VŨ HUY QUANG
(tiếp theo và hết )
Những người cộng sản (Trốtskít) Trung Quốc tại Thượng Hải mùa đông 1936. Bìa trái :Hoàng Phần Du , cạnh : F.Glass, bìa phải : Trần Quý Chung
VIII. Chuyện gì xảy ra nếu cách mạng 1925-27 xảy ra như đường lối Trốtkýt?
Theo Đường Bảo Lâm, cách mạng 1925-27 của Trung quốc phải thất bại dù cho có theo đường lối lãnh đạo nào đi nữa, ngay cả làm theo đúng đường lối Trốtky. Phe phản động của phái Hữu Quốc Dân Đảng (theo Đường) lúc đó quá mạnh, Đảng CSTQ lúc ấy còn non, cách mạng toàn thể coi như chưa chín mùi. Nên cuộc chống nhau của Trốtky và Stalin chỉ là chuyện bi-hài kịch, chuyện tào lao; nên đứa con đẻ ra từ màn kịch – bọn Trốtkýt Trung quốc – thành ra vỡ mặt và què quặt.
Cả tôi lẫn Đường Bảo Lâm không sao biết chắc là cách mạng có kết quả thế nào nếu như các lãnh đạo thời đó theo đường lối khác. Tuy nhiên, nếu đảng có chịu thất bại vì theo đường lối Trốtky đi nữa, viễn cảnh phía trước, dù sau khi thất bại, cũng khác nhiều.. Đảng viên không cảm thấy bị lừa dối, mất tin tưởng như chuyện đã xảy ra sau thất bại lúc đó; và đảng sẽ chuyển thành độc lập hơn, biết đối lập nhanh hơn, êm dịu hơn, tự tin hơn cũng như bớt tốn hao nhân mạng hơn. (Biết bao người cách mạng xuất sắc đã bỏ mình vì chính sách phiêu lưu lúc ấy!) Cuộc tái tham gia của lao động vào cách mạng sẽ nhanh hơn, dưới khẩu hiệu của đường lối mới, và đảng sẽ có thì giờ tái xây dựng, lập các tổ chức tại các đô thị dễ dàng hơn nhiều.
Còn chuyện chống Nhật, tham gia của người Trung quốc vào Thế chiến, lao động, nông dân cùng công nhân đô thị sẽ giữ những vai trò độc lập hơn đem cho cách mạng lần Ba của Trung quốc bớt đau đớn cùng tổn thất hi sinh.
Quan trọng hơn hết, tân chế độ sẽ đề xuất từ cuộc cách mạng ấy, không có chuyện chuyên quyền, quan liêu mà đích thực là chính quyền quốc tế, nghiêng về giai cấp vô sản thế giới, bớt ảnh hưởng những thành kiến về nông dân, chuẩn bị cho sự bao dung tự do tư tưởng cùng phát triển sáng kiến trong mọi họat động xã hội.
Trung quốc sẽ tránh được những vô nghĩa lý, thất thường quái gở và những tổn hại cao độ như đã xảy ra thời Nhân Dân Công Xã cùng Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản.
Tức là, sẽ có dân chủ và tư do nhiều hơn trong việc xây dựng một Trung quốc mới cũng như đời sống mới cho từng người dân.
IX. “Lòng hào hiệp” và “sự vô ơn”
Ngày 22 tháng Chạp 1952, tòan thể Trốtkýt trên Trung quốc bị bắt, cho vào tù không thành án. Đường Bảo Lâm nói, “Chính phủ Nhân Dân Trung quốc chấp nhận chính sách khác với chính sách Liên bang Xô viết đã áp dụng với người bị bắt. Không tiêu diệt họ về thể chất mà còn cải tạo họ về tinh thần, đối xử nhân đạo với họ.” Ông này bỏ qua không đếm xỉa đến trường hợp Di Khoan và Trịnh Siêu Lân, người mà (theo ông ta) thì được giới hữu trách cho khám sức khỏe định kỳ, với chế độ ăn uống tốt – một hay ba lát thịt, 3 lần một tuần.
Thế mà, theo Đường, “bọn Trốtkýt chạy thoát sang HongKong trước và sau khi chính phủ chiếm được cả nước, lại tiếp tục có thái độ chống Cộng cùng những họat động phản cách mạng”. Chứng minh chuyện đó, Đường đặc biệt nhắc đến cuốn Hồi Ức (Memoirs, Oxford Univ. Press, 1980) của tôi và cuốn tôi phê bình tư tư tưởng Mao Trạch Đông ra làm chứng cớ.(15) “Hai cuốn này,” ông ta viết,”tóm tắt đủ mọi kiến thức của Hoàng Phần Du và của bọn Trốtkýt Trung quốc về chủ nghĩa Trốtkýt của chúng trong Cách mạng Trung quốc; họ cũng tóm lược về những tấn công vào tư tưởng Mao Trạch Đông cùng Đảng CSTQ.” Nhắc lại những lạc quan của tôi về tương lai Trung quốc trong Hồi Ức, Đường viết,”Xem ra lịch sử vẫn tiếp tục chơi trò diễu cợt đối với bọn Trốtkýt Trung quốc cho đến hết đời.”
Đúng là Mao và nhóm Mao-ít đối với người Trốtkýt có khác với Stalin cùng đệ tử là Vương Minh và Khang Sinh thật. Nhưng khác trên cấp độ, không khác trên nguyên tắc. Trừ diệt đối lập chính trị là điều không tương hợp trong chế độ Dân chủ buốc gioa đã đành, chưa nói tới Dân chủ xã hội. Nhưng cho đối lập chính trị vào tù hai-mươi-bảy năm, thì không thể nào gọi là “nhân đạo” được, dù cho đối xử tốt đến đâu đi nữa.
Tôi không biết hết được bao nhiêu Trốtkýt chết trong ngục, nhưng nhiều người chết, hoặc bị giết, hoặc chết vì không chịu nổi điều kiện sống khắt khe mà chết. Tôi biết tôi có hai người cháu phải tự tử, một trong tù, một tự tử ngay khi được thả, cùng với cái chết của một Trốtkýt còn trẻ, tên là Liêu Trịnh Diên (Lian Zhengyan). Anh ta bị bắn chết ở Dự châu.
Nhưng Đường Bảo Lâm cứ mê mẩn vì lòng hào hiệp của kẻ áp bức, thành ra thất kinh trước sự vô ơn của các nạn nhân.
Vũ Huy Quang, 8-2012.
Chú thích :
Ogata Yausshi, Shohyô Chugoku Torotsukika (“Review of a history of Chinese Trotskyism”, No.15, Spring 1995.
Cũng có người, không biết cố ý hay hiểu sai, gọi “cách mạng thường trực” là “cầm súng cả ngày”.
“Military Writings” by Leon Trotsky (New York, 1971, tr.31-69.)
Isaac Deutscher, The Prophet Armed, tr.147.
Stalin: “Kẻ thù trước mắt là Xã hội-Dân chủ, không phải Hitler.”
Kể cả ở Việt nam, thời Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Lư Sanh Hạnh…hoạt động ở miền Nam, viết báo phản đối Mặt trận Bình Dân.
Tức là vu cho người Trốtkýt không chịu kháng Nhật
Liu Renjing, ‘Lưu Dân Trình’, (1902-1987). Thành viên sáng lập CSTQ, gia nhập Tả Đối Lập ở Moscow. Thăm Trốtky ở Thổ 1929. Giúp H.Issacs viết The Tragedie of Chinese Revolution. Bị bắt 1934, hối cải với QDĐ. 1949 hối cải lần nữa với Mao-ít. Chết vì tai nạn lưu thông.
Họ Dư, cộng sản kỳ cựu, bị bắt và ra tòa cùng Đổng Dĩ Xương, Châu Đại Nguyên bởi Vương Minh (khi Vương Minh và Khang Sinh vừa từ Nga về, 1937). Cả ba, bị gửi đi Nga. Bị Stalin giết, 1938.
Tang Baolin, Zhongguo Tuopaishi, Taipei, 1994, tr. 205.
Biên bản Minutes được ghi trong Ngày 3, Thứ Ba, tháng Chạp 1935.
Ghi lại trong Minutes.
Đời Tôi, L.Trotsky, tr.467.
Trong thư gửi cho Hòang Phần Du ngày 9 tháng Tư 1995, Đường Bảo Lâm xác nhận mình đã sai lầm.
Shuang Shan (Thường Sơn?), bút hiệu của Hoàng Phần Du, Nghiên cứu tư tưởng Mao Trạch Đông. (Chưa có bản Anh ngữ)
0 nhận xét