(tiếp theo)
Lần trước, chị Oanh giao cho Quyên làm nhân viên mật mã, cô không chịu , thích chiến đấu ngoài chiến trường kìa. Lần này Oanh lại giao cho Quyên nhiệm vụ khác, ‘oách” hơn nhiều :
“ Quyên này, em sẽ đóng vai thư ký cho một nhà trí thức mới ở Pháp về, một bác sĩ rất giỏi, rất có tiếng nhưng cũng khó hiểu lắm. Bề ngoài là thư ký, nhưng bề trong là theo dõi, có gì thì báo cho chị biết…”
Thế là cô nữ sinh Đồng Khánh trở thành…tình báo viên, làm thư ký moi tin tay bác sĩ nước ngoài về. Đây là hư cấu tuỳ tiện của nhà văn, chứ thực tế, vai trò điệp báo nằm vùng như nhiệm vụ Oanh giao cho Quyên phải là một nữ đảng viên trung kiên, kinh qua công tác và được đào tạo công phu chứ đâu có “ngơ ngác con nai vàng” như Quyên ; khác nào đưa gà con vào miệng cáo? vả lại Oanh đang là cán bộ phụ vận, đùng cái trở thành tổ trưởng tổ tình báo từ lúc nào nhanh thế ?
Một yếu nhân cũng vừa ra khỏi cuộc họp quân sự – Quốc Vinh, Chủ tịch Liên khu 1. Vừa nãy trong hội nghị ông làm một “báo cáo thành tích” quân dân thủ đô dài dằng dặc gần hai trang in. Hoá ra mấy ông cán bộ chóp bu rất giống nhau : từ lời ăn tiếng nói cho đến suy nghĩ, cảm xúc…Nếu như cho rằng nhân vật tiểu thuyết là sự tổng hoà giữa tính cách cá lẻ với đặc tính chung của gốc gác xuất thân thì tiểu thuyết “ Sống mãi với Thủ đô” hầu như không có…nhân vật hoặc chính xác hơn chúng không có cá tính và giống nhau như đúc một khuôn. Trong con người của mỗi nhân vật chỉ thấy duy nhất cái ‘siêu ngã” đang hoạt động – tức là cái con người xã hội, con người công dân, yêu nước, căm thù giặc Pháp; ngoài ra hoàn toàn không thấy dấu vết của sự hoạt động bản năng nguồn gốc của mọi vượt trội, gây mất trật tự trong bầy đàn.
Ta thấy câu nói của mấy ông sau đây đặt vào mồm ai cũng được – ông Bí thư, ông Khu phó, ông Chủ tịch Liên khu 1, ông Tiểu đoàn trưởng bảo vệ Bắc Bộ phủ :
“ Tất cả những con người ấy , bị áp bức, bị bóc lột, bị đày đoạ về tinh thần và vật chất , dưới thời nô lệ , đã thấy rõ cách mạng đem lại quyền lợi cho mình. Từ ngày tiền khởi nghĩa đến giờ họ đã được giáo dục, được động viên, được tổ chức, nên họ có một lòng căm thù đối với giặc, một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chính phủ vào Hồ Chủ tịch…”
Quả thật cái đoạn thoại này giống y như xã luận báo Đảng chứ chẳng phải ngôn ngữ của nhân vật. Văn chương của cuốn tiểu thuyết nằm ở đâu ?
Từ hội nghị ra, ông Liên khu trưởng Liên khu 1 ngồi ô tô về cơ quan. Ông thấy “ đầu phố hàng Đào, phía Cầu Gỗ , sừng sững đỏ tươi , hai chữ CẢM TỬ kẻ từ bao giờ , chiếm cả cái bề dài bề rộng của bức tường vôi nham nhở của một dãy quán bán sách đã dọn đi. Hai chữ cảm tử như đôi mắt nhỏ máu lừ lừ nhìn Quốc Vinh . Dưới là một hàng chữ đen : “Chúng tôi , những thanh niên Hà Nội nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng . Thề sống chết với Thủ đô!”. Phố hàng Gai , một biểu ngữ nữa kẻ bằng chữ đỏ :” Mỗi phố là một mặt trận, mỗi nhà là một pháo đài ! “
Thực ra nếu cần ca ngợi tinh thần ‘sống chết bảo vệ thủ đô” của thanh niên Hà Nội thì khỏi cần “đi sâu” vào những khẩu hiệu vốn là thứ thật khó đưa vào tiểu thuyết – một thể loại văn học cần tình tiết sống động nhiều hơn là những chính luận khô khan. Tiếc thay sau khi đã dẫn tràng giang đại hải những phát biểu đậm đặc chính trị của các cấp cán bộ Đảng, ông nhà văn vừa cho độc giả thoát ra khỏi cái nặng nề u ám của không khí cuộc họp thì lại ấn cổ người ta vào ngay thế giới của những khẩu hiệu khô khan cho dù nó nói lên tinh thần quyết tử của thanh niên Hà Nội lúc đó.
Vậy nhưng người ta thừa biết có phải tất cả bọn họ đều quyết tử cả đâu , một bộ phận không nhỏ thay vì nghĩ tới số phận của Hà Nội, của cách mạng họ lo tới bản thân và gia đình trước đã. Đó là quyền được sống, được tồn tại chính đáng của con người.Vậy nhưng cuộc đào thoát khỏi tử thần trong cái cối xay thịt Hà Nội vào những ngày mới bùng nổ chiến tranh của hàng ngàn hàng vạn người dân không được ông nhà văn nhắc tới hoặc giả có nhắc tới thì cũng với giọng khinh miệt coi họ là những kẻ đào nhiệm hèn nhát.
Rõ ràng ông nhà văn đã chọn chỗ đứng trong chiến hào chỉ để nhìn địch ta giết nhau và nhất định không chịu xê dịch đi đâu để thấy bao cảnh đời khổ ải trong cõi nhân sinh mà máu và nước mắt đã chảy thành sông thành suối.
Trở lại với anh giáo Trần Văn đưa mẹ ra ga về quê, gặp lại và coi khinh người yêu cũ khi cô hoà vào dòng người chạy loạn. Một anh giáo trường tư chưa bao giờ “tham gia cách mạng” ấy thế mà tâm tình lúc này còn rào rạt cách mạng hơn cả mấy anh cán bộ Việt Minh :
“ Anh thấy rực rực trong người cái vinh quang của một dân tộc hiền hậu mà tự cường, cần cù mà tế nhị…Một dân tộc mà lòng yêu hoà bình cũng lớn như lòng yêu các dân tộc khác nhưng luôn luôn bị chà đạp , bị khinh miệt , bị chia rẽ, bị tàn phá và khi bắt đầu được thấy loé cái ánh sáng của tương lai thì kẻ ngoài lại đến để tiếp tục vùi dập…Cách mạng Việt Minh mới ra đời trong lụt lội, trong đói khổ và trong kiệt quệ, Hà Nội chưa hồi sinh đã lại chứng kiến đạo quân Tầu phù của Tiêu Văn, Lư hán, nhiễu nhương , bòn vét, giết người và ỉa bậy….Bóng ma thanh thiên bạch nhật vừa mờ đi thì đạo quân thiết giáp kéo cờ tam tài lại xuất hiện trên các đường phố Hà Nội …”
Còn dài, còn miên man vậy nữa khiến tâm trạng anh giáo viên tiểu học Hà Nội chẳng khác gì tâm trạng chính uỷ lão luyện quanh năm chỉ lo việc Đảng việc nước. Người ta càng lấy làm lạ tại sao các nhân vật trong “ Sống mãi với thủ đô” giống nhau đến thế ? Chúng cứ như những hạt ngô trong cùng một bắp vậy. Viết lách thế này mà cũng mang danh “tác phẩm lớn” trong văn học Việt Nam thì kể cũng lạ.
Tuyệt nhiên không nghĩ tới mẹ già đang sống ra sao nơi tản cư, anh giáo Trần Văn cho đầu óc phiêu diêu tới miền tưởng tượng :
“ Trần Văn nhìn cái ụ bao cát …anh sẽ nấp ở đấy mà ném lựu đạn vào quân Pháp tiến vào…Khi xe tăng giặc đến thì mình phải nhảy ra mà ném chai ét xăng cơrếp rồi quăng lựu đạn. Dũng cảm hơn, phải lao vào xe, cầm một khúc gỗ đút vào xích xe cho nó bật ra khỏi bánh. Anh vốn chậm chạp , anh không hiểu con người phải nhanh đến như thế nào mới làm được ngần ấy việc trong nháy mắt…”
Suốt nửa cuốn toàn mô tả các nhân vật sục sôi cách mạng, ông nhà văn chợt thấy bức tranh của mình không khéo thuần mầu đỏ, ông vội đưa ra một nhân vật “phản diện” phá thế đơn điệu. Đó là Tân – bạn của Nhật Tân, anh chàng tự vệ đòi bắn thanh niên tản cư, anh chàng nói chuyện chính trị cả với vợ chưa cưới khi chia tay.
“ Nhật Tân với Tân là đôi bạn chí thiết từ nhỏ . Nhà giàu , Tân thường giúp đỡ Nhật Tân. . Sau ngày Nhật đảo chính Pháp , Nhật Tân vào Việt Minh, Tân không đồng ý nhưng vẫn giúp…”
Vào lúc gần nổ ra chiến tranh, Nhật Tân tới nhà Tân lôi kéo bạn vào tự vệ . Anh nói :
“ Có thể đêm nay nó đánh mình…”
“ Trời ơi, trời ơi, trời ơi ! Mày doạ một thằng trẻ con đấy à , Nhật Tân ?”
Rồi Tân vứt cái cốc xuống sàn vỡ tan , huỵch toẹt :
“ Tao đi với Việt Minh thì rồi cũng thế này thôi. Nghĩa là đánh xong Pháp thì đến lượt chúng tao họ làm cỏ, của cải họ đem chia . Đấy, rồi mày xem, có đúng không ?”
Thế là hai người bạn thân đứng về hai phe đối nghịch nhau, ngược nhau về quan niệm sống, về quan điểm chính trị. Hoá ra cái nhân vật “phản diện “ mà Nguyễn Huy Tưởng đưa ra, cũng chỉ là “con người chính trị” giống y nhân vật chính diện, chỉ khác dấu nhau mà thôi. Nói cách khác , dù là nhân vật cách mạng hay phản cách mạng, chúng đều được xây dựng từ những sơ đồ chính trị-xã hội theo nhãn quan cộng sản mà Đảng buộc mọi nhà văn trong xã hội đều phải tuân theo.
Để cho nhân vật phản diện có vẻ có “tính người”, Nguyễn Huy Tưởng đã cho Tân làm một việc độc đáo. Vào ngày hoà bình cuối cùng của Hà Nội, Tân ra đầu phố mời 4 người đi qua đường, cho dù không quen biết , vào nhà để dự một bữa tiệc cuối cùng.
Một trò chơi thật lãng mạn, thật độc đáo của người Hà Nội trước lúc cơn bão lửa nổ ra. Chỉ có điều 5 con người tập trung ở mâm rượu này, nếu do chủ nhà ra đầu phố chọn tuỳ hứng thì ông tác giả lại phải định hướng cho cuộc chọn lựa. Tất nhiên 5 con người đó không được gồm toàn “phản động” như Tân, hoặc những người cầu an sắp tản cư khỏi Hà Nội. Quả nhiên Nguyễn Huy Tường đã cho Tân chọn đúng ngay …anh giáo Trần Văn, một người đầu óc lúc nào cũng phiêu diêu trong giấc mơ làm liệt sĩ cách mạng. Rút cuộc lúc vào tiệc, Trần Văn đã giơ cao cốc :
“ Đúng rồi. Chúng ta nâng cốc vì Tổ Quốc, vì cụ Hồ. Vận mạng của dân tộc chúng ta quyết định trong những ngày sắp tới, có khi ngay trong đêm nay. Sống chết vì Tổ Quốc, sống chết vì cụ Hồ, linh hồn của dân tộc…”
Lẽ ra bữa tiệc 5 người này sẽ rất hay , sẽ đầy những tâm tình của người Hà Nội khi quê hương sắp chìm trong máu lửa. Tiếc thay, ông nhà văn đã “chính trị hoá” nó khiến nó trở nên giả tạo, sống sượng đến khó chịu…
(còn tiếp)
0 nhận xét