2.
Ông Trưởng phòng biên tập bước vào phòng, giơ lên tờ báo:
- Ông cụ X. chết rồi.
Tôi mải cúi xuống cuốn sách, ông Trưởng phòng biên tập kêu to:
- Nhà thơ X. đã chết rồi.
Lúc này chỉ có ông và tôi trong phòng, bởi vậy tôi phải ngẩng lên:
- Thật không chú?
- Cáo phó đăng báo Nhân Dân đây . Cụ mất 8 giờ sáng hôm qua, 10 giờ sáng nay viếng, 12 giờ chôn.
Tôi sửng sốt:
- Cơ quan mình có đi không chú?
- Có chứ, còn chờ ông giám đốc tới. Nhưng cô chả phải đi , xe chật rồi.
Hóa ra đám tang chỉ cần chụp ảnh chứ không ghi âm, bởi vậy một anh cán bộ phòng tuyên truyền đã thay thế tôi trên chiếc xe con bữa trước. Tôi không hỏi nữa, cúi xuống đọc tiếp cuốn sách . Tuy nhiên câu chuyện trong đó không hấp dẫn tôi nữa, nó kể kể dài dòng về đôi trai gái hình như là yêu nhau thì đầu óc tôi lại lởn vởn căn phòng tối cụ X. nằm thì thào hai chữ Bon voyage, cạnh đó ông Giám đốc đang ngồi nhìn căng thẳng. Tôi gấp sách, bật dậy, gọi điện cho Hồng Loan, may quá, nó ở ngay đầu dây. Tôi rủ nó đi đưa đám với tôi.
- Ai chết thế? - Nó hét tướng trong máy.
- Cậu không đọc báo hả? Cáo phó trên báo Nhân Dân đó.
Trong lúc nó chạy đi tìm báo, tôi cúp máy quay về bàn. Bên trong khung tang cáo phó có ghi đủ thứ huy chương, huân chương, chức vụ , góc trên tờ báo có bài ngắn thương tiếc nhà thơ. Tôi tỉ mỉ đọc từng chữ một, “các bác sĩ tận tình cứu chữa”. “đã trút hơi thở cuối cùng”... Không hiểu người viết bài báo này là ai trong số mấy ông tôi gặp ở nhà cụ X. ? Lạy trời không phải cái anh chàng đã nhìn tôi chằm chằm ấy.
Ông Trưởng phòng biên tập vừa đi đâu đó đã quay lại, mặt đỏ hơi rượu. Trong túi ông bao giờ cũng có một chai nhỏ chỉ đựng vừa một chén, quãng chín giờ đã cạn sạch, không ai biết ông đã uống vào lúc nào và uống ở đâu. Cái chết của nhà thơ làm mắt ông đỏ hơn thường ngày và hình như ông đang bực điều gì đó, nhìn quanh không có ai, ông đành trút lên tôi:
- Tại sao một nhà thơ lớn thế chỉ được chôn Văn Điển?
- Thưa chú không chôn ở đấy thì ở đâu?
Ông Trưởng phòng trừng mắt:
- Cô mà cũng nói thế hả? Lẽ ra phải chôn cụ ở Mai Dịch mới xứng đáng, biết chưa? Bao nhiêu người chạy thủ tục, lên cả Hội đồng Bộ trưởng, rút cuộc chỉ thiếu có một bậc lương.
Tôi ngồi im nghe ông mắng mỏ, cứ như chính tôi là người đã không ký duyệt cho ông cụ X. được chôn ở nghĩa trang quốc gia. Khi cơn giận đã xì ra hết, ông ngồi phịch xuống ghế cười hà hà:
- Nói vui vậy thôi, chết rồi, chôn đâu chả được.
Tôi lên giọng an ủi:
- Thưa chú, tốt nhất là được chôn trong lòng độc giả.
Ông gật đầu lia lịa, khen tôi có lý và ông tán thêm ra rằng “cái nghĩa trang trong lòng người ” mới thực sự là nơi yên nghỉ của những người con ưu tú, do lịch sử xét chọn chứ chả cần ai đóng dấu, ký tên.
Tiếng còi dưới nhà cắt ngang câu chuyện, ông tống cái túi vào tủ, rít vội điếu thuốc lào.
- Cô ở nhà trực phòng, tôi đi với ông giám đốc viếng cụ.
Chờ tiếng đóng cửa xe sập mạnh, tiếng xe vọt đi, tôi cũng đóng cửa phòng, lẻn xuống nhà dưới. Qua sân bà hành chính gọi giật lại:
- Ồ hay, tôi tưởng cô Vân viếng nhà cụ X, với ông Giám đốc ?
Tôi biết thừa cái trò riễu cợt của bà, nhưng chả chấp làm gì, chỉ nhếch mép cười:
- Bồ đang chờ ngoài cổng, rỗi hơi mà leo lên xe của các chị.
Quả thực Hồng Loan đã dừng xe máy, chờ tôi. Hai đứa dắt díu nhau đúng lúc áo quan khiêng ra xe. Một hàng con cháu cụ X. kín mít trong đồ đại tang đi theo sau, khói hương bay mờ trước tấm hình phóng to, tiếng máy ảnh thay nhau bấm lạch xạch , tiếng khóc râm ran. Tôi nhìn thấy đủ mặt các vị trong giới văn nghệ, một nhà văn lão thành đang gật gật nghe một cây bút trẻ trình bày chuyện đó, ở một chỗ khác, một tốp ba, bốn ông đang bắt tay nhau, hai nhà thơ nữ đứng tách riêng, một bà quạt phe phẩy tờ báo Văn Nghệ, cô đứng bên giơ tay xem đồng hồ vẻ nóng ruột. Xe tang chuyển bánh, kéo theo nó dòng người đi chậm và phía cuối, những chiếc xe con đủ màu sắc cắn đuôi nhau thành vệt dài sặc sỡ. Trưa mùa đông trời âm thầm, nhưng trên ngọn các cây cao hai bên phố, những vệt nắng vẫn thoi thớp.”Trên hồ, một mảy vàng ánh sắc...”. Kính thưa cụ, trong bản in thử thơ cụ sáng nay, con đã sửa chữ “mảnh” thành chữ “mảy” đúng như yêu cầu của cụ. Bon voyage... Tôi nhảy lên sau xe Hồng Loan khi đám tang đi qua một ngã tư. Nó tăng ga cho xe rẽ gấp, tôi ngoái nhìn lần chót rồi ghé vào tai Hồng Loan bảo nó chạy thẳng tới ngõ bà bán bún ốc.
- Đời vui quá, không buồn được.
Tôi lại cười với Hồng Loan khi bà hàng bưng ra hai bát bún bốc khói. Nó báo tin:
- Hoàng Minh mới về hồi tối qua.
- Có gì lạ không?
- Tớ định chủ nhật mời cả Hoàng Minh tới nhà cậu ăn cưới tớ, được không?
- Trời đất, bún ốc ngon thế này thì có thể biến một bà già nghiệt ngã thành cô gái nhẹ dạ, huống hồ tôi, vốn dễ tính nhất đời.
- Cậu mời quỷ sứ tới cũng được.
Hồng Loan cười bí hiểm:
- Không khéo còn kinh hơn quỷ sứ nữa kìa.
Hôm nay tôi đã tin nó lấy chồng thật, bất kể nó lấy ai và lấy theo cách nào. Tôi thấy thương bạn.
- Cậu muốn tớ mừng cái gì đây?
Hồng Loan làm ra vẻ kinh ngạc:
- Lại còn hỏi thế nữa? Cậu quên rồi hả? Con-búp-bê-da-đen.
Tôi nhớ ra lời hứa ngày trước, hóa ra nó ghê gớm thật, rắp tâm lấy một anh chàng da đen từ hồi đó. Anh ta là người xứ nào ? Vậy nhưng chắc gia đình và có thể cả cơ quan nữa không chấp nhận nên cô nàng mới lẻn tới nhà tôi “cưới chui” . Kệ nó lấy ai cũng được miễn nó yêu, “mỗi người hãy chịu lấy trách nhiệm lấy chính mình”, cô nàng cũng đã nói thế là gì.
Hồng Loan thả tôi xuống cơ quan, không quên căn dặn sáng chủ nhật dọn dẹp cửa nhà chờ nó tới. Tôi lại nhận ra vẻ khinh khỉnh đầy bí ẩn trên vẻ mặt nó khi phóng xe đi. Hình như những người sáng tạo như Hồng Loan, Hoàng Minh, nhà thơ X... đều có một vẻ xa vắng nào đó trong ánh mắt mà tôi không có, vậy còn nên chen chân vào đám người đó không? Tôi bỗng thấy nản viết quá, sau cái câu mở đầu “Người con gái ra đi vào lúc mờ sáng...” ấy, đến nay tôi vẫn chưa thêm được chữ nào, ngay cả đến tên cuốn sách tôi cũng chưa nghĩ ra. Phòng làm việc vắng tanh, các ông biên tập có thông lệ chỉ tới cơ quan vào buổi sáng, bởi vậy tôi có nguyên cả buổi chiều tha hồ đọc và viết những gì tôi thích.
Không biết bao lần tôi đã mở ra trang giấy và cầm cây bút, ngồi như đóng đinh trên ghế, chịu khổ nạn không thua gì Đức Chúa Giêxu trên cây thánh giá, để rồi mọi nghĩ ngợi và tưởng tượng lại tan mất trong trăm thứ bà dằn hàng ngày, chẳng ghim lại được chút gì trên trang giấy. Tôi đã bắt đầu ngờ vực i “giấc mơ làm văn sĩ” của mình và có lẽ đã xé bỏ trang bản thảo duy nhất nếu không có cái việc Biên Cương đột ngột từ thành phố Hồ Chí Minh ra, tìm tôi.
Anh vẫn bảnh bao như năm ngoái, mặt hơi xị ra, cười nói thỏa mãn, mắt sáng trưng cởi mở, chẳng có chút gì “xa vắng”, “bí ẩn” tôi vẫn tưởng rằng cần có ở các nghệ sĩ. Biên Cương kể đủ thứ chuyện về cái thành phố thơ mộng bên sông Cửu Long nơi anh đã “chọn nời này làm quê hương” và nếu như không có nỗi nhớ “đêm đông” thì ắt hẳn anh đã không nhằm vào những tháng rét mướt này ra thăm Hà Nội mỗi năm một lần. Sao em không đi xa một chuyến nhỉ, sau 75 vẫn chưa chịu vào Sài Gòn lấy một lần, quanh quẩn mãi “36 phố phường” không chán sao? Tôi bảo rằng tôi thèm đi lắm lắm, nếu ông Nguyễn Tuân có muốn lấy da tôi làm vali, tôi cũng ừ ngay , chỉ một nỗi tàu xe quá vất vả, tôi lại rất sợ chen lấn, tranh giành, thôi cũng đành ngồi nhà “du lịch qua sách báo và phim ảnh” vậy.
- Thế thì đây, anh mời em một chuyến đi du lịch miền Nam.
Anh đặt lên bàn tôi một cặp giấy dày, cuốn tiểu thuyết đầu tay muốn nhờ tôi đọc, tôi cầm lên, ước nặng phải ba kilô, in ra chắc dày gấp đôi cuốn trinh thám anh tặng tôi năm ngoái.
- Phương án X. 28 tập 2 hả?
- Không không, anh không viết kiếm tiền nữa rồi.
- Anh trúng xổ số hả?
- Còn hơn thế nữa kia. Anh lấy vợ chủ vườn, thừa tiền nuôi được cả một đội đá banh nếu cô ta thích.
- Vậy mà mới chỉ nuôi có một anh nhà văn thôi ư? Rõ uổng.
Biên Cương cười đỏ cả mặt, anh chẳng giận tôi chút nào, ngược lại anh tính toán nuôi một anh nhà văn chỉ tốn kém bằng một phần ba anh cầu thủ, bởi vậy anh sẵn sàng khuyến khích vợ nuôi thêm ít ra một trăm ông nhà văn tuổi đời chưa quá 40, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng một nền văn học dân tộc và hiện đại .
- Trước mắt, nếu Nhà xuất bản em đồng ý in cuốn này, anh sẽ tự lo hết tiền công in, tiền giấy, khi sách ra, anh chỉ cần thu lại vốn, còn lãi biếu hết cho Nhà xuất bản.
- Vậy ra anh chỉ cần cái nhãn hiệu?
- Và cả giấy phép in nữa chứ.
Cung cách làm ăn này còn mới quá, chưa có trong hoạt động xuất bản .
- Em yên chí đi, làm kiểu này ai cũng có lợi, anh được in sách, nhà nước có lãi, mấy ông Nhà xuất bản được chia tiền.
Tôi xua tay:
- Thôi thôi, mang tiếng tham ô, móc ngoặc .
Biên Cương nhìn tôi ái ngại như một kẻ hủ lậu, chả biết gì về đổi mới tư duy kinh tế đang diễn ra. Anh giảng giải cho tôi , trích dẫn cả Nghị quyết của Chính phủ, dẫn chứng cả tỉnh A, tỉnh B, tỉnh C, nơi người ta đang đổi mới ào ào, khiến cho mấy ông nhà văn quen viết theo lối “biểu dương” giờ cũng xoay sang “chống tiêu cực” thì sách mới bán được. Tôi uể oải nghe anh nói, hoang mang chẳng biết anh đúng hay sai. Quả thực lần gặp gỡ này, vị thế giữa tôi và Biên Cương đã đảo ngược, anh tỏ ra tự tin và sáng suốt cứ như mấy năm qua đã đủ thời gian cho anh vạch được một con đường cứ thế mà đi không cần bàn cãi. Còn tôi, vẫn cứ quẩn quanh trong mỗi một chuyện “viết” hay “không viết”, mãi không tìm được “đầu ra”.
(còn tiếp)
0 nhận xét