Open top menu
Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012




                            (tiếp theo)

Ở nhà cụ Tĩnh Trai  bất ngờ Trần Văn gặp lại đơn vị anh chỉ huy bị lạc sau đêm anh ...đi hát cô đầu và ngủ quên. Mọi người reo lên quây Trần Văn vào giữa . Người nào cũng có vẻ nai nịt như sắp đi đâu. Anh đứng tần ngần thấy mình như xa lạ. Hóa ra không có anh ở nhà cũng chẳng sao.Họ niềm nở, không lạnh lùng như anh tưởng…Mộng Xuân rỉ tai anh :
“ Đi đánh nhà Sauvage. Thôi, ta nói chuyện sau. Đi thôi, mười một giờ rồi. Các chị đã sửa soạn chờ liên hoan chúng ta thắng trận trở về. Lệnh  phải tiêu diệt cho bằng được bọn lính Pháp ở đấy. Thu bằng được toàn bộ vũ khí…Khẩu súng và lựu đạn của anh , chú Lai giữ…”
Người ta thấy lạ khi đơn vị nhận nhiệm vụ chiến đấu, viên chỉ huy bỏ cả súng đạn ở nhà để đi hát…cô đầu, lạc mất đơn vị, thế mà vẫn không sao, lúc vô tình gặp lại đơn vị anh ta vẫn chỉ huy chiến đấu  như không có chuyện gì xảy ra. Vậy kỷ luật chiến trường ở đâu, sắp chiến đấu mà đào nhiệm chắc chắn sẽ phải ra toà án binh lĩnh án tù.
“ Trần Văn thắt dây súng lục, giắt hai quả lựu đạn của anh. Anh nghĩ sẽ không oán thán gì nếu anh được chết trong trận đánh này để chuộc lại cái hành động đáng tiếc của anh…”
Và lúc này, lẽ ra phải nắm lại đơn vị để chỉ huy tác chiến, thật đáng ngạc nhiên, Trần Văn lại nhớ tới chuyện đâu đâu. Không phải cô người yêu cũ mà anh bỏ lại, cũng không phải cây hoa quỳnh của cụ Tĩnh Trai sắp nở mà là…” một câu thơ của Victor Huygo đến với anh. Những người đi chết cho Tổ Quốc được quyền có quần chúng đến bên linh cữu mình khấn vái…  Lại một áp đặt khiên cưỡng của ông nhà văn lên nhân vật. Cũng may, phút cuối cùng Trần Văn cũng còn nhớ tới người yêu cũ mà anh đang cưu mang, anh cũng chẳng giúp gì được  ngoài một câu từ biệt :
“ Tôi có nhiệm vụ phải đi ngay. Tôi sẽ nhờ ông  cụ giữ nhà này để chị tạm nghỉ lại  đây đêm nay. Nếu tôi được  trở về tôi sẽ thu xếp sau…”
Chỉ thế thôi, chàng chỉ huy tự vệ bỏ lại cô người yêu cũ với đứa con nhỏ trên tay bơ vơ giữa rừng tên mũi đạn để đi … chiến đấu. Sáng hôm sau Trinh đành phải bế con cùng bà vú xách va li tìm về nhà chồng – nhà Cự Lâm . Khi về gần tới nơi, bà vú bị đạn bắn chết , “ Trinh gục đầu vào cái bọc của con và lịm đi, không dám nhìn xác người vú và cũng không còn thiết gì đến xung quanh…”. Sau cùng nàng cũng ôm con lết được về tới nhà . Bố mẹ chồng đã đi tản cư, còn lại một lũ em đều là dân “ lá ngọc cành vàng” từ bé chưa biết thế nào là gian khổ. Trước  hết là Lan, cô em chồng của Trinh.  Khi điện tắt, súng nổ “ Lan nấp vào cái khe giữa thành bể cạn và bức tường ngăn với nhà bên cạnh. Cái khe đã có từ ngày Lan còn bé nhưng chưa bao giờ Lan vào đây và cũng chẳng để ý….”
Lúc súng bắt đầu nổ, “một luồng chớp xanh lẹt. Có tiếng kêu :” Núp xuống”. Mặt Lan vập vào thành bể và anh kia ngã dúi vào người Lan, như người đi tàu bị giật xô ngã vào nhau. Bỗng anh ta sát lại, hai cánh tay ghì chặt lấy ngực Lan, xoay mặt Lan lại, và hôn Lan. Lan ú ớ trong bóng tối, giãy ra, bất lực , sợ hãi, đê mê trong những vuốt ve điên dại mà Lan vừa muốn chống lại vừa muốn cho kéo dài. Rồi bóng người đàn ông ấy bị đẩy đi, người ta tranh nhau tìm những chỗ núp tốt nhất , chẳng hỏi gì Lan…”
Trong lúc lộn xộn mọi người tìm chỗ trú ẩn, nếu có  ai đó tranh thủ ôm hôn, vuốt ve điên dại  cô gái bơ vơ trong hoảng hốt thì kẻ đó chỉ là một gã  lưu manh, tranh thủ gỡ gạc và không dễ gì buông tha con mồi một khi đã buông thả. Với một kẻ như vậy , cô tiểu thư con nhà giàu Cự Lâm sống trong nề nếp gia giáo dễ gì trao thân cho gã một cách quá  “bản năng” như vậy ? Những tình tiết tưởng như rất tiểu thuyết hoá ra lại đáng ngờ. Em gái của Lan là Hương   xinh đẹp, có vẻ như không sợ bom đạn, tìm sang hàng xóm tập  hát. Anh của Lan là Phúc – người yêu của cô cán bộ Oanh. Mặc dầu là công tử con nhà giàu nứt đố đổ vách nhưng Phúc lại là một tự vệ chiến đấu hết sức anh dũng.
Vậy là cả nhà Cự Lâm – cho dù là tư sản,  từ con trai, con gái, dâu, rể đều tham gia chiến đấu hoặc ở lại với thủ đô trong giờ phút hiểm nghèo nhất. Phúc chạy về nhà gặp hai em gái là Lan và Hương , còn người yêu của anh là cô cán bộ Oanh thì bận đi chiến đấu. Một quả đạn rơi trúng nhà giết chết anh lái xe Thịnh và biến ngôi nhà thành cái địa ngục trong nỗi kinh hoàng của mọi  người. Nghe tiếng cuốc đào huyệt ngay trong vườn, Trinh sợ chết khiếp, cứng người lại , lạnh như mình đang ở giữa một bãi tha ma…Trinh ôm lấy con nhưng tay cứ cứng đờ. Suốt mấy hôm nay, Trinh chỉ thấy những chết là chết.. Lù lù những xác chết đưa những cánh tay nghều ngào vồ lấy hai mẹ con Trinh. Trinh ngất đi…
  Trong lúc nhà ông Cự Lâm tràn ngập không khí chết chóc và hoảng loạn, từ ngoài đường đưa vào tiếng loa dõng dạc :
“ A lô a lô ( Thưa đồng bào yêu quý, Uỷ ban kháng chiến đã thành lập , kêu gọi toàn thể chúng ta đoàn kết, nhất trí, bình tĩnh và gan dạ, quyết tâm diệt địch, ra sức phá hoại để giữ nhà, giữ phố, chống giữ thủ đô đến cùng, xứng đáng với danh hiệu là người của đất ngàn năm lịch sử. Chúng ta hãy thực hiện đầy đủ các khẩu hiệu :” mỗi phố là một mặt trận, mỗi nhà là một pháo đài...” 
Những câu hô hào như vậy cứ trút vào tai dân chúng bất chấp cái Uỷ ban kháng chiến ấy ở đâu ra, do ai bầu nên, cứ nghiễm nhiên là một tổ chức lãnh đạo  toàn dân kháng chiến chẳng cần hỏi ý kiến ai. Tuy thế , bất chấp điều đó người dân vẫn xông lên dũng mãnh diệt địch . Như cụ già bố của nữ cán bộ Oanh đã nêu một gương sáng về lòng dũng cảm tới...đáng ngờ.
Lúc đó “cả khu phố nhà Thờ sáng rực như ban ngày . Nhà Thờ Lớn sừng sững như hai cái tháp cao ngất đen xạm giữa một hào quang đỏ. Hai chiếc xe tăng lồng lộn bò qua cái vườn hoa tròn trước mặt nhà thờ. Tượng đức Mẹ rung lên như trong đám rước. Mọi người lùi lại nhưng ông Lộc đã tiến gần cái xe trước, tay ném lựu đạn miệng hô xung phong. Cái điều mà ai nấy đều lo sợ  đã xảy ra. Cái xe sau nhả đạn. Hai tay ôm ngực , chân loạng choạng, ông vẫn gượng đứng và thét to :
“ Đuổi bắt cái xe tăng...”
Bị đạn xe tăng bắn vào ngực không tan xác thì chớ, cụ già này còn đứng được  và ra lệnh chiến đấu được  thì thật...khó tin. Vậy mà còn hơn thế nữa “ông Lộc ngã khuỵu xuống , nhưng vẫn bò đuổi theo, tay phải giơ khẩu súng lục nhằm cái xe sau bắn luôn mấy phát...”. Tới mức này người ta đành phải hỏi ông tác giả tiểu thuyết, liệu có cụ già nào bị xe tăng bắn vào ngực còn đủ sức bò theo nó để bắn ...súng lục chăng ? Vậy mà “ông vẫn cứ lết đi, để lại đằng sau một vết máu dài”. Đến khi có người tới đỡ ông đứng lên, “cái áo sơ mi phờlanen của ông đỏ lòm máu từ ngực trở xuống”, vậy mà ông vẫn còn nói  :
“ Mặc tôi, chạy đi. Không phải lo cho tôi. Nếu tôi chết thì cũng đã làm tròn nhiệm vụ của tôi đối với phố của chúng ta. Anh đi đi. Để tôi nằm ở đây. Anh có gặp con Oanh nhà tôi thì nói với nó là tôi đã đánh xe tăng như tôi đã hứa với  nó. Anh cầm lấy cái súng này và bảo tôi cho nó. Tôi đã cho nó lúc chiều mà nó không nhận...”
Đây không phải lời lẽ và suy nghĩ của người sắp chết, lúc đó không biết ông già nghĩ gì, có điều chắc chắn không nghĩ về chuyện “đánh xe tăng” với “súng ống “ gửi lại con gái như vậy. Và lạ thay ông còn “lảo đảo đứng dậy, thân hình cao lớn của ông trông ngang tàng với cái ngực nở  và hai vai rộng, cánh tay phải giơ lên :
“ Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ chủ tịch...
Ông ngã xuống, một tảng gỗ cháy từ nóc nhà rơi xuống đè lên ông...”
Tội nghiệp ông già, lẽ ra ông đã chết toi mạng từ lúc xe tăng bắn nát ngực ông, vậy mà ông nhà văn Nguyễn Huy Tường còn bắt ông bò lê theo xe, bắn súng lục vào xe tăng, rồi trối trăng giao súng cho con gái và lại còn hô cả khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch...”nữa. Thật là một thứ văn chương tuyên truyền khó tin đến trắng trợn.

                              (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét