(tiếp theo)
hai
Như một người mộng du, gã lê bước về khu tập thể sau khi đã dốc hết tiền túi trả bữa ăn sáng đãi cô gái điếm. Cô chia tay anh vội vã sau lời hẹn “chừng nào thích, anh cứ tìm em ở gốc cây hôm trước, hỏi cô Tình…”rồi tặng gã một nụ cười nhoẻn khi chiếc xích lô chở cô mất hút trên phố. Gã bỗng cháy lên thèm khát được trở về ngay căn phòng nhỏ của gã, hít thở không khí quen thuộc, làm những việc quen thuộc, lấylại thăng bằng cho bản thân mà chỉ sau một ngày ông cảnh sát và cô gái làm tiền đã làm nó ngả nghiêng khiến gã phải run lên tự hỏi :” ta là ta hay ta là ai ?”
Ong già gác dan nhà tập thể nơi gã có căn phòng nhỏ lầu 3 ngước lên nhìn rồi lại cúi xuống cuốn vở nhầu nát. Sao lạ thế nhỉ ? Ong ta bỗng dưng có cái nhìn đầy nghi hoặc và khinh rẻ. Phải rồi, chắc ông đã được báo gã phạm tội. Gã nghĩ thế rồi len lén đi qua mấy người đang ngồi chờ trên ghế dài kê sát tường.
Một gã to béo lạ mặt, bụng phưỡn, một bà già tóc bạc phơ có chiếc mũi khoằm tận miệng, một cô gái phấn son loè loẹt… ai trong đó có thể là người của cảnh sát cử tới theo dõi gã? Gã bước vội lên cầu thang, tim đập thình thịch , cố không ngoái lại khỏi gây nghi ngờ . Khi cửa đóng lại , căn phòng bày ra vẻ quen thuộc hàng ngày, gã mới thở ra nhẹ nhõm, sung sướng và an toàn được trở về nếp sống thường nhật đã hằn thành kênh rãnh trong đó dù chỉ gồm toàn việc vặt như đun ấm nước , rửa tách chén , xếp dọn mặt bàn ngổn ngang giấy tờ …
Thế rồi bỗng có điều gì đó làm gã sững sờ. Chồng bản thảo cuốn tiểu thuyết đang dịch bị đảo lộn số trang không đúng như gã đã xếp, kệ sách bị bới tung, một đầu màn mắc trên chiếc giường đã rơi xuống kéo theo chiếc đinh đóng tường, đôi giày há mõm vốn nằm trong gậm giường giờ chỏng chơ mỗi nơi một chiếc…
“Cảnh sát đã khám nhà …” - ý nghĩ buồn rầu chạy qua đầu khiến gã mệt mỏi ghê gớm. Không , chẳng còn hơi sức đâu lôi chồng bản dịch hí hoáy viết như mọi ngày vào giờ này buổi sáng .Tuy thế gã vẫn giữ thói quen ngồi bàn giở ra cuốn sổ chép đầy những bài thơ gã làm trong cái phòng nhỏ ốc đảo treo lơ lửng trên thành phố náo nhiệt này .
Không như những người khác, thơ gã không phải là phương tiện để biện giải, trình diễn mình, nó là một thế giới rất riêng, trong đó mỗi dòng mỗi chữ đều như một thực thể sống chỉ phát lộ cho riêng gã cái kỳ bí, ẩn chứa bên trong nó. Gã làm thơ như một nhu cầu vượt thoát khỏi đời sống, trốn lánh sang cõi khác, hiện hưũ thứ hai của gã,ở đó không có những gương mặt băng lạnh, không có những phiền tạp hàng ngày, ở đó chỉ có gã và thế giới chữ nghĩa gã tạo ra . Thật xấu hổ chết được nếu những bài thơ này lọt vào tay người khác. Ấy thế mà không nghi ngờ gì nữa , những dấu vết trên cuốn sổ mách bảo chắc chắn rằng một người nào đó đã cầm nó lên, giở nó ra và đọc không sót một bài thơ. Gã bỗng choáng váng và nóng rực như lên cơn sốt.
Trời đất, bao năm nay gã đã khép kín lối sống, không quan hệ, không bon chen, không nhờ cậy, không làm tổn hại bất kỳ ai, vậy mà một cuốn sổ rất riêng gã cũng không được phép có,vẫn bị người ta xói mắt vào sao ?
Gã nhớ ra trong suốt cả buổi sáng xét hỏi, lão cảnh sát không hề đả động tới cuốn sổ , cái lão quan tâm vẫn là “tiếng động trong đêm” gã đã nghe thấy, vậy những bài thơ vô hại này dính dáng gì tới lão mà cũng bị giở tung lên thế này? Gã chán ngán vứt vào góc bàn, cảm giác ngột ngạtchợt đến làm gã nhoài người mở tung cửa sổ.
Trên ban công trước mặt , một người đàn bà đang phơi quần áo chợt ngước mắt lên nhìn gã.
“Nhưng một ngày đã đi rồi và cửa sổ bên kia có một gia đình đang hóng mát
Người vợ bế con và người chồng che mồm ngáp .
Người vợ nghĩ về các món ăn chiều.
Người chồng nghĩ tới trận đá banh tối nay tivi sẽ chiếu .
Đứa bé và tôi nhìn nhau và không nghĩ gì…”
Người đàn bà bên kia cửa sổ đi vào thơ gã trong một bài lâu lắm rồi khi gã mở cửa sổ và bắt gặp hình ảnh trong cõi nhân sinh như thế . Gã khôngquen biết gia đình đó, họ làm ở đâu, tên tuổi gì gã cũng mù tịt , chỉ biết khi dọn về đây, gã đã thấy họ ở đó, ngày ngày chở nhau đi làm trên xe máy, đứa bé gửi nhà trẻ kế bên, buổi chiều trở về, người chồng bế con hóng mát dưới sân nhà tập thể , người vợ lúi húi nấu nướng trên mấy cái bếp dầu đặt ngoài ban công che chắn bằng những tấm tôn ám khói.
Một gia đình như mọi gia đình , gã thường tự nhủ thế mỗi khi mở cửa sổ nhìnthấy hình ảnh sum họp của căn phòng đối diện. Đứa con rồi sẽ lớn, những tiện nghi rồi sẽ sắm và đứa con khác lại ra đời, cái vòng đời muôn thủa ấy quả thực không gây cho gã một tò mò, chú ý nào.
Vậy nhưng sáng nay chẳng hiểu sao người vợ ở nhà và nhìn gã chăm chú. Không, chị ta chắc chắn không thể là người ông cảnh sát cử theo dõi gã.Ngược lại nụ cười tươi và đôi mắt sáng rực gửi sang làm dâng lên trong gã tình cảm thân thiện . Lần đầu tiên từ mấy năm nay , gã trố mắt nhìn cô vợ anh hàng xóm . Mái tóc dài thường ngày cuộn tròn trên đỉnh đầu lộ cái cổ thon mảnh trắng ngần, vẻ óng ả toát lên từ cánh mũi cao, cái miệng rất tươi và đôi cánh tay trần mập mạp .
Dây quần áo phơi xong , người đàn bà quay vào khép cửa, gã vẫn ngây ra ngớ ngẩn. Sự lạ xảy ra khi gã dùng dằng mãi bên cửa sổ , đăm đăm nhìn bên kia cho tới lúc hiểu rằng người đàn bà bận bịu việc gì đó không trở ra nữa gã mới vào nằm vật ra giường ,đầu vẫn chưa dứt khỏi đôi mắt sáng rực và nụ cười tươi của chị hàng xóm.
Gã cứ nằm như thế ,mắt trừng trừng nhìn đỉnh màn và sẽ ngủ thiếp nếu không có tiếng gõ cửa dồn dập làm gã nhỏm phắt dậy.
“Cảnh sát?” , chắc vậy, lúng túng mãi gã mới xỏ được chân vào đôi dép,và hấp tấp mở cửa.
–Chào anh, tôi vào được chứ?
Lão gác dan không chờ trả lời, gạt gã ra, xăm xăm bước vào nhìn quanh quất, thò cả đầu vào buồng tắm như muốn nhìn cái gì đó.
- Bác cần gì?
– À … không , lâu lâu rảnh rỗi lên thăm thôi.
Đôi mắt lão đảo quanh rồi cụp xuống rất nhanh che giấu câu nói dối vụng về. Lão vốn là thủ trưởng cơ quan nào đó, hưu từ lâu, sống với bà vợ ốm yếu và chắc thời đương chức lão sống quá “nhân ái” nên khi rời ghế ra chẳng còn ma nào lui tới. Lão khoe lão có tới ba cái bằng đại học , am hiểu rất nhiều lĩnh vực, thế nhưng ai cũng thấy làm gác dan là thích hợp với lão hơn cả. Chỉ một tuần sau khi nhận việc , lão đã biến ngôi nhà tập thể thành một “pháo đài”, mọi sự ra vào phải kiểm tra chặt chẽ, mọi biến động bất cứ trong căn hộ nào đều phải để mắt tới .
Ngày… giờ, căn hộ số… có hai người đàn ông và một người đàn bà tới thăm ( kèm theo nhận dạng) .Ông X ở tầng Y cùng con trai đã khiêng lên phòng một cái hòm không rõ bên trong đựng gì, vào hồi… Trưa nay, bà L đã xách về hai con gà trống và một con gà mái ( lưu ý: nhà bà hôm nay không phải ngày giỗ)…
Cuốn sổ dày cộp , ghi bằng nét chữ rất nắn nót lão cất trong ngăn kéo riêng ngay tới vợ cũng không được mó tới .
“ Ông lão nhà tôi rõ thân làm tội đời, suốt một thời cán bộ đã bù đầu bù tai “ vác tù và hàng tổng “, nghỉ hưu rồi cũng yên cho đâu, cả ngày cả đêm cứ sùng sục hết “đi nắm tình hình “ rồi lại “hội ý tổ trưởng dân phố …”
Mỗi lần bà vợ gầy đét của lão ca cẩm một cách rất tự hào như thế, gã lại cười thầm. Lão này thuộc loại người chỉ sống được bằng máu… quyền lực. Quả thực sau ngày về hưu mất chức Giám đốc, lão ốm liệt giường, thế rồi cái chức gác dan tiêm vào máu lão tí ti vitamin “ quyền lực”, lập tức như cái máy được nạp điện, lão nhỏm dậy, bệ vệ ngồi tại chiếc bàn trấn ngay cửa ra vào, đưa cặp mắt xoi mói dõi vào người qua kẻ lại.
Thật vô phúc cho những ai về muộn sau mười giờ tối, lão cứ mặc cho gọi mỏi miệng, rồi còn hạch hỏi chán chê lão mới chịu lạch xạch mở khoá cho vào .
–Có trà ngon pha ấm uống chơi.
Lão cười khà khà, không chờ gã mời, cứ tự nhiên kéo ghế, đảo cặp mắt rắn ráo khắp bốn xung quanh.
- Anh đi đâu suốt đêm qua , mãi sáng mới về?
Câu hỏi đột ngột làm gã giật thót. Lão hỏi vì tò mò, tọc mạch hay do uỷ nhiệm của cảnh sát? Gã bỗng sôi lên ý muốn quẳng cái thân hình nhỏ thó có khuôn mặt choắt cheo, đôi mắt đùng đục của lão qua cửa sổ.
– Tôi… tôi thiết tưởng điều đó có liên quan gì tới bác .
Cơn giận cố nén làm gã lắp bắp , tay cầm chén nước run bần bật.
– À… lão cười xoà, nhân tiện hỏi cho biết vậy chứ đường đi nước bước anh thế nào … người ta nắm hết cả rồi.
Lão nháy mắt như nhắc gã phải tự hiểu “người ta” là ai.
- Anh yên tâm. Nếu ai hỏi han gì về anh tôi sẽ trả lời rất tốt. Này nhé anh vốn gia đình dòng dõi cán bộ cách mạng, họ hàng không có ai nguỵ quân nguỵ quyền, không dính líu tới người nước ngoài, không mua bán mánh mung, tuy không nằm trong biên chế nhà nước nhưng vẫn làm hợp đồng cho nhà xuất bản , không tụ tập nhậu nhẹt chửi bới chế độ…
Đang thao thao những “ưu điểm” của gã bất chợt lão dừng lại:
-Mà này… sống theo kiểu ẩn dật như anh cũng dễ bị tình nghi lắm đấy nhá.Tại sao bằng ngần này tuổi đầu vẫn chưa vợ ?Tại sao không trai gái bồ bịch ? Tại sao không giao du, gặp gỡ bạn bè ? Mọi người thế cả sao anh lại không ? Có chuyện gì phải che giấu ? Hay anh hoạt động …phản động ?
( còn tiếp)
0 nhận xét