Open top menu
Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014





                                           (tiếp theo)

           Phạm Thắng Vũ  sinh năm 1957 tại Ban Mê Thuột trong một gia đình gốc Sơn Tây-Hà Nội. Đã đi dạy học (cấp 2), công nhân viên nhà máy hóa phẩm trước khi vượt biên và sống tạm dung gần 7 năm  ở trại tị nạn Galang-Indonesia. Hiện cư trú tại tiểu bang Michigan-Hoa Kỳ.

                      



Ngồi trong chốc lát cảm thấy bớt mệt, tôi đứng lên ngó chung quanh và thấy thấp thoáng xa xa có ánh đèn dầu. Nhìn chăm chú, ánh đèn dầu thật nhưng không biết nơi đó là gì? Nhà dân lành hay cán bộ CS? Đành nhắm hướng theo nó mà đi. Có đến gần mới biết. Ánh đèn lấp lánh trong đêm tối, tưởng gần nhưng thực sự rất xa. Tôi phải lần mò bước từng bước chân, tay vạch cây lá mà đi. Có lúc phải lội qua các vũng nước bất chấp gai cào và có khi bước hụt chân, lọt xuống các hố cạn. Tôi sợ ánh đèn dầu đó tắt mất và cả tiếng đồng hồ sau mới đến được. Nó chiếu ra từ căn nhà tranh nhỏ. Vừa đến trước cửa nhà, một con chó nhẩy xổ ra sủa inh ỏi làm tôi đứng yên không dám động đậy . Nghe tiếng chó, bóng một người từ trong nhà lách cửa bước ra nhìn. Thấy tôi đứng lù lù trong đêm tối, người đó hét lên một tiếng khá to rồi quay ngay vào bên trong. Tiếng hét của một phụ nữ. Chần chừ ít phút, tôi nói một hơi: " Chị à! tôi là người chứ không phải là ma quỷ, đừng sợ. Tôi lạc đường từ chiếu tới giờ cần chị giúp đỡ ". Tôi lập lại vài lần như vậy, người phụ nữ mở hẳn cửa bước ra nhìn chăm chăm rồi nói hãy đứng yên chờ để chị ta đi gọi chồng về.

Cầm cây đèn dầu bóng trứng vịt, người phụ nữ biến mất trong bóng đêm cùng với con chó để mình tôi ngồi trước căn nhà nhỏ. Chờ khá lâu có tiếng chó sủa và bóng hai người trong ánh đèn bước đến bên tôi. Người chồng cầm cây đèn đến gần, nhìn rõ mặt tôi rồi hỏi đi đâu mà có mặt ở đây trong đêm tối? Ông ta chưa biết sự việc của chiếc ghe vượt biên? Thầm nghĩ thật nhanh, tôi nghĩ phải nói thật cho họ biết sự việc. Tôi liền kể tóm tắt câu chuyện. Nghe câu chuyện, hai vợ chồng chủ nhà nhìn nhau trong chốc lát và người chồng lắc đầu bảo tôi phải đi ra xa khỏi căn nhà họ. Đi đâu thì đi, họ không muốn liên lụy với người vượt biên rồi cả hai vợ chồng bước vào nhà và kéo ngay tấm phên che cửa. Tôi thất vọng nhìn căn nhà nhỏ bé trong bóng tối lờ mờ. Gặp người trong vùng nhưng không chịu giúp. Căn nhà lợp lá dừa nước như hầu hết nhà trong vùng sông nước miền Nam với một lu nước bên cạnh và cửa ra vào là miếng phên lớn khép hờ. Họ, một cặp vợ chồng trẻ ở riêng, tôi chắc vậy. Họ ở đây vậy có nhà người khác nữa không? Rồi vì quá mệt, tôi cứ ngồi lỳ tại chỗ và sự thực tôi chẳng biết đi đâu? Con chó vẫn đi quanh quẩn bên tôi. Có lúc nó sủa hoặc gầm gừ nho nhỏ. Tôi nằm lăn trên đất rồi ngủ. Ngủ ngon lành cho đến khi có người lay vào vai làm tôi thức dậy. Một ông già tay cầm cây đèn dầu ngồi trước mặt, nở nụ cười móm xọm với tôi. Hai vợ chồng đứng sau lưng ông già. 

- Tôi mời cậu vào nhà. Ông già nói.

Theo chân ba người đi vào bên trong căn nhà, người vợ cho biết thấy tôi cứ ngồi lỳ rồi nằm ngủ tại chỗ nên cả hai đã đi gọi cha họ đến. Ông già nói tôi hãy đi nơi khác đi, nhà họ không thể giúp đỡ hay chứa chấp tôi được. Công an và du kích sẽ đi lùng sục ngay sáng mai để lùng bắt người trốn chạy trong chiếc ghe vượt biên mắc cạn.

- Anh làm ơn đi nơi khác đi để cho tụi tui yên ổn làm ăn. Giúp anh rủi công an biết, chắc chắn gia đình sẽ bị liên lụy và có khi phải ở tù nữa. Nhà tui nghèo lắm, phải tìm đến phá đất lập nghiệp vùng sát biển như vầy anh biết rồi. Người chồng nói.

- Muốn giúp cậu cũng không biết phải giúp như thế nào? Công an có tai mắt khắp nơi... Sớm muộn gì chúng cũng biết. Giúp cậu, nhà cửa tụi tui sẽ tan nát hết. Cậu thương thì đi nơi khác... Coi như gia đình tui và cậu chưa biết nhau, mong cậu thông cảm. Giọng ông lão khẩn khoản.

Tôi im lặng nhìn chung quanh căn phòng. Chúng tôi ngồi ở một cái bàn gỗ nhỏ. Một tủ thờ cũ nằm sát bức vách ngay trước cái bàn. Trang thờ nhỏ nằm trên cao sát với mái lá có hình Phật Bà Quan Âm với bát hương với vài chân nhang đỏ. Hai ba hình mầu ca sĩ cắt từ các tấm lịch cũ dán trên bức vách. Sát bên vách nhà, một cái cái giường tre nhỏ với các vật dụng như cuốc, thuổng, đồ bắt cá... nằm lăn lóc dưới gầm. Một gia đình người miền Nam hiền lương thờ Phật. Không có dấu vết CS như các tấm bảng đỏ ghi công ta thường thấy trong nhà cán bộ. Nhìn ông lão và hai vợ chồng chủ nhà, tôi nài xin hãy tìm cách nào đó giúp đỡ, đừng xua đuổi tôi.

- Nếu bác và anh chị làm phước giúp tôi, Phật Bà Quan Âm sẽ phù hộ cho gia đình. Tôi vượt biên vì thuộc gia đình chế độ cũ VNCH. Sống không nổi trong chế độ mới, tôi vượt biên rồi chuyến đi không thành phải quay về. Tôi không muốn bị công an bắt chứ đâu phải thành phần bất hảo trộm cướp gì. Bác ơi! xin hãy giúp, không bao giờ gia đình con quên ơn việc bác và anh chị làm hôm nay. Tôi năn nỉ.

Cả ba người lắc đầu, nhất định không giúp còn tôi cứ ngồi lỳ một chỗ. Thấy không xong, họ kéo nhau ra ngoài sân, bỏ tôi ngồi một mình. Một lúc sau, cả ba quay vào và dặn tôi phải làm theo những gì họ sắp đặt. Nếu tôi trái lời để xẩy ra chuyện, tất cả đều chết với công an. Họ lăn một lu sành khá lớn từ bên ngoài và chuyển nó vào trong căn buồng của đôi vợ chồng trẻ. Họ ém tôi ngồi trong cái lu dưới lớp lưới, quần áo và các vật dụng lặt vặt trong nhà suốt cả ngày hôm sau và bốn ngày kế tiếp. Chỉ đêm khuya tôi mới được ra ngoài để ăn uống, rửa ráy qua loa, đi tiêu tiểu và thư giãn tay chân trong chốc lát. Sau đó phải vào ngồi lại trong lu sành. Trong lu sành ban ngày, tôi đã thót người khi nghe các mẩu đối đáp của dân trong vùng, du kích hoặc công an... ghé vào nhà nói chuyện với nhau về chiếc ghe vượt biên. Công an, bộ đội biên phòng và du kích đã bắt được toàn bộ người trên ghe kể cả các tài công-thợ máy. Tôi hồi tưởng lại các chuyện cũ đời mình. Đã nhiều lần vượt biên mà chưa lần nào tôi thoát ra khỏi nước. Đêm ngày 29 rạng 30 tháng 4 năm 1975 trong thủ đô Sài Gòn, mắt tôi đã tuyệt vọng nhìn máy bay trực thăng UH chở người từ các cao ốc bay di tản ra hướng biển. Người ngồi trên các trực thăng đó thật có phước. Còn tôi! Tôi làm sao để vào được các cao ốc như họ? Ra bến tàu nhưng cũng không vào được. Hàng rào kẽm gai cao vút và những họng súng của lính gác chỉa thẳng ra ngoài đã cản chân tôi cùng rất đông người đang có mặt tại đó. Khi trời quá trưa, tôi quay về nhà lúc bộ đội Việt Cộng làm chủ thành phố. Cuối năm đó, gia đình tôi đi vùng kinh tế mới ở Trị An-Đồng Nai. Chặt cây, phá rừng, cuốc đất dọn rẫy đến chai cả tay rồi những cơn sốt rét vật tôi quằn quại trên giường. Cái lạnh của cơn sốt dù trùm cả đống mền dầy lên người mà hai hàm răng vẫn đánh vào nhau lập cập. Cái lạnh thoát ra từ tận trong xương trong tủy tôi. Bỏ rừng về lại thành phố cũng chẳng yên. Những ngày phải sống trốn tránh vì đã cố tình vắng mặt trong buổi tuyển quân nghĩa vụ quân sự tại văn phòng phường đội. Không muốn chết oan ức hay bị tàn phế vô nghĩa tại chiến trường Kampuchia, tôi đã vượt biên. Những lúc hồi hộp nằm ém mình trong nhà dân để chờ ghe ta xi đón ra cá lớn để rồi phải quay về chờ chuyến khác. Giờ đây, thu mình trong lu sành, lúc nào tôi cũng sợ khi có tiếng chân người lại gần.

Ém trong lu sành, tôi biết đã quá may mắn khi vô tình chạy đến nhà cặp vợ chồng trẻ (tên anh chị Tư). Qua các câu chuyện họ đối đáp, đùa giỡn... lộ rõ là dân quê miền Nam hiền lương chất phác. Có đêm, tôi còn nghe tiếng ông lão niệm kinh Phật nữa. Hai cha con đã lấy quần áo cho tôi thay, múc nước mang khăn cho tôi rửa ráy người qua quýt hoặc ép tôi ăn thêm cơm nóng hổi. Mặt ba người đầy vẻ lo lắng cho tôi tưởng như đang săn sóc người thân thiết ruột thịt của họ. Bác Ba, tên ông lão, kể cho tôi biết những năm trước đây ông sống ở Bạc Liêu, làm việc trong một nhà máy xay lúa Hoa kiều. Khi chủ nhân ghi danh xuất cảnh ra nước ngoài, nhà máy bị chính quyền địa phương tịch thu được một thời gian phải đóng cửa vì cán bộ Việt Cộng điều hành kém cỏi. Không có việc làm, ông theo bạn bè vào đây khai đất làm các vuông nuôi tôm.

- Tui năm nay sáu mươi hai tuổi rồi cậu. Lập gia đình trễ, chỉ có ba đứa con. Đứa lớn là chị gái thằng Tư hiện đang sống với chồng con ngoài chợ cầu Cà Mau. Vợ tui sống chung với chúng. Bả buôn bán lặt vặt ở chợ kiếm thêm ít đồng. Cha con tui cũng thay nhau chạy ghe chở khách kiếm tiền ở ngoải... khi nào có việc thì vào đây như canh thay con nước. Thỉnh thoảng, tui đón vợ tôi vào sống ít ngày với vợ chồng thằng Tư cho vui. Đứa kế cũng gái... vắn số đã chết lúc còn nhỏ. Coi như chỉ còn có hai đứa. Thằng Tư, cậu gọi bằng Út cũng được, mới lo vợ cho nó hơn năm nay hà. Tối hôm cậu đến nhà, lúc đó tui và nó đang đi canh nước cho vào các vuông tôm. Cha con tui tự phá đất làm lấy nên vuông không được rộng mà cũng khá xa nhà. Đất chung quanh đây, cậu thấy... tuy còn bỏ hoang chứ có chủ hết rồi. Bác Ba bộc bạch. Hỏi ông lão, tôi mới biết ghe đã chạy vào vùng Cái Đôi của tỉnh Cà Mau.

Bác Ba và hai vợ chồng anh Tư cũng thắc mắc hỏi tôi tại sao ghe vượt biên lại bị mắc cạn tuốt trong vùng Cái Đôi vì từ đây ra tới cửa vàm ngoài biển cách cả cây số ngàn. Nếu ra được ngoài vàm thì ghe tiếp với biển lớn. Cứ vậy mà chạy, du kích hay công an biên phòng sao mà bắt được. Tôi kể cho ba người biết về nguyên do ghe bị mắc cạn, bác Ba cho biết: " Thảo nào tụi thằng Sáu thằng Mai du kích nói ghe vượt biên bị bộ đội biên phòng đuổi bắt đâu tuốt ngoài biển vào tới đây mắc kẹt. Cậu kể ra tui mới biết, mấy thằng tài công sao mà ngu quá mạng vậy. Đi đã khó... quay trở về còn khó gấp bội. Sao tụi nó lại làm vậy để hại thân còn gây khổ thêm bao nhiêu người nữa? ". Bác Ba cho tôi biết vùng Cái Đôi có khá nhiều gia đình cách mạng chế độ CS đến lập nghiệp. Phá đất làm vuông nuôi tôm, cất nhà ở cũng không xa trong vùng. Nghe chuyện, tôi biết quá sức may mắn vì gặp được nhà họ. Rủi gõ cửa đúng nhà dân chế độ mới, chắc chắn tôi đã nằm trong trại giam cộng sản.

                                  (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét