Open top menu
Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012


                  
                                                              (tiếp theo)

Chưa hết, ông bí thư tỉnh uỷ còn ‘thọc sâu” vào gia đình người ta :
Đồng chí Bí thư tỉnh uỷ liền tính toán với ông chủ gia đình về công việc của từng đứa, buổi sáng chúng làm gì ? Trưa chiều nên giao cho chúng những việc gì ? Rồi Quang bày cách thu dọn lại nơi ăn chốn ở, từ chỗ xếp quần áo, đến sách vở, guốc dép, đồ dùng thức đựng trong gia đình…”
Chẳng rõ bà chủ nhà – tức vợ ông “bí thư xã” phản ứng sao khi chứng kiến thằng cha căng chú kiết nhảy vào nơi riêng tư trong tổ ấm của chị , “xía vô” tới cả những việc lẽ ra chỉ có vợ chồng chị biết. Ngược đời, thời đó  người ta lại lấy làm “vinh dự” và cảm động vì được ‘đồng chí bí thư tỉnh uỷ” quan tâm ,săn sóc . Văn hoá ứng xử xã hội chủ nghĩa nặng mùi “ nô lệ”, “tôi tớ” vậy đó. Người ta tự tước bỏ quyền riêng tư trong  gia đình khi được nhận ơn mưa móc của cấp trên . Quả nhiên sau khi ‘dậy dỗ bảo ban” gia chủ chi li cặn kẽ, ông “bí thư tỉnh uỷ” liền lệnh cho ông Chủ tịch huyện trích quỹ cho ông này vay “hai trăm mua một con nghé, chăn dắt một năm bán đi cũng được ba bốn trăm, có thêm một khoản tiền…”.
Đảng “lãnh đạo’ ở cấp tỉnh là như thế đấy, nổi hứng lên một ông bí thư tỉnh uỷ có quyền tuỳ tiện móc công quỹ ra ban phát cho kẻ này kẻ khác bất chấp luật lệ tài chính của Nhà nước. Xuống xã lần này, ông Bí thư tỉnh uỷ cũng được  chứng  kiến một ông Chủ tịch xã tham ô. Ông này lợi dụng chức vụ “ viết giấy giới thiệu lên huyện xin mua những…hai chục tạ phân đạm rồi bán ra ngoài theo giá tự do” rồi thì “một năm trời làm ngơ cho thằng Kim ở Đại Lâm mổ lậu mười lăm con lợn , mổ mỗi con lại mời ông chủ tịch một bữa chén, nếu không ăn thì hắn cho con đưa sang một nửa cỗ lòng.” . Rồi thì “chỉ riêng số gạo cứu đói cho Du Lâm tháng ba năm ngoái , ông Chủ tịch cũng để riêng cho gia đình mình hơn hai tạ…”.
Mua bán chênh lệch hai tấn phân đạm, ăn của đút “nửa cỗ lòng heo”, “một bữa chén”, ăn chặn hai tạ gạo…chỉ có thế thôi mà ông Chủ tịch xã vẫn phải đi tù. Đó là tình hình tham nhũng vào những năm đầu thập kỷ 1970. Hơn 40 năm sau, tốc độ ăn cắp  của cán bộ Đảng ta đã gia tăng đến khủng khiếp nếu ta tính được số tiền và của cải bọn đầu sỏ VINASHIN, VINALINES và vô số các Tổng công ty khác moi móc của Nhà nước. Từ “nửa cỗ lòng heo” ngày xưa đến biệt thự, trang trại ngày nay  -  cán bộ Đảng ta quả thực đã nhảy vọt một bước vĩ đại, có tính cách lịch sử nâng nghề ăn cắp thành nghệ thuật, đưa tham nhũng trở thành một phần máu thịt trong cơ thể “Đảng ta”.
 Ông bí thư xã nhận xét ông Chủ tịch xã tham ôlà một cán bộ đã được  rèn luyện, một con người tốt, có năng lực làm việc , sở dĩ mắc tội  tham ô là vì “những sai lầm của anh ấy chúng tôi biết cả, biết ngay từ đầu.. Chỉ vì trong Đảng uỷ nể nả nhau quá, nhân nhượng nhau nhiều lần quá thành thử lỗi nhỏ thành lỗi lớn…”
Ông Bí thư tỉnh ủy giở giọng cao đạo :
 “Hoặc là chúng ta phải nghĩ tới nhân dân , tới phong trào; hoặc là chúng ta chỉ lo lắng cho riêng mình…” 
Ngày nay các đồng chí “bí thư tỉnh uỷ” chẳng còn nói năng theo kiểu “chống chủ nghĩa cá nhân” thời “bác Hồ” được nữa, một vì “"ngượng mồm"” , hai  sợ cấp dưới nó cười cho thối ruột.
Khác với “ Xung đột” còn có “mâu thuẫn địch – ta”, còn có chuyện đấu đá giữa ‘nhà nước” và “ nhà thờ” câu chuyện còn có chút hấp dẫn , ly kỳ, trong “ Chủ tịch huyện”, chỉ  có quan hệ giữa cán bộ và xã viên , tức “mâu thuẫn nội bộ” ,  ít  “gay cấn”, đấu đá “một  mất một còn” nên chuyện nhàm chán, tẻ nhạt. Để hấp dẫn độc giả, ông nhà văn  tạo ra những “xung đột” tưởng ác liệt mà thực chất  là hoà hợp vui vẻ.
Nguyên ở hợp tác xã Nam Hoà , “sau khi rỡ khoai mùa xong, có hai  chục hộ gửi đơn thẳng lên trung ương khiếu nại về đời sống khó khăn , thu hoạch quá thấp , xin được ra ngoài làm ăn, nhưng vẫn “trung thành với Đảng, với chủ nghĩa xã hội”.
Thời nay, bà con nông dân làm đơn khiếu kiện là chuyện thường ngày , nhưng  thời đó – làm đơn lên thẳng trung ương xin ra hợp tác xã là chuyện tày trời, kinh khủng, chắc do phản động xúi giục.
Bởi vậy ngay lập tức , chủ nhiệm hợp tác xã triệu tập họp Ban quản trị và các hộ đã nộp đơn xin ra khỏi hợp tác. Người đọc chờ đợi ông nhà văn qua sự kiện này vạch mặt bọn cường hào mới ở nông thôn, ăn cắp tài sản hợp tác xã , chèn ép và bóc lột sức lao động, đẩy người dân vào nghèo đói cùng cực  khiến họ phải vùng dậy phản kháng, qua đó chứng minh đường lối xây dựng hợp tác xã của Đảng là sai lầm nghiêm trọng.
Lẽ ra nhà văn trung thực phải làm được chuyện đó. Tiếc thay, ông Nguyễn Khải làm ngược lại. Ông bôi xấu những người khiếu kiện, ông mô tả một trong những người đầu đơn xin ra hợp tác đó lại là một tên “ ăn mặc kỳ quái. Hắn ta khoác lên người không phải cái áo mà là những mảnh giẻ, một cái quần không ra chùng, không ra cộc vá víu hàng chục mụn, và cái thằng vô giáo dục đã không biết giữ liêm sỉ , khi cái phần đáng lẽ ra phải giấu kín thì nó lại phơi bầy ra trước mắt mọi người…”
Ông nhà văn đã dựng chân dung người phản kháng, xin ra khỏi hợp tác là một thằng lưu manh, chày cối như vậy đấy. Tệ hại hơn nữa, hắn nghèo đói nhưng không phải do hợp tác xã gây ra mà chính là do …cờ bạc. Ta hãy nghe bà chủ nhiệm kể tội hắn :
Chúng tôi còn có khuyết điểm là đã để anh thua bạc phải gán nợ hàng tạ thóc đến nỗi vợ con anh phải đói.Lại không biết khuyên anh thôi rượu, thôi chè chén, thành thử trong lưng anh bây giờ không còn lấy được  vài đồng đong gạo cứu đói…
Nguyễn Khải coi những kẻ làm mất trật tự trong hàng ngũ đó  chẳng qua là đám “giòi bọ”. Ông thừa nhận tuy có những người xin ra khỏi hợp tác xã  nhưng đó là bọn cờ bạc, lưu manh ở nông thôn chứ không phải nông dân làm ăn lương thiện.
Để chứng tỏ thêm chủ trương hợp hóa nông nghiệp của Đảng là đúng đắn, sáng suốt , Nguyễn Khải “bịa” thêm một nhân vật xin ra hợp tác xã :   lão Hoá – một nông dân cách mạng nòi, đã từng đào hầm cứu sống  Chủ tịch huyện hồi chống Pháp. Ô hay, một hạt nhân tích cực của Đảng vậy sao xin ra hợp tác ? Người ta cứ tưởng nhà văn Nguyễn Khải phát hiện ra một “lỗ hổng” trong chính sách hợp tác hoá buộc xã viên phải nộp đơn xin ra sẽ dẫn tới nguy cơ tan vỡ hợp tác xã. Nhưng không phải vậy, ông nhà văn đã “làm động tác giả” để kích thích trí tò mò độc giả, tăng phần hấp dẫn cho cuốn sách đó thôi.
Hoá ra ông già Hoá và một số xã viên làm đơn xin ra khỏi hợp tác xã không phải vì “bất mãn chế độ” mà ngược lại, chính là để đòi cán bộ hợp tác xã thực hiện đúng ..chủ trương chính sách Nhà nước.
Nguyên vùng này có nhiều đất vườn có thể gieo trồng, chăn nuôi nhiều thứ , giá trị hơn cả ruộng khiến người ta có thể trao cho hợp tác xã tất cả đất ruộng của mình , nhưng cốt tử phải giữ lấy mấy sào vườn…. Bởi vậy xã viên chỉ chăm chút vào mảnh vườn riêng lơ là ruộng chung. Rồi thì phân bón của hợp tác xã cũng chạy vào mảnh vườn riêng.
Đứng trước “mầm mống tư hữu” trỗi dậy , ông lão Hoá và một số xã viên “tiên tiến” đã đấu tranh với cán bộ đòi uốn nắn tư tưởng xã viên, yêu cầu họ phải coi trọng ruộng đất chung trong hợp tác quan trọng  hơn mảnh vườn riêng . Tuy nhiên do cán bộ cũng có “mảnh vườn riêng” nên yêu cầu đó không được thực hiện , bởi vậy họ bày mưu  làm đơn ra khỏi hợp tác xã để gây áp lực buộc cán bộ thực hiện đúng chủ trương của Đảng và chính phủ mà thôi.
Trong “ Chủ tịch huyện”, Nguyễn Khải đã bịa ra một loại nhân vật giả, xã viên hợp tác xã “cách mạng hơn cả Đảng”, “mác xít hơn cả người cộng sản”.
                              (còn tiếp)


Tagged

0 nhận xét