng bào”  lay chuyển bà con :
“ Tôi với các bà tuy không cùng máu mủ, ruột thịt nhưng dù sao vẫn là người làng…Bây giờ các bà chỉ nhìn tôi là anh chủ tịch hay gây gổ , cái thằng khô đạo nhưng một ngày kia nếu tôi và các bà gặp nhau ở một nơi nào thật xa, như trong Nam chẳng hạn  thì chắc là lúc ấy  chẳng ai còn nghĩ đến những điều nghi kỵ bực dọc ngày hôm nay mà chỉ thấy quý mến nhau, tin cậy nhau vì là người làng, cùng quê…”
Không đầy hai chục năm sau, câu nói trên đã được “chứng nghiệm” khi những ông Chủ tịch kiểu như Môn theo chân “giải phóng miền Nam” vào làm quân quản ở những xã công giáo như huyện Thống Nhất Đồng Nai, khiến người dân “quý mến, tin cậy” đến mức phải…bỏ phiếu bằng “đôi chân”.
Ông Chủ tịch lại tiếp tục mẹ mìn :
“ Cái tình quê hương đối với con người ta thắm thiết lắm , chứ không thờ ơ được đâu .Nếu tôi không nghĩ đến quê hương thì đã sinh cơ lập nghiệp tận  đẩu tận đâu chứ còn mò về cái làng này làm gì để chịu khổ sở đói khát. Nếu không nghĩ tới làng xóm thì tôi cũng đã xin rút lui công tác từ năm nọ kia chứ chẳng phải đợi ai đánh đổ. Tôi năm nay bốn mươi chín rồi. Ở đây tôi chỉ kém tuổi có bà Bân thôi, đâu cách nhau gần một giáp thì phải . Đời tôi lăn lộn nhiều , đã từng nếm đủ mùi cay đắng cơ cực, cái cao xa chẳng nói làm gì , còn cái trước mắt thì tôi không thể lầm được…Các bà hãy tin ở lời khuyên của tôi …”
Sau khi “nam mô” một hồi , ông Chủ tịch xã lại giở giọng phù thuỷ :
“ Các bà hãy tin vào lời khuyên của tôi. Đã đành chúng nó không phải là con tôi nhưng chúng là người của xã này , là người của làng tôi, làm ngơ thế nào được khi biết chúng đi vào con đường tồi tệ…Mình giác ngộ hơn nó mà không bày vẽ chỉ bảo cho chúng nó thì cái tội của nó chính là cái tội của mình, tôi sẽ có lỗi trước bà con…”
Cái khó của ông Chủ tịch là làm sao vừa kết án được chuyện “đi tu” để ông có cớ giải tán chủng viện mà lại vẫn không phạm vào chính sách “tự do tín ngưỡng của Đảng”. Ông lý luận   :
Đi tu, ừ, đã đành chính sách không cấm, quyền tự do của mỗi người . Nhưng vì lẽ gì mà phải tu, chán đời ư , không kiếm được cơm ăn áo mặc ư, thiếu gì việc. Con trai bằng lứa tuổi  chúng nó người ta đeo huy hiệu Đoàn, ao ước được thành bác sĩ, kỹ sư, ao ước được bay nhảy đây đó , còn chúng nó co lại trong chiếc áo dài thâm, sáng khấn, tối khấn, có bố mẹ mà không được nuôi nấng, có quê hương không dám nghĩ đến ngày về, có thể lấy vợ đẻ con thì lại làm tội mình cho đến chết…”
Say sưa bài bác áo thầy tu đến thế này không hiểu là tâm tư của nhân vật Chủ tịch xã hay là của chính ông nhà văn ? Kết thúc bài “diễn văn” lên án đám học sinh chủng viện, ông Chủ tịch xã cao giọng :
“ Chỉ đọc kinh mà sống được  ư ? Ai cho nó ăn, ai cho nó mặc, vẫn là nhân dân. Còn chúng nó thì làm gì cho nhân dân ? Chẳng làm gì cả , một bọn ăn bám , cái lưng dài thườn thượt , cái chân cái tay bủng beo vì bệnh lười…”
Ông Chủ tịch xã bộc lộ một điều : Nhà nước toàn trị không muốn cho trẻ con đến tuổi cắp sách đến trường nằm ngoài sự “quản lý của Đảng”. Dẫu rằng nó vẫn ăn cơm của bố mẹ nhưng nó phải vào Đoàn, phải đi học dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” nếu không nó sẽ bị coi là “ăn bám” - ăn của bố mẹ thì vẫn bị coi là “của nhân dân”.
                                (còn tiếp)

Tagged

0 nhận xét