(tiếp theo)
Giữa lúc Hà Nội sắp chìm trong bom đạn, dân tình nháo nhác tản cư , đời sống rất khó khăn, thiếu thốn, ông Tân chủ nhà vẫn bày tiệc rôm rả :” nem chua, chim quay, vịt hầm, thang, thịt gà luộc , cơm trắng, tráng miệng cà phê…” và mời mọc hào phóng :
“ Tất cả những chai rượu đây là để thết các bạn. Nút đã mở sẵn. Các bạn cứ tự ý rót, hoàn toàn tự do. Uống bằng hết. Không uống hết thì ta đổ đi. Bởi vì ngày mai, và có thể ngay lúc này , không có gì là chắc cả. Các món ăn, cũng gầy còm thôi, tôi sẽ đem hết lên đây, các bạn muốn ăn gì trước, muốn ăn gì sau, tuỳ hết. Bữa tiệc cuối cùng không có gì là gò bó…”
Khách dự tiệc ngoài anh chỉ huy tự vệ Trần Văn ra còn có Vũ Minh , một học sinh phố nhà Thờ. Anh chàng này chẳng biết nói gì , chỉ thốt lên :
“ Quái dị…”
Người khách bất đắc dĩ thứ hai là nhạc sĩ Thu Phong “trong lúc buồn rầu nhớ tiệm và dàn nhạc , anh thuê xe lần xuống Bạch mai để hát cô đầu giải muộn và dối già …anh đang đói nên Tân mời là vào ngay…”
Người khách thứ ba là Ben-la, một chủ hiệu ảnh đi mua được mấy chục cuốn phim dự trữ để tính chuyện về quê làm ăn …”Vẻ mặt nhạt nhẽo , tầm thường không có cá tính. Anh đeo cái máy Kodak một bên , một bên là cái túi da đựng phim , sẵn sàng có gì là chạy…”
Tất cả bốn người đều tôn trọng đề nghị của ông chủ nhà kỳ dị, không ai tự giới thiệu với ai, không ai muốn phá cái không khí bí mật, gần như hoang đường ấy. Bởi thế Tân, chủ nhà phải khuyến khích mọi người nói :
“ Các bạn cứ hoàn toàn tự do. Ta nói chuyện đi , chuyện trời đất, chuyện trai gái , chuyện dâm dục, chuyện chính trị , tha hồ. Miễn là tiệc của năm người Hà Nội không chết …”
Người cao giọng, cà kê dê ngỗng dạy dỗ thiên hạ lại vẫn là anh cán bộ Trần Văn . Anh trách cứ thanh niên Hà Nội không có lý tưởng “thường chỉ đuổi theo cái ăn cái mặc, lao tâm khổ tứ vì cái ăn cái mặc , cả cuộc đời rút lại chỉ là cái ăn cái mặc. “. Anh trách “ cô tân thời ăn mặc sang trọng , ngồi trên xe tay nhà gọng đồng sáng loáng đi chợ Đồng Xuân “ sống làm gì ? Anh chê “ anh công tử một sơ mi hàng ngày chải đầu bóng mượt, thắng bộ quần áo bảnh bao đi diện phố , lậu vé xinê rồi buổi tối về , chờ cho mọi người đi ngủ , mới cởi áo đem giặt , phơi phóng rồi nằm ngủ cởi trần , kết thúc một ngày vô lý …” Anh cán bộ tự vệ phàn nàn :” Tôi đã từng trông thấy những người Hà Nội suốt đời chỉ có một mục đích là cái bát phở buổi sáng , họ đem hành tây, họ đem trứng đi, đến hàng phở quen, họ đánh dấu bát để đưa chan, họ hỏi hồ tiêu , họ đòi ít ớt , họ xin ít nước béo , họ vùi đầu vào bát phở một cách thô tục , xấu xí, rồi họ ra đi một cách tự mãn …Con người mà thế thì buồn lắm….Phải khác …”
Nhân danh người Hà Nội lại mạt sát văn hoá ẩm thực của Hà Nội, ông nhà văn tưởng rằng hạ thấp cách sống của người Hà Nội sẽ tôn vinh được “văn hoá cách mạng” vốn có cốt lõi là “diệt trừ sự hưởng thụ” , ngờ đâu, khi “cơn bão táp” cách mạng đi qua, cái còn lại với thời gian lại chính là những giá trị văn hoá. Nếu còn sống đến ngày nay, không hiểu ông nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có chịu đục bỏ những lời lẽ xúc phạm nghệ thuật ăn phở của người Hà Nội thô bạo đến thế.
Vậy ông nhà văn đòi hỏi người Hà Nội phải sống khác ra sao ? Ông nói :
“ Ngoài cái ăn cái mặc ra , còn phải suy nghĩ làm sao có thể giúp ích cho đời , phải có cái gì đó để lại , nó đánh dấu sự tồn tại của một con người , nó nâng con người lên trên cái ăn cái mặc . Đấy là lý tưởng , đấy là lý do sự có mặt của mình trên trái đất…”
Lời lẽ của anh cán bộ tự vệ lúc đã ngà ngà say thật đúng là văn…bia. Chỉ buồn một điều là cả cái thế hệ “tự vệ thủ đô” ngày ấy đã để lại được cái gì có ích cho đời ? Đưa cả dân tộc vào khói lửa 9 năm chinh chiến chống Pháp , 10 năm chống Mỹ, đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo và chính họ lao vào cuộc đấu đá giành giật “ cái ăn cái mặc ” dẫn tới quốc nạn tham nhũng ngày nay.
Có lẽ do ngán ngẩm bài “diễn văn” sặc mùi chính trị của ông cán bộ tự vệ, ông thợ ảnh rút lui trước, còn cậu học sinh phố nhà thờ Vũ Minh bỗng dưng cũng nổi máu “yêng hùng” đứng dậy hùng hồn :
“ Rất đồng ý, nâng cốc vì Tổ Quốc, vì cụ Hồ. Tôi cũng rất phục cụ Hồ , hai tháng trước đây , tôi đã làm hàng rào danh dự đón ông Cụ ở Pháp về. Nhưng xin nói thêm : nâng cốc vì thắng lợi nữa…”
Tuy thế, trong lời lẽ của anh học trò này còn có đôi chút ”lãng mạn”:
“ Nếu có đánh nhau thì những người đã dự bữa tiệc này không ai chết…và ông chủ sẽ có thể một ngày nào đó lại cho chúng ta ăn một bữa cơm no say như thế này…:”
Ông nhạc sĩ đã qua cơn đói, cũng bắt chước ông cán bộ tự vệ, đứng dậy hùng hồn :
“ Tôi nói thật bởi vì trong cái đời giang hồ của tôi , hết bar này tới bar khác , Pháp đánh cũng có, Nhật chửi cũng có , Tàu bợp tai cũng có , trong nam ngoài bắc , cả cái đất của Thống chế họ Tưởng nữa , ở đâu cũng thế thôi , chưa bao giờ tôi được sống cái phút say sưa như thế này …”
Bữa tiệc gặp gỡ ngẫu hứng của 5 văn nghệ sĩ trí thức Hà Nội là như thế, họ toàn nói những câu nặng mùi chính trị, bày tỏ lòng căm thù giặc Pháp, lòng tôn kính cụ Hồ, bài bác tính cách hưởng thụ của người Hà Nội . Khi tưởng tượng ra bữa tiệc đầy ý nghĩa này, ông nhà văn thiếu hẳn cái tình cảm xót xa của người Hà Nội khi Thăng Long sắp trở thành chiến địa, thiếu hẳn những phản ứng tâm lý, những hành vi rất riêng , đầy tính lãng mạn của người Hà Nội – nhất là văn nghệ sĩ trí thức – trong giờ phút hiểm nghèo này, thiếu hẳn những dự cảm tương lai của Hà Nội khi bước vào cuộc chiến đẫm máu. Nếu là một tài năng văn học thực sự, nhất định người đọc sẽ được thưởng thức một “bữa tiệc cuối cùng” của 5 người Hà Nội lãng mạn hơn , “con người” hơn là những đối thoại dài dòng, chính trị một chiều này.
Không khí chuẩn bị chiến đấu mỗi lúc khẩn trương khắp thành phố và lạ thay càng tới gần giờ G đó, người Hà Nội càng có vẻ …hăng hái giác ngộ cách mạng , thấm nhuần tư tưởng “quốc tế vô sản” mác xít- lêninnít. Anh học sinh đặc sệt tiểu tư sản tên Loan, đang ở trong tiểu đội tự vệ làm chân vẽ bản đồ khi nhìn thấy người mẹ Tàu cho quà con nít Việt Nam đang theo mẹ tản cư cũng làm ngay một thuyết lý chính trị với cô Quyên – nữ sinh tham gia cách mạng :
“ …Chị có thấy không, người mẹ tàu chẳng khác gì mẹ Việt nam . Các bà mẹ đều là hiện thân của sự hy sinh lặng lẽ…”
Vậy là đã có sự phân biệt giữa bọn Tàu ô mang cờ thiên thanh bạch nhật sang cướp bóc nước ta với người Trung Quốc chân chính như “người mẹ tàu “ cho quà con nít Việt Nam kia. Cô Quyên vốn được chị Oanh, cán bộ phụ nữ giao nhiệm vụ làm thư ký cho ông bác sĩ Pháp mới về để “ khám phá ra một tổ chức phá hoại”. Ai ngờ, vừa gặp , ông bác sĩ – tên Pha, đã xổ ra một tràng ‘lập trường cách mạng” làm cô Quyên cứ tròn xoe cả mắt :
“ Tôi đã sống những ngày kháng chiến Pháp ở Paris. Không có những việc đục tường , đào hố như ta. Thanh niên Pháp cũng không có những lời thề đanh thép :” Sống chết với Thủ đô” như thanh niên ta. Làm gì họ có người mẹ sắm súng cho con ở lại , chồng cho vợ về quê để vào tự vệ , em bé nằn nì xin vào bộ đội . cả một dân tộc đứng lên. Quây chung quanh một chính phủ, thà hy sinh tất cả chứ không chịu trở về đời nô lệ., mais c’est inoui, c’est magnifique …”
Một ông bác sĩ Việt kiều vừa Pháp trở về mà ăn nói không thua gì một ông cán bộ Việt Minh trong nước. Điều này càng chứng tỏ Nguyễn Huy Tưởng tuy đưa ra nhiều loại nhân vật trong tiểu thuyết mà rốt cuộc người ta chỉ thấy có một mà thôi : người công dân yêu nước, yêu cụ Hồ , giác ngộ cách mạng và nói năng như…cán bộ.
(còn tiếp)
0 nhận xét