Ngay tối hôm đó gã gặp tên giáo vụ tại một quán cà phê vườn bên sông Sàigòn. Hắn giương cặp mắt ốc nhồi sau cặp kính dày :
“ Dứt điểm được chưa ? Ong Chủ tịch có ý kiến sao ?”
Gã thư ký rời mắt khỏi cặp đùi em gái bưng cà phê váy ngắn cũn :
“ Phần tôi 12 phần trăm được không ?”
“ Chèn ơi, tôi tưởng cậu dứt giá rồi mới gặp tôi chớ. Làm ăn vầy thật quá con nít…”
Hắn đứng dậy bỏ đi . Gã thư ký vội kéo lại :
“ Thôi được, thôi được… tôi đồng ý…”
Gã đếm đếm đủ bốn ngàn rưởi đô cho tên giáo vụ nhưng lại bắt hắn viết giấy biên nợ nhận vay năm ngàn. Tên này nhét tiền vào túi cười vui vẻ :
“ Vậy cậu cũng chén năm trăm của ông Chủ tịch ngon sớt còn gì …”
Mẹ kiếp, vừa đúng bằng số tiền nộp cho thằng cảnh sát áo xanh ở nhà hàng đồng quê, rõ của thiên lại trả địa, đồng tiền bây giờ cứ quay theo những vòng ma quỷ thế đó. Gã thư ký nhăn nhó :
“ Ong còn ăn gấp mười lần tôi kìa…”
“ Vậy chừng nào chi hết số còn lại đây ?”
“ Phải để ông ấy chạy tiền đã chớ ?”
“ Ui chết…Chủ tịch tỉnh thiếu gì tiền, mười lăm ngàn đô nhằm nhò gì với ổng. Tôi cho cậu đúng một tháng, một tháng thôi, quá hạn không giải quyết coi như cậu mất tiền cọc và cái giâý đó sẽ gửi cho ..ông Sáu …”
“ Ong Sáu nào ?”
“ Sáu bí thư tỉnh cậu chứ còn Sáu nào ?”
“ Thằng đểu…”
“ Ô hay…làm ăn nó phải thế chứ ? Phải bài binh bố trận, chắc đánh chắc thắng, thế cậu tưởng tôi chỉ có tấm bằng rởm là ăn được 20 ngàn đô đấy hả ?”
Gã thư ký ngẩn người, chơi với bọn thành phố mới rõ ra mình vẫn là dân tỉnh lẻ, không tỉnh táo tính toán, thua là cái chắc.
Hôm sau gã phóng xe về gặp ông Chủ tịch gấp. Lúc này gã đang đắn đo coi có nên “bật mí” cho ông Chủ tịch biết hết mọi chuyện tày đình của bà Phu nhân để ông lo tiếp phần sau không ? Nhất vụ lo giấy tờ rởm cho lão Thuộc, nếu qua mặt ông, làm việc thẳng với ông Ba- Giám đốc công an, sau này nó mách lại thì gã toi mạng. Ong Chủ tịch nhìn bộ dạng thằng thư ký rầu rĩ và im lìm bèn quát phủ đầu :
“ Mày làm gì mà đi biệt mấy ngày liền ?”
“ Oi chú Hai ôi, con mệt muốn chết, gặp được thằng đó đâu có dễ, nó sợ mình gài nó nên thử thách ba, bốn lần mới cho gặp…”
Gã rút trong cặp ra tờ biên nhận và bản photo mảnh bằng tốt nghiệp phổ thông trung học rởm đưa cho ông Chủ tịch. Ong chộp ngay lấy, xem xét kỹ càng.
“ Có đúng cái thứ ngày xưa mày chạy cho tao không ?”
“ Đúng i xì , giấy này con đã nộp vào hồ sơ học Đại học kinh tế cho chú hồi đó, chẳng hiểu sao thằng này nó có được ?”
Ong Chủ tịch bỗng thấy tiếc tiền:
“ Có thế này mà những hai chục ngàn đô ?”
“ Nó hẹn trong một tháng mình không nộp đủ tiền nó sẽ gửi bản chính cho ông Sáu Bí thư…”
Ong Chủ tịch tái mặt :
“ Sao nó biết ông Sáu ? Sao nó biết ?”
“ Vậy mới là dân chuyên nghiệp. Nội tình công tác tổ chức của tỉnh ta ra sao nó biết hết…”
Ong Chủ tịch trầm ngâm :
“ Mày thử dò coi nó thuộc dây thằng nào trong thường vụ ?”
“Oi trời ôi, nó kín như bưng sao dò được. Nhưng con biết chắc tụi này chỉ làm tiền thôi, không tham gia đấu đá nội bộ đâu …”.
Ong Chủ tịch cầm bản photo lên ngắm nghía. Mẹ kiếp nội trong hàng ngũ cán bộ tỉnh này có thằng nào là không xài bằng rởm ? Điều tra đến tận ngọn nguồn thì ngay cả anh Sáu Bí thư cũng “dính” chứ hơn gì ông ? Chỉ có điều chưa thằng nào động tới thôi. Vả lại anh Sáu thuộc cỡ cán bộ cao cấp, trung ương quản lý, hồ sơ lý lịch thuộc loại bí mật quốc gia, bố thằng nào dám mó dế ngựa. Ngay cả của ông nữa, cũng thuộc loại được cất giữ trong kho kín của Ban tổ chức trung ương, vậy mà thằng đó moi được ra hẳn phải có thế lực nào đó chứ không chỉ đơn giản là một thằng giáo vụ tép riu. Đằng sau chuyện này còn cái bẫy gì nữa đây ? Ong đắn đo :
“ Vậy ý kiến mày ra sao ?”
Gã thư ký cũngra bộ suy nghĩ. Xúi ông Chủ tịch chi tiền sốt sắng quá thế nào ông cũng nghĩ mình ăn chia, thôi cứ chơi kiểu nước đôi :
“ Chuyện này…con thấy chú Hai phải tính kỹ. Coi có cần thiết phải chi một số tiền lớn vậy không ? Nó muốn gửi ông Sáu thì cứ cho nó gửi, làm gì nhau ?”
Ong Chủ tịch trợn mắt :
“ Mày nói vậy mà nghe được ? Ong Sáu mà vớ được tấm bằng này thì tao chỉ có nước về hưu ? Rồi dậu đổ bìm leo, bao nhiêu chuyện khác tụi nó sẽ khui ra bằng sạch…”.
Gã thư ký vẫn lặng thinh, cứ mặc kệ ông nuốt cho trôi viên thuốc đắng này đi, trước sau ông cũng phải “nôn” tiền ra thôi. Vừa lúc đó “con di động” của gã thư ký đổ chuông thánh thót. Ra bà Phu nhân. Bà quát tháo ầm ĩ vì sao lại chuyển cái gói quà kinh tởm của lão Thuộc ấy cho bà ? Nghe chửi xoe xoé trong máy mà gã thư ký vẫn tươi tỉnh vâng dạ rối rít. Sau cùng gã mới rành rọt :
“ Chú Hai đang ở đây, thím nói chuyện với chú nha…”
Bên kia đầu dây lửa giận của bà Phu nhân chợt tắt ngúm như có nước lã dội vào. Lập tức bà đổi giọng, rối rít hỏi ông Chủ tịch có khoẻ không, chừng nào đi Vũng Tàu tắm biển rồi cả nhà cùng về ? Nói rồi bà lại đưa máy cho cô tiểu thư líu lo “ba ơi, con khoẻ rồi nè…con nhớ ba lắm…ba tới đây với con đi…” làm ông Chủ tịch sung sướng tưng bừng. Ong thôi không la hét gã thư ký nữa , chấp nhận trả nốt tiền lấy bản chính văn bằng rởm về. Ong còn hào phóng hẹn gã tới chiều ghé ông ăn cơm nhân thể bàn việc.
Trong lúc đó cơn giận trong bà Phu nhân trở lại đùng đùng. Gói quà ông Thuộc nhờ gã thư ký chuyển, bà chưa kịp mở, để luôn ở bàn rồi leo lên giường nằm, mệt quá ngủ quên mất. Gần trưa tiểu thư Kim Anh đi chơi về nhìn thấy, nổi máu tò mò dở ngay ra coi. Chà, có ai biếu xén gì bà già mà gói ghém kỹ vậy, chắc phải dây chuyền có gắn hột xoàn hoặc đồng hồ vàng hẳn. Một lần vải nhựa, một lần giấy kiếng, một lần giấy điều mới đến cái hộp …Cô tiểu thư hồi hộp, run tay mở ra rồi như mó vào cục than hồng cô vứt toạch ngay xuống đất rú lên hãi hùng. Bà Phu nhân chợt thức, ngồi nhỏm dậy :
“ Chuyện gì vậy ?”
“ Ối má ôi, cái gói…cái gói…”
Bà Phu nhân hiểu ra, cau mặt :
“ Quà người ta gửi cho tôi, ai cho cô mở ra ?”
” Nhưng má coi kìa…ôi khủng khiếp, khủng khiếp…”
Vừa cầm lên tay, bà Phu nhân đã hiểu ngay nó là cái gì – một lóng xương của ông Ba Tạ mà cái cái cối xay thịt của bà đã bỏ sót. Bà điện ngay cho thằng thư ký chửi một chặp về tội đã chuyển cái gói của nợ ấy cho bà. Í chèn ơi, cái lão Thuộc ấy xỏ xiên đây mà. Lão muốn nhắc bà chớ có quên cái vụ lo giấy tờ cho lão. Lão già này thật ghê gớm khôn ngoan, gian hiểm lắm chứ không phải loại tầm thường. Nhưng mà…tìm cách chiêu mộ được lão làm tay chân hẳn sẽ rất đắc lực. Và rồi trời đất giun giủi, biết đâu, phải biết đâu mai kia lão thay thế được ông Ba Tạ phục dịch bà lại chẳng đáng mặt trượng phu gấp mấy lần ấy chớ ? Nếu được vậy thì đúng trời xếp đặt, ông thày nhân điện chết thảm vậy chắc cũng thông cảm với bà. Để rồi bà sẽ tìm cách đưa ông lên chùa cúng kiếng cho vong linh ông được siêu thoát, phù hộ cho bà.
Cô tiểu thư thấy mẹ cứ ngồi thừ với lóng xương trong tay, sốt ruột :
“ Kìa má…liệng nó đi chớ…má cứ cầm trên tay nom kỳ thấy mồ…”
Bà Phu nhân chợt trừng mắt :
“ Sao lại liệng đi, ông Ba Tạ còn lại một chút này phải để lại mà cúng kiếng cho ổng chớ…”
Cô Kim Anh bật cười :
“ Má xay nhỏ ổng ra, đổ vào toa lét còn bầy đặt …”
Bà Phu nhân mặt đỏ tía tai, rít lên :
“ Vậy mới phải cúng. Giờ cô thay đồ lên chùa với tôi thắp cho ổng nén nhang…”
Cô tiểu thư từ chối phắt, cả đêm qua cô đã “chơi bạo” với đám bạn của Tuyết Nhi, người rã rời, giờ chỉ muốn lăn ra giường. Bà phu nhân đành vẫy ta xi đi một mình lên ngôi chùa nhỏ mãi ngoài bờ biển. Bà leo theo con đường nhỏ phủ đầy hoa sứ trắng lên đồi. Chùa vắng vẻ, sư bà đang lúi húi quét sân. Bà Phu nhân mượn cái đĩa bầy hộp xương ông thày nhân điện, đặt lên bàn thờ Phật thắp nhang xì sụp khấn vái. Ong ơi, bữa nay tôi đưa ông lên chùa để Phật độ cho ông lên miền cực lạc. Ong sống khôn chết thiêng phù hộ cho tôi vượt qua được rủi ro, tai ách, ăn nên làm ra, ngày càng mạnh khoẻ…Bà Phu nhân khấn được tới đó, nước mắt đã giàn giụa, nức nở không nói nên lời, hẳn dưới suối vàng ông Ba Tạ cũng mát lòng mát dạ về những giây phút hiếm hoi thương ông thiệt tình của bà.
Cúng xong bà Phu nhân thả bộ ra sau chùa. Phía trước là biển loá nắng chạy ra xa tít, dưới chân nơi bà đứng nhấp nhô những vầng sóng đuổi nhau vào bờ. Bà đứng lặng giây lát rồi cầm hộp xương ông thày nhân điện dang thẳng tay ném xuống. Chiếc hộp vạch một đường cong cong rồi mất hút , chắc nó đã chìm xuống đáy biển. Thôi thế là xong, vĩnh biệt thày Ba Tạ. Có tiếng người đằng hắng phía sau làm bà Phu nhân giật nảy mình. Sư bà bước lại gần :
“ Chào thí chủ…thí chủ vãn cảnh chùa…”
“ Dạ vâng…phong cảnh ở đây đẹp quá…”
“ Xin cho hỏi…thí chủ vừa ném cái gì xuống dưới đó ?”
Bà Phu nhân tái mặt :
“ Ném cái gì ? Tôi có ném cái gì đâu ? À thôi phải rồi…tôi …tôi phóng sinh cho con cá đấy mà…”
“ A di đà Phật….vậy mời thí chủ xuống trai phòng dùng nước…”
Bà Phu nhân chẳng còn lòng dạ nào thăm chùa nữa, bà vội vàng bỏ tiền vào hòm công đức rồi cáo từ sư bà, bước nhanh xuống đường.
Vừa tới nơi bà chợt thấy một đám người đang xúm xít ngoài bãi cát. Nổi máu tò mò bà bước lại gần. Oi trời đất ôi, một cái xác chết đàn ông nằm còng queo dưới nước đang bị sóng đánh dập dềnh dạt vào bờ. Bà Phu nhân tính quay lui nhưng có cái gì đó cứ giun giủi bà bước tới, bước tới. Bà len qua đám người đi lại gần người xấu số và chợt trợn mắt vì kinh hoàng. Cái người chết đó sao giống ông…Ba Tạ quá vậy ? Bà dụi mắt nhìn kỹ ? Trời ơi, bà đang tỉnh hay mơ đây ? Đúng ông Ba Tạ rồi …bà đã…bà đã…xay nhỏ ông ra, cho ông trôi theo dòng nước bàn cầu rồi sao ông còn nằm đây ? Bà bỗng thấy trời đất quay cuồng , người lảo đảo như muốn ngã. Người đàn bà đứng kế bên vội vàng xốc bà dậy :
“ Này bà…bà muốn xỉu hay sao vậy ?”
Bà Phu nhân thều thào :
“ Không…tôi không sao cả ?”
“ Phải ông kia là chồng bà không ?”
“ Ong nào ?”
“ Cái ông chết trôi kia kìa ?”
Bà Phu nhân sợ hãi :
“ Không phải, không phải…tôi…tôi không biết…”
“ Tôi cứ tưởng bà nhìn thấy người thân nên mới xỉu…Vậy để tôi đưa bà đi…”
Người đàn bà tốt bụng dìu bà Phu nhân lên đường nhựa, vẫy ta xi đưa bà lên xe. Lúc này bà Phu nhân mới hoàn hồn, ôi chao ôi, sao cái xác chết đó lại là ông Ba Tạ được nhỉ ? Không, không thể nào có chuyện đó. Chắc mấy hôm nay thần kinh căng thẳng làm bà hoa mắt nhìn nhầm vậy thôi. Bà yên tâm nghĩ vậy rồi chỉ lát sau bà lại bác bỏ nó. Không, đúng là ông Ba Tạ rồi còn gì ? Bà nhầm sao được? Bà đã thuộc lòng khuôn mặt ông, dáng người ông, không thể có chuyện nhìn nhầm được . Xe ta xi đưa bà vào thành phố chạy qua những cửa hàng, những dãy nhà và chạy qua phố “chợ người”. Bà nhìn ra ngoài và mừng rỡ nhận ra ông Thuộc đang đứng dưới gốc cây bàng, chắc đang chờ người tới mướn. Bà ra hiệu cho xe táp vào lề đường, rối rít gọi :
“ Ong Thuộc …ông Thuộc…”
Ong Thuộc đã nhận ra bà, chạy tới :
“ Chào bà…bà lại thuê tôi đi chôn người nữa à ?”
Bà Phu nhân cau mày :
“ Không không, không chôn ai cả, tôi có việc cần gặp ông…”
Bà mở cửa xe cho ông Thuộc lên ngồi cạnh bà, ra hiệu cho lái xe chạy ra ngoài biển. Xe cứ chạy mãi, bà vẫn ngồi im mặt lầm lầm khiến ông Thuộc cười thầm trong bụng. Chắc hẳn gã thư ký đã chuyển cho bà cái gói đó, bà đã mở ra coi và lúc này bà đang tính chuyện trừng phạt ông đây. Oi trời ôi, xay nhỏ người tình ra đổ vào bàn cầu, đàn bà như thế dễ có mấy tay, ông chỉ lưu lại có mỗi lóng xương cho bà làm kỷ niệm thì có gì ghê gớm lắm đâu .
(còn tiếp)
0 nhận xét