Tàu ngầm thứ 2 của Việt Nam HQ-183 TP HCM đang trên đường về Cam Ranh trên tàu vận tải siêu lớn của Hà Lan.
Đại diện của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga ngày 30/1 đã thông báo cho phóng viên của ARMS-TASS rằng, tàu ngầm mang tên HQ-183 Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) đã rời Nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi và lên đường về Việt Nam trên tàu chở hàng chuyên dụng thuê của Hà Lan.
Theo vị đại diện này, việc vận chuyển tàu ngầm về căn cứ quân sự Cam Ranh sẽ mất 45 ngày và kết thúc vào tháng 3 năm nay. Dù vậy, sau đó, một vị quan chức công nghiệp đóng tàu Nga lại cho rằng tàu ngầm TP HCM sẽ về tới Cam Ranh trong tháng 2.
Trên tàu vận chuyển chuyên dùng có đại diện có trách nhiệm bàn giao con tàu của Nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi cùng đội 6 người, cũng như 6 thành viên của đội tàu. Nhiệm vụ của họ là duy trì các máy móc của tàu ngầm trong trạng thái làm việc, cũng như nạp các bộ ắc quy.
Sau khi được đưa đến cho khách đặt hàng, tàu ngầm sẽ thực hiện chuyến đi biển kiểm tra. Để đảm bảo chuyến đi này, nhóm bảo hành của xí nghiệp gồm 14 người sẽ đến Việt Nam.
Trước đó, tàu ngầm HQ-182 Hà Nội cũng về Việt Nam trên tàu vận tải siêu lớn Rolldock Sea mang quốc tịch Hà Lan. Hiện chưa rõ, tàu HQ-183 TP HCM được vận chuyển bằng Rolldock Sea hay tàu Rolldock Sun hay là một hãng tàu nào khác của Hà Lan.
Tổng cộng trong khuôn khổ hợp đồng được ký năm 2009 trị giá 2,1 tỷ USD sẽ đóng 6 tàu ngầm phi hạt nhân thuộc Project 636 Varshavyanka cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Hiện nay, tại nhà máy Verfi còn 3 tàu tương tự ở những mức độ hoàn thành khác nhau (gồm HQ-184 Hải Phòng, HQ-185 Đà Nẵng và HQ-186 Khánh Hòa, còn HQ-187 Bà Rịa – Vũng Tàu chưa khởi đóng).
Tàu ngầm phi hạt nhân Project 636 xuất khẩu cho Việt Nam thuộc thế hệ tàu ngầm thứ 3 được các chuyên gia của Phòng thiết kế trung tâm trang bị hải quân Rubin ở Sankt Peterburg thực hiện.
Project 636 Varshavyanka là biến thể cải tiến từ mẫu Project 877 Paltus (NATO định dung chinh là Kilo) với công nghệ mới tăng tính tàng hình, mở rộng tầm chiến đấu và khả năng tấn công mọi mục tiêu trên mặt đất, mặt nước và dưới mặt nước.
Lớp tàu xuất khẩu cho Việt Nam được tích hợp thêm một số công nghệ mới trong bảo đảm sự sống cho thủy thủ đoàn. Đặc biệt, về mặt hỏa lực sẽ được tích hợp hệ thống tên lửa hành trình đa năng Klub-S cho khả năng tấn công diệt hạm mạnh mẽ, thậm chí có thể tác chiến hải đối đất.
Sau khi nhận con tàu đầu tiên trong sáu tàu ngầm vào tháng 1/2014 Việt Nam đã trở thành một trong những nước ở Đông Nam Á (Indonesia, Singapore, Malaysia) đang xây dựng nhóm lực lượng tàu ngầm.
(Kiến Thức)
Phương tiện nào chở tàu ngầm HQ-183 TP HCM về Cam Ranh?
0 nhận xét