(tiếp theo)
30 PHÚT VỚI NHẬT TIẾN
Phỏng vấn của Hoa Thịnh Đốn Việt Báo
sau buổi ra mắt tập truyện MỘT THỜI ĐANG QUA
(11 tháng 10-1985)
Hoa Thịnh Đốn Việt Báo : Anh Nhật Tiến, thưa anh, trong bài nói chuyện của anh nhân dịp ra mắt tác phẩm “ Một Thời Đang Qua”, có đoạn anh đề cập đến khía cạnh nhân bản của một số nhân sự hợp tác với chế độ bên kia vì hoàn cảnh, vì gông kềm của áp bức…Theo đó , anh cho là : “ Nếu đem tâm tình của một con người chống Cộng cực đoan trước 1975 áp dụng vào thời điểm này hẳn sẽ có những điểm trục trặc, bất ổn. Nó chẳng những giới hạn khả năng đấu tranh của những Quốc Gia tự do mà còn ngăn cản con đường trở về với đại gia đình dân tộc đối với một tập thể đông đảo nhân sự, trong đó bao gồm cả những con người đã từng có thời gian chiến đấu trong hàng ngũ CS, nay đã bừng tỉnh nhưng chưa có cơ hội nói lên tiếng nói đích thực của mình.” Nhân vật thủ trưởng trong truyện ngắn “Người Tù Cuối Năm” của anh có liên hệ gì với lối lập luận trên của anh không ? (Xin coi truyện ngắn này ở trang 137)
Nhật Tiến : Có, thưa anh là có. Tôi muốn nhấn mạnh đến giá trị nhân bản còn tồn tại trong những con người vì lý do này hay lý do khác đang phục vụ cho chế độ bên kia. Người văn nghệ sĩ sáng tác chân chính nên có nhiệm vụ tạo điều kiện để đưa họ về với dân tộc. Họ giống như một thanh thép bị CS làm cho gỉ sét.Văn nghệ cần phải có sứ mạng làm bật ra những hoen gỉ đó.Tôi đã có dịp ra thăm và quan sát đời sống cũng như tâm tình của nhiều người dân miền Bắc sau bao năm sống dưới ách cai trị của CS. Tôi nhận thấy con người của họ có hai mặt. Một mặt giả dối, cứng ngắc do hệ thống CS nhào nặn. Một mặt khác, họ còn có rất nhiều chất người. Trong khi đa số bọn lợi dụng nằm trong giai cấp thống trị chạy theo chiến thắng ở miền Nam để vơ vét thì tôi thấy một số khác ở miền Bắc nhếch mép cười khinh bạc, buồn bã “phát biểu : “Bao năm hợp tác , đóng góp cho chế độ, đâu phải để thực hiện một xã hội như thế này.”. Phải là người có lòng nhân bản thì mới nêu ra nhận định này, nhất là đang ở phe chiến thắng.
Điều đó cho phép tôi khá vững tin vào việc người cầm bút ở hải ngoại cũng cần phải có nhiệm vụ soi thấu giá trị nhân bản này. Vì chỉ có ở góc nhìn nhân bản đó, con đường đấu tranh giải phóng dân tộc mới có tập hợp được nhiều người, rút ngắn được thời gian tranh đấu và tránh được cuộc chiến nồi da xáo thịt lại có nguy cơ xẩy ra lần nữa.
HTĐVB.- Khi lập luận như thế anh có mường tượng ra rằng anh sẽ bị phản ứng bởi một số người có thể vì quá sức cực đoan mà cho đó là một nhận định thiếu tích cực không ?
Nhật Tiến: Thưa anh có. Nhưng mà nhà văn, người sáng tác là phải can đảm và trung thực. Hơn nữa vấn đề mà tôi đã trình bầy chỉ mới là điều gợi ý. Nó còn cần có sự đóng góp ý kiến để soi sáng của nhiều người. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng hy vọng rằng những người cầm bút ở hải ngoại sẽ cùng nhau thảo luận để làm sáng tỏ vấn đề.
HTĐVB.- Thưa anh, chúng tôi có một câu hỏi khác liên quan đến vấn đề tự do trong sáng tác. Anh có nói là anh “thấy rõ người cầm bút ở đây chưa thực sự có tự do cầm bút”. Xin anh vui lòng nói thêm một chút nữa về điều này.
Nhật Tiến : Đúng như vậy, người cầm bút ở đây chưa thực sự có tự do cầm bút! Chuyện chụp mũ, bè phái, ngộ nhận, thành kiến, bôi nhọ…. là những chuyện làm đắn đo và gây chán nản không ít cho nhiều người cầm bút. Nó đã làm cho bộ mặt văn hóa ở hải ngoại thiếu sinh động.
HTĐVB.- Điều anh vừa nói, một đàng cũng rất chia xẻ và đồng ý với anh, đàng khác, về phía người đọc chúng tôi muốn chuyển tới anh một suy nghĩ khác. Đó là trước kia, ở bên nhà, người cầm bút được khích lệ và đền bù bằng ít nhiều danh vọng và vật chất. Yếu tố này đã tác động mạnh mẽ đến một số người (chúng tôi chỉ nói một số người), nay sang đây, những đền bù đó coi như không có. Phải chăng vì đó mà một số người cầm bút trở nên lười biếng chăng ? Nếu quả tình như vậy thì ngoài cái điều anh đã nói ra còn có một điều khác, điều này nằm ở phía người sáng tác, cũng cần phải nói tới. Đó là tấm lòng. Phải chăng vì thiếu tấm lòng. Hay vì tấm lòng không đủ lớn, không đủ kích thước để bao trùm lên mọi chuyện khác, để đủ và thừa sức mạnh mà sáng tác.
Nhật Tiến : Có lẽ vấn đề phải được giới hạn. Nó chắc không đúng cho trường hợp những người cầm bút chân chính. Về phần tôi, tôi sáng tác vì bạn bè và vì đồng bào còn lại ở quê nhà. Nó là một thôi thúc không ngưng nghỉ. Khi tôi thức suốt đêm để viết, tôi không hề nghĩ tới những đền bù mà quý báo vừa đề cập. Dù sao thì cũng cám ơn anh đã đưa ra một góc nhìn khác.
HTĐVB- Xin thành thật cám ơn anh đã có nhã ý dành cho Hoa Thịnh Đốn Việt Báo buổi nói chuyện thân mật, tâm tình và hữu ích này.
**********
Thời điểm 1996
Sinh hoạt Văn hóa ở Nam Cali
PHÁT BIỂU TRONG BUỔI RA MẮT CUỐN
VIỆT NAM QUA LĂNG KÍNH 24 NHÂN VẬT THỜI ĐẠI
của NGUYỄN VẠN HÙNG
Ngày 29-6-1996 Tại Trung Tâm Công Giáo VN –
* Nhật Tiến
Trước hết, tôi xin được ngỏ lời cám ơn ban tổ chức đã có nhã ý dành cho tôi cái cơ hội được tham dự và phát biểu trong buổi ra mắt tuyển tập ngày hôm nay.
Tôi cũng nhân dịp này xin bầy tỏ lời đặc biệt cám ơn nhà báo Nguyễn Vạn Hùng , một ký giả chuyên nghiệp đã liên tục trong nhiều năm tìm đến những nhân vật có liên quan đến các vấn đề thời sự để phỏng vấn và tường trình cùng độc giả, và đến nay lại san định và chọn lựa để in chung vào một tuyển tập như chúng ta thấy trong buổi ra mắt ngày hôm nay. Chính nhờ cuốn sách này mà tôi có dịp ôn lại những điều do chính mình đã nghĩ, đã phát biểu từ hơn sáu năm qua, tất cả tưởng đã vùi sâu trong dĩ vãng không ai còn nhớ đến nữa. Nay nhờ thế mà đôi điều có thể được ôn lại thì đối với tôi quả là một điều lý thú. Và cũng chính nhờ tuyển tập này mà tôi cũng lại có cơ hội được đọc một cách tổng hợp hơn những vấn đề mà hơn hai mươi vị khác đã phát biểu, qua đó tôi cũng đã có dịp thu nhận được nhiều điều bổ ích, bởi vì mỗi vị với một vị trí riêng, một hoàn cảnh ricng, một kinh nghiệm sống riêng đã soi sáng được nhiều phía, nhiều mặt xoay quanh nhiều vấn đề liên quan đến tình hình đất nước. Chỉ riêng với một ưu điểm này, nhà báo Nguyễn Vạn Hùng cũng đã thành công trong việc ấn hành tuyển tập để chúng ta có được buổi gặp gỡ ngày hôm nay.
Thưa quý vị, riêng về phần tôi, khi nhìn lại hoàn cảnh và thời điểm mà cuộc phỏng vấn được thực hiện khoảng cuối năm 1990, tôi nhận thấy cũng nhân cơ hội này nên phát biểu một vài cảm nghĩ, một phần là để làm sáng tỏ thêm những nhận định của mình từ sáu năm về trước , và một phần khác cũng là để bổ túc thêm cho thích hợp với hoàn cảnh thực tế vốn cũng đã thay đổi rất nhiều trong mấy năm vừa qua.
Có một điều tuy đương nhiên nhưng cũng nên khẳng định lại, đó là ở đâu, bao giờ và trong bất cứ thời điểm nào thì nhận định sau đây bao giờ cũng đúng :
“ Đó là chế độ Cộng Sản không bao giờ đem lại tự do, hạnh phúc cho con người và tạo dựng được một xã hội công bằng, phát triển và thịnh vượng. ”
Sáu năm về trước, cái tạm gọi là chân lý này hầu như chỉ phổ biến đối với người thuộc chế độ Miền Nam cũ, nhưng nay thì càng ngày thực tế càng cho thấy, ngay cả những người được tôi luyện trong xã hội Cộng Sản cũng đã nhận ra và đã có nhiều người công khai phát biểu. Nhìn lại 10 năm trở về trước, những tên tuổi như Dương Thu Hương, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chính, Lữ Phương, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn văn Trấn..v..v ...dù tên tuổi của họ vẫn tồn tại trước đó nhưng họ đã không xuất hiện ồn ào, phong phú và đa dạng như thời gian gần đây. Liên tục trong vài năm qua, họ cũng như nhiều trí thức khác trong nước đã cất lên tiếng nói tuy còn trong mức độ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và vị trí mà họ đang sống, nhưng nội dung đã không chỉ bộc lộ sự thay đổi nhận thức riêng tư mà họ đã hướng rất nhiều về những nguyện vọng chung của dân tộc. Sự kiện xẩy ra như thế đã phù hợp với hoàn cảnh thực tế trong đó hàng loạt chế độ C.S. đã sụp đổ ở các nước Đông Âu và ngay cả Liên Xô nữa. Như thế, theo tôi nghĩ, nhất thiết con đường chống Cộng của người Việt ở hải ngoại phải được đặt trước một hoàn cảnh mới, đòi hỏi phải có một nhãn quan mới qua đó có thể đề ra được những sách lược mới thích nghi được với tình thế hiện nay.
Vào thời điểm mà cuộc phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Vạn Hùng được thực hiện, tôi đã góp phần cùng với nhiều anh chị em văn nghệ sĩ khác đi tìm một phương thức đấu tranh trong chiều hướng này, và đó là lý do cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương đã được xuất bản vào cuối năm 1990 sau gần 2 năm chuẩn bị cùng với sự ra mắt của một vài tờ tạp chí có cùng một khuynh hướng như tờ Hợp Lưu, tờ Đối Thoại hay những cuộc trao đổi, thảo luận cùng các sinh hoạt khác. Cũng chính từ những hoạt động này mà đã có nhiều người cho rằng chúng tôi chủ trương giao lưu văn hóa, một từ ngữ tức cười thay, không do chúng tôi đặt ra, và ngay cả cho tới nay, chúng tôi cũng chưa hề thảo một bản văn nào đem công bố để vận động cho một trào lưu mang cái danh nghĩa đó !
Tôi còn nhớ Họa sĩ Khánh Trường cách đây 5 năm khi làm bản maquette cho tờ tạp chí của mình, anh dự định lấy tên tờ báo là Giao Lưu, nhưng chính tôi đã góp ý nên đổi là Hợp Lưu để tránh ngộ nhận. Anh Khánh Trường đã chấp nhận ý kiến đó và tờ báo của anh vẫn còn mang cái tên Hợp Lưu cho đến tận ngày hôm nay.
Nhưng ta hãy gạt qua chuyện từ ngữ để đi vào thực chất của vấn đề. Đối với chúng tôi, dù trong bất cứ một sinh hoạt văn hoá nào, chuyện giao lưu văn hoá một chiều chỉ là chuyện thơ ngây, phi lý, không cần phải có người dạy dỗ cho thì mới biết. Bởi nếu có sự giao lưu đúng nghĩa thì sách báo của người Việt ở hải ngoại đã tràn ngập thị trường ở trong nước rồi. Ở đây, tôi thấy cần phải nhắc lại rằng khi đề cao phong trào văn chương phản kháng vào thời điểm đó, chúng tôi chỉ mong mỏi nối được vòng tay với những ngòi bút phản kháng ở trong nước, cổ võ họ, nâng đỡ tinh thần họ, và nếu có thể , yểm trợ được họ trong công cuộc phổ biến những tác phẩm do họ đã viết để khơi dậy một cao trào văn chương phản kháng, nói lên được tâm tư và nguyện vọng của toàn thể dân tộc ngõ hầu góp phần vào công cuộc đấu tranh cho Tự do và Dân chủ trên quê hương.
Trong một vài lần phát biểu ở đây đó rải rác trong mấy năm vừa qua, tôi cũng đã từng nhấn mạnh rằng:
“ Chúng tôi không chủ trương thỏa hiệp với cường quyền hay bạo lực. Bởi khi người cầm bút thỏa hiệp với bất cứ một bạo quyền nào thì anh ta cũng sẽ chỉ là một thứ công cụ và tự biến vai trò độc lập của mình trở thành một thứ văn nô vốn là điều mà không một người cầm bút chân chính nào chấp nhận.”
Nhưng để tiến tới việc chấp nhận những con người phản kháng ở trong nước , nhìn lại điểm khởi đầu từ sáu bẩy năm về trước, tôi nhận thấy đó không phải là một tiến trình suông sẻ bởi vì đã có một thành kiến khá phổ biến cho rằng hễ đã là người của Cộng sản rồi thì dù có thay đổi thế nào cũng không còn gì để đối thoại nữa. Đây là một thành kiến dễ giải thích vì nó xuất phát từ những kinh nghiệm thực tế, nhiều khi bao gồm cả những sự mất mát, đau thương, đổ vỡ với những vết thương rất khó hàn gắn, bởi vì như tất cả mọi người đều thấy, kể từ khi chiến tranh chấm dứt, nhân dân miền Nam đã bị xô đẩy vào một cuộc trầm luân mới với biết bao sinh mạng bị hy sinh một cách phí uổng trong rừng sâu, nơi biển cả, trong các trại tù trại cải tạo hay trong những vùng gọi là kinh tế mới. Biết bao nhiêu đau thương, mất mát, chia lìa trong các hoàn cảnh đó đã ghi thành những dấu ấn hết sức nặng nề về cả mặt tinh thần cũng như thể xác đã khiến cho lòng căm thù có môi trường để nẩy nở lên một cách hết sức chính đáng, khiến cho nhiều người hầu như không muốn thay đổi nhận thức của mình. Hậu quả là cho tới nay vẫn còn những khuynh hướng khoanh vùng, vạch vòng phấn, loại cả ra ngoài những nhân sự vốn trước đây tuy không đứng chung trong cùng một hàng ngũ nhưng nay cũng đã chia xẻ với mình một ước mơ về một tương lai tốt đẹp của quê hương, dân tộc. Tôi cho rằng sự chấp nhận một cuộc thay đổi nhận thức trong thực trạng đó quả là một điều hết sức khó khăn, đòi hỏi nhiều sự thao thức, trăn trở. Nhưng vấn đề đặt ra là thời gian càng trôi qua, cuộc diện thế giới và thực trạng ở quê hương đã có nhiều thay đổi, vì thế vấn đề Việt Nam bây giờ không còn chỉ là vấn đề riêng của người dân miền Nam như trước đây nữa mà đã trở thành vấn đề chung của cả dân tộc, mọi chiều hướng giải quyết nhất thiết đều phải đặt trước một nhu cầu không thể chối bỏ đó là sự thống nhất đất nước và thống nhất dân tộc .
Trong hơn 20 năm qua, lòng hận thù chính đáng kể trên đã có nhiều cơ hội để thử lửa, nhưng chưa bao giờ nó cho thấy sự nuôi dưỡng hận thù trong một nhãn quan khô cứng lại là một giải pháp tốt đẹp nhất, không bị lãng phí thời gian nhất trong công cuộc phục hồi và xây dựng quê hương.
Cho nên tôi vẫn tha thiết khẳng định là chúng ta cần phải mở rộng hàng ngũ dân tộc để tạo dựng sức mạnh cho chính mình, đó là hàng ngũ của những con người không phân biệt quá khứ chính trị hay điều kiện địa dư, miễn là cùng chia sẻ với nhau một mơ ước là xây dựng một quê hương tôn trọng giá trị nhân phẩm và quyền làm người trong một xã hội tự do, dân chủ, hòa bình và thịnh vượng.
Muốn tạo dựng một hàng ngũ như thế, tôi thiết nghĩ chúng ta phải mạnh dạn bước qua những ý tưởng hận thù, như chính ông Nguyễn đình Huy cũng đã phát biểu trong cuộc phỏng vấn in trong tuyển tập được ra mắt ngày hôm nay. Tôi xin phép được nhắc lại nguyên văn lời phát biểu ấy như sau :
" Nói đến hận thù thì có lẽ chúng tôi là những người hận thù nhiều hơn ai hết vì gần 17 năm nằm trong các trại tù. Thế nhưng chúng tôi phải lấy súng tự bắn vào trái tim thù hận của chính mình và bắn cây súng khác vào sự chia rẽ và nghèo khổ của dân tộc.”
Chủ trương cỉa ông Nguyễn đình Huy hoàn toàn phù hợp với quan điểm của tôi khi vận dụng công tác văn hóa vào công cuộc vận động chung của dân tộc.
Thưa quý vị, dù thế nào thì những điều tôi vừa phát biểu cũng chỉ là những cảm nghĩ riêng tư, có thể có người chấp nhận, cũng có thể có người sẽ nêu ra nhiều vấn đề để bàn cãi. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu của một buổi ra mắt tác phẩm. Trong phạm vi của buổi tổ chức hạn hẹp ngày hôm nay, tôi rất tiếc là đã làm mất thì giờ của quý vị. Tôi xin chân thành cám ơn toàn thể qúy vị đã lắng nghe và một lần nữa, xin cám ơn nhà báo Nguyễn Vạn Hùng cùng ban tổ chức đã cho tôi cơ hội phát biểu ngày hôm nay.
NHẬT-TIẾN
0 nhận xét