(tiếp theo)
Tuy nhiên gã vẫn "sĩ" nói sáng nay quên ăn vì phải tới nhà ông “đầu nậu sách” cho kịp hẹn. Nghe nhắc tới tên đó, nhà thơ sầm mặt, giận dữ:
“Thằng đó là đồ con buôn, biết mẹ gì văn chương nghệ thuật. Ông biết không, trong khi nó nuôi bốn con bẹcgiê toàn bằng bittết thì nó không bỏ ra một cắc in thơ tôi. Nó cần cóc gì sáng tác chân chính, nó chỉ cần tiền . Nó bỏ ra cho ông một triệu thuê dịch truyện nhảm nhí nó phải thu về ít nhất sáu triệu. Kỳ này nhất định tôi phải lôi nó ra công luận tội kinh doanh văn hoá độc hại.”
Gã biết đã lỡ lời nói ra câu chuyện làm ăn của thằng “đầu nậu” để nhà thơ đùng đùng nổi giận buông ra những lời lẽ chẳng thi ca tí nào.
“ Cả ông nữa, nhà thơ lại gào lên, thật đáng tiếc ông là người có tài lại cam chịu làm thuê cho nó. Dùng chữ nghĩa kiếm tiền là chết rồi, suy đồi, tha hoá, trượt dốc rồi. Thảo nào bao lâu nay người ta chẳng thấy ông làm thêm được câu thơ nào , tôi quý tài ông, tôi mới nói thẳng…”
Cuối cùng nhà thơ cũng buông tha cho gã ôm chồng bản thảo lủi thủi ra khỏi quán sau khi đã thuyết một hồi về sứ mạng thiêng liêng của người cầm bút, về sự xung khắc giữa văn tài và tiền bạc,về sự cần thiết phải chống xu hướng thương mại hoá nghệ thuật đang dồn thi ca chân chính vào chân tường….
Quả thực đúng như nhà thơ nói, nhà thằng “đầu nậu” có tới bốn con bẹcgiê khổng lồ, một con nằm ngang cửa sắt, một con chân cầu thang, một con chầu cửa phòng, con còn lại quanh quẩn bên chân hắn như tên vệ sĩ trung thành. Hắn phủ đầu gã một trận hùng hồn về “chữ tín” trong làm ăn, làm gã tối tăm mặt mũi không kém gì lúc nghe nhà thơ dẳn mặt.
“ Ông chậm hợp đồng đúng hai mươi mốt ngày rồi ông nhớ chưa? Ông có biết ông gây thiệt hại bao nhiêu tiền không? Mười triệu tiền giấy đọng ở nhà in chờ ông dịch xong, lãi xuất tính rẻ mười lăm phần trăm, cứ chậm in một tháng mất đứt triệu rưỡi.”
Chừng ra oai đủ rồi, thằng “đầu nậu” tụt trên giường xuống, khệ nệ vác bụng đi tới mở tủ lạnh. Cho dù những lời đồn đại về hắn đã bay tới tai gã khá nhiều, gã không ngờ thằng gã trọc phú, béo múp đầu này đã từng cầm viên phấn đứng trên bục giảng, đã từng là chồng một cô giáo hiền dịu và cha của một đứa trẻ. Hắn đã vứt tuốt cả những phụ tùng chỉ gây phiền hà cho công cuộc làm ăn, đã tậu ngôi nhà kiên cố này, tụt sâu mãi trong hẻm, suốt ngày ngồi thu lu đếm tiền bên chiếc két sắt kê sát đầu giường, mà chắc ngoài hắn ra không ai biết trong đó có bao nhiêu. Hắn bật nắp lon bia hộp, tu ừng ực, nhón một cục giò trong đĩa hất hàm.
“Ông dùng thoải mái đi, chừng nào sách ra tôi sẽ đãi ông chầu nhà hàng ngất ngư ".
Gã nhìn con bẹc giê lưỡi thè dài, hỏi một câu chẳng ăn nhập gì tới nó:
“ Ông ở …. độc thân vậy chịu được ư? “
Thằng “đầu nậu” vỗ bụng cười lớn :
“ Độc thân nhưng đổi món thường xuyên . Ngày nào tôi cũng phải thuê một em thật thơm đến dọn dẹp, đấm đám bóp, lên giường, lâu lâu đổi em khác, vậy đã sướng bằng vua chưa. “
Hắn liếc đồng hồ treo tường:
“ Ông có khoái cái món đó không? Chốc nữa có một em tôi nhường ông dùng trước, được chưa?”
Gã lắc đầu quầy quậy, bụng chỉ lo hắn dùng món đó thay tiền tạm ứng mà từ lúc đến, gã loay hoay nghĩ mãi không biết nói ra thế nào, nhân đó, gã đánh liều.
“Thôi thôi, tôi đang lo chạy gạo, chẳng bụng dạ đâu nghĩ chuyện đó. Ông cho … cho tôi tạm ứng đợt nữa, đủ sống để dịch nốt… “
Gã hổn hển, cố mãi mới nói hết câu, run bắn trong nổi hổ thẹn khiến gã chỉ muốn quăng vào bộ mặt đầy thịt kia tất cả bản thảo, hợp đồng, bia …. Sa đoạ quá, mình sa đọa quá, Trầm Hoài Tử nói đúng, mình trượt dốc rồi, lẽ ra phải biết chết như nàng Emily khi nhan sắc đã hết, còn mình cứ bám khư khư lấy cuộc sống khi nhân phẩm đã thấp hơn cả con bẹcgiê kia, nó sướng hơn mình, nó chẳng cần van xin gì , “ông chủ” nhét giò vào mồm mà vẫn dửng dưng không thèm nhai.
Thằng “đầu nậu” chợt kêu lên:
“ Kìa, ông sao thế, sao phải khóc, lại lên cơn bệnh “sĩ” rồi phải không? “
Hắn cười ha hả :
“ Ông xóa đi cái mặc cảm “phạm tội” ấy đi cho tôi nhờ, chúng ta nghèo nàn rị mọ cũng chỉ vì cái trò vớ vẫn đó, tôi hỏi ông, tôi có tội gì khi kinh doanh những mặt hàng văn hoá phục vụ nghỉ ngơi, giải trí cho con người, tôi tuân theo pháp luật, nộp đầy đủ các khoản thu cho nhà nước, sách cũng do nhà nước duyệt. Cả ông nữa, ông bán chất xám cho nhà nước vừa rẻ rúng, vừa ngang xương bị huỷ hợp đồng mà chẳng được một xu bồi thường nào, ông bán cho tôi vừa sòng phẳng, vừa công bằng, ông có tội gì nào? Không lẽ làm lợi cho xã hội, tôi với ông lại xấu hơn những thằng ăn hại đái nát, đục khoét tài sản nhà nước mà vẫn nhơn nhơn lớn tiếng mạt sát người khác sao? “
Hắn đi tới mở két, lấy ra chiếc phong bì dày cộp ấn vào túi gã, miệng vẫn vỗ về như đứa gã là một đứa trẻ con. Lúc gã đứng dậy ra về, hắn cười toét:
“ Không ở lại “văn nghệ” chút hả? Tới giờ em đến rồi đó. “
Gã lắc đầu, nín thở rón rén bước qua cả bốn con chó lưỡi thè dài, nghiêng mắt ngó gã . Tên “đầu nậu” hứng chí:
“ Ông đi ra tay không thì OK. Xin mời cứ tự nhiên nhưng nếu ông dắt cái xe CUB tôi để gầm cầu thang kia thử coi. Cả bốn con chó ngao này sẽ nhảy lên cắn cổ ông liền. Ngày nào cũng cả ký thịt bò nên mới khôn thế đấy ông ạ.”
Khi tiếng cửa sắt rít lên trong tay thằng”đầu nậu”, gã đã ba chân bốn cẳng ra tới đầu hẻm, một dáng người quen quen đạp chiếc xe mini đi tới làm gã giật thót nép mình sau gốc cây. Gã đã nhận ra rồi, người con gái đang đi tới chiếc cửa sắt thằng đầu nậu vừa kéo sập lại kia chính là cô gái có tên Tình.
Trời ơi đâu có ngờ cả gã và cả cô nữa đều đến bán cho “ông chủ” cái mình “tự có” . Tất nhiên gã sẽ giấu mặt không để cô nhìn thấy nhưng tránh sao khỏi thằng đầu nậu sẽ ba hoa về thằng cha gàn dỡ vừa mới ở nhà hắn ra và nhất định cô sẽ nhận ra gã. Nhớ tới những vỗ về cháy bỏng yêu thương trong đêm tháng trước, gã ứa nước mắt thương cô lẫn thương cả gã.Đứng nép gốc cây nhìn cô cúi đầu dắt xe qua khung cửa sắt, gã thì thầm, “Vĩnh biệt, vĩnh biệt”.
(còn nữa)
0 nhận xét