(tiếp theo)
Một sự thực hiển nhiên là cuộc cách mạng tháng Tám đã lôi cuốn đông đảo dân chúng Việt Nam trong đó rất nhiều cư dân đô thị, đặc biệt trí thức văn nghệ sĩ. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là khắp thiên hạ ai cũng làm cách mạng và càng không có nghĩa cứ theo Việt Minh là “giác ngộ cộng sản”. Còn một bộ phận không nhỏ hoặc đã chống lại hoặc đã đứng ngoài cuộc “trùm chăn” chờ thời - đó là một sự thực hiển nhiên .
Ấy thế nhưng với cái mũ kim cô “ chính trị là thống soái” trên đầu, nhằm tô vẽ cho cuộc cách mạng, Nguyễn Đình Thi đã “lùa” toàn bộ nhân vật Vỡ bờ đi theo Việt Minh trừ những phần tử phản động trong giai cấp tư sản và địa chủ.
Trước hết là ông giáo Hội kiêm nhà văn , tác giả tiểu thuyết “Đồng Chiêm” . “ Thật không ai ngờ được và chính Hội cũng không ngờ được mình lại thành một ông Việt Minh ở giữa Hà Nội như thế này…”. Không tù đầy, không giam giữ, ông nhà văn Hội làm cách nào trở thành “ông Việt Minh” nhanh như thế ? Hoá ra ông chỉ làm cái việc “đi khắp từ các đầu ô cho đến phố nội thành để tớigặp hết người nọ đến người kia trong đám các trí thức của đất ngàn năm văn vật…”. Chính vì tham vọng mở rộng Vỡ bờ thành một bức tranh hoành tráng diễn tả toàn dân làm cách mạng nhưng lực bất tòng tâm Nguyễn Đình Thi đành diễn tả cả quá trình giác ngộ Việt Minh của ông nhà văn kiêm nhà giáo sơ sài có vậy.
Trí thức theo cách mạng phải có thưởng chớ ? Có ngay, liền sau đó Nguyễn Đình Thi vội vàng cho ông nhà văn Hội được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban giải phóng xã và sau đó tiểu thuyết “ Đồng Chiêm” của ông được tái bản lãnh mấy trăm đồng nhuận bút về đưa vợ. Tuy nhiên cái “quả thực ” cao nhất đi theo cách mạng với ông nhà văn này là được…kết nạp Đảng thì Nguyễn Đình Thi chưa nói tới, chắc còn để lại cho hậu Vỡ Bờ mà sau này ông không còn thời gian và hứng thú để thực hiện nó.
So với ông nhà văn Hội, nhạc sĩ Toàn chậm cách mạng hơn ; anh vẫn đi kéo đàn kiếm sống và mua hoa tặng bạn gái. Thế rồi khi gặp một anh nhà báo, ông nhạc sĩ bỗng tỉnh ngộ và sám hối :” Chết thật, mình ở trên mây, không biết gì cả…”.Toàn nghĩ thầm và vừa đi nhanh vừa nhìn bó hoa hồng trên tay. “.Tuy ông nhà văn không nói rõ , nhưng người đọc hiểu từ nay ông nhạc sĩ sẽ chấm dứt những trò tặng hoà phù phiếm để theo cách mạng làm Ô việc thiết thực hơn.
Ông giáo già Điềm, sau một thời gian dài “trùm chăn” , giờ cũng giác ngộ xung phong lên chiến khu huấn luyện quân sự cho bộ đội chỉ vì ông đang tôn sùng binh pháp của Tôn Tử . Ông đồ già đến với cách mạng như vậy cũng đã là hoả tốc rồi, vậy mà ông còn than thở, hối tiếc :” Tôi thật chậm hơn các anh mấy chục năm . Phí mất nửa đời người…”. Quả thực “trường hợp giác ngộ “ của ông Giáo Điềm nếu không là một giai thoại tiếu lâm thì cũng là một tưởng tượng…tầm phào .
Tất nhiên lớp người trẻ đến với cách mạng phải được nhà văn diễn tả ‘rầm rộ” và “khí thế” hơn nhiều. Phi cô gái con nhà giàu, quanh năm đi học và rong chơi như con bướm. May mắn cô được người yêu là Đông – hoạt động bí mật cảm hoá, thế là bỗng chốc Phi trở thành “nữ chiến sĩ cách mạng” cầm đầu doàn biểu tình đấu tranh với Nhật :
“Phi vẫy cả đoàn vượt qua đám đông ở đây, đi vượt lên nữa. Trên thềm nhà hát lớn từng tốp lính Nhật quỳ hoặc nằm sau những khẩu súng máy đã bắc càng sẵn sàng…”
Thế rồi cô nữ sinh đấu lý với đám sĩ quan Nhật khiến họ phải thả các công nhân bị bắt , trả lại cả súng cho họ nữa. Sự hiên ngang, dũng cảm của Phi làm viên sĩ quan phải trầm trồ khen ngợi :” Thấy Việt nam bây giờ mà thèm. , từ người con gái đàn bà con gái cũng gan dạ, rắn rỏi, kiểu này khi trở về Nhật chắc sẽ …mổ bụng tự vẫn…”
Ghê thế đấy, gương đấu tranh của cô tiểu thư Hà Nội đã làm cho sĩ quan Nhật cảm phục đến thế , vậy những người cách mạng thứ thiệt còn thần kỳ tới đâu. Tất nhiên họ phải là gia đình ruột thịt của những cán bộ cộng sản đã hy sinh. Như cô Quyên, em gái Khắc – lãnh tụ cách mạng chết trong tù, cũng thoát ly làm cách mạng chuyên nghiệp. Chỉ sau một thời gian, Quyên đã trở thành chỉ huy du kích đánh đồn:
“ Thôi ta cứ vào thôi” - Quyên hét to lên với anh em và vượt lên đầu , chạy đến cổng đồn mở toang một bên.Anh em chạy đi rồi, Quyên quay sang mấy anh du kích :” Hễ thằng nào định giở trò, các đồng chí cứ bắn chết ngay tại chỗ. Còn đồng chí nào có lựu đạn không ?...”
Thật không thể hiểu nổi, vì sao cô gái quê rụt rè, suýt chịu làm vợ bé cho ông Chánh hội , vậy mà đùng cái trở thành nữ chỉ huy du kích say máu và giết người không ghê tay . Chắc là vì không khí cách mạng khẩn trương , cấp tập nên ông nhà văn cũng phải vội, đành bỏ qua “cái quá trình trở thành” mà chỉ trình bày cái kết quả và người đọc đành phải chấp nhận hình tượng cô gái quê trở thành chỉ huy du kích “ăn gan uống máu quân thù” như vậy là có thực…
“Tức nước” phải “vỡ bờ”. Cảnh vật sau khi “vỡ bờ “ thường đổ nát, tan hoang, hỗn loạn không khác gì một cơn bão, một trận động đất hoặc cơn sóng thần quét qua. Vậy nhưng cảnh tượng sau “vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi hoàn toàn ngược lại, nó được sắp xếp thứ tự lớp lang đâu ra đó, kẻ có tội với nhân dân bị trừng trị, người có công với cách mạng được tưởng thưởng . Cái kết cuộc của cuốn tiểu thuyết trường thiên được ông tác giả gia công, sắp xếp theo nguyên tắc đó, chính xác , chi li, tỉ mỉ không thua gì một ông già tỉa hoa thuỷ tiên nhân ngày tết.Cái kết cuộc phù hợp tuyệt đối với “ý Đảng, lòng dân” làm người đọc phải kinh ngạc vì ý thức chính trị đã giết chết ý thức nghệ thuật trong Nguyễn Đình Thi khiến tiểu thuyết của ông nặng mùi tuyên truyền . Ta chịu khó đọc những dòng kết của cuốn tiểu thuyết đồ sộ nhất trong sự nghiệp văn chương Nguyễn Đình Thi :
“Nắng đã lên, sáng vàng, tươi ấm, chan hoà trên sông núi từ đây sống lại.
Thành cũ , Cột Cờ, vườn Ba Đình, tất cả ngập trong cờ đỏ sao vàng.
Trên một cái đài cao dựng tạm đơn sơ, một người mảnh khảnh , mặc chiếc áo vải kaki, trán cao, đôi mắt sáng mênh mông, cằm điểm một chòm râu lưa thưa, vừa bước lên và đứng lặng mấy giây nhìn cái biển người bát ngát trước mặt.
Và cả cái biển người cũng chăm chú nhìn lên và đợi nghe.
Người ấy bắt đầu nói. Từ các loa phóng thanh vang ra một giọng ấm áp mà vang như tiếng chuông. Cụ Chủ tịch nói câu gì đầu tiên đây ?
“ Tôi nói đồng bào nghe rõ không ?”
Cả cái biển người ngạc nhiên im phắc một giây rồi bỗng dưng nghìn vạn tiếng reo trả lời gầm lên thành một tiếng sấm truyền đi xa, xa mãi…”
Đọc đoạn kết cho hơn một ngàn trang tiểu thuyết , người ta hiểu được vì sao tới đêm trước thời đổi mới ở Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 4, Nguyễn Đình Thi vẫn còn tự nhận “ nhà văn là hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng”, vì sao đến khi qua đời Nguyễn Đình Thi vẫn còn ngồi cái ghế quan văn nghệ cao chót vót :” Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam”.
“Bất tri tam bách dư niên hậu”, chẳng cần lâu la thế, chỉ ba năm sau khi ra đời, trường thiên tiểu thuyết “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi chỉ còn được nhắc tới trong giáo trình văn học cách mạng và trong những công trình “bốc thơm” của các phê bình gia quốc doanh như Vũ Đức Phúc, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức…
(còn tiếp)
0 nhận xét