Open top menu
Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012




                                                         VŨ HUY QUANG


Ai không nhớ quá khứ, kẻ đó phải gánh chịu sự lập lại.
                                                       -George Santayana.
Mặt Trận Bình Dân do chính sách làm hòa đế quốc của Quốc tế cộng sản, dưới chỉ đạo của Stalin, có ảnh hưởng sống chết đến các phong trào đòi độc lập tại các xứ thuộc địa cũng như bán thuộc địa như Việt Nam, Trung quốc…vào những năm 1935-37.
Tại miền Nam Việt Nam, chính sách này có ảnh hưởng rõ rệt dựa trên những sách vở, tài liệu, như cuốn của Ngô Văn, “Việt Nam 1920-45, Cách mạng và Phản cách mạng thời Đô hộ thuộc địa”, và cuốn của Nguyễn Văn Đính, “Tạ Thu Thâu, từ quốc gia đến quốc tế”. Chính sách Mặt Trận Bình Dân, cũng gọi là Mặt Trận Thống Nhất (thời bên Trung quốc có những bút chiến giữa Lỗ Tấn -Từ Mậu Dung, xảy ra trong năm 1936 về đề tài Mặt Trận Thống Nhất, “Lỗ Tấn Tạp Văn” – Trương Chính, 1998), không khác những luận chiến ở Việt Nam giữa nhóm Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu với Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Đính…cùng năm 1936. Tại Trung quốc có hai người còn sống (tính đến 1995) là Trịnh Siêu Lân, Hòang Phần Du, thì bên Việt nam, cũng có hai người đã chứng kiến, đã lên tiếng, là tác gỉa Ngô Văn (xuất bản 1995, Pháp văn, nxb L’ínsomniaque),và Nguyễn Văn Đính (1907-1985).
Tin đồn Mặt trận Bình dân chấn động Đông Dương, (sách Ngô Văn), ngày 9 tháng 6, 1936, có truyền đơn đả đảo đế quốc Pháp của thợ thuyền, nhưng “Cũng như đảng CS Pháp, đảng CSĐD thỏa thuận với chính phủ Mặt trận Bình Dân, chính sách Blum-Moutet là muốncanh tân hệ thống chế độ thuộc địa chứ không phải là từ bỏ sự thống trị đế quốc chủ nghĩa ở Đông Dương.” (tr. 215)
Chính sách Stalin là lao động đi chung (hợp tác tư sản- như bên Trung quốc, hợp tác quốc cộng), thì ở Việt Nam, ngày 5 tháng 8, 1936, “tác gỉa Nguyễn Văn Tạo tuyên bố tán thành việc đoàn kết dân tộc:”Những người lao động phải cùng đi chung với những nhà tư sản để bảo đảm cho Đông Dương Đại Hội thành công.” (Tr.216)
Ngày 19, một điện tín của Minet lộ sự hoảng loạn:”…Trật tự của nước Pháp phải chế ngự trên toàn cõi Đông Dương cũng như ở những nơi khác.” Tr. 218.
Phong trào bãi công đột khởi từ đầu tháng 6 năm 1936: Tại Trung Kỳ, phu đồn điền cao su Đông Trang bãi công, ở Cần giuộc, Bặc liêu, Dầu tiếng, Bến Củi Tây Ninh, xưởng cưa Tân Mai Biên Hòa…cũng bãi công. Gía sinh họat tăng, phá gía đồng bạc.v.v.(Tr. 223, 224, 225)
Bãi công, biểu tình năm 1937, tính ra có đến 112 cuộc bãi công (Tr.227,228). Bãi công ở sở Ba-son, ngày 5 tháng 4 1937. (Tr. 228,229). “Ở Nam kỳ, từ 1 tháng 6 đến 14 tháng 10, 1937, có 161 vụ án chính trị” (Tr.233)
Trong lúc ấy, chính phủ đế quốc chủ trương gì? “Phải đàn áp ập xuống, không phân biệt xu hướng Stalin hay Trốtky”, ngày 2 tháng 7, 1937 (tr.244)
Chế độ Hitler ám ảnh mẫu quốc. Leon Blum trở lại chính quyền ngày 17 tháng Ba 1938 với một chương trình phái tả, nhưng chỉ chưa đầy 3 tuần lễ đã rơi, giai cấp thợ thuyền chưa có thêm được những lợi lộc mới nào. Mặt Trận Bình Dân không còn nữa.” (tr.249).
Năm 1939, báo Đông Phong thả sức nói: Ngày 31 tháng 5, lập lại bài học thuộc lòng, tờ báo lên án những người đệ tứ là kẻ thù của giai cấp nông dân.” (tr.255)
“Ngày 10 tháng 5 1939, Nguyễn Ái Quốc sau này là Hồ Chí Minh […] trong một bức thư – ký bí danh Line – từ Trung Quốc gửi về cho “các đồng chí thân mến” ở Bắc Kỳ, nói về “bộ mặt ghê tởm của chủ nghĩa Trốt ky và của những kẻ theo xu hướng ấy” […]
Đối với bọn theo xu hướng Trốtki, không thể liên minh cũng không thể khoan nhượng. Phải lột mặt nạ của chúng bằng đủ mọi cách, coi chúng như tay sai của chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về mặt chính trị” (tr.256)
Đảng Cộng sản Pháp luôn luôn theo đúng đường lối của Quốc tế cộng sản, lúc nghiêng bên này, lúc ngả bên kia,
Vậy ta hãy đọc đọan này:”Chúng tôi xét dường như không thể kéo dài sự giao thiệp giữa đảng ta với bọn Trốtkít được nữa”, trong thư đề ngày 13 Mai 1937 của ông Gitton gởi sang cho Cộng Sản Đệ Tam ở Saigon thì biết.” (tr 92, sách Nguyễn Văn Đính)
Ở Trung quốc, ngày càng nhiều người chú ý, càng nhiều người lên tiếng cho quá khứ lịch sử của họ. Vịệt nam và Trung quốc là hai tấm gương lịch sử soi chiếu nhau. Bao giờ có được những đối chất công khai như bài trả lời dưới đây, từ hai quan niệm khác nhau về cùng đề tài, thời điểm, nhân vật…để lợi ích cho thế hệ sau. Hay có lẽ, chỉ ở Trung quốc là có những người không muốn quên lịch sử…?
                                                 
                                                           
Bài Phỏng Vấn Hoàng Phần Du 
     

     HOÀNG PHẦN DU ( Anh quốc - 1989)

                            

(Về cuốn “Lịch sử Trốtkít Trung Quốc” của Đường Bảo Lâm: (Interviews with Wang Fanxi on Tang Baolin’s History of Chinese Trotskyism)
Lời dẫn
(của Gregor Benton, biên tập cuốn “, China’s Urban Revolutionaries”, 1996, tr.203)
Một trong hai người còn sống, có đủ kinh nghiệm cá nhân và vị thế xứng đáng để chỉnh sự thật lại một cách rõ rệt, trước những sai lầm cùng những dẫn chứng thiên lệch trong cuốn sách của Đường Bảo Lâm, là Hoàng Phần Du. Theo luận định của Hoàng, có chín điểm để trả lời cho cuốn sách của Đường, những điểm cốt lõi ấy được ghi lại trong bài phỏng vấn ngày 29 và 31 tháng Năm 1995. Với sự giúp đõ của ông (Hoàng), tôi (Gregor Benton) được bản trả lời chin điểm sau đây, gồm 16 trang. (Để có đầy đủ chi tiết của bài phỏng vấn Hoàng Phần Du, có thể tìm đọc trong Bình Luận Thập Nguyệt (tạp chí Tháng Mười), xuất bản ở HongKong, GPO Box 1014, bằng Hoa ngữ.)
Ngoài ông Hoàng, người Trốt kít kia là ông Trịnh Siêu Lân (ở Thượng Hải). Họ Trịnh sinh năm 1901, nay mắt không còn tinh tường nữa, may là với máy ghi âm, kính lúp, bản in chữ to, ông đọc được và góp ý về chương 5 và 6 (cuốn của Đường Bảo Lâm). Được sự hợp tác của ông Hoàng (ở Anh quốc), tôi (G.Benton) có được những trang ý kiến bằng chữ viết của Trịnh, qua một chuyên viên kỹ thuật.
Trong số mới nhất của tạp chí Nhật (1) Torotsukii kenkyu (Nghiên cứu Trốt ky), Đường (Bảo Lâm) xác nhận mình là người “đại diện xuất bản” và là “bạn cố tri” của Trịnh (Siêu Lân). Người ta có thể thấy tình bằng hữu này khó có thể hiện hữu, khi mà trong sách của Đường chứa toàn những vu khống - thành ra lại rất đi đôi với thái độ bực tức của Trịnh, khi ông phải trả lời những thắc mắc về cuốn sách của Đường.
Đây là cuốn sách tồi tệ,” ông kết luận, sau khi tổng kết toàn thể ý kiến của các Trốt kýt khác còn sống sót tại Thượng Hải. “Đây là cuốn chống Trốtkýt lải nhải, đảo lộn sự kiện, luồn vào toàn là những điều bất chính chỉ để phỉ báng Trốtkýt. Phải vạch trần mọi lươn lẹo của cuốn sách ra.” Ông nói thêm, “Cuốn này, chỉ là những dội lại của đường lối Vương Minh và Khang Sinh đem từ Moscow về Trung Quốc của phe Stalin hồi 1937.”
Sự gờm nhớm của Trịnh Siêu Lân lộ ra về cuốn sách của ông “bạn cố tri” lên tột độ, khi Đường sử dụng những lời “thú tội” của các tù nhân Trốtkýt của Mao trong Cách mạng Văn Hóa làm “dẫn chứng.” Họ Trịnh chỉ ra những “thú nhận” tương tự bởi những nhà văn nổi tiếng nhất bị vào ngục trong thập niên 1960, với những khai báo là họ đã theo một “chủ thuyết không tin được”, nay Đường lại mang ra cốt làm nhục những người ấy, trong khi cũng còn rất nhiều người, như thân phụ của danh cầm Phúc Tống là Phúc Lợi, thà tự tử để khỏi cung khai những lời tự sỉ nhục mình và các đồng chí.
Ông kết luận, rằng cuốn sách là một “văn bản hung hăng” của “kẻ thắng” trước “kẻ thua.” Mọi cáo buộc không hề có một chứng cứ khả tín nào, chỉ “đáng phì cười.”
Dưới đây là 9 điểm phản bác của Hoàng Phần Du.
I.Cách mạng Thường trực
Leon Trotsky với thuyết Cách mạng Thường trực gồm hai khía cạnh: ”Dọc”, chỉ rằng trong những nước hậu tiến, giai cấp tư sản không thể làm cách mạng nổi, nên tư sản và người xã hội chủ nghĩa làm cách mạng trong giai đoạn cách mạng chiếu lớn ra và thực thi, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản; và “Ngang”, là “sự hoàn thành của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong biên giới quốc gia là điều không thể được…Cách mạng xã hội bắt đầu ở đấu trường quốc gia, khai mở trên đáu trường quốc tế, và hoàn tất ở đấu trường thế giới.”
Đường Bảo Lâm không đưa được ý niệm nào trong sách mình về cách mạng hàng “Dọc”, và hoàn toàn không một chút khái niệm nào về cách mạng hàng “Ngang”, đã thế tác gỉa còn hoàn toàn hiểu sai trong nghĩa “Ngang”. Ông ta lẫn lộn (2) về cách mạng thường trực với suy luận  mù quáng cho rằng đó là sự “xuất cảng cách mạng sang nước khác bằng binh bị”, cái ý tưởng này đối với lý thuyết của Trốtky thật là ngớ ngẩn.
Trốtky không hề chống quan niệm trợ giúp cuộc cách mạng nào có thể nổ bùng ở các nước khác, ngay cả phụ trợ cuộc cách mạng nước đó bằng cách cử quân đội để giúp. Nhưng ông chỉ chuẩn bị làm việc đó trong điều kiện hết sức gắt gao. Trong bài phát biểu nổi tiếng in năm 1921, ông viết:
Trước sự khủng khiếp của đấu tranh giai cấp đang mở ra ngày nay, vai trò của can thiệp quân sự từ bên ngoài chỉ xảy ra như một yếu tố phụ thuộc để góp. Can thiệp quân sự có thể để làm nhanh hơn cho thắng lợi cách mạng. Nhưng nó không thể xảy ra nếu như điều kiện cách mạng chưa đủ chin mùi – kể cả ý thức chính trị. Can thiệp quân sự không khác việc dùng kẹp gắp trong sản khoa, đúng lúc thì làm cho việc sinh nở bớt khó, nhưng nếu dùng sớm quá thì lại thành xảy thai.” (3)
Đường Bảo Lâm khẳng định qua hai thí dụ về Cách mạng Thường trực theo nghĩa xuất cảng cách mạng bằng can thiệp quân sự. “Năm 1919,” ông ta viết, “cá nhân Trốtky đề nghị mang ba mươi hay bốn muơi ngàn kị binh đi Ấn; và năm 1923, còn muốn đem Hồng quân đi Đức dưới quyền chỉ huy của mình để châm ngòi cho vô sản ở đó làm cách mạng Âu châu.” Cả hai dẫn chứng đều không cơ sở.
Thực tế là, chớm 1919, không có Hồng quân ở Nga. Quân đội Nga Hoàng đã tan rã, và Hồng quân chỉ được tạo ra từ nền tảng là công nhân có vũ khí cùng nông dân. Trốtky lập ra Hồng quân từ bãi vụn, rồi chỉ huy nó trong nội chiến Nga. Năm mười-chin-mười-chin là năm hung hiểm nhất trong các năm nội chiến. Làm sao Trốt ky có thể gửi ba hoặc bốn chục ngàn quân đi Ấn? Lại nữa, năm 1919 không có cuộc cách mạng nào ở Ấn để trợ giúp.
Còn về chuyện ở Đức cũng là đặt điều. Đúng, có khủng hoảng ở Đức năm 1923, cũng có những luận chiến về cách mạng Đức, chủ yếu là giữa Zinoviev, Bukharin và Trốtky. Tuy nhiên không ai trong số những người trên đề nghị ”gửi Hồng quân đi Đức để châm ngòi cho cách mạng Âu châu.
Đường Bảo Lâm không đưa ra được chứng cớ bảo đảm cho điều ông ta nói Trốtky đã đề nghị gửi quân đi can thiệp nước ngoài. Toàn là những điều nhái lại từ tuyên truyền chống cách mạng của giới báo chí buốc gioa phương Tây chỉ trích Xô viết vào cuối 1920, và đầu thập niên ‘30. Chuyện Ấn Độ có thể lấy từ chuyện Harold Isaacs kể về Trốtky, rằng Trốtky có lần nói, “có một nhân vật quân sự quan trọng“ đã “nhắc ông kế họach gửi kỵ binh đến Ấn” (4) Nhưng câu chuyện trên chẳng chứng minh gì cho lý lẽ của Đường; còn Đường thì lại không đưa được dẫn chứng lấy ở đâu.
II.Đánh chung; Đi riêng
Với Stalin và người Staliniêng, không có chuyện khác biệt giữa “Mặt trận thống nhất” (cũng đôi khi gọi là “Mặt trận Bình dân”) và chuyện “cùng chung hành động”. Về sự liên hệ giữa cộng sản, Tư sản, tiểu tư sản, và các giai cấp lao động khác, những người theo Stalin chỉ có hai thái độ: theo họ không được phê phán gì, thành người hoàn toàn theo đuôi; hay là chịu sự lên án, tố cáo, và bị trừ khử. Họ không bao giờ hiểu nguyên tắc đánh chung là chuyện Đảng cách mạng có thể, có khả năng, và cả duy trì sự liên hệ giữa Đảng của giai cấp Tiểu tư sản (đôi khi cả với Tư sản) với Đảng của giai cấp lao động, để hoàn thành những mục đích cho tiến trình cách mạng, trong khi cùng lúc, giữ vững tổ chức cũng như sự độc lập chính trị của mình.
Đầu thập niên 1930 ở Đức, những người Stali-niêng gọi đảng Xã hội Dân chủ  là “xã hội-phátxít”, coi là kẻ thù chính (hơn cả Nazi lúc ấy đang lên nữa), họ không chịu đi chung với Dân chủ Xã hội, như Trốtky đề nghị. Sự chối bỏ này giúp Hitler lên chính quyền. Sau khi Nazi có chính quyền, họ lại quay 180 độ, rồi để chống Nazi - Phát xít, họ kêu gọi thành lập “Mặt trận Bình dân”, là từ ngữ khác của chính sách đầu hàng, cả trên lý thuyết lẫn tổ chức - không chỉ đối với các đảng cải cách mà trước đó họ coi là “kẻ thù chính” - mà đầu hàng cả với các đảng phái của Tư sản.
Trốtkít khắp thế giới, kể cả Trung quốc, luôn luôn chống chính sách Mặt trận thống nhất, thí dụ như hồi 1924-27 và 1937-45. Nhưng không chống việc đánh chung cho cùng mục đích với các đảng tiểu tư sản, trong những điều kiện đặc biệt, cấp thiết, và chủ trương giữ nguyên tính độc lập, kế hoạch, tư tưởng riêng của mình…
Có vẻ như Đường Bảo Lâm hiểu sự phân biệt giữa Mặt trận thống nhất và chuyện đánh chung, nhưng vẫn cứ cáo người Trốtkýt chống Mặt trận thống nhất, là “không chống Nhật”.
Về điểm này chính Trốtky bênh vực cho Trần Độc Tú, chống cáo buộc của Lưu Dân Trình (Liu Renjing) (7) khi Lưu theo thuyết Cực Tả, đổ cho Trần Độc Tú là theo cơ hội chủ nghĩa, đã đi với Quốc Dân Đảng, khi ủng hộ Lộ quân Mười Chín chống Nhật bảo vệ Thượng Hải.
Ngày 8 tháng Tám 1935, Harold Isaacs tiếp xúc với Trốtky, ghi lại cuộc nói chuyện:
“…ông (Trốtky) nghĩ rằng lý luận của Lưu rất không biện chứng, lại mơ hồ. Chả hạn, Trốtky bảo phải phân biệt được “Mặt trận thống nhất” với chuyện “đánh chung.”
Ngày 9 tháng Tám, bài tường thuật viết tiếp:
“…Hành động đánh chung, đặc biệt trong thời kỳ giới hạn, là một chuyện, còn đầu hàng Tư sản là chuyện khác, như Mặt trận Bình dân ở Pháp là đầu hàng Tư sản. Phải giữ cho tổ chức tính độc lập, nhưng giữ độc lập thế nào, đó là cốt lõi. Chúng ta phải tiếp tục đánh chung với các tổ chức sinh viên và tổ chức nông dân.” (nhấn mạnh trong nguyên tác)

                      (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét