Open top menu
Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013



Chà, gặp bác hỏi chuyện Pulau Tengah tôi thú vị quá ... hihi ... Vậy thì tôi phải kể lể lôi thôi đầu đuôi xuôi ngược mới hả mấy chục năm chẳng gặp ai là cố nhân hỏi về chuyện cái đảo đẹp đẽ và những người cùng tạm trú tại đảo vô cùng vui vẻ và nồng ấm với mấy mẹ con tôi.

Tôi xuống ghe SS56 vào ngày 11 tháng Tư, lái ghe là anh Hùng, một học trò cũ của bố xấp nhỏ nhà tôi tại "bãi đánh” gần Bà Rịa (hình như là Phước Tuy). Đi được 7 ngày thì thấy Singapore, đáp vào tưởng ngon lành, ngờ đâu lính tuần duyên lái tầu tuần chạy ra nhảy xuống ghe bảo bọn tôi phải vào “Trại” ở phía bên kia. Bọn này hí hửng yên chí qua được “phía bên kia” là sẽ lên bờ, một cô vui vẻ trẻ trung còn “hồ hởi phấn khởi” cười nói:

- Tới trại mình tót ra đi nhảy.

Ai cũng vui quá, lúc đó là khỏang 6 giờ chiều. Tụi lính ròng dây chão từ tầu của họ xuống ghe mình bảo là để đi cho nhanh.

Nhưng cứ thấy đi mãi mà chưa thấy “trại”... Đương lúc cả bọn băn khoăn thì mấy tên lính Singapore nhảy xuống bảo đưa la bàn và bản đồ cho họ, xong họ cho thêm dầu vào ghe mình rồi nhảy lên tầu của họ ném thực phẩm xuống, chặt đứt dây, chỉ tay về phía nào đó bảo là phải đi Indonesia kẻo họ bắn. Rồi tầu họ bỏ chạy. Ghe tụi mình đuổi theo, họ quay lại bắn lia chia. Tài công sợ quá vội chạy dạt ra.

Qua ngày hôm sau bà con thấy la bàn và bản đồ đã mất, bọn mình thất vọng quá nhao nhao bàn quay về Thái Lan. Tôi bèn tới chỗ Hùng ngồi đề nghị:

- Hùng à, chú là học trò của Thày *, tôi trông cậy vào chú. Nay chú nghĩ tình thày, đi tới thêm 1 ngày, nếu còn vô vọng thì tôi không yêu cầu gì nữa.

Hùng khảng khái:

- Em đi với cô thêm đúng 24 tiếng, nếu không còn hy vọng thì em quay lại.

(Hùng ơi, cô hết lòng cảm ơn em, đã 33 năm, không bao giờ cô quên được tấm lòng của em đã vì nghĩ tới thày mà nghe theo lời cô yêu cầu. Em ở Na Uy, có khi nào đọc được những dòng này, nhớ liên lạc với thày cô em nhé).

- Xin lỗi các bác, nói đến chuyện này tôi xúc động lắm, nay xin kể tiếp.

22 tiếng đồng hồ sau, vào lúc 4 giờ chiều, ghe chúng tôi gặp một ghe đánh cá người Mã Lai. Chúng tôi vẫy, họ xáp lại, một người bên ghe chúng tôi nhảy qua thảo luận, họ đòi cho họ 2 nhẫn vàng, chúng tôi vội giao ngay, họ bèn chạy ghe họ phía trước, chúng tôi theo sau. Khỏang một lúc lâu, trời gần tối, xa xa chúng tôi nhìn thấy dẫy lều màu xanh nhạt, họ chỉ chỉ ra hiệu rồi đưa tay lên cổ ý nói đó là trại tỵ nạn họ không dám giúp chúng tôi tới gần hơn, sợ lính chặt cổ.

Chúng tôi biết đã thóat chết, chắp tay vái chào họ rồi tài công cho ghe từ từ đi vào, tới gần bờ chúng tôi nhảy xuống nước lội. Trong trại cử người ra đón.

Thóat chết.

Trại đó nhỏ, gồm Bắc Đảo, Trung Đảo và Nam Đảo. Hồi cao điểm là năm 1978, do phong trào đi bán chính thức, có lúc chứa tới 10 ngàn người. Khi chúng tôi tới là năm 80, người ta đã đi định cư gần hết, chỉ còn khỏang 3 ngàn thôi. Tôi còn nhớ có gia đình hai bác Đào Đức Hoàng và bà ngọai là mẹ bác gái hiền lành tốt bụng, có BS Phan Hồng Huấn và 2 cô con gái rất xinh và nhiều người hiền lành tốt bụng lắm.

Vì lúc ấy đảo còn ít người nên Cao Ủy Tỵ Nan muốn các cháu bé ổn định sự học. Nhân thấy lý lịch tôi khai là giám đốc trường Mẫu Giáo ở Saigon, họ yêu cầu tôi ra mẫu bàn ghế Mẫu Giáo rồi họ sắp xếp ban thợ mộc trong đảo đóng bàn ghế cho các cháu ngồi, để tôi có thể cùng hai cô giáo tiếp tục sự học của các cháu.

Có một kỷ niệm tôi nhớ mà cứ cười hòai, số là có một em còn nhỏ xíu mà rất hay chửi thề, huấn luyện mãi không được. Một bữa tôi dọa:

- Con mà nói bậy nữa madame sẽ mách ba con.

Cậu bé cười toe:

- Ba cũng nói vậy à ... hihi ..

Về chi tiết "Sungei Besi "A" hay "B" thì tôi không còn nhớ gì cả, có lẽ vì thời gian lưu ngụ ở đó quá ngắn (chỉ khoảng 2 tuần lễ đầu tháng 10/1980) nên không có kỷ niệm trong tâm bác ạ.

Thôi tôi xin ngưng chuyện xưa tích cũ của mình, cảm ơn thì giờ của các bác.


Xin bổ túc thêm, con gái tôi mới nhắc là "bác Đào Đức Hoàng chứ không phải Hoành”. Tại tôi nhớ lộn tên anh của bác là bác sĩ Đào Đức Hoành làm tại bệnh viện Bình Dân, Saigon, trước năm 75. Ông đã tới Canada từ năm 1975 thì phải. Sau này gia đình bác Hoàng cũng đi định cư tại Canada.

Bác Hoàng giỏi tiếng Anh, làm Trại Trưởng, mở lớp dạy tiếng Anh mini trong lều của bác. Do sự siêng năng của gia đình bác nên tuy gọi là “lều” chứ coi cũng khá tươm tất nên mới có đủ chỗ cho chúng tôi ngồi. Bác dạy rất kỹ, luyện giọng rất nhuần nhuyễn (“nhuần nhuyễn” là tiếng thời VNCH, mấy tay VC viết tắt là "nhuyễn" đấy), bắt “học trò” nhắc lại nhiều lần. 

Âm giọng bác theo tiếng Anh vì hồi trước 75, ở trong nước chúng ta vỡ lòng tiếng Anh bằng mấy bộ Anglais Vivant Blue và Brown..., nên phát âm kiểu Anh (thí dụ như giọng thái tử Charles... hihi ...). Bác bắt uốn lưỡi, nhấn giọng rất cẩn thận. Trong đám “học trò” bọn tôi có cả bà ngọai vì bà rất hiếu học. Một bữa bác dạy kỹ quá, đòi bà nhắc đi nhắc lại, nhấn giọng, uốn lưỡi mãi, bà giận đứng phắt lên, đi một hơi ra đường, chúng tôi sợ xanh mặt. 

Bà rất hiền và tử tế. Hôm chúng tôi mới nhập trại, được phát cho một căn lều trống hốc trống huếch, vì khi người ở trước đi định cư thì những người còn lại cứ việc vào căn lều hoang “dọn dẹp”. Bà thấy mấy mẹ con tôi bơ vơ, bà thương cảm, bèn cùng các cháu đi lượm những miếng nylon, những bao bố, mảnh ván khắp nơi về vá víu căn lều cho ấm cúng. 

(Bà ngọai và gia đình bác Hòang ơi, ĐPK và các con xin muôn vàn cảm tạ quý vị). 

Lều của chúng tôi sát biển, chúng tôi thường lội xuống rửa chân. Có một đêm nước biển tràn lên quét luôn đám nồi niêu bếp núc của chúng tôi đi, sáng dậy thấy rải rác lền khên trên bờ biển.

Có người kể với chúng tôi là nghe đồn mấy năm trước vào lúc cao trào đi bán chính thức, Mã Lai lúc đó chưa có quy chế chấp nhận người tỵ nạn nên có một số ghe đã táp vào bờ rồi nhưng lại bị tầu tuần lôi ra, kéo nhanh quá nên chìm, chết từng mấy trăm người một. Sau đó, vào những đêm mưa gió biển động, nhiếu hồn ma hiện lên trên biển khóc than thê thảm lắm.

Nhưng ĐPK tôi và các con thì chưa ai chứng kiến những chuyện đó bao giờ.

Kể chuyện xưa tích cũ cũng rất vui vì như là gặp lại những người tốt lành trong cuộc đời... hihi...

PS: 

Chào các bác,


Có lẽ tôi cần trình bày sơ qua về địa hình đảo Pulau Tengah để các bác dễ tưởng tượng. Theo tên gọi Bắc đảo, Trung đảo và Nam đảo thì có vẻ như là 3 đảo hoặc 3 khu vực, nhưng thực tế chỉ có nghĩa là phần phía Bắc hoặc ở giữa (Trung) hoặc phía Nam của đảo Tengah mà thôi. 

Vào thời kỳ có phong trào ra đi bán chính thức thì người tỵ nạn lúc đó phần lớn là dân Chợ Lớn, gốc Hoa, vốn giầu có và là những người tiên phong vào đảo, cho nên họ được chia nơi tạm trú ngay tại Bắc đảo, là sát với cầu tầu, dân tỵ nạn từ ghe leo lên cầu là bước chân vào Bắc đảo.

Nhờ dân tỵ nạn gốc Hoa tiền bạc rủng rẻng và đôi khi cũng có những liên hệ bằng hữu với dân Mã Lai gốc Hoa bản xứ nên đời sống cũng dễ chịu, đảo Tengah cách đất liền 1 giờ rưỡi đường tàu thủy nên ghe thương lái đem sản phẩm vào bán cũng được lính gác Mã Lai du di, cho nên hoặt động nơi Bắc đảo vui vẻ tấp nập, tạm ví như khu phố Lê Lợi ở Saigon.

Trung đảo là tên gọi để chỉ khỏang cách giữa Bắc và Nam đảo chứ không có người ở. Thực tế, Trung đảo là một cái đèo nhỏ vươn lên hơi cao chia đôi Bắc và Nam đảo, đỉnh đèo vươn cao nhìn thẳng xuống lòng biển nên thỉnh thỏang có một vài cậu thanh niên ra bờ vực nhảy plongeon xuống biển. (Sau này khi chúng tôi đã rời đảo, nghe bà con sang sau kể lại rằng có một cậu trai đã nhẩy từ mỏm đèo Trung đảo, lao xuống biển chẳng may gặp đá ngầm, vỡ sọ mà qua đời).

Tuy gọi là “đèo”, nhưng chỉ lên xuống dốc sơ sơ thôi, mấy mẹ con chúng tôi thường rủ nhau ra đó leo lên đèo qua phía bên kia rồi lại leo về để tập thể thao.

Nam đảo là khu an tịnh, lều trại sơ sài vì mỗi khi có người được đi định cư thì bà con lại “cải thiện đời sống” bằng cách tiến lên thừa hưởng những tiện nghi bỏ lại ... hihi ... Mẹ con chúng tôi đến sau, khi trại đã gần vãn tuồng, nên được giao cho căn lều gần cuối Nam đảo, trấn thủ con đường độc đạo đi ra dãy phòng “Thủy tạ Nhẹ Khỏe” bắc chênh vênh trên biển, trống thiên trống địa. 

Lều tôi có ba cô nhóc từ 14 đến 17 rất là nghịch ngợm, sáng sáng các cô bắc ghế đẩu ra điểm danh tình trạng sức khỏe của bà con Nam đảo và kiểm tra dân số đi hàng một qua lều, tay phe phẩy miếng giấy báo, có hôm tôi nghe la tóang: “Mẹ ơi Chế Linh”, tôi cũng thấy “phấn khởi” (từ này VC rất hâm mộ) bè quơ dép phóng ra phía trước, thì quả nhiên thấy có một đám bụi mù tràn qua, Chế Linh đi trước, theo sau là một dẫy bà con cười đùa ồn ào, mỗi người đều có miếng giấy báo hộ thân (kể cả danh ca Chế Linh ... hihi ...).

.

(Chuyện đang vui mà đã quá nửa đêm, tôi sẽ viết tiếp chuyện ở trại tỵ nạn mà được ăn canh cải nấu với giò sống, do thiện ý của nhà chuyên môn giò chả Phú Hương làm giúp bà con không lấy tiền công ...hihi )


Đảo Tengah rất nhỏ và đẹp nên sau khi giải tán trại, nhà nước Mã Lai sửa sang thành khu du lịch. Tôi hỏi thăm thày Gu Gồ kiếm được mấy hình


Pulau Tengah Refugee Camp Malaysia






http://www.refugeecamps.net/TengahStory.html
.


ĐPK

         ________________
      
       * nhà văn Nhật Tiến
Tagged

0 nhận xét