Open top menu
Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

QUAN ĐIỂM CỦA NHẬT TIẾN
VỀ VẤN ĐỀ GIAO LƯU VĂN HÓA
…….
Tình nghĩa bà con hàng xóm vẫn còn y nguyên, vâng điều đó đúng, tuyệt đối đúng, nhưng theo tôi, nó mới chỉ là một nguồn ánh sáng le lói ở nơi này, mà vẫn còn chìm khuất ở nơi kia, chứ cha thể chan hòa, thắm đượm , tràn đầy trên quê hương. Mà để thực hiện được sự chan hòa. Thắm đượm hay tràn đầy này, sẽ cần phải một thời gian rất dài và sự nỗ lực của nhiều phía trong đó vai trò của văn hóa sẽ vô cùng quan trọng. Vấn đề giao lưu văn hóa, trong mục tiêu đó, và chỉ trong mục tiêu đó vì thế mới được đặt ra. Nhưng giao lưu văn hóa không có nghĩa là thỏa hiệp với cường quyền hay bạo lực để tiếp tục kéo dài mãi tình trạng suy sụp như hiện nay. Giao lưu văn hóa cũng không phải là một sự kết hợp một cách bừa bãi giữa tất cả mọi người cứ mệnh danh là cầm bút .Thực chất của sự giao lưu không phải như vậy. Nó không có chỗ cho những ngòi bút vẫn còn tiếp tục ca ngợi bạo lực hay thỏa hiệp với bạo lực. Nó cũng không có chỗ cho những ngòi bút tiếp tục khơi mãi vết thương của dân tộc mà không cho thấy một lối thoát nào có thể coi là con đường thích đáng nhất đem lại được sự hàn gắn vết thương mà không phí phạm thời gian. Giao lưu văn hóa thật ra chỉ là một sự chấp nhận cùng là bạn đồng hành của những người làm văn hóa, không phân biệt quá khứ hay điều kiện địa dư, miễn là họ biết cùng nhìn về một hướng trong mục tiêu tối hậu là khôi phục lại được tất cả những giá trị nhân bản của con người và những giá trị cổ truyền của dân tộc
(trích bài phát biểu của Nhật Tiến tại San Diego ngày 22 Tháng 10 năm 1995, trong buổi ra mắt tác phẩm " QUÊ NHÀ BỐN MƯƠI NĂM TRỞ LẠI " của Phan lạc Tiếp )


                                        *************


CHƯƠNG 9


Sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật ở hải ngoại
 Thời điểm  năm 2002
****
                            SỔ TAYVĂN HỌC-VIỆT TIDE SỐ 67
        CHUYỆN  CHẲNG  ĐẶNG  ĐỪNG
NHẬT TIẾN

Mục Sổ Tay Văn Học được độc giả các nơi tiếp nhận như thế nào, tôi không được rõ, nhưng với các bạn trẻ  ở bên Đông Âu thì sau mỗi kỳ báo, tôi đều  được nghe những tín hiệu phản hồi. Một vài kỳ của  Sổ Tay đã được photo copy để gửi tay mang về trong nước, có lần có bạn nồng nhiệt hơn, còn gọi điện thoại thẳng về V.N đọc cho người trong cuộc nghe một vài trích đoạn ( ông Trần Đăng Khoa chắc rõ chuyện này).

            Phải nêu vấn đề như vậy để độc giả hiểu rõ sự lúng túng của người viết khi bị các bạn ở xa nước Mỹ chất vấn về chuyện có hay không có tự do sáng tác? Âm thanh chát chúa nghe trong điện thoại vẫn còn như vang vang trong đầu:

            - Anh nói làm sao ấy chứ, sống ở Mỹ mà lại không có tự do! Khi hỏi đến anh thì anh lại né, lấy cớ là nói  không được!

            Ui cha, vấn đề như thế mà gay go đây. Không lẽ lại bao cho anh bạn trẻ tiền vé máy bay qua đây sống chừng vài tháng, một năm để anh có cơ hội tiếp xúc với thực tế, chứ giải thích vài lời qua điện thoại thì làm sao mà giải quyết nổi cái thắc mắc vô cùng chính đáng đó.

            Thôi thì, nếu tôi nói không được thì cũng may đã có người khác nói. Bài viết này vì thế xin trích một vài đoạn văn của những người trong ngành, coi như một lời phúc đáp riêng đối với  các bạn trẻ bên Đông Âu mà một trong những anh em này đã nói với tôi qua điện thoại : “ Đọc xong số báo tuần rồi, chúng em rất buồn. Chúng em không thể nghĩ được rằng ở xứ  Mỹ mà các anh lại không có tự do cầm bút !”.
Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến là nhà văn Hoàng Khởi Phong, một ngòi bút vẫn gợi lại trong tôi nhiều cảm kích khi anh đã nhận lời viết tựa cho một  cuốn sách của tôi vào giữa thời kỳ tôi đang gặp khó khăn nhất.

            Đó là thời kỳ của những năm 1987,88, 89 khi tôi cho in một loạt những truyện ngắn như Người tù cuối năm, Chuyện bên lề, Những sự thực cần được nói ra, Cánh cửa, Gặp gỡ ngày cuối năm.... Trong suốt hơn ba năm ròng rã, đã có biết bao nhiêu bài báo nổi lên phê phán kịch liệt quan điểm sáng tác của tôi trong những truyện này, đặc biệt là truyện Gặp gỡ ngày cuối năm, đó là không kể tới rất nhiều bài báo viết lách một cách thấp kém, không đáng coi là của giới cầm bút.

Khi tôi gom một số truyện ngắn lại để in chung trong một tập lấy tên là Cánh Cửa, thì nhà văn Hoàng Khởi Phong đã  nhận lời viết Tựa cho tác phẩm này. Đối với tôi, đây vừa là một nhã ý vừa là một hành vi dũng cảm của Hoàng Khởi Phong mà tôi không bao giờ quên được, mặc dù ông đã từng là một Đại uý trong QLVNCH, một con tem cần thiết, theo lối suy nghĩ của tôi, để dán lên mỗi bài viết vào thời kỳ đó. Xin trích vài đoạn trong bài Tựa này :
            “Viết với ông bây giờ chính là khơi động tiếng lòng của ông để gửi tới những tiếng lòng khác, kêu gọi sự đoàn kết, chống sự chia rẽ, kêu gọi lòng nhân ái chống lại bạo lực, mở một hướng suy nghĩ mới chống lại sự trì trệ, bế tắc, hiện đang là những tảng đá trong lòng mỗi người. Do đó truyện của ông bây giờ trước hết nó là những suy nghĩ đầy ắp chính trị, và ông đã thể hiện những suy nghĩ này dưới dạng thức truyện ngắn, truyện dài bởi ông hiểu được cái lợi khí của văn chương dễ truyền đạt đến lòng người hơn là những tuyên cáo, tuyên ngôn, truyền đơn là những bản văn chỉ có thể khích động nhất thời rồi tan biến đi trong những đống quảng cáo thương mại. Đó cũng là nhược điểm duy nhất trong những tác phẩm gần đây của ông, bởi vì ông đã không còn đến với văn chương thuần vì văn chương nữa. Bởi lẽ chính trị, một nhu cầu bức thiết nhất đã len vào chẳng những là văn chương mà mọi chốn mọi nơi, từ nơi tôn nghiêm thờ phượng, tới nơi buôn bán lọc lừa.”
....................    Nơi xứ người ông chìm đắm trong cuộc sống cuồng nộ và gậm  nhấm nỗi cô đơn của ông nhưng ông không bao giờ thấm mệt dẫu cho tiếng gào thét ông nhiều lần đã chìm trong những tiếng la ó hỗn loạn của những con người hoặc quay lưng với quá khứ phủ nhận mọi cái cũ để hội nhập với vùng đất mới hay tệ hại hơn nữa là những con người ôm khư khư lấy quá khứ dẫu quá khứ là một đống bầy nhầy những đố kỵ lọc lừa, giả trá, chia rẽ và thù hận. Ông khác người ở chỗ chiêm nghiệm quá khứ để làm lại cho tương lai, ông cố đặt một vài viên gạch cho căn nhà mới trong lúc mọi người hoặc là quay lưng lại với ngôi nhà ngút khói chiến tranh, hoặc là tranh giành, đánh lộn nhau để giành được cái chủ quyền trong lúc ở xa căn nhà vẫn mịt mờ khói lửa. Do đó, trước kia tôi yêu văn chương ông qua Thềm Hoang, Chim Hót Trong Lồng và giờ đây tôi kính trọng thái độ, nhân cách ông qua “Cánh Cửa”, qua “Mồ Hôi Của Đá” dầu những tác phẩm này toàn vẹn về cái nhìn trước những đổi thay quá nhanh, quá lớn, quá bất ngờ và đôi lúc làm phiền ông bởi những tấm lòng đá tảng nghìn cân đang giành chủ quyền của căn nhà bốc cháy, và khôi hài hơn nữa đang áp đặt những suy nghĩ cũ kỹ già nua từ một thế kỷ cũ, đang phùng má trợn mắt bắt những nhà văn phải viết thế này, phải viết thế nọ, đang ở thật xa chỗ lửa cháy rát mặt người và ra tuyên cáo, tuyên ngôn, đang chỉ trích, đang hội họp... đang phân chia chức vụ... đang thành lập chính phủ... lưu vong.
            Nếu “Thềm Hoang” là tác phẩm xác định vị trí của Nhật Tiến trên diễn đàn văn chương thì “Mồ Hôi Của Đá” là tác phẩm xác định vị trí của ông trước những thay đổi của thời đại. Ông là người tiên phong muốn xóa bỏ lằn ranh Quốc Cộng bởi vì quốc hay cộng trước tiên hết cũng là Người Việt, đều là nạn nhân của một ý thức hệ sai lầm từ bản chất, đã tạo nên một guồng máy cai trị phi dân tộc, cực kỳ phản động và cực kỳ dối trá. Cùng với mọi người, Nhật Tiến nhìn được một điều: không phải chỉ có miền Nam và những người thua trận là nạn nhân, mà chính họ, những kẻ đóng góp máu xương cho biến cố 75, chính họ: những người Cộng sản cũng là những nạn nhân của chiến thắng, nhưng chỉ có Nhật Tiến dám nói lên ước mơ một tập họp mới suốt từ Bắc tới Nam bất cứ ai ý thức được cái quyền làm người của mình, ý thức được cái thân phận còn thua cả những nông nô của thời trung cổ, ý thức được bạo lực và dối trá không thể nào ngự trị mãi trên đất nước ta, nơi mà tiền nhân ta đã lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo, nơi mà một thế kỷ trước cha ông ta đã dùng gậy tầm vông cùng với vũ khí là trái tim quả cảm lao vào súng giặc, để đòi cho được nền tự chủ của dân tộc chứ không phải để giành chỗ cho một tập đoàn cai trị bạo lực hơn, bóc lột hơn, ngu xuẩn hơn, dối trá hơn, vô luân hơn đã đưa dân tộc ta trở lùi lại hàng thế kỷ so với nhân loại.
                        Để làm công việc này, Nhật Tiến không những đã can đảm đi ngược lại với mọi người nhất định tô đậm lằn ranh quốc cộng nhất định, cổ võ một trận chiến khác trong lúc thực tế những người lưu vong như chúng ta không thể nào tạo được một sức mạnh quân sự, và trên lãnh vực chính trị, người Việt ở hải ngoại là một hình ảnh tiêu biểu của một bó đũa đã bị tách rời và rải rác khắp nơi, tôi muốn đề cập tới những người yêu nước thật sự và hoạt động chính trị thật sự chứ không đề cập tới những người hoạt động chính trị để thỏa mãn những mục đích khác.
                        Ba năm trước đây không một ai trong chúng ta dám nghĩ tới một Đông âu như hiện tại, một bức tường ở Bá linh bị phá hủy, một chủ tịch Ceausescu bị xử tử, thế mà mọi việc xảy ra dồn dập như sóng vỗ bờ. Do đó gần ba năm trước đây Mồ Hôi Của Đá khi xuất hiện, lập tức ông là đề tài cho một số những ngòi bút khác công kích, ông trả lời cho những công kích này bằng một truyện ngắn “Gặp Gỡ Ngày Cuối Năm” và liền sau đó là những bài viết có tính cách mạ lỵ, chụp mũ và những dư luận không tốt vây bủa quanh ông. Đã đến lúc nhà văn phải đi suốt qua những hệ lụy này. Đã đến lúc những nhà văn phải gióng lên những tiếng kêu cứu đích thực, những suy nghĩ cần thiết đến số phận đất nước.
                        Đã đến lúc những nhà văn phải nói lên những tiếng nói chân thực, phải lắng nghe những ước mơ của quần chúng và ghi lại, khuếch đại những ước mơ thầm lặng này. Do đó đối với tôi, Nhật Tiến là một nhà văn can đảm, ông lặng lẽ lên đường, là bỏ ngoài tai những công kích ác ý, và can đảm nhất là ông dám hy sinh cả phần văn chương của một nhà văn để nói lên những suy nghĩ, những mơ ước của ông trong tương lai đất nước.
........................................
                                                                            Hoàng Khởi Phong
           (Tựa cuốn Cánh Cửa, tập truyện của Nhật Tiến
do Thời Văn xuất bản-1990)

            Xin cám ơn nhà văn Hoàng Khởi Phong về sự hỗ trợ tinh thần kể trên trong thời kỳ khó khăn ấy.
               ****
Tôi muốn trích dẫn thêm một bài của người viết thứ hai , nhà văn nữ Ngọc Anh trong tác phẩm mà  bà vừa cho ấn hành gần đây. Số là, cách đây vài năm, nhà văn Ngọc Anh  thuộc Trung Tâm Văn Bút Nam Cali đảm nhận trách nhiệm sưu tập bài vở của các ngòi bút đã từng góp phần trong siunh hoạt sáng tác trong 25 năm tại hải ngoại để ấn hành một tuyển tập do Văn Bút Nam Cali thực hiện. Vốn cũng là một hội viên cũ, tôi được Ngọc Anh ngỏ lời mời tham dự vào tuyển tập này. Tôi sốt sắng nhận lời ngay và trao cho Ngọc Anh một truyện ngắn vô thưởng vô phạt đã in trên nhiều báo trước đó, truyện Bông Hồng Nào Cho Mẹ.
         
  
Nhưng tôi, cũng như Ngọc Anh đã không nghĩ rằng dù ngay đến cả Hội Văn Bút V.N Hải Ngoại, vào thời điểm đó, cũng có chủ trương xâm phạm vào tự do của người cầm bút. Ban Chấp hành Văn Bút khi đó, không phải là tất cả mọi người, nhưng hẳn cũng là đa số nên mới có đủ số phiếu quyết định để gạch tên tôi ra khỏi tuyển tập này.                  

Tôi suy nghĩ như thế vì tôi không thể tưởng tượng được cái tình cảnh chỉ một mình ông Viên Linh lại có thể có khuynh loát được cả một Ban Chấp hành. Còn nếu sự thực xẩy ra đúng như nhà văn Ngọc Anh đã viết dưới đây thì ....thật là quá thảm! Nhà văn Ngọc Anh có vẻ rất áy náy vì chính bà là người đã đề nghị in một truyện của tôi. Cho tới mãi gần đây bà mới có dịp công khai biện bạch bằng một bài viết in ở chương sau cùng của tập truyện“ Thương Tiếc” của chính bà, vừa xuất bản.
            Xin trích lại vài đoạn để bạn đọc hiểu thêm sự việc và nhân thể, trả lời thêm cho những thắc mắc của các bạn trẻ bên Đông Âu.
                    ******


                                                          (còn nữa)

0 nhận xét