Open top menu
Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012



                            
                                                  ( tiếp theo)

Thế rồi cái giờ G., giờ tự vệ Hà Nội nổ súng vào quân đội Pháp cũng đã tới. Vào cái giờ phút long trọng này, ông Liên khu trưởng Quốc Vinh ngồi với chị cán bộ Oanh  và nói vào máy điện thoại :
“ Pháo đài Láng chuẩn bị pháo lệnh kháng chiến…”
Trong giờ phút tối quan trọng, cần tập trung vào chỉ huy chiến đấu thì ông Liên khu trưởng lại …suy nghĩ về bác Hồ :
“Quốc Vinh cầm lấy cái ảnh Hồ Chủ tịch đặt trên bàn rồi lại để xuống. Anh chưa được gần người đồng chí già ấy bao giờ. Trừ cái ngày mồng hai tháng chín ấy. . Đứng dưới lễ đài để bảo vệ , anh ngước lên, thấy lẫn với nhiều người, lẫn với cờ và ô, nhà cách mạng lăn lộn khắp năm châu trở về , đen sạm vì nắng mưa và sốt rét , vừa ho vừa đọc bản Tuyên ngôn độc  lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà . Lúc này đây , lãnh tụ đang trông ngóng chờ anh. …”
Trong các nhà văn của Đảng, Nguyễn Huy Tưởng có lẽ quán quân về “nâng bi lãnh tụ”, chỉ sau Tố Hữu và ngang ngửa với Chế Lan Viên. Sau khi “cơn yêu lãnh tụ” đã qua , ông chỉ huy mới nhớ tới các đồng đội  :
“ Trong cái vắng lặng của một cuộc đời đang thay đổi lớn , anh cảm thấy đất  ở dưới chân anh chuyển động. Anh như đang trông thấy , nghe thấy đồng chí và đồng bào tiến sát tới cầu Long Biên , Cửa Đông, Cửa Bắc ; Vi Dân đã chôn bom ở Cửa Nam ; những ống hơi của của Sinh sắp  nổ trong lò than của xưởng giặc trong thành ; phủ Bắc bộ đã sẵn sàng , các ô cầu Rền, ô Chợ Dừa, ô Cầu Giấy đang vít chúng nó lại , trường bay Gia Lâm sắp bốc cháy ; xa xa cầu Đuống sắp được chiếm lại, xa nữa Bắc Ninh; xa nữa Huế, Sàigòn đang hướng cả về thủ đô…”
Bỏ qua cái “lãng mạn không đúng lúc” ông chỉ huy quân sự lúc này lẽ ra phải tập trung hết tinh lực đón tin tức báo về và ứng phó kịp thời, bỏ qua  tính cách vô lý đó, người đọc có thể thấy trên mặt trận toàn Hà Nội toàn tự vệ với nhân dân không thấy bóng dáng “bộ đội chính quy “ ở đâu ngoài mấy anh lính người Thượng canh gác Bắc Bộ phủ. Như vậy cho mãi tới 19 tháng 12 năm 1946, lực lượng vũ trang của đảng vẫn còn quá mỏng, bởi thế cuộc giành chính quyền tháng 8 năm 1945 chủ yếu do nhân dân đứng lên trong sự im lặng “bất can thiệp “của cả chục ngàn lính Nhật vẫn còn nguyên vũ khí. Từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, những người cộng sản dường như đã “tiếp quản” chính quyền từ tay nhân dân mà không đổ một giọt máu và ngay lập tức họ biến  nó thành của riêng và dồn hết tâm lực thiết lập chế độ độc quyền lãnh đạo, toàn trị cho tới tận ngày nay. 
Kim đồng hồ vẫn nhích tới giờ G và ông chỉ huy quân sự vẫn miên man trong những suy nghĩ “trừu tượng” tận  đẩu tận đâu :
“Trên con đường tiến lên đạp đổ mọi ngai vàng và xiềng xích , dẫn đến công lý và hạnh phúc , anh đã trông thấy nhiều máu phải chảy ra , nhiều đầu phải rụng xuống . Giờ đã đến mà sự chém giết sẽ dữ dội hơn nữa , đồng bào anh sẽ trải qua những tang tóc lớn lao. Nhưng cách mạng cứ phải đi  và cuốn theo nó hàng vạn , hàng triệu con người trong đau thương và trong tin tưởng, đứng dậy, lớn lên…”
Vậy người cộng sản đã biết trước cái giá phải trả của dân tộc cho cuộc cách mạng mà họ tiến hành. Dẫu rằng “nhiều máu phải chảy ra, nhiều đầu phải rụng xuống” , mặc kệ, “cách mạng cứ phải đi” kéo theo hàng triệu người chết trong đau thương . Có vẻ coi “‘cái chết “ của nhân dân “ nhẹ tựa lông hồng”, mạng sống của con người như con sâu cái kiến, nên những người cộng sản tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ rằng liệu còn có con đường nào khác  không phải đổ xương đổ máu mà vẫn giành được độc lập tự do cho dân tộc ? Không, họ không bao giờ có ý nghĩ “phản loạn “ thế. Họ coi hàng triệu người nông dân rồi đây sẽ ngã xuống chẳng có mấy ý nghĩa , cái cao hơn hết thảy là sự nghiệp của đảng, là sự tận diệt các đảng phái, các nhóm đối lập chính trị để  đảng khư khư độc quyền lãnh đạo – đó mới là cái đích tối cao họ nhằm tới.
Và rồi “ Phút cuối cùng . Và phút đầu tiên”.
Quốc Vinh đứng dậy nói to như để bù lại những ngày uất ức :
“ Tiêu diệt thực dân Pháp…”
“… Họ ôm choàng lấy nhau trong bóng tối; giữa những tiếng reo ngoài phố khi đèn tắt , tiếng chân chạy ngoài đường  và tiếng chó sủa vang.  Họ chuyền cho nhau sổ tay để ký dưới ánh sáng lay động của những ngọn nến…”
Thật không thể hiểu nổi tại sao vào giây phút thành phố bắt đầu vào cơn huỷ diệt , máu bắt đầu chảy, xác người bắt đầu chồng chất vậy mà các vị ‘cán bộ’ này lại trao sổ  ký lưu niệm . Ba ông bà cộng sản có khi nào làm cái việc “ tiểu tư sản dở hơi” này đâu, nó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của ông nhà văn để tăng thêm chất “tiểu thuyết” cho cuốn truyện vậy thôi.
Tuy nhiên từ giờ phút này, sau tiếng pháo lệnh của pháo đài Láng, tất cả những  người Hà Nội , người cách này, kẻ cách khác, nhưng tất cả đều  đã bước vào cuộc chiến tranh mà ít ai ngờ ràng nó kéo dài tới 9 năm nữa.
Trước tiên là Trần Văn – anh giáo trường tư , quên cả mẹ nơi tản cư  mà mơ mộng : “Khi xe tăng giặc đến thì mình phải nhảy ra mà ném chai ét xăng  cơrếp rồi quăng lựu đạn. Dũng cảm hơn, phải lao vào xe, cầm một khúc gỗ đút vào xích xe cho nó bật ra khỏi bánh…”. Ấy thế mà khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến nổ ra, Trần Văn lại đang đi …hát cô đầu và ngủ dậy muộn. Thực ra sẽ có những trang tuyệt hay nếu ông nhà văn miêu tả cái cuộc hát cô đầu ấy vào lúc nổ ra tiếng súng toàn quốc kháng chiến. Nhưng ông đã không làm chuyện đó, ông cho Trần Văn  tỉnh dậy và chạy thục mạng ra phố.  “ Vừa nhảy xuống đường hàng Khay , anh vấp ngã , nằm lên một xác người, tay anh mó vào một khúc ruột lầy nhầy. Anh giật bắn người  lên, rùng mình và nghẹn cổ…”Vậy là Trần Văn thay vì trở thành một dũng sĩ đánh bom ba càng thì lại trở thành một anh chạy trối chết trên đường phố Hà Nội để chứng kiến cuộc chiến đang diễn ra.
Theo chân nhân vật Trần Văn, tác giả diễn tả cuộc chiến đấu ác liệt của người Hà Nội chống Pháp.
“ Anh đi trên hè , phút lại lủi vào bờ, ôm lấy thân cây. Bên kia, trước cái bãi ô tô gần nhà bưu điện , lố nhố hai bóng người.Anh định thần thì thấy họ đang lúi húi mỗi người chặt một cây. Một đoàn xe Pháp chạy rầm rộ trên đường hàng Khay bắn lẹt đẹt sang….”
Cuộc chạy trốn của Trần Văn đưa anh tới Nhà máy điện – ở đây anh chứng kiến bi kịch não lòng của Trinh, người yêu cũ, bỏ anh đi lấy chồng giàu. Hình như cái sự “tham vàng phụ ngãi” gây cho tác giả  mối ác cảm ghê gớm lắm nên ông đã cho gia đình Trinh tan nát đứng vào lúc cả hai vợ chồng sắp lên máy bay đi Pháp.
“ Bao – chồng Trinh đã lấy được vé máy bay để sáng mai cùng đi với vợ chồng viên Giám đốc sang Pháp. …Thế rồi nổ súng , điện tắt. . Vợ chồng Trinh và vợ chồng  viên Giám đốc ở trên gác chạy xuống hầm. .Họ còn đứng trước thềm lúng túng trong bóng tối thì tên lính Pháp xồng xộc tới. Bao chỉ kịp thét Trinh ra hầm thì đã bị bắn gục ngay trên thềm….”
Vậy là tai hoạ đã giáng xuống, chỉ trong nháy mắt gia đình Trinh đã tan vỡ. Đúng lúc này, Trần Văn, người yêu cũ của Trinh đã xuất hiện như một định mệnh để giúp cô qua được những bất hạnh đang đổ ụp xuồng đầu…                                                                        
Thấy Trần Văn ẵm giúp con mình , Trinh tưởng rằng “ anh nghĩ về mối tình cũ” với cô nên mới sốt sắng vậy. Nhưng cô đã nhầm ,“đối với mối tình đầu , anh gần như đã nguội lạnh và cho đấy là một thắng lợi lớn của tình cảm...”. Đã xác định tình yêu theo kiểu “ đánh trận” như vậy trách nào chàng chỉ huy tự về chẳng thấy “ trước mặt, Trinh chỉ là một người cơ nhỡ , một nạn nhân của chiến tranh .Nhìn Trinh nhỏ bé trong bóng tối, lảo đảo vì mệt mỏi, khuỵu luôn, trật giày luôn , anh thấy ngậm ngùi thương hại”. Vậy chỉ còn thương hại thôi, tình yêu đã chết thật rồi, lòng anh chỉ còn nghĩ tới “anh em sắp gặp”, tức nghĩ tới cuộc chiến  đấu thôi.
Thế rồi anh đưa Trinh và con cô tới nhà cụ Tĩnh Trai , “một tay thích chơi hoa, nhà ở giữa phố, chỉnh tề khăn xếp, cộp cộp giày  ban đi ra.
“ Thế là mừng. Sau cái vụ Yên Ninh, cái vụ Đồng Xuân, tưởng là chết hết. May ra yên được. Tôi đang lo cho cái hoa quỳnh nhà tôi mười hai giờ đêm nay nở, không ai đến xem. Chè bánh sẵn cả . Mời các đồng chí chốc nữa vào chơi. Hoa quỳnh nở là hiếm., lại vào đúng đêm nay. Điềm lành mừng cụ Hồ. Tới cả cho vui nhé.Đúng giờ , chỉ mấy phút nó tàn thôi. Phải xem lúc nó đang nở mới đẹp...”
Người ta có thể đặt câu hỏi liệu giữa lúc đầu rơi máu chảy, bom đạn dày đặc như đêm mở đầu toàn quốc kháng chiến này, liệu có ai bầy tiệc để mời khách tới coi hoa quỳnh nở chăng ?  Quả thực ông nhà văn đã quá đà trong mô tả cái ‘thong dong vào trận’ của người Hà Nội làm người đọc khó mà tin nổi phải đặt dấu hỏi về tính xác thực của nó.

                                          (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét