(Kênh 13) – “Cách thi hiện nay ở ta vẫn là kỳ thi kiến thức, không phải là kỳ thi năng lực, có tính thông minh, đôi lúc năng lực quan trọng hơn kiến thức”.
Sau khi lãnh đạo Bộ GD&ĐT đưa ra một số dự kiến đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong năm nay, cụ thể kết quả tốt nghiệp sẽ dựa vào 50% điểm kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp 12. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đổi mới này nhằm không đánh giá “lệch” mà đánh giá rộng hơn, toàn diện hơn kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong cả quá trình học tập.
Cũng trong dự thảo đổi mới công tác thi và công nhận tốt nghiệp mà Bộ GD&ĐT trước đó đã đưa ra xin ý kiến xã hội, trong đó có quy định sẽ miễn thi 20% tỷ lệ học sinh giỏi, xuất sắc ở tỉnh, thành phố, trường học trong cả nước. Ngày 11/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được cuộc điện thoại của ông Trần Đức Cảnh, đang sống và làm việc tại Mỹ, là người chuyên làm công tác tuyển sinh cho Đại học danh tiếng Harvard (Mỹ), phản ánh về những “dự kiến” trong đổi mới thi của Bộ GD&ĐT.
Báo Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu ý tưởng của ông Trần Đức Cảnh như một lời góp ý, chia sẻ với Bộ GD&ĐT nói riêng và ngành giáo dục nói chung để có được một kỳ thi tốt nghiệp đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm cho xã hội.
Theo ông Trần Đức Cảnh nhận định, một kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi hết sức đơn giản, gọn nhẹ, nhưng hiện nay Bộ GD&ĐT đang làm tình hình rối hơn. Việc quy định kết quả tốt nghiệp sẽ dựa vào 50% điểm kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp 12 là không cần thiết. Ngoài ra, không thể miễn thi 20% số học sinh khá giỏi, bởi không có một nước nào làm như vậy, đã gọi học sinh giỏi, xuất sắc thì phải chứng tỏ được mình thông qua thi tuyển như những học sinh khác.
Ông Cảnh dẫn chứng, một mô hình tại Mỹ cho thấy, học sinh phổ thông chỉ phải học theo môn (Toán, Lý, Văn,….), miễn học sinh phải học phải học đủ các môn đó, nhưng cũng không nhất thiết năm nào cũng phải học, có thể từ lớp 10, 11, 12. Theo yêu cầu của chương trình, học sinh phải có được bao nhiêu môn để hoàn tất chương trình, trong đó có bao nhiêu môn thuộc về lĩnh vực khoa học xã hội, bao nhiêu môn thuộc về Toán, Văn…, học sinh có lựa chọn, có thể thấp, cao, tùy theo năng lực của học sinh để lựa chọn học các môn đó.
Ông Trần Đức Cảnh cũng cho biết, có một khung yêu cầu, nếu học sinh đạt thì cấp bằng trung học và không thi tốt nghiệp giống như Việt Nam. Nếu chúng ta đi theo hướng đó, chúng ta phải tổ chức lại chương trình học của THPT, thậm chí bậc THCS hay Tiểu học cũng phải xem xét lại. Khi cấu trúc lại, học môn nào thi môn đó.
Theo cách thi này, sẽ dẫn đến cách học làm cho học sinh tập trung học môn đó đàng hoàng hơn, học và thi liên tục, chứ không như Việt Nam phải học hết một năm hay ba năm để tập trung cho một kỳ thi.
Nếu như một học kỳ có 5-6 môn, học sinh học và thi liên tục, mỗi một môn có thể thi 3-5 lần, tùy theo bài thi ở giai đoạn đó để cho tỷ lệ phần trăm cao hay thấp, và cuối cùng cộng lại. VD: Môn bất kì thi cuối kỳ tương đương với 30-40%, giữa kỳ khoảng 25%, làm như vậy người học sẽ được thi liên tục và tự nhiên có động cơ để học. Cuối khóa của môn đó sẽ thi một lần nữa để kết thúc. Điều này khắc phục được thực trạng ở Việt Nam là học sinh tập trung cho một kỳ thi, ôn thi và luyện thi, thi xong là quên hết.
Như vậy, với mô hình của Mỹ nếu được chứng nhận tốt nghiệp, học sinh nộp đơn vào các trường đại học, nếu ở top trung bình, chỉ cần bằng trung học, nhưng những trường top cao thì phải qua SAT (dịch vụ tuyển sinh), lấy đầu vào ở đó để xét tuyển. Thời gian thi sẽ có SAT 1 chừng 3,5 tiếng (đánh giá tổng quát), trong đó gồm trên 200 câu hỏi (mọi lĩnh vực) – quá trình thi căn bản, không đi sâu mà chỉ tập trung kiến thức căn bản với một người tốt nghiệp trung học phải có.
Tính ưu việt của cách thi này là thời gian thi được rút ngắn, chỉ 3,5 tiếng và hơn 200 câu hỏi. Theo đánh giá, với những học sinh thông minh chỉ cần nhìn câu hỏi là biết. Cách này vừa đánh giá được khả năng học vấn, vừa đánh giá được sự thông minh của người học. Nhưng theo ông Cảnh, cũng có thể nói kỳ thi vừa dễ lại vừa khó, kiến thức thì dễ, với người học bình thường chỉ cần 30 phút là làm đúng hết một môn.
Còn qua dịch vụ SAT 2, đây là cấp thi dành cho các trường đại học lớn thuộc top trên ở Mỹ, trong đó người học lựa chọn môn (đánh giá thêm cho SAT 1), có thể thi một môn 45 phút. VD: Chọn môn Toán nhưng sẽ có các cấp độ khác nhau, và thi thêm một môn có thể là môn Văn hay Lịch sử, và lấy điểm của hai môn đó. Với SAT 1 và SAT 2 cộng lại thời gian thì có thể còn chưa đến 5 tiếng và thì trong một ngày là xong.
Trở lại vấn đề của Việt Nam, ông Trần Đức Cảnh cho rằng, nếu chúng ta làm theo mô hình của Mỹ thì sẽ bỏ thi trung học, nhưng kỳ thi đại học phải được tổ chức đàng hoàng.
“Tôi có cảm tưởng rằng ở Việt Nam kỳ thi Đại học được tin tưởng hơn kỳ thi THPT, công bằng hơn, chuẩn hơn. Nếu làm như tôi nói ở trên, cộng điểm các môn lại và nếu đạt thì cấp bằng, như vậy tỷ lệ tốt nghiệp 90% hay 99% không cần quan tâm. Nói thật, kỳ thi đại học tôi vẫn tin tưởng hơn. Theo cách của Mỹ thi trong vòng vài tiếng, nhưng ở Việt Nam muốn kiểm tra kỹ hơn có thể thi hơn một ngày hoặc tối đa 2 ngày, gồm tập trung thi trắc nghiệm, chấm dễ và điểm lệch lạc bị hạn chế. Trong đó có một số phần thi viết, nhưng cũng không quá nhiều” ông Cảnh chia sẻ.
Theo đánh giá của ông Cảnh, với cách đánh giá như của Mỹ sẽ tìm được học sinh có năng lực, bởi muốn làm được gần 300 câu hỏi thì học sinh đó phải học, kiến thức thực học phải gấp mấy lần 300 câu mới có thể thi được.
Với kinh nghiệm và quan sát của mình, ông Trần Đức Cảnh cho biết, chính sách thi của ta hiện nay chưa khoa học. Cách test tốt nhất cho thí sinh là hỏi câu A xong tiếp theo hỏi câu B, nhưng câu A không quan trọng mà câu B mới quan trọng, nhưng có thể đánh giá câu A xem người học có học thật hay không, đó là những cách test tinh vi nhất.
Học sinh Việt Nam chủ yếu học thuộc bài và đi thi thì viết ra, lối thi của chúng ta vẫn chỉ kiểm tra về kiến thức, chứ chưa kiểm tra được trí thông minh kèm theo kiến thức.
“Cách thi hiện nay ở ta vẫn là kỳ thi kiến thức, không phải là kỳ thi năng lực, có tính thông minh, đôi lúc năng lực quan trọng hơn kiến thức, kiến thức học là có nhưng năng lực phải đi từ nhiều yếu tố khác. Một trường đại học lớn họ thường dựa vào năng lực, nhưng không thể bỏ kiến thức” ông Cảnh nói.
Qua đây, ông Trần Đức Cảnh cũng cho biết thêm, khi nói về giáo dục hoặc làm giáo dục ắt sẽ mất nhiều thời gian, không được nôn nóng. “Tôi thấy Bộ GD&ĐT thay đổi phương thức như chong chóng, nghe bên này hay theo bên này, nghe bên kia hay lại theo bên kia. Mình phải có định hướng rõ, hội nhập thi và học với thế giới như thế nào để mình đi tới, có thể mất nhiều năm. Không có gì hoàn chỉnh ngay được” ông Cảnh nhấn mạnh.
(Trí Thức)
“Bộ GD&ĐT đang làm vấn đề thi và tuyển sinh trở nên rối bời”
0 nhận xét