Open top menu
Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012




                             
                                                 (tiếp theo)

“ Sau hơn chục trận tra tấn chết đi sống lại , Khắc đã yếu quá, không thể đứng lên được . Hai ngón tay cái bị dây cứa gần đứt hết thịt, vào đến tận xương, sưng tấy lên đau buốt suốt ngày đêm…”
Bị tan nát thân thể, thập tử nhất sinh vậy nhưng Khắc nhất định không khai nửa lời thì cũng còn có thể chấp nhận là có thật được,  nhưng không hiểu sao khi bị khiêng về xà lim, anh vẫn còn đủ sức “giác ngộ tư tưởng’ cho anh “gác ngục trẻ” thì mới  là truyện thần kỳ.
“Từ hôm đó anh “xì cút “ cứ đến tua gác đêm là không quên mở cửa xà lim cho Khắc ra ngồi thở chừng mười lăm phút, nửa giờ . Những lúc ấy anh ta thường đứng cạnh nói chuyện với Khắc. Anh ta có vẻ suy nghĩ , những lúc nghe Khắc nói về đời  sống ở Côn Đảo hoặc kể lại truyện tiểu thuyết “ Người mẹ” của Gorki…”
Chẳng hiểu sao mật thám Pháp độc ác vậy mà lại bố trí lính gác xà lim hiền lành thế, và cũng chẳng hiểu sao Khắc bị đánh , tra điện gần chết như vậy vẫn còn đủ sức kể chuyện tiểu thuyết “Người mẹ”  của nhà văn Liên xô mới tài. Rồi một anh bạn tù “ tên là Mầm đưa nắm cơm tù vào , Khắc tranh thủ lên lớp  :
“Anh bây giờ là đi vào con đường cách mạng rồi chứ còn gì nữa. Muốn làm cách mạng thì phải học. Anh học đọc, học viết đi. Nhờ anh em biết chữ bảo cho. Tối nay , lúc nào anh vào đây, tôi nói chuyện về cách mạng cho mà nghe…”
Thật cứ như Khắc có phép thần thông, luyện công trị thương tới mức thượng thừa, chỉ trong khoảnh khắc anh đã từ cõi chết trở về, không những hồi phục sức lực, vượt qua đau đớn mà còn kể chuyện, ca hát và cả lên lớp chính trị nứa.
Cứ “bốc phét” như thế ông nhà văn quên bẵng đi rằng tính chân thực mới là giá trị hàng đầu của nghệ thuật của tiểu thuyết .
Không giống cán bộ cộng sản sau một thời gian tù đầy đều được trở về và còn sống cho tới tận ngày nay với bao đặc quyền đặc lợi, sau khi bị bắt ở Hải Phòng, Khắc được đưa về Hà Nội tỏ rõ khí phách trước quân thù :
“Tôi không có gì để nói thêm với ông cả. Ở hàng ngũ cách mạng , cũng có một vài kẻ hèn nhát hoặc phản bội . Nhưng các ông đừng lầm tưởng như vậy là các ông thắng. Chúng tôi là đảng viên cộng sản, chủ nghĩa chúng tôi cho chúng tôi thấy rõ tương lai. Các ông sẽ không còn , nhưng đất nước chúng tôi sẽ độc lập , chủ nghĩa cộng sản sẽ được thực hiện vì đó là mong muốn của hàng triệu người.”
và ông đã hy sinh thật anh dũng :
“ Lanéc cúi xuống, bấm đèn phin vào mặt Khắc . Trong vệt sáng, hiện rõ những đám máu ộc từ miệng Khắc chảy vòng quanh đầu anh. Máu đỏ sẫm nóng hổi rỏ giọt từ trên sàn gỗ xuống nền xi măng. Khắc đã tắt thở…”
Thật tiếc cho những người đã đổ máu hy sinh cho lý tưởng như Khắc, bởi lẽ nửa thế kỷ sau, “đất nước quả có độc lập” nhưng “chủ nghĩa cộng sản “ thì vĩnh viễn chẳng bao giờ được thực hiện và buồn thay sự rũ ra khỏi nó mới chính là mong muốn của hàng triệu người. Vào những năm 1990 , khi cả khối xã hội chủ nghĩa Liên xô và Đông  Aâu đã sụp đổ, “cộng sản chỉ còn như một thiên đàng đã mất”trong con mắt mọi người, kể cả Nguyễn Đình Thi, vậy mà ông nhà văn còn viết được những dòng “tin tưởng” như trên thì quả thực ông tự lừa dối chính ông và lừa dối cả mọi người.
Cái còn để lại sau khi Khắc chết không phải là gương hy sinh , bất khuất mà chính là …hòn máu của anh trong bụng An - cô người yêu anh đã chung sống chỉ một lần duy nhất trong đời :
“ An tự nhiên sờ lên bụng. Một cái gì rất lạ lẫm. An cảm động, rung hết người. Đúng rồi. Đến hôm nay đã quá ngày gần một tháng rồi. An đã có mang…”
Sau cái chết của người cộng sản, phong trào cách mạng cũng như nội dung của cuốn tiểu thuyết chùng hẳn xuống, mất hẳn cái mạch liên tục, sôi nổi trước đó. Một phần năm còn lại của cuốn sách chỉ còn diễn tả những nhân vật “quần chúng” mà trước đó vì mải mê tập trung vào nhân vật cán bộ cộng sản, ông nhà văn đã buông lửng chúng.
Trước hết là thầy giáo Hội được nói tới khá nhiều ở đầu truyện. Thày giáo Hội giống y chang thầy giáo Thứ trong “Sống Mòn” của Nam Cao . Cũng mòn mỏi trong một trường tư thục rồi bị thất nghiệp vì chiến tranh xảy tới, cũng nặng gánh vợ con trong thời buổi gạo châu củi quế mà rời tấm bảng đen với cục phấn trắng ra chẳng còn biết làm gì :
“Hội biết làm gì để nuôi lấy thân mình, chứ đừng nói gì đến nuôi vợ con . Hội lại sắp ăn bám vào Thảo, Thảo đã khổ đến như vậy rồi, mà sẽ còn phải nhịn ăn nhịn mặc nữa và Thảo với cả con Hiền sẽ lại gò lưng xay lúa, giã gạo, sàng sẩy, chắt bóp bán từng bơ cám, từng nải chuối xanh , từng cây kim sợi chỉ để lo lấy bữa cơm bữa cháo…”
Tuy nhiên “giáo Hội” của Nguyễn Đình Thi có khá hơn “giáo Thứ” của Nam Cao đôi chút ở chỗ thất nghiệp trở về làng xoay ra…viết văn :
“ Thế là ngày ngày anh ngồi trong cái chái đầu nhà , vừa ôm cái tí Vân, vừa viết giấu giếm. À, nếu như viết như các ông Vichto Huygô hay là Tolstôi  thì chẳng dám màng, chứ còn như những chuyện “chàng chàng nàng nàng “  lâm li giả dối và chán ngoét đầy dẫy trên báo sách thì làm gì chàng chẳng viết  được ?”
Hoá ra cái khả năng tiên tri, thấu thị, dự báo của nhà văn Nguyễn Đình Thi thật đáng nể, bởi lẽ cho tới tận bây giờ,  thời đại bùng nổ của cách mạng tin học -  cái tình trạng ““  lâm li giả dối và chán ngoét đầy dẫy trên báo sách”  vẫn còn tiếp diễn dài dài trên cả nước.
Nhân vật tiếp theo được nhắc lại là hoạ sĩ Tư vốn là người yêu của cô Phượng đài các, vợ của tri huyện Môn. Nếu như hoạ sĩ Thanh Tùng hái ra tiền bằng những bức tranh thời thượng thì hoạ sĩ Tư cứ nghèo rớt mồng tơi “hàng ngày phải tính từng hào, từng xu và nhịn tất cả mọi thứ làm thế nào giành giật với cuộc sống từng bữa ăn, từng thức vải, hộp màu để vẽ …”. Người còn quan tâm tới Tư chỉ còn có cô gái điếm tên Bích, mua cốm tới cho anh ăn, có nhạc sĩ Toàn, sau khi cô gái Nga Nina bỏ anh ra đi, anh năng tìm tới hoạ sĩ Tư rủ rê :” Tao chịu mày, không còn biết gì đến chuyện gì ngoài cái giá vẽ của mày. Ngoài phố người ta đã nhớn nhác cả lên. Mày không biết chính phủ Pêtanh vừa ký với Mãtuôka ở Tokyo một hiệp ước về Đông Dương rồi à ?”Quân đội Nhật bản ở Quảng Tây bây giờ đang đòi vào bắc kỳ ngay. Có thể nổ súng không chừng…”
Nghe lời nhạc sĩ Toàn, hoạ sĩ Tư tạm rời cái giá vẽ để lang thang xuống phố . và thế rồi “ Hình ảnh người đàn bà bế con ngồi trên bọc chăn màn với cô gái đeo cái tay nải nâu ở bến xe điện lại hiện lên trước mặt Tư. Anh phải vẽ bức tranh ấy…”. Sau chuyến “đi thực tế” bến xe, bến tàu, nhà ga….Tư bỗng cảm thấy “Một cái gì đây sẽ đến.. Hôm nay Tư đã thấy phía bên kia (quân Pháp) đang đổ nhào và tan rã như thế nào ?”Quân hồi vô phèng…”- những con mắt len lét và hằn học của đám lính bị thương ở Lạng Sơn về . cái cảnh tây đầm chí choé trên con tàu đi Sàigòn. Một cái gì đây sẽ đến…”
Một cái gì sẽ đến , tuy nhà văn không nói toạc ra, nhưng ai cũng hiểu ông muốn nói tới…cách mạng. Một cuộc cách mạng “long trời lở đất” đang tới mà ngay đến anh hoạ sĩ suốt ngày ngơ ngẩn với màu với hình cũng đã cảm nhận thấy.
Cái thành phần rồi đây sẽ tan rã khi cách mạng nổ ra – tầng lớp quan lại, địa chủ, tư sản, thượng lưu…cũng được tác giả nhắc tới tất cả những “xấu xa, bệnh tật “ của nó. Nào cậu Tường , con trai nghị Khanh, cậu Thúc , con trai chủ đồn điền cưỡng dâm cô thôn nữ tên Thơm; nào cô Nguyệt , con gái nghị Khanh , bị đám con quan đẩy vào buồng , “đánh táp lô” đến mang bầu phải đi nạo, nào nghị Khanh nẫng vợ bé của ông bạn Quảng Lợi…Cả một xã hội bốc mùi xú uế  đang như con cá nằm trên thớt chờ cách mạng tới để được hoá kiếp.


                                      (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét