Open top menu
Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012


   Xuất bản lần đầu năm 1992 trên “Văn học & dư luận”, mục Bút Mới
                                      Truyện ngắn ĐỖ PHƯỚC TIẾN



Sau một thời gian dài lang thang khắp miền duyên hải, cái đầu nhọn của tôi dài thượt ra, sạm đi, quắt queo như một trái đậu bắp khô. Cùng một gã Triều Châu mắt lác, tôi săn lùng những cái đồng hồ cổ lỗ sĩ, gọng kính cũ, vỏ đài bán dẫn, bình xăng máy đuôi tôm, bảng đèn hiệu của xác trực thăng. Tóm lại, tôi kiếm sống bằng cách tìm mua những phế phẩm đã thổ tả đến lục phủ ngũ tạng. Những chiếc móc sắt kềnh càng trong kho trạm khai thác nông sản chẳng hạn, dây xích lòng thòng có thể gông trọn một chiếc máy cày. Doanh nghiệp giang hồ gần năm năm không lúc nào trôi chảy một phần cũng tại cái xứ sở nhiệt đới đỏng đảnh này, hết mưa rồi nắng. Khi đã mòn nhẵn tất cả các túi, chúng tôi mới sáng mắt trước một trục trặc khó mà bù đắp nổi: cả hai đứa đều chậm chạp và kiết xác. Rồi vận hội nữa, nếu ai đó tin rằng đi buôn lạc xoong cũng cần có vận hội.
Gã Triều Châu mảnh dẻ như một cọng rơm, tính khí thất thường và keo cú khủng khiếp. Bùa hộ mạng của gã là một cái chuông lắc to đùng như cái loa phóng thanh. Những vố thua đau đớn khiến hai đứa thường xuyên cay cú, hục hặc và hắc ám như những lão phù thuỷ. Bạn đồng hành của tôi cứ cười sằng sặc suốt ngày. Cái chuông dị hợm của gã rung thảm thiết khắp nơi, dội lên những thôn xóm quạnh hiu trong gió chướng âm thanh sùng sục của đói khát. Khi gia sản đã tiêu tán hoàn toàn, chúng tôi nằm liệt hai ngày cạnh một hầm cá tra, thở đến tọp người đi và mơ màng một nồi canh chua với rất nhiều trái giác, một nồi canh khổng lồ. Bụng hai đứa sôi lên vì mặc cảm bất tài, vì ân hận và vì những ám ảnh bất trắc. Khi bình minh êm ái lướt qua những đọt rau đắng non, rau đồng tiền và rau kinh giới, gã Triều Châu gượng dậy trước tiên. Cố vận dụng sức tàn, gã trình bày với tôi về một lối thoát cho cả hai. Gã giảng giải rằng dù có ra sao, tôi với gã vẫn cứ là những trang nam tử. Một nồi canh mơ mộng làm sao đủ nuôi được chí lớn? Rằng cơn ác mộng tha hương này phải kết thúc thôi, ngay tại đây, cạnh cái hầm cá tra này. Rằng vận hội của hai đứa sẽ không như những cơn mưa nhiệt đới, trời già chẳng tuôn xuống bao giờ. Cần phải đi mà tìm, như đàn bà vậy, chộp lấy và nuốt chửng, dù có ở trong túi người khác cũng mặc. Và còn một trăm cái rằng khác nữa, đặc sệt mùi cá kèo khô với bánh dừa không nhân. Tôi nghe gã, mệt mỏi rã rời, và nhụt chí nữa.
Rồi có một ngày xuân rất xanh, hai đứa chúng tôi chia tay nhau giữa cơn cùng quẫn. Tôi đi lên phía Bắc, cố bứt thật xa những cánh đồng nước mặn với hoàng hôn tím ngắt trong giấc mơ tha hương. Gã Triều Châu trở lại miền cực Nam, lo phần hậu sự. Kế hoạch của chúng tôi mở đầu như vậy.
Nhà chệt Liếm rất dễ tìm bởi cổng gỗ sơn đỏ chói, hàng rào cây mắm có dây nhãn lồng và những chùm trái giác tròn trĩnh cuốn quanh. Lúc tôi đến, quán ăn đã cũ kỹ lắm rồi, tường vôi có mái lợp ngói âm dương đã hở móng. Khu nhà phía sau như cái bẫy chuột, gác gỗ xấu xí, ống thông khói như cái bàn chải răng dựng đứng. Toàn bộ cấu trúc u ám, mờ nhạt và rối rắm. Thị xã lúc nào cũng mịt mù bụi. Trên những con phố chật chội, những quần thể kiến thiết đơn điệu như vậy còn lại rất nhiều, âm thầm bạc thếch dưới nắng xuân.
Theo kế hoạch, tôi sẽ ở phụ việc trong nhà chệt Liếm khoảng hai năm, vừa đủ để tỉnh hồn. Trong thời gian này tôi sẽ tập làm đủ thứ: nếm rượu, cuốn chả hấp lạp xưởng, ướp kim tiền kê và muối những quả trứng bắc thảo. Có thời cơ sẽ nghiền ngẫm món xào chua thập cẩm hay lẩu cá chẽm. Sành sỏi được món hầm nhừ sa tế thì coi như bá chủ căn bếp. Xin nhớ cho: căn bếp của một thương nhân gốc Hạ Môn. Đó chính là lối thoát mà tôi và gã Triều Châu đã thoả thuận.
Tôi là đứa tồi tàn, đúng vậy. Mấy mùa qua tôi đã vận động nhiều hơn một con bò và dư sức hiểu rằng cần phải vận động nhiều hơn nữa nếu không muốn bẹp gí như một con gián trong khi chen lấn với cuộc đời. Tôi cũng có quyền được ăn no ngủ yên như người khác. Hơn nữa, tôi chẳng thích sống một mình chút nào.
Ngoài gia đình chệt Liếm, trong quán còn có một người khách Gia thanh lịch khắc khổ, một người Ấn lai Việt đứng bếp và một người Khmer xuất phát từ miền châu thổ sông Hậu. Tất cả đều lầm lì, rình rập lẫn nhau và bao giờ cũng chu tất phần việc của mình.
Tôi rất thích ông Khmer, một người trầm lặng và hào hiệp, to xám như một con chuột đồng. Tình bằng hữu của chúng tôi bắt đầu bằng cái bật lửa có nắp mở kêu tanh tách của tôi, di vật cuối cùng của một thời lang thang. Ông Miên rất vừa lòng mặc dù bọc cao su đựng thuốc gò của ông xếp cạnh cái bật lửa rất chướng mắt. Trong lúc tôi chui vào một hốc tối, lặng lẽ ngốn những miếng sườn còn lại từ hôm qua thì ông Miên, khăn rằn quấn quanh bụng, điềm nhiên quấn thuốc cạnh tấm thép chắn lò. Ông phục vụ chệt Liếm đã lâu, có lẽ còn trước khi cái sinh mạng hèn mọn của tôi xuất hiện dưới gầm trời này. Cách mổ bụng của ông hoàn toàn theo kiểu cổ: từ dưới lên, hơi chếch qua trái một chút. Người Khmer không có thói quen thay đổi chỗ ở cũng như phương thức kiếm sống, và đó cũng là đặc tính chung của cây cỏ nhiệt đới.
Nhiệm vụ của ông Miên trong quán thật nặng nề. Mỗi tuần ngoài phần việc cố định, ông còn phải hạ thịt từ hai đến ba con dê, có thể là bốn nếu vào những dịp vui vẻ. Những con dê mới đến còn rất tơ, được vỗ béo kỹ càng, lông óng mướt như vừa mới chui ra từ những nụ so đũa cuối đông. Chúng được phục đến say khướt bằng một thứ rượu mía nồng nặc, bị đuổi chạy khắp thị xã với cái lon rỗng cột sau đuôi cho đến mệt lử. Những con dê đó chết rất nhanh trước mũi dao thiện nghệ của ông Miên, mình mẩy đẫm mồ hôi và đáy mắt mở to còn tràn ứ khoái cảm.
Quán mở cửa suốt ngày, nhưng chỉ khởi sắc muộn màng khi chiều xuống, lúc những cơn lốc bụi đã dịu đi.
Người khách Gia cột ngang bụng một tấm vải hoa sặc sỡ. Ông phun nước lên sân gạch, xếp thêm bàn ghế với phong thái đạo mạo cố hữu. Ông người Ấn nặng nề xoay trở quanh những tấm thớt, tráng cái chảo hai quai trên bếp bằng động tác hờ hững khinh bỉ. Ông Miên muối những tảng thịt dê còn bốc khói, còn tôi thì đánh vật với cái máy xay gia vị cứ lồng lên sòng sọc. Khi đèn măng-xông được thắp lên, chệt Liếm vui vẻ xuất hiện. Ông cười hào sảng giữa những thực khách, ly rượu pha sôđa lấm tấm hơi nước trong tay. Ông quan sát từng dĩa thức ăn dồn dập mang ra với đôi mắt tỉnh táo cân nhắc. Chệt Liếm cũng có phần việc riêng và ông không bao giờ cho phép bất cứ ai trong chúng tôi làm thay. Treo những chiếc đèn lồng trước cổng, rót rượu cho thần tài, thanh toán tiền với khách, đó là phần việc của ông.
Hoàn tất phần việc của mình sớm nhất là ông người Ấn. Trong lúc chúng tôi cọ rửa, thu dọn thì ông ta lui vào một góc riêng, lầm rầm những bài kinh dài lê thê trước dĩa đèn dầu. Cái xác phàm chảy xệ của ông rũ xuống trong lúc trò chuyện cùng đấng tiên tri.
Đắp xong một chục lò mạt cưa, tôi tìm cách trèo lên gác với chị Chu. Ở trên đó, chị Chu luôn phải ngồi một mình và chờ đợi từ ngày này qua ngày khác với những con gà nhựa có thể gáy được mỗi khi lên dây cót. Chệt Liếm cấm tất cả mọi người lên gác, trừ xiếm Hoa. Tôi ra vào bằng mái thông gió và bồn chồn căng thẳng mỗi khi ở gần chị. Tôi biết, không phải một mình tôi đến với chị. Có một buổi sáng chệt Liếm từ trên gác bước xuống. Ông đi thẳng một mạch ra sàn nước, nơi ông Khmer đang cặm cụi rửa những bình đất đựng rượu huyết dê. Chệt Liếm đến gần, mắt dán chặt vào gáy ông Miên. Hai người gằm gằm nhìn nhau. Sau đó chệt Liếm rút trong túi ra cái bật lửa có nắp mở kêu tanh tách, ngắm nghía nó một lát rồi đặt trên nắp lu nước, sát người ông Miên. Rồi ông lẳng lặng bỏ đi.
Chị Chu kể với tôi rằng, chị đã ngồi trong cái hộp gỗ của mình từ lâu lắm rồi, từ khi biết ngồi, và sẽ còn phải ngồi cho tới bao giờ cả căn gác tan đi, tan vào thinh không theo khói mạt cưa hàng ngày dưới quán xông lên. Tôi không tin. Tôi ăn những mẩu bánh nướng chị để dành từ bữa trưa cho chị yên lòng rằng tôi là một đứa con nít, chẳng làm hại được ai. Tôi nắn bóp những bắp thịt mỏi nhừ của chị vì ngồi lâu, nghe chị kể lại những đêm rằm vàng ngập ánh trăng, chị ngồi chờ áng mây vẩy cá phiêu bồng qua hiên gác. Chị bảo tôi ngồi im, lắng nghe tiếng thời gian gõ lốc cốc trên những mái ngói âm dương, len lỏi qua những hẻm phố tối tăm lồi lõm. Cái thế giới bạo động liên tục phía dưới, và chệt Liếm nữa, hoàn toàn không dính dáng gì đến chị. Một tay và một chân chị chỉ còn da với xương do chứng liệt cơ bẩm sinh.
Chệt Liếm đối xử với chúng tôi rất tốt và chưa bao giờ tôi nghi ngờ lòng nhân hậu của ông chủ. Ông xứng đáng là một người đàn ông Trung Hoa, nỗi ô nhục do chị Chu gây ra ông đã biết từ lâu mà vẫn âm thầm chịu đựng với một nghị lực phi thường. Ông điều khiển cơ đồ của mình chính xác đến từng cái nút chai. Những miếng sườn tôi ăn trộm thật ra đã thiu rồi, cho nên đối với chệt Liếm chúng không còn mang ý nghĩa vật chất nữa. Ông sẵn sàng khen ngợi không tiếc lời một bó rau cần vàng úa hay giỏ nấm mèo nhăn nhúm thảm hại chỉ vì chủ của chúng đã mang đến cho ông từ những thôn ấp khô cằn xa xôi. Tóm lại, chệt Liếm có đầy đủ phẩm chất của một thương gia trung bình, và chỉ có vậy thôi. Thời trai trẻ ông đã không biết tìm, bằng mưu lược của mình, một điểm tựa có sức đàn hồi để vọt đi xa hơn. Còn tôi, tôi đang tìm cách bổ sung thiếu sót của ông: chị Chu là một trong những mục tiêu của tôi, với gã Triều Châu nữa, tất nhiên.
Tôi dành ngày càng nhiều thời gian cho chị Chu, và tâm lực nữa. Những lúc chị tuyệt vọng nhất chính là lúc tôi cảm thấy tự tin nhất. Tôi rất ghét nước mắt, nước mắt và sự im lặng. Những giọt nước mắt của chị Chu lăn suốt đêm chưa tới cằm. Nó khiến tôi nhớ đến cái thân phận khốn nạn của mình. Tôi ôm chị Chu vào lòng và bắt chước gã Triều Châu, tôi giảng giải cho chị nghe rằng mây vẩy cá chỉ là một đám hơi nước lẩn thẩn và ngu ngốc. Thời gian và gió tha hồ rỉa rói tấm thân mỏng mảnh bạc nhược của nó. Mà thời gian là gì, tiếng lốc cốc là do chiếc trống dây tự va đập vào nó trong lúc cùng người nhuộm đồ rong lang thang tìm kiếm một miếng ăn vô định. Thời gian là sự vận động hết sức nhảm nhí của cảm giác, rất bấp bênh bởi vì nó không hề có định mức. Chẳng phải chị hay tôi, hay bất cứ một người nào khác, chúng mình như những chiếc máy cày chỉ làm mỗi một việc là lê lết mỏi mòn qua cánh đồng thời gian, và khát vọng hiện hữu có hơn gì một cái móc sắt han rỉ? Ngồi một chỗ như chị hay suốt đời di động như tôi thì có gì khác nhau. Bao giờ còn chưa quên vị trí xuất phát của mình, thì tôi với chị vẫn chưa bước nổi một bước, dù chỉ một bước, trong cuộc đời.
Tấn tuồng của tôi với chị Chu kéo dài hơn nửa năm. Sau đó tôi không thể tiếp tục vì không còn đủ sức. Trong lúc soạn thảo kế hoạch với gã Triều Châu, tôi đã không lường trước tình huống này. Trong lúc ôm ấp thân thể trần trụi của chị Chu, tự đáy lòng tôi đã thành khẩn tin rằng mình đang làm một điều thiện, hết sức chân thiện. Giống như những thứ thổ tả tôi săn lùng ngày trước, dù đã tồi tàn, đôi khi chúng vẫn mang giá trị vật chất vượt ra ngoài những ước lệ của quy chế trao đổi. Chị Chu cũng vậy, lúc vùi đầu vào bộ ngực mềm ấm của chị, tôi cay đắng nhận ra rằng vang sâu trong cái sinh vật dị dạng đang rệu rã kia là những cơn bùng nổ liên tục của khát vọng làm người, của những đam mê hết sức chân thành, trong trắng. Linh hồn của mỗi người, nếu quả có nó, thật ra không ăn nhập gì với các xác phàm mà nó ẩn náu cả. Cho nên tự do tâm linh dễ dàng trở thành một thứ nhu cầu đồi truỵ bởi thói tắc trách vô liêm sỉ của nó. Tôi cố gắng lèo lái những cuộc ái ân với chị Chu mềm mại hơn so với trí tưởng tượng thô thiển của mình. Tôi luôn bị ám ảnh bởi nỗi hờn ghen trẻ con rằng trên cái giường của chị Chu, trước tôi đã có những trận luyến ái bão táp kinh hồn. Và tôi chỉ là một thứ hình nộm để lấp đầy khoảng trống giữa hai cơn bão. Với những cơ bắp rắn chắc và lì lợm, ông Miên dồn ép quần quật chị Chu bằng những động tác quyết liệt và chi li, giống như đang đối xử với những con dê tử tội vậy. Biết làm sao được, có thể đó cũng là một dạng phân tâm bệnh lý. Trong tay tôi, chị Chu cũng ngất đi rất nhanh, mình đẫm mồ hôi và lớp lông tơ trên ngực chị đỏ rực khoái cảm.
Dù rất yêu chị Chu và luôn luôn tâm niệm với mưu đồ dựng nghiệp, tôi vẫn không sao quen được với lối sống đơn điệu và tệ hại của mình trong nhà chệt Liếm. Thời gian qua, cùng chui rúc trong cái hộp gỗ lưu cữu mùi củ cải muối với chị Chu, tôi đã hiểu ra được nhiều điều. Nhiều khi bắt chước chệt Liếm, tôi cố đánh tan những dự cảm đen tối bằng cách nốc thật nhiều rượu vào. Những ly rượu cay xé lưỡi dĩ nhiên cũng là của ăn trộm. Và càng uống nhiều, tôi càng tin tưởng rằng mình đã khôn ra thật. Mặc cảm về sự hèn mọn của mình là động lực thúc đẩy con người vượt lên trên, nhưng đồng thời cũng vì nó mà con người đã tự vùi dập không thương tiếc chính cuộc đời mình.
Rồi một ngày, một ngày mà xuân cũng rất xanh, tôi từ bến đò trở về, ì ạch kéo theo một xe đầy mạt cưa. Cơn lốc tháng ba lồng lộn qua những hẻm phố, nhét đầy miệng tôi những hạt cát vừa khô vừa mặn. Cổng gỗ trước quán mở toang, sân gạch vắng ngắt. Dưới hiên, ông già người Ấn ngồi thờ thẫn ngắm những con ruồi đang phơi nắng, dĩa đèn đặt bên cạnh. Phía sau, lơ lửng trên cái bẫy chuột có tiếng đàn bà khóc rấm rứt. Tôi đi vào, ê ẩm choáng váng vì những dự cảm chẳng lành, vì mệt và nắng. Nhà sau cũng vắng vẻ. Tiếng khóc nỉ non trên gác. Lạy trời, lẽ nào những dự cảm đen tối của tôi đã thành sự thật? Tôi không tin. Nhưng rõ ràng đêm qua tôi đã chứng kiến cuộc đụng độ giữa chệt Liếm với ông Miên ngay dưới chân thang gác. Chệt Liếm là một người đàn ông phi thường, tôi tin chắc như vậy.
Thấy có bóng người nhốn nháo trên gác, tôi phóng lên.
Trên cái giường mà tôi với chị Chu vẫn lét lút với nhau hằng đêm, giờ cũng có hai người. Chỗ của tôi, cũng là chỗ của ông Miên, được thay bằng xiếm Hoa. Chị Chu nằm ngửa, cằm trễ xuống, mắt trợn trừng trông thật kinh khủng. Xiếm Hoa cong người như một con tép sắt, nức nở trên người chị. Trên cái bàn thấp kê sát đầu giường, bữa ăn đang dở dang, cơm văng tung toé, một chiếc đũa gãy cắm trên chiếu. Tiếng khóc không thoát ra từ đôi vai rung rẩy của xiếm Hoa mà dội trừ trên mái ngói đầy bồ hóng xuống.
Người khách Gia đứng dưới mái thông gió, cần cổ duỗi ra chống đỡ cái đầu đang gục xuống vì xúc cảm. Ông Miên tựa vào tường cạnh cái bàn thấp, bộ mặt lầm lì của ông phồng lên, đỏ lửng. Chệt Liếm ngồi cứng đơ trong chiếc ghế duy nhất có trên gác, mặt nhợt nhạt, những con gà nhựa lăn lóc dưới chân ông. Không có khói mạt cưa, nhưng căn gác như sắp tan ra thật, tan ra vì những ánh mắt thù địch, vì hơi thở căm giận ngấm ngầm của những đàn ông, dồn dập và sôi sục.
Tôi ngồi bệt xuống dưới sàn gác. Tiếng trống dây của người nhuộm đồ rong lảng vảng đâu đây, rồi bất ngờ nổi lên ầm ầm như tiếng trống trận trong đầu tôi. Rất mơ hồ, tôi thấy ông Miên nâng tô canh trong mâm cơm lên, múc ít nước canh đổ vào lòng bàn tay, chà xát rồi ngửi. Điệu bộ của ông lúc đó rất giống dáng dấp băn khoăn của con chuột đồng trước miếng mồi đã bị đánh bã. Ông đăm đăm nhìn ra hiên gác, nơi những thanh gỗ mỏng lắp chéo nhau tạo nên một góc trang trí mờ tối. Có lẽ đó là nơi hẹn hò của chị Chu với đám mây vẩy cá hoang tưởng. Rất lâu, tôi cảm nhận sự vận động chậm rãi ấy bởi hàng trăm tiếng lốc cốc đều đặn xuyên qua đầu mình, tôi thấy ông Miên bưng tô canh đến gần cái ghế duy nhất trên gác. Rất bình tĩnh, ông chụp tô canh lên đầu chệt Liếm, nhẹ nhàng và từ tốn. Lá cải trôi từ đầu chệt Liếm xuống chân mày, xuống gò má, xuống cằm rồi rơi nhanh xuống đùi. Chệt Liếm vẫn ngồi cứng đờ, hai tay bóp chặt thành ghế. Sắc vàng đùng đục của nước canh loang chầm chậm trên mặt ông. Phủi tay với vẻ hả hê, ông Miên chệnh choạng đi xuống. Rồi ông đi mãi không bao giờ trở lại nữa.
Vài ngày sau đám tang chị Chu, đến lượt ông người Ấn ra đi. Ngày xuân chưa kịp tàn, những con ruồi trơ tráo sau khi tắm nắng thoả thuê đã nhảy vào dĩa đèn của ông, vùng vẫy rồi chết luôn trong đó. Ông người Ấn rũ người đi khi chứng kiến đức tin tận tuỵ của mình đã bị đấng tiên tri phỉ báng. Ông bỏ đi không nói với ai một lời, chẳng buồn thanh toán số tiền dầu lâu nay chệt Liếm vẫn cung cấp cho ông.
Ông khách Gia rồi cũng ra đi, chệt Liếm không thể giữ ông ở lại. Ông đã già yếu đến mức không còn giữ được phong thái đạo mạo cố hữu nữa. Liên minh của chệt Liếm đã tan rã. Trong liên minh hỗn hợp của ông, những phần hồn tha hồ lang thang trong khi mỗi phần xác chỉ biết chu tất phần việc của riêng mình. Nhưng sai lầm vẫn có thể cứu vãn nếu chệt Liếm không để cho khái niệm cân bằng tồn tại trong căn quán của ông. Vậy mà ông vẫn để, và hành động vũ lực chỉ khiến mọi thứ nhanh chóng sụp đổ. Bởi vì cái sườn gia phong của ông có khác nào bức tường đã hở móng.
Cuối cùng người ta cũng tống cổ tôi ra khỏi cánh cổng gỗ sơn đỏ sau khi đã giải quyết xong những mẩu xương dê còn lại. Nằm bên vệ đường, trong lúc chờ đợi một thời kỳ cùng quẫn nữa lại đến, tôi nghiền ngẫm đủ điều. Tôi không tiếc những tháng năm đã mất trong cái bẫy chuột của chệt Liếm. Làm sao tôi có thể san sẻ với họ, những người tồn tại phía sau hàng rào dây nhãn lồng kia, một cuộc sống lâu bền được. Tôi nghĩ đến gã Triều Châu. Trong cuộc chia tay ngày ấy, giữa tôi với gã nào biết ai đã may mắn hơn ai. Là người Trung Hoa nên gã hiểu người Trung Hoa hơn tôi. Gã hiểu chệt Liếm nên thay vì dấn thân vào, gã đẩy tôi phiêu lưu trong cái bẫy chuột của ông. Cứ để gã ôm ấp căn quán tương lai trong giấc mơ êm đềm ở miền cực Nam, tôi sẽ tìm cho mình một con đường khác. Tôi không phải là đứa phụ bạc, với cặp mắt lác gã có thể cùng lúc nhìn thấy hai phía của cuộc đời. Còn tôi, sẽ không bao giờ, suốt cuộc đời còn lại, không bao giờ tôi còn có được hạnh phúc nữa, không bao giờ.

Tháng 2-1992
      ĐPT

NHÀ VĂN NHẬT TIẾN :

          Thông điệp bên ngoài thảm kịch .

Họ là một liên minh. Một người lai ấn Độ, một người ở Cao Mên, hai người ở Trung Quốc. Trong hai người Trung Quốc thì chệt Liếm còn có một gia đình : chi Chu và Xiếm Hoa. Tất cả quây quần quanh một quán ăn cũ kỹ, tường vôi , mái lở, sống đời tha hương. Họ tồn tại như những hạt giống được vung vãi xuống , gặp đất ở đâu thì mọc ở đó. Cũng là lẽ sinh tồn nhưng với khả năng bền bỉ , nhẫn nại, ý chí phục hưng giống nòi cuả những con người vốn sinh ra ở những vùng đất nghèo khó phương đông. Nhân vật xưng tôi  và gã Triều Châu, tuy chia xẻ với nhau một âm mưu nhưng thực ra chỉ là những nhân chứng trong một thảm kich. Một kẻ đứng ngoài nhìn vào bằng đôi mắt  lác (có thể cùng một lúc nhìn thấy hai phía của cuộc đời ) và một kẻ dấn thân vào âm mưu, bỗng nhiên trở thành kẻ vừa  chứng kiến, vừa tham dự.
Tấn thảm kịch bắt nguồn từ chị Chu, gười vợ tàn tật suốt ngày nằm trên căn gác xép của quán ăn cũ kỹ, chờ đêm trăng ngồi đếm  đám mây vẩy cá phiêu bồng trên nền trời hoặc nghe tiếng thời gian gõ nhịp trên mái ngói.
Con người càng tê liệt thể xác càng sôi động những khát khao. Chị đã chia xẻ những khát khao này không chỉ với chệt Liếm mà còn với kẻ khác, những kẻ mà chệt Liếm coi là "ngoại tộc". Ngòi nổ được khơi dậy từ chiếc bật lửa lúc mở nắp kêu tanh táeh mà lão Cao Mên bỏ quên tại chỗ nằm của chị , cháy lan qua một cuộc đụng độ giữa hai người đàn ông tại chân cầu thang gác và nổ bùng trong một cuộc xô xát ở nơi chị Chu vẫn nằm. Chị đã ehết trong cuộc xô xát đó. Chệt Liếm đã giải tỏa được mối thù hận bị bại  hoại gia phong, nhưng lão đã mát mát một ý đồ : liên minh tan vỡ vốn được  tạo dựng để sống còn và gây dựng một thế hệ kế tiếp.
Câu chuyện đầy kịch tính được tác giả kể lại bằng giọng văn trầm tĩnh , rất văn chương, chuyên chở nhiều ý tưởng chua cay và nhiều cách nhìn rất sâu sắc, đem lại cho người đọc cái không khí của thảm kịch  như Lôi Vũ, như Đỉnh gió hú. . .
Nhưng thật ra câu chuyện còn có một mảng khác đứng ngoài thảm kich. Cái mảng ấy là của riêng nhân vật xưng tôi, một kẻ tha phương, chuyên mua đi bán lại những đồ lạc xoong , các vật liệu phế thải. Vì thua lỗ, gã đã bỏ những loại phế thải này để  ôm vào lòng một thứ phế thải khác : con người tật nguyền của chị  Chu. Gã đã tìm được gì ở cái sinh vật phế thải đó  ? Một cái gì rất nhân bản , rất con người . Dù cho là một tấm thân tàn phế, dị dạng nhưng bên trong là những cơn bùng nổ của khát vọng làm người , của những đam mê hết súc chân thành, trong trắng và sôi dộng. Có lẽ theo tôi , chính  phát giác này mới là một thông điệp mà tác giả Đỗ Phước Tiến muốn gửi gấm tới người đọc.
N.T.

NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG :

Những chi tiết thực tế chạm vào da thịt

Đảo của dân ngụ cư là truyện tôi thích nhất trong số bản thảo được  đọc của Đỗ Phước Tiến. Văn phong bình dị mà mặn mòi. Một không khí huyền ảo đan xen rất tự nhiên với hiện thực phàm trần. Người  đọc bi huyến dụ bởi đám nhân vật câm nín và âm u như những hồn ma, bởi "một chiều xuân rất xanh" bởi một "bình minh êm ái lướt qua những đọt rau đắng non, rau đồng tiền, và rau kinh giới" - Súc huyễn dụ ấy chỉ có được khi nó song hành với những chi tiết thực đến chạm vào da thịt như vị mặn của mồ hôi thấm vào lưỡi , như ngọn khói bốc lên từ 10 cái lò mùn cưa, như màu đỏ rực đầy khoái cảm trên  lớp lông tơ của người đàn bà dị tật .
Thế nhưng, vẻ đẹp của văn phong hay kỹ thuật viết vẫn chỉ là phẩm ehầt thú hai của văn chương - Theo thiển ý của tôi, sức hấp dẫn đàu tiên của tác phẩm nghệ thuật vẫn là cái nội dung truyền tải , cái nguồn sinh lực hay suy tư mà người viết muốn chuyển tải cho người đọc. Ở đây, trong truyện ngắn này . tôi bị thôi miên bởi 2 nhân vật : chị Chu không chỉ là một người đàn bà bất hạnh, mà là chính nỗi đam mê bất hạnh , là sự khao khát bị tàn tật và thiều hụt. Ở một thành phố khác, một dòng sông khác, một ngọn đồi  khác, một phương trời khác sẽ không thể có nhân vật chị Chu - bi kịch của con người sẽ được đặt vào một hình dạng khác với các tồ chất khác. Nhân vật Tôi  cũng không chi là một nhân vật gọi theo ngôi thứ nhất của  đại từ  nhân xưng. Nó là khả năng lương thiện bi đọa đầy. Là hạt giống của sự trong trắng vĩnh hằng luôn luôn tiềm ấn trong nhân loại. Dù bị hành hạ, bị sỉ nhục, bi vong thân giữa cuộc mưu sinh lỳ lợm nham hiềm nó vẫn cứ trồi lên vào một khoảnh khắc bất chợt mà không ai kiểm soát được .
Và giá như, giá như ...Dẫu biết rằng trên đời không có hai chữ giá như, tôi vẫn cứ muốn viết. Giá như, tác giả bớt được một số câu loại như : "thời gian là sự vận động sinh học hết sức nhảm nhí của cảm giác...". Hay : "Rượu chỉ là thứ thuốc an thân vô hiệu..." thì hay biết bao nhiêu... .
D.T.H.

NHÀ VĂN NGÔ THỊ KIM CÚC :

        Khi số phận không mỉm cười

Điều ngạc nhiên thứ nhất khi tôi được nghe rằng suốt bốn năm qua, Tiến đã trôi dạt vào tận đồng bằng Nam Bộ, xuôi ngược trên các dòng sông với nghề chở lúa mướn, và vào những tháng không còn mùa vụ thì sống bằng nghề  kéo xc. Một anh chàng thành thị rặt ròi bỗng lột xác để làm một người lao động giản đơn miền lục tỉnh kể cũng là điều lạ. Nhưng đáng ngạc nhiên cho tôi hơn khi nhận từ tay Tiến xấp bản thảo năm truyện ngắn cất kỹ trong áo mà Tiến đã viết vào những lúc rảnh rỗi.

        
Tôi đã đọc vừa háo hức. vừa tò mò, vùa thận trọng. Tôi muốn biết “cậu bé”  bốn năm trước đã có những đổi thay gì và sẽ bộc lộ mình ra sao một với một khúc ngoặt trong đời như thế. Tôi đã không phải thầt vọng. Trong những truyện mới của Tiến tràn ngập những sinh hoạt nông thôn dân dã vùng  Nam bộ, với cách hành văn mượt mà, chắt lọc, đầy hình ảnh. Nhân vật của Tiến những con người bình thường với những cuộc đời bình thường , bao giờ cũng vuơng vấn những nỗi buồn, dù lộ liễu hay tiềm ẩn. Tiến thuộc họ vì tâm hồn anh gần gũi đế chan hòa với họ. Truyện của Tiến bao giờ cũng nồng nàn tình thương yêu của một tấrn lòng nhân hậu, nhân hậu không phải vì quá ngây thơ trong trắng mà bởi đã từng trải đủ để hiểu về cuộc  sống và con người . Nếu không biết rõ Tiến , hẳn tôi đã nghĩ tác giả là một người trung niên trầm lặng, với một trái tim bi tổn thương đang tự tìm cách băng bó eho mình. 
Thực ra, Tiến chưa già trong tuổi tác nhưng cũng chẳng còn trẻ như   những đồng niên lứa tuổi hai mươi của anh. Cậu con út của gia đinh si quan cấp cao ấy đã hứng chiu tất cả những thiệt thòi, ngay từ trong gia đinh. Suốt tuổi thơ của mình, Tiến đã bắt đầu tha thủi và không mơ màng tới những sự yêu ehiều , nâng niu của người khác. Mẹ cậu giận dỗi bỏ nhà ra di. Cha cậu mang cậu theo mình đến những sòng bài. Ở đấy, Tiến lang thang một mình dưới chân những người lớn , trong những ngôi nhà  xa lạ có khi được người ta nhớ đến để eho ăn, cũng có khi bi bỏ quên với cơn đói và giấc ngủ chập chờ  vạ vật đâu đấy trong một góc nhà. Nếu cậu bé ấy có trở nên một thiếu niên ngỗ ngược và thiếu niên ngỗ ngược  ấy có thành một thanh niên nổi loạn thì cũng chẳng phải là điều lạ lùng lắm.
Nhưng Tiến  đã không chịu rơi  vào tình cảnh ấy. Năm 1975, Tiến đang là một học sinh tiểu học  thì ông đại tá cha cậu vào trại cải tạo. Tiến đã lớn lên , bên cạnh người mẹ  lúc nào cũng âu sầu với mặc cảm cay đắng và muộn phiền của một người bị  bỏ rơi. Tiến đã nghỉ  học khi chưa xong bậc trung học để ra đời, kiếm sống. Cậu công nhân cơ khí ấy đã cầm bút để viết truyện ngắn đầu tay, gửi cho tạp chí Đất Quảng. Sau đó, cậu biến mấl khỏi Đà Nẵng và giờ đây, cậu  quay lại Đà Nẵng  khi cha cậu từ trại cải tạo trở về đầu năm 190l. Tiến có những bổn phận với người cha đã cao tuổi cua mình.
Quả là một niềm vui thật sự mỗi lần tôi nhận một bản thảo mới của Tiến . Tôi biết rằng Tiến  có rất ít thời giờ trống. Công việc ở một tiệm ăn nhỏ và việc đi bỏ nước đá đã lấy của Tiến từ những  giờ sớm nhất trong ngày cho đến tận đêm khuya. Và Tiến còn phải học nữa. Tiến cần phải lấy bằng trung học dớ eó thể học tiếp lên đại học. Tiến không muốn dừng lại, dù cuộc sống không nuông chìu, cũng chặng hề mỉm cười với Tiến. Giờ  đây, ở cách người bạn ấy  gần ngàn cây số, tôi nhận được  bản thảo mới nhất của Tiến “ Đảo của dân ngụ cư “ cùng với tin tức từ một người bạn  khác cho biết, sức khỏe của 'l'iến đang sa sút trầm trọng . Những công việc quần quật  trong cái thành phố Đà Nẵng đầy khắc khoải ấy đã khiến phổi Tiến bị đe dọa, với những cơn sốt  chiều. Tôi hình dung gương mặt lúc nào cũng tuơi  tỉnh , thanh thản của Tiến, như thể của ột người luôn sống trong niềm vui .Và tôi tin , Tlến đúng là như thế. Tôi sẽ chuyển về cho Tiến lời chúc mừng của  rất nhiều bè bạn ở đây, Thành phố Hồ Chí Minh, cho người  đồng nghiệp mới  của chúng tôi,  một người ở lứa tuồi hai mươi . Tôi muốn Tiến cứ vững tin như từ trước đến giờ, và đi tới.

NTKC

NHÀ NGHIÊN CỨU HOÀNG THIỆU KHANG :

Một không khí rất lạ…một không gian trống


Tôi cảm nhận nơi "Đảo của dân ngụ cư” có một đôi mắt lạ  trong cái nhin cuộc đời, con người . Những nhân vật trong truyện, tuy là người tứ xứ (1 người Âu , 1 người Khmer, 1 vài người Hoa đều lang bang, phiêu bạt trên con đường sinh kế. Họ dừng chân, "ngụ cư” nơi quán của chệt Liếm để  trang trải với cái "tất yếu “ của con người  và tôi hiểu, tại sao mỗi con người  ấy lại đã mang súc sống, một sức sống theo kiểu riêng của mình, dù là họ đều sản ra một sinh lực vừa đủ cho cái sống.
Nhưng, họ - những con người mang sức sống, tuy đã hội ngộ dưới  một mái nhà - quán chệt Liếm, mà vẫn không có quan hệ gì với nhau cả. Mỗi con người cứ đứng riêng ra trên mỗi phần việc của mình và hoàn tất chu đáo  nó. Nơi đây, tuy đã có một tụ hội mà lại không có quan hệ xã hội - một tụ hội không có hình thái xã hội. Do vậy, họ là những cá thể cô độc. Chỉ có một lần lão chệt Liếm thực thi  quan hệ với ông Khmer khi lão bắt được chiếc bật  lửa của ông ta bỏ quên trên giường chị Chu. Nhưng cả lần ấy, chệt  Liếm chỉ tỏ bầy bằng cử chỉ . Họ  không nói với nhau một lời. Nhũng con người trong truyện không nói gì với nhau. Cả tác phẩm không có lấy một lần  đối thoại nào. Như vậy ta  bắt gặp một tụ tập người không ngôn ngữ.
Không quan hệ xã hội, không ngôn ngữ, những con người trong truyện .cứ từng người một , từng người lầm lì đi lại trong cái hư ảo của tác phầm. Họ là những bóng mờ, không có chân dung rõ rệt.
Làm sao mà mỗi con người chúng ta có chân dung được khi không ở trong mối quan hệ xã hội, bởi vì, con người hiện thực là con người kết thành bởi tổng  hòa các mối quan hệ xã hội
Không khí tác phẩm rất lạ …Tác phẩm là một không gian trống...
Tuy vậy, mấy con người không quan hệ xã hội này đã lần lượt cùng đến một điểm chung : chiếc giường chị  Chu - một con người bán thân bất toại. Hiện thực tác phẩm chỉ có duy nhất một quan hệ  - quan hệ giữa những người đàn ông với một người đàn bà tật nguyền . Ẩn đằng sau cái hiện  thực tội nghiệp ấy , có một dòng bản năng hồn nhiên, tinh khôi.. Chiếc giường chị Chu - cái điểm chung này cũng rất đỗi mong manh. Chị Chu bị giết chết  được xem như là số phận tất yếu của nhân vật . Dân ngụ cư,  từng người, từng người ra đi . Tụ tập ngụ cư tan rã . Cái tụ tập những con người dưới quán chệt Liếm – cái tụ tập không quan hệ xã hội, không ngôn ngữ tan rã cũng được xcm như là số phận tất yếu của một hiện thực. Thì ra, điều kiện  tự nhiên người chính là điều kiện xã hội của nó.
“Đảo của dân ngụ cư” đúng như tên gọi của nó. Đó là "đảo" vì nó ở ngoài cõi đất liền, ngoài xã hội. Đó là "dân ngụ cư” chỉ sống tạm bợ, họ không có quan hệ gắn bó đích thực.
Hiện thực tác phẩm, do vậy, là một hiện thực giả định.

HTK


Tagged

0 nhận xét