Open top menu
Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014



                     (tiếp theo)

Tờ báo của Điều hình như cũng chỉ ra được có vài số rồi chết. Mớ báo cũ, Điều mang đi bán kí lô. Tổng số lời lên tới 600 đồng, một món tiền to, tha hồ vung vít. Ông chủ nhiệm kể rằng đã mua được cây bút máy Pilot để xài khi vào bậc trung học, một cái máy chiếu hình (loại con nít) để chiếu chơi và mời bạn bè đi coi chớp bóng rạp thường trực, tới mấy phim mới hết tiền lận !

***

Một căn bệnh chung nữa của "Thưở mơ làm văn sĩ" là ưa thành lập bút nhóm. Bút nhóm đầu tiên mà tôi gia nhập có tên là Nhóm Nắng Sớm. Gọi là gia nhập thì cũng không đúng hẳn bởi tất cả các thành viên trong nhóm đều là sáng lập viên ngay từ phút đầu. Và sau khi Nhóm đã thành lập rồi thì không còn có ai xin gia nhập nữa.

Tổng số thành viên của Nắng Sớm chỉ vỏn vẹn có ba người. Hơi ít đấy, nhưng bề ngoài thì trông rất đồ sộ. Bởi theo luật của Nhóm thì mỗi thành viên phải mang ít nhất là ba bút hiệu, hai bút hiệu con trai và một bút hiệu con gái (cho nó ra vẻ có nam, có nữ cùng tham gia đông đảo !). Trưởng nhóm của tôi là Trần văn Tắc. Tắc lấy hai bút hiệu con trai là Song Vũ và Đơn Phong (ý hẳn Đơn thì đối với Song, còn Phong thì đối với Vũ). Còn bút hiệu con gái  thì Tắc ký là Cát Loan. Loan là tên người yêu trong mộng  tưởng của Tắc, còn Cát là chữ Tắc viết ngược lại đó thôi. Về bút hiệu này, Tắc cũng ký dưới vài bài thơ được in trên báo. Hẳn nhiên được đăng bài nào, Tắc cũng gửi theo lối nặc danh cho cô Loan bài đó. Bọn tôi vẫn hay nói đùa:

- Như thế thì cô Loan của cậu sẽ cứ chỉ đi tìm nhà thơ nào có tên là Cát chứ còn khuya mới biết nhà thi sĩ lại có tên cúng cơm là Tắc.

Hầu như Tắc không tin là người trong mộng của mình lại cù lần đến thế. Hẳn nhiên lối tỏ tình của thi sĩ thì phải kín đáo hơn người, chứ ai lại đi nói huỵch toẹt Tắc-Loan thì còn ….văn nghệ nỗi gì ! Vả lại Tắc thành Cát, Cát thành Tắc chỉ là lối đọc ngược đọc xuôi có gì khó đâu. Đến như ông nhà văn nổi tiếng viết truyện đường rừng Đái Đức Tuấn còn lấy bút hiệu là TchyA, viết tắt khó khăn như thế mà cũng bị đoán ra là "Tôi chỉ yêu Angèle" đó thôi. Rồi ông họa sĩ ngym vẽ rất tuyệt trên bìa Phổ Thông Bán Nguyệt San hay trên các báo Truyền Bá, Nhi đồng họa bản …mà tụi tôi rất mê, nên cũng đã bàn tán om sòm về cái bút danh ngymnày. Có anh nói :

- ngym là người yêu Michèle chứ gì !
         
                   Anh khác cãi :
       
- Sao cậu biết em-mờlà Michèle. Ngộ nhỡ là Mai, là Mơ, là Mỵ …thì sao.

Một anh lại lên giọng thành thạo :

-                          - Các cậu chẳng biết đếch gì hết. Tớ nghe mấy ông chú nói rõ ràng rồi. Em-mờấy là Mợ. ngym là mấy chữ tắt của “người yêu mợ” !

   Cả bọn nhao lên :

  - Mợ ? Mợ nào ?

  Anh kia tủm tỉm cười :

  - Còn mợ nào. Mợ là tiếng gọi vợ âu yếm ngày xưa hay dùng. Mở sách Tự Lực Văn Đoàn ra coi, có thiếu gì trang tả cảnh vợ chồng gọi nhau là “cậu-mợ”. Sau này tân tiến hơn mới đổi thành chữ “mình” duy nhất, nghe nó âu yếm và thân thiết biết bao.

Cái anh phát biểu câu này thế mà chí lý.  Sau này ở Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Vỹ mở riêng một mục “Mình ơi” trên báo Phổ Thông của ông. Nội dung mục này là cốt giải đáp mọi thắc mắc trên đời. Những thắc mắc này được nêu ra bởi một nhân vật đóng vai bà vợ. Mỗi khi có thắc mắc thì bà kêu chồng :  “Mình ơi ! ...” để cho ông chồng thông thái trả lời.

Tuy nhiên niềm tin của Tắc là người yêu của mình sẽ đọc “Cát Loan” thành “Tắc Loan”, có lẽ không được cô Loan nào đó chia sẻ. Nên hai năm sau đó, Loan lên xe hoa về nhà chồng. Hỷ tín, chúc mừng có đăng trên báo, nhưng tên của chú Rể ….hỡi ơi, không phải là Trần văn Tắc !

Thành viên thứ hai của nhóm Nắng Sớm là một "nhà", gọi là "nhà" gì cũng được vì anh ta làm thơ, viết truyện kiêm luôn cả phê bình, biên khảo. Anh ta lấy một bút hiệu con trai và có tới 2 bút hiệu con gái lận.  Lý do là anh đã thầm yêu trộm nhớ cùng một lúc tới..2 cô ! Cả hai người con gái đó đều mới chỉ là người trong mộng. Giả sử nếu được một trong hai người (cô nào cũng được) ngỏ lời yêu trước, thì anh ta làm như sẽ có thể chết vì cô đó được. Duy chỉ có điều là anh rất nhát, gặp mặt người yêu thì quay đi, quay đi rồi về đến nhà lại tiếc, nhưng qua lần sau gặp lại thì mặt lại đỏ phừng, tim đập loạn xạ, chân tay lóng ngóng để rồi …quay đi nữa. Ôi chà, mối tình lẩm cẩm của anh thế mà cũng kéo dài được bốn, năm năm, gợi cho anh biết bao nhiêu cảm hứng sáng tác, giúp anh làm được bao nhiêu là thơ, mà hai bài thơ xuất sắc nhất, lâm ly não nùng nhất là hai bài mà anh làm vào mỗi dịp hai người yêu của anh đi lấy chồng.

 Bút nhóm của tôi lấy trụ sở tại căn gác xép số 44 phố hàng Bông Đệm (hồi đó cái biển ở đầu phố còn ghi tiếng Pháp là Rue du Coton). Căn gác chật chội, cái buồng để cho chúng tôi còn chật chội hơn nữa. Gọi là "buồng" nhưng nó chỉ là một khoảnh chìa ra ở mé ngoài, tiếp ráp với phía sân sau của căn gác xép. Nó chỉ vừa đủ kê một nửa cái ghế ngựa (tức là giường ngủ có 2 mảnh ráp lại, kê trên 2 cái kệ gọi là 2 chân mễ, vì đây chỉ có một mảnh nên chỉ là một nửa) và một cái bàn nước. Trong buồng không có chỗ kê ghế nên chúng tôi ngồi cả lên giường. Được cái nhân số của nhóm chỉ có 3 người nên hội họp có vẻ ấm cúng. Tuy nhiên khi họp chỉ được ngồi mà không thể đứng lên, bởi nếu đứng lên thì đầu sẽ đụng vào mái ngói thấp tè, dám vừa bể đầu vừa vỡ ngói vì cái mái này nghe đâu cũng đã được lợp từ trên năm chục năm.

Chương trình nghị sự của buổi họp gồm có :

1) Thứ nhất là : báo cáo thành quả công tác văn nghệ của mỗi thành viên. Nghĩa là anh nào có bài gửi bài đăng báo mà lại được tòa soạn lựa đăng thì đem ra trình diện cho cả nhóm được biết. Theo luật lệ của chúng tôi đề ra thì hễ trong 2 tuần liền, anh nào không có bài được đăng báo thì sẽ bị cảnh cáo, ba tuần liền thì sẽ nộp phạt cho quỹ nhóm 10 đồng, còn đến 4 tuần liền thì ôi thôi… cái thứ không có khả năng văn nghệ như vậy, hoặc có khả năng mà sinh lười biếng, sẽ bị nhóm khai trừ không thương tiếc !!

Tuy nhiên luật Nhóm cũng đã dễ dãi ở chỗ có điều khoản "du di" ! Nghĩa là nếu tuần này tôi có những 2 bài thơ được đăng báo thì tôi có thể "để dành", chỉ khai báo một bài, còn bài kia cất giữ phòng hờ những tuần sau chẳng có báo nào in bài của mình. Mà chuyện này thì rất dễ xẩy ra, vì trang báo dành cho mục văn nghệ thì có giới hạn mà bút nhóm thì mọc lên như rươi. Cái nạn "nhân mãn" vẫn là sự đe dọa thường trực đối với những cây bút mới bước vào làng văn như chúng tôi. Về sau, có kinh nghiệm chuyện sợ phải đóng phạt  hơn, khi gửi bài cho các báo, chúng tôi gửi kèm cả những mẩu danh ngôn hay những chuyện vui cười. Ấy vậy mà Chuyện vui cười lại được chọn đăng  ngay "tút suỵt" (Tout de suite=ngay lập tức !) và chúng tôi có lưng vốn để dành đem ra trình diện Nhóm. Quỹ của Nhóm vì thế chẳng thêm được đồng bạc cắc nào về vụ phạt vạ cả.

2) Tiết mục thứ hai: là trình diện tác phẩm mới sáng tác (vẫn còn nằm trong bản thảo, chưa gửi đi in). Đây là một biện pháp mà Nhóm muốn thúc đẩy các thành viên tích cực làm việc. Tối thiểu mỗi tuần, nhóm viên phải trình diện hai bài viết mới, hoặc thơ, hoặc truyện, hoặc phê bình….nhưng cấm đưa Vui cười hay Danh ngôn ra thay thế vì đó không phải là sáng tác. Nhóm dễ dãi cho việc đăng báo thì được chứ không thể nhân nhượng cho việc sáng tác. Đã vô Nhóm thì phải viết, dù là viết dở không được các báo chọn đăng.

Về điều khoản luật lệ này chẳng có ai vi phạm cả vì bọn chúng tôi, anh nào cũng sáng tác rất hăng. Có tuần Tắc trình diện  6 bài thơ, 2 bài phê bình, 1 cái truyện ngắn và 1 bài bình luận. Ối chà, bản thảo của cu cậu dầy cả xấp, ít ra là cu cậu cũng đã phải xé văng hai cuốn tập, hèn chi mà tập vở ở trường, cuốn nào của Tắc cũng xẹp lép mặc dù ở ngoài bìa có in rõ là vở 100 trang, 200 trang.

                                                 (còn tiếp)

0 nhận xét