Open top menu
Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012


                                                                                          VŨ HUY QUANG dịch
                                                 

“Bà Giang Tĩnh, cháu là Tân Hoan đây.” Tôi lên tiếng, nhưng muốn bật khóc: Tôi đã từng ngồi với bà nhiều đêm, không biết gì hết. Nay tôi mường tượng cảnh bà ngồi một mình trong im lặng suốt 45 năm, ngực tôi muốn nghẹn thở.
Trước khi tôi kịp trấn tĩnh, cửa mở.
Bà đứng trước mặt tôi, hỏi,”Cô chưa về ư? Sao cô biết tên tôi?”
Tôi cầm tay, dắt bà lại gần cửa sổ, chúng tôi lại ngồi cạnh nhau. Nhưng lần này tôi không muốn im lặng nữa. Tôi nhẹ nhàng thuật bà nghe những điều tôi biết về bà, do bố tôi kể lại. Giang Tĩnh khóc, mặc cho nước mắt chảy. Tôi nghẹn họng với bao nhiêu thắc mắc chất chứa, rồi chỉ nói lên được mỗi một câu,”Bà đang nghĩ về Cao Đạt, phải không?” Tới đây, bà ngất đi.
Khiếp hãi, tôi gọi điện cho khách sạn, nhờ họ gọi xe cứu thương khẩn cấp.
Tôi đi cùng Giang Tĩnh đến bệnh viện quân đội. Ban cấp cứu không cho tôi vào cùng buồng khám bệnh với bà, tôi chỉ còn cách đứng ngòai nhìn bà qua cái cửa kính con. Bà nằm im lìm trên giường trong căn buồng trắng tóat, càng làm tôi hồi hộp, lo sợ. Tôi chỉ còn biết vừa khóc vừa gọi thầm,”Bà Giang Tĩnh, Tỉnh dậy đi! Dậy đi!”
 Đầu óc tôi quay cuồngvới những ý nghĩ lộn xộn, rồi tôi thiếp vào giấc ngủ. Tôi mơ thấy những người đàn bà kêu khóc, vật vã, rồi tỉnh dậy mà chẳng thấy khỏe khoắn chút nào.
Ngày kế, tôi thăm Giang Tĩnh bốn năm lần, nhưng lần nào bà cũng cứ thiêm thiếp. Y sĩ giảng cho tôi biết, rằng bà sẽ phải ngủ vài ngày nữa là ít, vì bệnh nhân đã kiệt lực rồi.
Một chiều tối, vào ngày thứ năm, rốt cuộc Giang Tĩnh tỉnh lại. Bà tỏ vẻ ngỡ ngàng không hiểu mình đang ở đâu, bà cố mở miệng nói. Tôi đặt một ngón tay lên môi bà, nhỏ nhẹ giải thích cho bà đầu đuôi. Bà nghe, vừa nắm tay tôi ra ý cảm ơn, rồi câu đầu tiên bà nói, là ”Cha cô có khỏe không?”
Cái đập nước ngăn chúng tôi đã đổ, rồi chuyện đời Giang Tĩnh tuôn trào trong lúc bà nằm tựa gối trên cái giường bệnh viện trắng tóat. Bà thuật cho tôi chuyện đời bà.
Năm 1946, Giang Tĩnh trúng tuyển vào  Đại Học Thanh Hoa. Ngày đầu tựu trường, cũng là ngày đầu cô Giang Tĩnh nhìn thấy Cao Đạt. Giữa đám sinh viên, anh đã có cái gì khác những sinh viên khác, không phải vì bảnh bao hay lộ ra tài ba gì. Anh chỉ lẳng lặng giúp các sinh viên mới thu xếp hành lý, trông như một người lao công đang làm việc. Giang Tĩnh và Cao Đạt được xếp cùng lớp, trong lớp đã có nhiều nam sinh viên bị vẻ tươi mát cùng vẻ đẹp của cô thu hút. Không giống họ, Cao Đạt chỉ ngồi yên lặng trong một góc lớp hay ngồi sâu trong khuôn viên trường để đọc sách. Ngòai việc anh ta là một mọt sách, Giang Tĩnh chả để ý gì đến anh.
Giang Tĩnh là cô gái sống động, hay nghĩ ra những sinh họat cho cả lớp tham gia. Một ngày mùa đông, tuyết đổ đầy trời, sinh viên ra đường cùng nhau đắp tuyết làm một hình nộm. Giang Tĩnh đề nghị làm hai người tuyết, lấy kẹo cong dính trên mũi. Với hai đám sinh viên nam nữ, họ đố nhau bịt mát mà hôn người tuyết. Ai hên thì trúng kẹo mà ăn, ai xui thì phải ăn tuyết.
Ngày hôm sau, tuyết đổ nhiều hơn, trải thành thảm tuyết dầy trên đất, đa số sinh viên đều nằm ỳ ở cư xá. Thế rồi, trong khỏang nửa phiên học lớp tối, dưới ánh đèn mờ từ hành lang, một người đàn ông phủ đầy tuyết bước vào. Anh đến trước Giang Tĩnh, khó khăn mới lôi ra trong túi anh hai chiếc kẹo cong. Tay anh lẫn kẹo đềo đông cứng. Chưa ai kịp nhìn ra anh là ai, anh đã quay đi, khỏi lớp học. Cô Giang Tĩnh dù kinh ngạc cũng nhận ra đó là Cao Đạt. Ngày hôm sau, các bạn có bàn tán xôn xao chuyện chơi trò người tuyết, cô chỉ đứng lặng yên, nhìn đôi kẹo cong trong tay mình, rồi nhìn ra trời tuyết bên ngòai, tưởng tượng Cao Đạt đã đi trong tuyết như thế nào.
Lần đầu trong đời cô  cảm được sự chắc nịch của nam giới cùng sức mạnh của họ; cô cảm như mình là một nữ nhân vật chính trong sách truyện, làm đó cô thao thức suốt đêm.
Giang Tĩnh chú ý anh nhiều hơn. Bản tính lầm lỳ của anh làm cô cứ hết dự đóan này đến dự đóan kia, làm đầu cô cứ rối beng. Ngòai chuyện anh đem kẹo cho, anh ta vẫn thờ ơ với cô, không giống như các nam sinh khác đang theo đuổi cô. Cô bắt đầu hi vọng được anh chú ý, phải tìm cớ để gợi chuyện với anh. Bao giờ cũng thế, anh trả lời lấy có, rất thụ động, không tỏ chút gì hào hứng cả, cả cử chỉ lẫn lời nói. Thế mà thay vì làm cô dãn ra, anh lại làm cô càng hi vọng.
Ngay lúc kỳ thi cuối khóa, Cao Đạt vắng mặt trong lớp hai ngày liên tiếp; bạn cùng phòng nói anh ta cứ ngủ. Giang Tĩnh không tin anh ngủ lắm thế, nhưng cô không được phép vào cư xá nam sinh vì luật thời ấy rất nghiêm, phân chia ranh giới nam nữ trong trường. Đến ngày thứ ba, rồi cô lẻn khỏi lớp trong khi ai nấy đang chăm chú làm bài, cô vào tận buồng Cao Đạt. Khẽ mở cửa, cô thấy Cao Đạt ngủ li bì. Mặt anh đỏ bừng. Khi cô cầm tay anh đặt vào mền, tay anh nóng hừng hực. Dù thời ấy nghiêm cấm tiếp xúc da thịt nam nữ nếu chưa là vợ chồng, cô vẫn sờ trán, sờ mặt Cao Đạt. Đúng là sốt. Giang Tĩnh to tiếng gọi tên anh, nhưng anh vẫn ngủ.
Giang Tĩnh chạy ngược về lớp, la to cho mọi người biết chuyện nguy kịch. Ai nấy chạy tứ tán, người kiếm thày, người kiếm y sĩ. Rồi một y sĩ đến, bảo bệnh tình Cao Đạt may mà biết kịp thời: Chỉ cần thêm nửa ngày nữa, không chữa chạy sẽ chết vì chứng sưng phổi. Thời ấy, không có bệnh viện trong khuôn viên Đại Học Thanh Hoa. Y sĩ kê toa cho Cao Đạt mươi mười lăm thang thuốc Bắc, bảo rằng phải có thân nhân người bệnh túc trực sắc thuốc, săn sóc đắp băng lạnh, lau khăn gỉảm nhiệt bằng nước đá cho anh liên tục, mới mong khỏi bệnh.
Cao Đạt không hề nói anh có thân nhân, bạn bè nào ở Bắc Bình.  Ngay lúc đó, Giang Tĩnh bước lên, nói ”Tôi xin nhận chăm sóc anh ấy. Cao Đạt là hôn phu của tôi.”
Ông Khoa trưởng chuyên nghành là người nhân đức. Ông dàn xếp cho các nam sinh rời phòng khác, lấy chỗ cho Cao Đạt tĩnh dưỡng và Giang Tĩnh được phép chăm sóc Cao Đạt. Nhưng cô vẫn bị nghiêm cấm chuyện ngủ lại trong phòng nam sinh.
Trên mười ngày đêm, Giang Tĩnh liên tục đắp khăn lạnh lên trán Cao Đạt, rửa ráy và cho anh ăn, sắc thuốc cho anh uống. Ánh sáng tỏ lên trong đêm tại buồng người bệnh, mùi đắng của thuốc Bắc tỏa ra ngòai hành lang lẫn với tiếng hát nhỏ của Giang Tĩnh. Cô hát những bài ca miền nam của quê anh, cho rằng làm anh vui mà sớm lại sức. Các bạn học, đặc biệt nam sinh, chỉ biết thở dài trước sự tận tụy của Giang Tĩnh khi chăm sóc Cao Đạt.
Với sự cần cù của Giang Tĩnh, Cao Đạt khỏe dần. Y sĩ cùng phải bảo, Cao Đạt thóat được hàm răng sắc của tử thần.
Tình yêu họ thế là rắn chắc hơn nữa – hết còn ai ghen tị gì sau khi biết những hi sinh mà họ cho nhau. Thế mà vẫn có người xầm xì, là cặp Giang Tĩnh-Cao Đạt không xứng, khác gì đem hoa đẹp đem đi cắm trên bãi phân trâu.
Bốn năm sau đó tại Đại Học, Giang Tĩnh và Cao Đạt nâng đỡ nhau cả trong học vấn lẫn đời sống. Một ngày qua, là một ngày chứng tỏ thêm sự thắm thiết của họ - mối tình đầu của cả đôi, không nao núng bất cứ lý do nào.
Cả hai đều tốt nghiệp Kỹ sư cơ khí, và với Đất Mẹ mới thành hình, còn non nớt, rất cần những kiến thức của họ về kỹ thuật quốc phòng. Giang Tĩnh được phân phối đến một căn cứ quân sự miền Tây-Bắc, còn Cao Đạt thì tới nhiệm sở là một căn cứ quân sự ở Mãn châu. Trước khi xa nhau, họ hẹn nhau nhất định sẽ có cuộc đòan tụ trong khuôn viên Đại Học Thanh Hoa, để có dịp cho nhau nghe thành tích của cá nhân mình với Cách mạng, rồi sẽ đến trung tâm Bắc Kinh cùng ăn kẹo cong cắm mũi người tuyết năm nào. Rồi họ sẽ ký hôn thú với thị thực của Đảng, sẽ du hành đến quê nhà Cao Đạt ở hồ Đại Hồ, nam Trung quốc, họ sẽ lập gia đình ở đó. Thỏa thuận này khắc sâu trong tâm hồn  Giang Tĩnh.
Ngược với mọi mong đợi, họ bị trói chặt trong nhiệm vụ quân đội năm sau đó, lúc cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ bùng. Năm thứ ba xa nhau, Giang Tĩnh bị thuyên chuyển tạm thời đến trung tâm bình nguyên Trung quốc, nội bất xuất ngọai bất nhập. Năm thứ tư, Cao Đạt đổi đến một căn cứ không quân miền Đông Trung quốc. Địa chỉ thư từ của họ chứng minh họ là những người cốt lõi của sự cấp thiết cho tân Trung quốc đối với những nhu cầu quân sự mới.
Sự miễn cưỡng của họ khi phải xa nhau tỏ đầy ra trong hộp kỷ niệm thư từ của nhau, đồng thời cũng chứng tỏ khó khăn gia tăng cùng tột cho việc tái hợp. “Bổn phận với Đảng” đủ làm cho không biết bao dự định tan nát, lại còn ngăn trở mọi thông tin của họ nữa. Cuối thập niên ‘50, Giang Tĩnh bị điều tra về gốc gác xuất thân của gia đình, kết qủa cô bị cho vào trại nông-cải, để “cải tạo” ở một vùng nông thôn Sơn Tây. Lúc đó là lúc tầm quan trọng của nhu cầu quốc phòng xuống hàng thứ yếu, và tầm quan trọng của đấu tranh giai cấp đưa lên trên cùng. Cô mất hết tự do cá nhân, không được liên hệ với ai, cũng như không đi đâu được. Cô gần như mất trí vì thương nhớ Cao Đạt, nhưng những nông dân có nhiệm vụ quản thúc cô từ chối gíup cô. Họ không dám cữơng lệnh Mao chủ tịch nếu như họ thả Giang Tĩnh đi: Cô có thể là gián điệp, có thể sẽ tiếp xúc vơi bọn phản-cách mạng. Sau rồi cũng có đề nghị, hay là cô lấy một nông dân làm chồng, sẽ đổi được thành phần xã hội với căn cước cá nhân mới. Yêu thương Cao Đạt sâu sắc, cô không chịu.
Giang Tĩnh sống chín năm trong một ngôi làng ở Sơn Tây. Nơi bờ suối là nơi dân làng sinh họat tán gẫu, cũng là nơi nghe ngóng thông tin bên ngòai. Giang Tĩnh coi dòng suối như phương tiện duy nhất cho cô nói chuyện được với Cao Đạt. Hầu như hàng đêm, cô ngồi bên suối, im lìm chuyển những ý nghĩ của cô gửi đến Cao Đạt, tưởng tượng dòng nứơc đem tình thương cô đến với anh. Nhưng dòng suối không đem về cho cô tin tức người cô mong.
Nhiều năm sau, dân làng dần quên cô, cô đã trở thành nông dân y như họ. Chỉ có một đặc điểm nơi cô còn sót lại, là một mình cô với ngần ấy tuổi là chưa có chồng.
Cuối thập niên 1960, một nhân viên chính quyền về làng, trao cho Giang Tĩnh lệnh thu xếp ra đi. Lệnh là “nắm lấy cách mạng mà nỗ lực sản xuất”. Phong trào Bài-Xôviết bắt đầu.
Ngay khi về đơn vị, Giang Tĩnh phải chứng tỏ được hai điều. Một là, khả năng cô không thay đổi gì cả. Những năm lao tác làm cô gìa đi. Bạn đồng sự khó khăn lắm mới nhận ra cô, cũng như không tin cô còn có thể làm việc như cũ. Họ cho cô những bài tập khảo sát khả năng. Sau một tuần, họ phải chịu là trí thức xuất sắc cũ của cô không hề bị mất.
Hai là, điều này quan trọng với cô hơn cả, là cô tìm được dấu tích Cao Đạt. Bạn đồng sự, đồng học ai nấy xúc động chuyện của cô, đều tình nguyện chia nhau tìm tông tích Cao Đạt. Ba tháng sau, họ cho biết anh bị khép tội “phản động” cùng “nghi can họat động cho Quốc Dân đảng”. Họ cũng tìm được những nhà tù anh phải trải qua, nhưng chỉ có thế, còn không biết anh ở đâu bây giờ. Giang Tĩnh cũng tuyệt vọng, nhưng không chịu thua hòan tòan: Một khi không có tin chính thức khai tử anh, cô vẫn sẽ hi vọng. Đó, là điều làm cô sống.
Trong những năm của Cách mạng Văn hóa, cô may mắn hơn nhiều đồng nghiệp. Cô được thượng cấp ngầm bảo vệ vì tài năng trí tuệ của cô, họ dấu cô một chỗ khỏi thanh tra của Hồng Vệ binh nhiều lần. Cô trả ơn cho ban lãnh đạo đã chịu hiểm nguy để cứu cô, bằng cách đóng góp nhiều công trình khoa học cho họ.
Giang Tĩnh không ngừng truy tìm Cao Đạt. Cô đi từng làng, từng tỉnh mà anh đã đi qua, ngay cả đến hồ Đại Hồ, nơi họ đã nhắc tới xưa kia. Cô đến đó hai lần. Nhưng không tăm hơi gì.
Trong những năm 1980, sau thời kỳ Cải Cách Đổi Mới, người dân như tỉnh dậy sau cơn ác mộng chính trị và xã hội, đều muốn chỉnh đốn những ngược ngạo trước kia. Giang Tĩnh cũng là một trong vô số người tìm tung tích bà con thân nhân mất tích, qua điện thọai, thư từ, điều tra cá nhân. Lòng nhiệt thành của Giang Tĩnh lại bị coi là thứ yếu: Sau bao nhiêu cay đắng, tan tác, đối với họ, chuyện Cao Đạt thì là chuyện tình của cô, không phải chuyện tình của họ. Cách Mạng Văn Hóa đếm không xuể những nạn nhân tình cảm, rồi người ta thấy, chuyện ưu tiên cho những thiết thực trước mắt quan trọng hơn bất cứ chuyện tình cảm, dù xúc động thế nào đi nữa.
Khi Giang Tĩnh nhận bản danh sách những người sẽ tham dự buổi Kỷ niệm thành lập Đại Học Thanh Hoa năm 1994, bà truy cứu kỹ càng tên Cao Đạt, nhưng không tìm ra. Khi bà đi Bắc Kinh dự hội, bà đem theo hàng chục tờ in xin giúp truy tìm người thất tung, đẻ cho các cụu sinh viên giúp đỡ.
Ngày đầu tiên của lễ hội, thành viên đổ về khắp mọi nơi của Trung quốc, tụ hội trong khuôn viên Thanh Hoa. Bạn học trẻ mừng rỡ: Họ khen nhau trông không khác xưa mấy. Thế hệ gìa hơn hơi ngập ngừng, đa số bọn họ, phải đợi cho đến khi vào buồng được sắp xếp sẵn cho đồng khóa, lúc ấy may ra họ mới nhận ra nhau.
Không ai nhìn ra được Giang Tĩnh trong lúc náo nhiệt, bà cũng không nhận ra được ai. Nhân viên trực ban của Đại học đưa bà đến căn phòng dành riêng cho sinh viên cùng khóa của bà. Ngay khi ngồi xuống, Giang Tĩnh nhìn lập tức vào tấm lưng của người đàn ông ngồi trước, người đàn ông mà dù chỉ thấy tấm lưng bà cũng không bao giờ nhầm lẫn được, sau bao nhọc nhằn, gian khổ - Cao Đạt. Giang Tĩnh chấn động; bà bắt đầu run rẩy, tim đập dồn dập rồi bà bất tỉnh. Nhân viên trong ban tổ chức xuất hiện, đỡ bà dậy, lo lắng, không hiểu chuyện gì, “Hay là bà bị lên cơn đau tim?” Bà không nói được – chỉ khóat tay ra hiệu là bà không sao cả, rồi chỉ tay về phía Cao Đạt.
Bà đứng dậy, cố bứơc đi đến chỗ Cao Đạt, tim bà nặng trĩu nên bước đi rất chậm. Ngay khi bà sắp lên tiếng, bà nghe ông đang giới thiệu,”Đây là vợ tôi, Lâm Chân, đây là con gái lớn, Niệm Hoa, cháu gái thứ hai, Niệm Giang, cháu gái út, Niệm Tịnh. Vâng, vâng, chúng tôi mới tới…”
Giang Tĩnh tê liệt tòan thân.
Cao Đạt quay lại đúng lúc ấy, ông run rẩy lập tức khi nhìn thấy Giang Tĩnh. Ông há hốc. Bà vợ ông lo lắng hỏi, “Sao thế.” Ông run rẩy,”Đây…đây…là Giang Tĩnh.”
“Giang Tĩnh? Lẽ nào…” Hẳn là bà đã từng nghe tên này.
Ba người cao niên cạnh nhau cùng chấn động, cùng im lặng, cùng không biết phải làm gì. Vợ Cao Đạt ứa nước mắt  nói với Giang Tĩnh, là bà chỉ lấy ông sau khi ông nghe tin Giang Tĩnh đã qua đời. Rồi bà nhóm dậy bước đi, cho Giang Tĩnh và Cao Đạt ngồi lại với nhau, nhưng Giang Tĩnh ngăn lại.
“Xin đừng…Xin đừng đi. Thời ấy chúng tôi còn trẻ, đấy là chuyện ngày xưa, còn bà đang có cả gia đình thời nay; Tôi được biết Cao Đạt hạnh phúc thì tôi càng đỡ một mối lo: Xin đừng làm gì động chạm đến gia đình này.”
Giang Tĩnh không biết có nói thật lòng không, nhưng rõ là bà thành thực.
Khi cô gái út của Cao Đạt biết Giang Tĩnh là ai, cô nói,” Tên đầu tụi con gồm 3 chữ,”Niệm Giang Tĩnh”(Nhớ Giang Tĩnh) Ba mẹ con giảng là, tên chúng con đặt ra để nhớ về bà. Cách Mạng Văn Hóa làm đời người xáo trộn cả. Bà cũng đã thấy như thế, con xin bà tha thứ cho cha mẹ con.”
Giang Tĩnh bỗng nhiên thấy bình an, đủ sức đứng lên, nắm tay vợ Cao Đạt, nói,” Cám ơn bà nhớ tôi, cám ơn bà cho ông ấy một gia đình hạnh phúc. Từ nay trở đi, tôi hạnh phúc hơn, vì tôi đỡ một mối lo. Nào, ta cùng đi tham dự liên hoan với nhau nào.”
Ai nấy đi theo Giang Tĩnh đến Khách Sảnh. Sau khi an vị, Giang Tĩnh lặng lẽ lẻn ra về khách sạn của bà, rồi ở đó bà đốt những tờ in tìm người, và cùng lúc những tờ giấy rã thành than, cũng là lúc niềm hi vọng và ý muốn duy trì đời sống nơi bà tan rã.
Vài ngày sau, bà gọi điện về nhiệm sở yêu cầu gia hạn nghỉ. Họ cho biết có một điện tín của ai đó tên Cao Tiến gửi bà, nói “khẩn”. Đó là lúc Giang Tĩnh hiểu ra, là vì Cao Đạt đổi tên, nên bấy lâu không tìm được.
Giang Tĩnh đáp xe lửa đi Đại Hồ, tính mua nhà khu đó, như dự tính của bà cùng Cao Đạt ngày xưa. Bà thấy không đủ tiền cũng như sức nữa, nên đến ở khách sạn cạnh hồ. Bà không muốn tiếp xúc với ai, chỉ sống bằng mì gói, trộn với nước nóng để đủ cho bà trầm ngâm suốt đêm suốt ngày.

Giang Tĩnh sắp kể xong chuyện đời bà. Bà yếu ớt khóat tay một vòng trước mặt.
“Bốn-mươi-lăm năm liên tục thương nhớ ông ta, nước mắt tôi có thể đọng thành vũng. Mỗi ngày tôi chờ đợi cạnh vũng nước ấy, vì nó cho tôi sự yên tĩnh và lòng yêu thương. Tôi tin người tôi thương sẽ bước ra khỏi vũng nước, sẽ ôm tôi – nhưng ông ấy ra khỏi vũng nước rồi, cạnh ông là người đàn bà khác. Bước chân họ làm tan vỡ sự yên tĩnh của mặt nước. Làn nước gợn lên, xóa mất hình ảnh phản dội của mặt trời mặt trăng – thế là tôi hết hi vọng.
“Để tiếp tục sống, tôi cần phải tẩy xóa hình ảnh Cao Đạt cùng tình cảm của tôi. Tôi mong Đại Hồ giúp tôi được, nhưng cái gì ghi dấu đã bốn-mươi-lăm năm thì rất khó tẩy.”
Tôi nghe sự trống vắng trong giọng Giang Tĩnh, chứa những buồn bã và tuyệt vọng. Không lời nào có thể an ủi được.
Toi phải trở về với con tôi là PanPan và công việc, nhưng tôi không muốn Giang Tĩnh ở một mình, tôi gọi điện hỏi bố tôi ngay tối đó, là ông có thể cùng mẹ tôi đi Ngộ Đức thăm bệnh Giang Tĩnh ít ngày được không. Họ đến ngay hôm sau. Khi tiễn tôi từ bệnh viện về, mẹ tôi bảo,”Giang Tĩnh hẳn là đẹp lắm lúc trẻ.”
Tuần sau, cha mẹ tôi về lại Nam Kinh. Cha tôi kể là, được Giang Tĩnh đồng ý, ông đã liên hệ với nhiệm sở của bà. Họ đang lo lắng cho bà, nên gửi ngay người đi Ngộ Đức thăm nom bà. Cha tôi còn bảo, không cho Giang Tĩnh biết, ông đã kể chuyện bà bằng điện thọai cho các bạn học ngày xưa. Ông gìa cộc cằn khô khan của tôi, không nén được xúc động, vừa nói vừa khóc,”Chúng ta đều biết Giang Tĩnh đau khổ dường nào, nhưng không ai hiểu nổi bề sâu tình cảm của bà.”
Cha tôi cũng tìm ra được lý do Cao Đạt đổi tên, ông cũng đã kể cho Giang Tĩnh: Một thủ lãnh Hồng Vệ binh nơi trại tù lần thứ nhì của Cao Đạt lại trùng tên với ông. Ông bị đổi tên thành Cao Tiến, tên ấy đâm ra ghi trên hết thảy sổ hộ tịch tù nhân về sau, một việc rất phi luật. Cao Tiến khiếu nại khắp nơi, chỉ được trả lời câu trả lời độc nhất,”Bao nhiêu sai lầm trong Cách Mạng rồi – Ai mà sửa cho hết mọi điều?” Sau nữa, có người báo tin cho Cao Đạt, là Giang Tĩnh đã tử nạn giao thông hai mươi năm rồi, cho nên ông để cho tên Cao Đạt chết theo.
Giang Tĩnh bảo, “đàn bà là nước, đàn ông là núi” – so sánh như thế không biết có đúng không? Tôi nêu câu hỏi trên đài, chỉ nội một tuần, nhận được trên hai trăm hồi đáp. Trong số đó, có tới mười câu góp ý lại từ chính đồng nghiệp trong Đài của tôi. Anh chàng Lý Bự trong sở tôi viết,”Đàn ông Trung quốc cần đàn bà để tạo ra hình ảnh của mình – như bóng núi in trên mặt nước. Nhưng nước lại đổ từ trên núi mà xuống. Thề thì hình ảnh mà nước in ra, là hình ảnh của núi hay của nước?”
-Vũ Huy Quang dịch
(7-2012)

Tagged

0 nhận xét