(Kênh 13) – Quan niệm mùng 6 tốt ngày nên lượng người đổ về các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sau tết tăng đột biến.
Xe xếp thành hàng dài ở cầu Mỹ Thuận
Khoảng 10h sáng 5/2 (tức mùng 6 tết), hai bên cầu Mỹ Thuận đã xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài từ bờ Tiền Giang đến bờ Vĩnh Long. Mặc dù lực lượng chức năng hai tỉnh điều tiết, phân luồng nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện tham gia giao thông và cầu Mỹ Thuận, nhưng do lượng xe từ các tỉnh miền Tây đổ về TP.HCM ngày càng nhiều nên tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng thêm. Hàng ngàn ô tô xếp thành hàng dài mấy cây số trên các tuyến đường đổ vào cầu Mỹ Thuận phía bờ Vĩnh Long ở cả 3 hướng: đường tránh QL1 kéo dài đến xã Tân Hạnh (khoảng 4 km); đường về TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) kéo dài khoảng 3 km đến cầu Cái Da và đường vào nội ô TP.Vĩnh Long kéo dài đến cầu Cái Cam (khoảng 3 km).
Vì sợ ùn tắc, nhiều tài xế đến TP.Vĩnh Long đã rẽ sang QL57 đi qua phà Đình Khao (xã Thanh Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long) để đi về Bến Tre qua Tiền Giang. Tuy nhiên, do lượng xe quá nhiều nên mặc dù lãnh đạo Bến phà Đình Khao đã điều tất cả phà để đưa đón khách, nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài nhiều cây số trên QL57. Nhiều điểm kinh doanh “bất đắc dĩ” dựng lên cặp lề đường để phục vụ khách chờ qua phà, giá cả cũng tăng cao gấp nhiều lần.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, nguyên nhân do phương tiện lưu thông qua khu vực cầu An Hữu bị ùn tắc, vì vậy CSGT và Thanh tra giao thông tỉnh Vĩnh Long phải phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang điều tiết cho phương tiện qua từng tốp một để tránh ùn tắc trên cầu Mỹ Thuận.
Dự báo, tình trạng ùn tắc có thể kéo dài đến cuối tuần này.
Kẹt xe kéo dài trên QL91
Từ mùng 4 đến mùng 6 tết, do lượng xe cộ từ các nơi kéo nhau qua Bến phà Vàm Cống (nối H.Lấp Vò, Đồng Tháp và TP.Long Xuyên, An Giang) về TP.HCM và các tỉnh miền Đông tăng cao đã dẫn đến ách tắc phía bên đầu bờ An Giang. Từ buổi trưa đến buổi chiều, lượng ô tô, xe tải, xe khách phải đậu thành hàng dài trên QL91 hơn 40 phút mới qua được phà.
Ngày 5.2, Ban Quản lý Bến phà Vàm Cống cho biết đã huy động hết các phà chạy liên tục so với ngày thường gồm 7 phà loại 200 tấn và 2 phà loại 100 tấn; đồng thời mở thêm điểm bán vé phụ và 2 bến phụ, huy động hết lực lượng nhân viên, công nhân tham gia điều tiết lượng xe qua phà nhưng vẫn không xuể bởi lượng xe qua lại tăng cao. Chỉ tính trong ngày mùng 4 tết đã có 35.000 xe mô tô và 6.500 xe khách, xe ô tô các loại qua phà.
Theo ghi nhận của PV, các chuyến xe từ nhiều tỉnh thành lân cận đổ về Hà Nội ở bến Giáp Bát, Mỹ Đình đều đông nghịt trong ngày mùng 6. Hôm qua, hàng ngàn người dân ở Nghệ An đã phải rất khó khăn để có được chuyến xe ra Hà Nội và vào các tỉnh phía nam để làm việc sau những ngày nghỉ tết. Từ sáng sớm, rất nhiều người đứng đợi đón xe dọc theo QL1A và đến trưa cùng ngày, nhiều người vẫn chưa thể đón được xe.
Do nhu cầu lớn nên các nhà xe được dịp hét giá, nhiều xe còn tranh thủ nhồi nhét khách. Giá vé đón xe dọc đường từ Nghệ An đi Hà Nội từ 300.000 – 350.000 đồng/vé, đi TP.HCM từ 1,5 – 1,7 triệu đồng/vé, cao hơn gấp đôi giá vé ngày thường. Để kịp thời gian cho ngày làm việc đầu năm, hành khách đều phải chấp nhận giá vé cao ngất ngưởng này.
Trong khi đó, tại Bến xe Vinh và ga Vinh những ngày này có rất nhiều người đến xếp hàng mua vé; vé tàu đi phía nam và Hà Nội cho đến ngày mùng 10 tháng giêng đã được bán hết.
“Cháy” vé xe chất lượng cao
Chiều 5.2, ông Nguyễn Đình Sửu, Phó giám đốc Công ty CP bến xe – tàu – phà Cần Thơ, cho biết trung bình lượng khách từ Cần Thơ đi các tỉnh trong những ngày tết qua 2 bến xe tại Cần Thơ là bến Hùng Vương và bến 91B là 15.000 lượt khách/ngày. Lượng khách tăng đột biến từ mùng 4 tết, chủ yếu là tuyến Cần Thơ đi TP.HCM.
Cũng theo ông Sửu, 2 hãng xe khách Phương Trang và Thành Bưởi cũng đã tăng cường đầu xe chạy tuyến Cần Thơ – TP.HCM trong những ngày tết. Cụ thể, xe Phương Trang ngày thường từ 60 – 65 tài/ngày tăng lên 90 – 100 tài/ngày; xe Thành Bưởi tăng từ 30 – 35 tài/ngày lên 45 – 50 tài ngày trong dịp tết. Thế nhưng, tình trạng “cháy” vé ở các xe “chất lượng cao” đã xảy ra. Tại trạm xe khách Phương Trang, hành khách mua vé phải chờ nhiều giờ liền. Sở dĩ có tình trạng chậm trễ trên cũng do ảnh hưởng bởi tình trạng kẹt xe đoạn An Hữu – Vĩnh Long.
Khách qua đường bị “chặt chém”
Sáng 5/2, lượng người từ các tỉnh đổ về TP.HCM làm việc bằng xe gắn máy tăng mạnh. Tại các tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố, các quán nước, hàng ăn, tiệm sửa xe được dịp “chặt chém” khách qua đường.
Trưa cùng ngày, trên QL1A, đoạn qua H.Bình Chánh và Q.Bình Tân hướng từ miền Tây lên TP.HCM dòng người đổ dồn về thành phố khá đông. Tại chân cầu vượt An Lạc, Q.Bình Tân. Hàng trăm người dân dừng lại nghỉ chân sau một chặng đường dài. Tại đây, các quán nước giải khát ven đường mọc ra như nấm, mỗi chai nước suối bán với giá 15.000 đồng, nước ngọt từ 20.000 tới 30.000 đồng/chai.
Dọc những tuyến đường đổ vào thành phố, những quán ăn vỉa hè bán hủ tíu, phở, cơm… trong những ngày này cũng được đà tăng giá gấp hai, ba lần từ 15.000 – 25.000 đồng/tô, phần; thậm chí, lên tới 50.000 – 70.000 đồng/tô, phần.
Không chỉ dịch vụ ăn uống tăng giá, dịch vụ sửa xe dọc đường cũng tranh thủ “chém” khách, mỗi miếng vá tăng giá tới 30.000 – 50.000 đồng.
(Trí Thức)
Nhọc nhằn tàu xe sau Tết
0 nhận xét