Open top menu
Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012




                                              TRÂN ĐỘC TÚ
                                                                 (1879 -1942)
 người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng bị Quốc tế Cộng sản đưa ra khỏi Trung Ương


Truyện cổ Trung quốc từ đời nhà Tùy (Tùy Dạng đế) kể rằng, có một bạo chúa, sợ dân bất mãn thế nào cũng có ngày nổi dậy, lập mưu trừ hết những mầm nổi lọan, bằng cách loan báo tuyển võ sĩ trên toàn quốc. Vua nhốt hết họ vào trong hầm tối, chờ ngày ra đấu trường tỉ thí với lời hứa, người nào thắng cuối cùng được trọng dụng. Thực ra, khi tỉ thí, người thắng cuối cùng sẽ phải giết hết người khác, rồi cũng bị vua giết để bảo vệ ngai vàng. Có một ngày, cánh cửa đá vĩ đại kéo lên, chỉ trong chốc lát sẽ sập xuống, trước khi võ sĩ vua đến. Ai ra ngoài kịp thì thoát, ai ở lại sẽ phải sống trong tăm tối mãi. Khi cửa đang đóng xuống, có một người khổng lồ kê vai ra đỡ, ra hiệu cho tù nhân chạy khỏi. Sống trong tối đã lâu, nhiều tù nhân sợ ánh sáng, không muốn ra, nên chỉ rất ít người chạy thoát. Người khổng lồ thu hết sức chống đỡ cho đến khi kiệt lực, bị cửa đá sập xuống đè chết.
Đây có thể là một ẩn dụ cho cuộc đời, còn gía trị mãi, đã dùng làm nhan sách về tuyển tập cho văn học mới của Trung quốc, “Cánh cửa tối ám”. (Gate of Darkness) của Lỗ Tấn là tuyển tập của các nhà văn thời đầu cách mạng. Ngụ ý truyện, những người sống sót thì nhiều;  những người ở lại trong hầm tối, thì ít.
Chính ra những người tiếp tục sống trong hầm tối, rất mãn nguyện, có khi thầm mừng cho mình không phải ra nơi chói mắt, và ung dung sống trong bóng tối, nơi thỉnh thỏang họ lại tàn sát lẫn nhau, hi vọng có ngày bạo chúa trọng dụng.
Có khi những người sống ung dung trong bóng tối còn chê bai người thoát ra ngoài, người thì lờ đi không muốn nhắc đến, người thì lại phỉ báng người khổng lồ bị đá đè kia, mới là điều cay đắng nhất trong lịch sử. Ngẫm về chuyện ngụ ngôn này, tôi nẩy ra ý dịch chút ít về Trần Độc Tú, một trong những người khổng lồ không chỉ của Trung quốc, mà cả nhân lọai.
-Vũ Huy Quang.

Trần Độc Tú: Những quan điểm chính trị cuối cùng.

Dẫn nhập: Trần Độc Tú (1879-1942), sinh quán An Huy, lãnh tụ đầu tiên của đảng Cộng sản Trung quốc 1921, cũng là lãnh tụ phong trào Tân Thanh niên 1915 và Cách mạng Văn Hóa 1917, sinh ra Ngũ Tứ Vận Động 1919 sau này. Hiếm ai bị vu khống, mạ lị, hiểu lầm, và bị nhiều bi kịch như ông – cũng như ít ai được ngưỡng mộ ngày càng nhiều như ông. Vết tích về họat động Trần chỉ có rất ít người thu thập được rồi viết ra, hoặc vài đồng chí cũ sống sót, hoặc học giả ngoại quốc khảo cứu, hoặc do người đời sau sưu khảo các tài liệu cũ mà thành, như Thomas C. Kuo. Sách ông này xuất bản 1975, được đánh giá cao.
Sau đây là những ghi nhận của Kuo về tư tưởng chính trị Trần Độc Tú lúc cuối đời, Ch’en Last Political view, dịch từ trang 238-248: “Ch’en Tu-Hsiu and the Chinese Communist Movement” - T.C.Kuo.
                                                                 ***
Cuộc xuất hiện trước công chúng lần cuối của Trần Độc Tú là tại Trùng Khánh, khi ông đọc bài diễn văn chủ đề “Tư bản tại Trung quốc” ở Dân sinh Công Sự. Sức khỏe ông đang lúc suy thóai, làm ông từ nơi thủ đô chiến tranh (Nam Kinh) về Thường Xuân (Chiangchin – thuộc Trùng Khánh) trong khoảng xuân 1939 để sống bốn năm cuối cuộc đời với vợ là người nội trợ. Ở Thường xuân, thỉnh thoảng có vài người bạn, hay học trò cũ đến thăm ông.(1) Ông cũng có vài người bạn tốt mới, hết lòng với ông như cụ Đặng Sanh Cửu, cháu cụ này là Đặng Từ Cương, và giáo sư Tôn Mạnh Chí, ông sau này là Giám đốc Ngũ Đài học hiệu. Trần thích đi dạo trong hoa viên của cụ Đặng, khu vườn hoa trái sát sông Dương tử, và đã nhiều lần mải ngoạn cảnh quên về (2) Trần dành nhiều thì giờ cho việc nghiên cứu triết học cổ Trung quốc, viết thư cho bạn cũ về những lý luận chính trị, những lá thư sau được thu thập rồi xuất bản năm 1950, có tựa đề, Trần Độc Tú Tối hậu Luận chiến (Quan điểm cuối cùng của Trần Độc Tú).
Một chuyện quan trọng về cuối đời Trần, là ông từ khước nhận bất cứ trợ giúp tài chính nào, của Chính phủ Quốc gia lẫn bạn bè - cho dù ông sống rất nghèo.(2) Ông nhất định bảo là ông có thể sống được, với thu nhập từ công sức của mình. Đó có thể là lý do ông bận bịu việc giảng, viết, dạy. Không may, là sức khỏe ông xuống dốc làm ông bị giới hạn rất nhiều (bệnh sơ gan). Sau cùng, một ông bạn là Khoa trưởng Đại Học Côn Minh (của các trường thời chiến gộp lại, như Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, Nam Đài dọn về đây) là Trương Mạnh Lân góp phần phụ giúp. Trần nhận được lương tháng của Đại Học Tổng Hợp trên, với điều kiện là mọi sự in ấn thuộc về những điều Trần viết về triết học cổ Trung quốc, Đại Học có độc quyền xuất bản về sau.(4). Thỏa thuận này đúng ý Trần, để ông sống ẩn dật, mà vẫn độc lập chuyện tài chính. Chuyện dàn xếp của ông Trương được chập thuận của Chính phủ, vì muốn trả ơn Trần việc ông ủng hộ sự lãnh đạo của Quốc Dân Đảng trong chiến tranh Trung - Nhật, nên Trần sống thoải mái. Nay có lẽ là lần đầu tiên Trần có cuộc sống riêng tư, ổn định. Cũng có thể ông cảm thấy cô đơn, nhưng nay ông hoàn toàn cách xa chuyện chính trị. Cho nên những nhận định thời sự chính trị nay mới là chính của ông – ông không đại diện ai – chỉ cho riêng ông mà thôi. Ông còn tuyên bố là không cần xem ai đồng ý hay không – dù cho bạn hữu có vì thế mà bỏ ông đi nữa. (5)
Tuy nhiên ông vẫn không chỉ để ý về triết học cổ Trung quốc. Ông muốn nhận định về cả Trung quốc lẫn thế giới; cho nên hai năm cuối đời, dù nằm trên giường bệnh, ông vẫn nghị luận qua thư từ với bạn hữu về chính trị. Tổng kết luận định của ông về Nga Xôviết, dân chủ, và vị thế toàn cầu là những điều sẽ được trình bày sau đây.
Sự sắc bén về dân chủ và chế độ toàn trị của Trần bật ra từ chiến tranh Âu châu, khi Hitler xâm chiếm Ba Lan, tháng Chín 1939. Cơ quan ngôn luận chính của ĐCSTQ là Tín Hoa nhật báo tại Trùng Khánh in đi in lại bản dịch từ luận điểm của Lênin về Thế chiến I. Vì coi Thế chiến II là sự lập lại của Thế Chiến I, ĐCSTQ nhận định rằng đó là chuyện tranh giành của đế quốc, tất cả đều là bọn săn mồi. Đông Hướng nguyệt san, cơ quan ngôn luận của Trốtkýt Trung quốc, cũng đồng quan điểm.
Trong bức thư gửi cho bạn ông là Đức Liêu, Trần chỉ ra, quan điểm của Lênin lúc ấy là đúng, chỉ vì không lập lại nhận định của Mác-ĂngGhen năm chiến tranh Đức-Phổ, 1870. Luận chứng của Lênin, đặt trên căn bản phân tích bản chất Thế Chiến I. Trần cho rằng không luận cương chính trị nào đứng vững, nếu không xét kỹ về yếu tố không-thời-gian của cuộc chiến đó. Cho nên, nếu coi là hai thế chiến như nhau, tức là coi cùng sai lầm như nhau, thì bỏ qua mất yếu tố biến chuyển trong lịch sử. Với Trần, Đệ Nhị Thế chiến không thuần là chiến tranh đế quốc, mà còn là, và chính là, chiến tranh của các nước đế quốc toàn trị, với các đế quốc theo dân chủ. Để bảo vệ dân chủ, dân chúng Trung quốc, kể cả đảng CSTQ phải đứng về phe dân chủ, tức là phe Đồng Minh, chống phe Trục.(6).
Mát-cơ-va, theo Trần, lại mâu thuẫn khi đối xử với Nazi Đức cũng như đối xử với Đồng Minh. Mùa xuân 1939, Liên bang Xôviết, trong lúc vừa tỏ ý đứng về phe các quốc gia chống sự gây hấn của Đức, lại sau đó tỏ vẻ lật ngược quan điểm. Khi xét về chuyện Nhật xâm chiếm Trung quốc, Stalin tố các nước Tây phương đều bỏ mặc cho Nhật muốn làm gì thì làm, chỉ chú ý đến việc  mậu dịch, coi nước đang xâm lăng và nước nạn nhân của sự xâm lăng, như nhau. Stalin ngụ ý rằng với những diễn trình như thế, Liên bang Xô viết cảm rằng họ cũng sẽ bị đối xử không khác, cho nên sẽ phải tự phòng vệ mình. Nên ông ta tuyên bố, rằng “Xôviết sẽ trông chờ hòa bình bằng đường lối ngọai giao với tất cả các nước, để đổi lấy sự yên ổn, thay vì chịu những cú xâm chiếm, hết cú này đến cú khác.” (7). Kết cục, là năm tháng sau khi Stalin xỉ vả Tây phương, ông ta ký hòa ước với Nazi Đức. Thế là lần nữa, Xôviết liên minh với kẻ thù. Thật rất khó để kết luận là chuyện này do kết qủa từ hoàn cảnh, từ chiến lược, hay thuần ngẫu nhiên. Chuyện lật ngược này làm lãnh tụ các đảng Cộng sản khác không biết phải đồng tình, hay phải biện chính lại. Trần, nhìn về phía CSQT có chính sách hai mặt với Hitler, cho rằng người ta không thể vừa thuận-Hitler, lại vừa chống-Hitler cùng lúc. Nếu thế, ai muốn chống Hitler thì lại không chống kẻ thù của Hitler; thành thử sẽ không thế nào ngăn được chiến thắng của Nazi.(8)
Tháng sau, Trần viết thư khác cho bạn là Đức Lưu, tỏ nhận định về chiến tranh chống toàn-trị, mà thư trước chưa đề cập. Lần này, ông không đặt mình vào vị thế của Đồng Minh, mà so sánh chế độ Cộng sản ở Nga với chế độ Nazi ở Đức, là hai chế độ toàn-trị không khác gì nhau. Ông viết:
“Nay, chế độ toàn-trị cùng với G.P.U (9) của Đức và Nga Xôviết, với Nhật cùng Ý là vệ tinh, là chế độ của “Giáo hội–Nhà nước” thời nay. Những hệ thống này, còn ác hơn thời “Nhà nước-Giáo hội” thời Trung cổ, cho nên phải bị phá bỏ nếu nhân loại còn muốn có tương lai. Vì lí do đó, mọi cuộc tranh đấu - kể cả cuộc tranh đấu chống đế quốc – phải thành thứ yếu; bất cứ cuộc tranh đáu nào tổn hại cho cuộc tranh đấu này sẽ thành phản động. Trong quan điểm đó, mọi họat động chống-chiến tranh trong các nước Anh, Pháp và Hiệp chúng quốc Mỹ, kể cả cho độc lập Ấn độ, đều là phản động. Bất cứ cuộc tranh đấu quốc gia nào mà tách rời khỏi lợi ích cho cuộc tranh đấu này phải coi là phản động. Dù Ấn độ có được độc lập với Anh, rồi cũng rơi vào kiểm soát của Nhật hay Nga Xôviết mà thôi, chỉ làm Hitler tăng thêm khả năng có chiến thắng quyết định với Anh quốc.”(10)

                         (còn tiếp)


Tagged

0 nhận xét