(tiếp theo)
TÁC PHẨM GÂY TRANH CÃI
Truyện ngắn
Gặp Gỡ Ngày Cuối Năm
Thời điểm sáng tác : 1989
***
Nhận xét về truyện ngắn “Gặp Gỡ Ngày Cuối Năm” in dưới đây, bình luận gia Đỗ Thái Nhiên đã viết:
“Gặp gỡ ngày cuối năm” là một truyện đầu voi đuôi chuột! Truyện này đã mở đầu bằng bài toán cộng tả và hữu để toan tính một cái gì mới mẻ cho quê hương nhưng lại kết thúc bằng một cuộc làm hòa giữa hai anh em để ngay sau đó người anh dẫn người em đi “hồi tà”!... “ Gặp gỡ ngày cuối năm” hiển nhiên chỉ là truyện cổ võ cho một cuộc “Hồi tà”!
Giáo sư Bùi Ngọc Đường lại có ý kiến khác, ông đã nêu nhận định :
“…….sẽ có lúc, ông Đỗ Thái Nhiên nhận được ra rằng ông đã hơi vội vàng trong khi phê phán những nhận thức của nhà văn Nhật Tiến:
- là “ấu trĩ ,
- là “toan tính dùng lòng khoan dung của đạo đức giả để che lấp nghĩa vụ phục hoạt dân sinh”,
- là “khiếp sợ và an thân”,
- là “nên ân cần xin lỗi độc giả của ông ta”!
(Xin coi Hành Trình Chữ Nghĩa, Tập I , trang 193-203)
________________
gặp gỡ ngày cuối năm
Truyện ngắn
NHẬT TIẾN
Cuối cùng thì hai người cũng đã gặp nhau. Một người ở trong tù. Một người ở ngoài tù. Một người thuộc chế độ miền Nam cũ. Một người là sĩ quan mang quân hàm Đại tá thuộc bộ đội miền Bắc. Họ là hai anh em ruột. Ba mươi năm trời không gặp lại, hơn năm năm cậy cục để mong được tiếp xúc, bây giờ ông anh Đại tá mới được toại nguyện.
Căn phòng trống trải, bốn bề vách gỗ, mái lợp tôn có những chỗ nứt nẻ. Gió ở ngoài lùa qua những lỗ thủng mang theo cái căm căm lạnh của một buổi cuối năm nơi rừng núi. Đồ đạc trong phòng không có gì khác ngoài chiếc bàn gỗ và hai tấm ghế dài kê ở hai phía đối diện. Người công an bảo vệ đã lặng lẽ rút ra ngoài từ mấy phút trước sau khi kín đáo khép cánh cửa ra vào làm bằng tôn xộc xệch. Ngọn đèn héo úa trên trần cũng đã được bật lên. Ánh sáng vàng vọt, xanh xao như bầu không khí thoi thóp, bệnh hoạn của cả trại tù.
Từ nãy, hai người vẫn nhìn nhau. Lòng họ đầy bối rối, ngỡ ngàng. Anh mình, em mình đấy ư ? Đâu còn là hình ảnh thân thiết, ruột thịt ngày xưa, thằng anh cõng thằng em chạy nhong nhong trên con đường nhỏ hẹp để đi theo một đám rước, đi ra chùa xem tế lễ hay mải mê chạy theo con diều bang bay bổng trên nền trời cao.
Hình ảnh thân thiết của dĩ vãng như có động lực làm cho hai trí não đang đóng băng của họ trở nên động đậy. Họ cố gắng thu ngắn khoảng cách của thời gian đằng đẵng gần ba mươi năm. Họ kín đáo tìm kiếm ở nhau dấu tích của ngày xưa thân ái cũ. Nhưng rồi họ bất lực. Họ chẳng tìm thấy ở người này hay người kia một chỗ bấu víu nào để có cảm giác gần gũi nhau hơn. Cuối cùng người anh cũng phải lên tiếng trước:
- Chú hút với tôi một điếu thuốc nhé?
Người tù vẫn không trả lời. Anh ta chỉ nhìn bằng cặp mắt lạnh lùng những cử chỉ có vẻ hơi lúng túng của người đối diện có vẻ đang cố gắng phá tan bầu không khí im lặng nặng nề mà vô hiệu quả. Ông ta moi ra ở trong túi áo một bao thuốc đã nhàu nát và lục ở túi bên kia một cái bật lửa cũ kỹ đến nỗi cái bản lề ở nắp đã xộc xệch và nước kền mạ ở ngoài đã phai đi để lộ ra nước đồng màu đỏ quạch. Rồi ông ta nghiêng đầu châm một điếu thuốc. Đôi môi dầy của ông ta chúm lại. Cặp lông mày rậm rịt lốm đốm bạc ríu lấy nhau, kéo theo những lớp da ở hai bên đuôi mắt nhăn túm lại. Chợt người tù khám phá ra rằng cái đuôi mắt ấy, cái cung cách nghiêng đầu châm lửa hút thuốc ấy đã giống hệt như những cử chỉ quen thuộc ngày xưa của bố mình. Lòng anh chợt thoáng một niềm xúc động. Anh cố nén cái cảm giác buốt nhói vừa chạy qua trái tim của mình.
Bây giờ viên Đại tá chìa ra trước mặt anh một điếu thuốc. Bàn tay khô cằn xương xẩu của ông ta hơi run run. Người tù tự nghĩ đó là dấu hiệu của tuổi già chứ không phải là hậu quả của một cơn xúc động. Người Cộng sản không dễ gì biểu lộ những cảm nghĩ của mình một cách dễ dàng và lộ liễu như thế.
Quả thật, "anh ấy" đã già thật. Người tù tiếp tục nghĩ. Những đuôi mắt đã nhăn. Những lớp da hai bên gò má đã rúm ró. Những sợi tóc đã ngả màu xám bạc. Anh cố gắng mường tượng hình ảnh của ông ta không qua ảnh hưởng của thời gian. Nhưng anh ta hoàn toàn bất lực trong ý định này. Hơn ba mươi năm xa cách, hình ảnh của người anh lúc chia tay không để lại trong óc anh một ấn tượng nào. Điều này khiến người tù nẩy ra cái cảm giác kỳ cục khi nghĩ rằng mình có thể nhớ hình ảnh của ông ta thời thơ ấu lúc mà hai anh em còn cõng nhau chạy rông ngoài ngõ rõ ràng và gần gũi như nó mới chỉ xẩy ra đâu đó ngày hôm qua, hôm kia, nhưng muốn bắt lại một hình ảnh khác xẩy ra mới mẻ hơn thì anh đành chịu, như thế thì dĩ vãng đâu có ảnh hưởng bởi yếu tố thứ tự của thời gian. Nó phải là điều gì gắn bó với những nỗi rung động trong trái tim của mình. Có những điều xẩy ra, người ta có thể ghi nhớ cả một đời người, nhưng cũng có nhiều điều khác người ta đã dễ dàng rũ đi như một lớp bụi mỏng bám víu lấy khoảng trời kỷ niệm của riêng mình.
Viên Đại tá mỉm cười. Nụ cười chẳng mang một vẻ gì cay đắng hay bất mãn cả. Hình như ông ta đã quá quen thuộc với sự trực diện đối với lòng hận thù. Ông ta chỉ nhìn "thằng em của mình" với ánh mắt chế giễu. Rồi ông ta nhỏ nhẹ:
- Bắn tôi xong rồi, chú có giải quyết được vấn đề gì không?
Người tù cười khẩy:
- Được chứ! Ít nhất tôi cũng loại được một tên ra khỏi hàng ngũ của những kẻ bạo tàn.
- Vậy thôi sao?
Người tù nhún vai:
- Thế cũng đủ.
Viên Đại tá bật lên cười:
- Có hai điều đáng phàn nàn trong ước muốn điên rồ của chú. Một là tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé trong hàng ngũ của những kẻ mà chú gọi là bạo tàn. Loại đi một cá nhân không thôi, sẽ chẳng có gì thay đổi đâu. Hai là hành động ấy của chú sẽ đổ dầu thêm vào lửa, nó không những không làm suy yếu hàng ngũ của những kẻ bạo tàn mà trái lại còn dấy động chúng nó lên bằng lòng hận thù. Một hành động như thế chỉ thuần túy cảm tính chớ không giải quyết được gì !
Người tù cãi lại:
- Tại sao không giải quyết được gì? Bè lũ các anh, bớt được một tên nào hay tên đó. Sẽ có ngày cả nước sẽ nổi dậy có cùng một hành động như thế, và lúc đó anh sẽ thấy mỗi cá nhân sẽ chỉ làm một việc nhỏ bé đó thôi, cũng đủ để làm nên đại cuộc rồi!
Mặt viên Đại tá bỗng nhiên nhăn lại. Ông ta biểu lộ sự bất mãn của mình bằng cách đập nhẹ bàn tay của mình xuống mặt bàn. Rồi ông nói, lần này người tù thấy rõ những nghị lực của ông ta như tuôn ra theo từng lời:
- Chú ở tù năm năm rồi mà còn ấu trĩ đến như thế à? Phải nói rằng chính sách cải tạo không nhằm dậy dỗ các chú trở thành những con người Cộng sản mà mục đích của nó là nhằm tiêu diệt khả năng đề kháng của những người ở phe của chú. Thành quả của nó thế nào, chú đã thấy. Phần đông các sĩ quan cải tạo về đều ôm một mơ ước đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài. Đó có phải là một hình thức tháo chạy hay không? Còn nhân dân nổi dậy? Họ làm sao nổi dậy được khi chính những người có khả năng chiến đấu, lãnh đạo như các chú chỉ có một mơ ước là muốn ra đi, và mặt khác làm sao họ nổi dậy được khi mà đời sống bây giờ đã thu gọn họ vào có một điều kiện duy nhất là lo chạy vạy để có miếng cơm hàng ngày? Chủ trương thắt bao tử để cai trị của chính quyền nó có tác dụng như thế nào, chú chưa nhìn ra hay sao?
Người tù như chết lặng đi vì những sự thực tàn nhẫn mà ông ta vừa trút lên đầu mình. Anh ta choáng váng đến độ cũng không thấy ngạc nhiên khi những sự thực ấy lại được thốt ra từ một cán bộ cao cấp của chính quyền, những kẻ mà vốn từ xưa tới nay chỉ quen nói những lời nhân nghĩa giả trá, đề cao chế độ đến tận mây xanh.
Đến lúc này thì người tù thực sự thấy cần một điếu thuốc. Anh ta muốn nén xuống cơn hoang mang cực độ đang xâm chiếm trọn vẹn tâm trạng của mình. Chẳng cần chờ đợi mời mọc, anh nhặt gói thuốc lên và gắn một điếu lên môi. Viên Đại tá nhoài người ra, cầm lấy cái bật lửa, mở nắp ra và đánh lửa lên. Lúc cúi xuống châm điếu thuốc, một lần nữa, người tù lại thấy rõ bàn tay run rẩy của ông ta.
Một lát sau, viên Đại tá lại cất tiếng:
- Kinh nghiệm cho chúng tôi biết, căm thù là nguồn nhiên liệu để nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh. Nhưng nếu chỉ biết căm thù không thôi thì tự mình cô lập mình. Nó là một con số trừ chứ không phải là con số cộng. Trong ý nghĩ đó tôi có thể nói, chú chỉ biết làm tính trừ chứ chưa biết làm tính cộng.
Người tù nhún vai:
- Tuyệt đối, không bao giờ chúng tôi làm tính cộng với những người như anh, cho dù anh là ruột thịt đi chăng nữa.
Viên Đại tá kêu lên:
- Chẳng có điều gì trên cõi đời này được gọi là tuyệt đối cả trừ cái chết của mỗi người. Đấy cũng là một điều chú nên trang bị cho nhận thức của mình.
Người tù nhìn người đối diện với ánh mắt ngạc nhiên. Anh ta cố gắng tìm hiểu những ẩn ý gợi lên đằng sau câu nói của ông ta. Tuy nhiên, anh không thấy điều gì khác hơn là ông ta đang là cán bộ quân sự cao cấp của bạo quyền và điều này chỉ có một ý nghĩa duy nhất là ông ta phải là người sẽ sống chết vì bạo quyền, cho bạo quyền. Nghĩ được như thế, người tù thấy mình thoải mái hơn. Anh ta tự thấy rằng mình không hề sai lầm khi vẫn giữ được thái độ hoàn toàn đối lập đối với ông ta, dù ông ta là ruột thịt. Anh em ruột thịt không có ý nghĩa gì hết đối với những kẻ đã lựa chọn đứng trên hai chiến tuyến. Anh chợt nhớ đến "con số cộng" mà ông ta vừa nhắc nhở đến. Bất giác, anh chợt nở một nụ cười mang đầy vẻ giễu cợt. Anh tự nghĩ "Làm gì có được con số cộng giữa tôi và anh. Đấy là chuyện ảo tưởng". Điều này lại lôi kéo anh qua ý nghĩ duyệt lại những người đứng về phe hàng ngũ của mình. Quả là viên Đại tá đã nói đúng khi đề cập đến mơ ước đoàn tụ của những người đã ra tù. Đó là một sự thực cay đắng. Nó cũng cay đắng như lúc nhìn vào hoàn cảnh của những con người đang tranh sống, chụp giật với tất cả tận cùng ý nghĩa của hai chữ sinh tồn để có được miếng cơm manh áo hằng ngày.
Bất ngờ, anh cảm thấy rùng mình khi biết rõ mình đang bị trôi xuống con dốc của nỗi tuyệt vọng. Nó làm anh nhược hẳn người ra. Anh cố gắng che giấu tâm trạng của mình bằng cách đưa điếu thuốc lên môi, rít một hơi thật dài và thở mạnh ra. Làm khói xanh tỏa ra mù mịt làm che mờ khuôn mặt của người đối diện. Người tù thấy rõ nỗi cô đơn đang phủ kín con người của mình. Bỗng có tiếng của viên Đại tá cất lên:
- Tôi không đến đây để dìm chết chú xuống bằng những nỗi tuyệt vọng mà chú đang cảm nhận ấy đâu. Không bao giờ có hai chữ tuyệt vọng đối với những người còn duy trì cho mình một mơ ước muốn thực hiện. Vấn đề là ở chỗ hãy bắt đầu từ những cái gì mình đang có chứ không phải cái gì mình muốn có. Và vấn đề là ở chỗ đừng bao giờ xây dựng những nhận thức của mình chỉ vỏn vẹn bằng cảm tính, bởi cảm tính chỉ là bước đầu của nhận thức trước những trực quan sinh động của thế giới khách quan bên ngoài.
Lại một lần nữa người tù tự hỏi "ông ta muốn ám chỉ cái gì đây?". Anh ta định nói toẹt ra thắc mắc này nhưng rồi lại kìm giữ được ngay. Bởi vì anh biết rõ, dù ám chỉ điều gì, ông ta vẫn là ông ta, một kẻ được tôi luyện trong bạo lực và trở thành một giai cấp quyền thế của bạo lực. Chỉ bấy nhiêu điều cũng đủ xác định vị trí của ông ta rõ rệt trong bất cứ hoàn cảnh nào rồi. Nghĩ như thế, người tù không nói năng gì thêm mà chỉ lơ mơ ngồi nhả khói với sự cố ý làm ra vẻ lơ là đối với những lời nói của viên Đại tá. Khoảng cách giữa hai người như thêm lên vì sự im lặng nặng nề lại kéo dài. Một lát sau, vẫn lại ông ta lên tiếng trước:
- Tôi có một thắc mắc nhỏ muốn hỏi chú. Tại sao những lần trước chú từ chối không gặp tôi, mà lần này chú lại chấp nhận cho tôi được gặp chú? Có điều gì thay đổi ở nơi chú không?
Người tù nhún vai:
- Chẳng có gì thay đổi hết. Tôi đồng ý gặp mặt anh không phải vì nghĩ tới anh mà vì lời trăn trối của bố.
Nhắc đến người cha thân yêu, giọng người tù như nghẹn lại. Anh ta chớp mắt nhiều lần, cố nén cơn xúc động đang ùa đến, và tiếp tục nói bằng giọng khó khăn, cắt quãng:
- Bố chết ở trại giam Chí hòa như anh biết. Giây phút cuối cùng có thằng Quang hiện diện. Anh nhớ thằng Quang con chú Sáu chứ ? Nó là cán bộ của Cục Bảo vệ Trại giam. Nó nghe được lời trối trăng của bố. Bố trối trăng rằng dù anh em thù hận thế nào thì cũng cố gặp nhau một lần. Như một hình thức nối lại sợi dây ràng buộc gia đình đã đứt quãng mấy chục năm. Còn anh? Anh làm gì trong thời gian bố tù tội và chết tức tủi trong trại giam?
0 nhận xét