Open top menu
Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014




                                            (tiếp theo)
Ngay tối hôm ấy tôi lại khởi sự viết một tác phẩm mới. Lần này tôi sáng tác không còn được dễ dàng như ngày trước tôi từng cộng tác với Hòa trong tờ báo Bút Học Trò. Lý do dễ hiểu là hồi trước tôi cứ viết bừa phứa, bất cần quan tâm đến "độc giả" là ai vì báo chép tay có mỗi một bản, chỉ có tôi với Hòa thưởng thức với nhau nên vấn đề "dư luận độc giả" chưa bao giờ phải đặt ra.
Nhưng bây giờ thì hẳn đã khác rồi. Cái tên của tôi đã được báo Giang Sơn chuyên chở đi "toàn quốc". Bài mới nếu có được đăng thì số lượng người đọc tất phải gia tăng gấp bội lần. Mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng của tôi khi in ra sẽ có tới biết bao nhiêu là con mắt dòm vào, bao nhiêu là ý kiến nhận xét, phê phán khen, chê. Vậy tôi phải thận trọng hơn rất nhiều là chuyện đương nhiên.
Chật vật trong ba hôm liền với những nhân vật và những chi tiết muốn diễn tả vốn đã ám ảnh tôi suốt ngày cả lúc ăn cũng như lúc bắt đầu nằm xuống ngủ, cuối cùng tôi đã viết xong được một truyện lấy tên là "Xóm Lá". Truyện này gửi đi thì chỉ hai tuần sau lại được nhật báo Giang Sơn tuyển chọn. Ba tuần sau đó, một truyện thứ ba có tên là "Đường Chiều" lại được chọn đăng. 
Tôi sướng mê tơi như một anh khù khờ đi câu, thả mồi nào xuống nước là dính ngay một chú cá mắc câu. Chỉ có mỗi cái là vẫn phải tốn tiền đi mua báo ở các sạp vì tôi vẫn xấu hổ không dám bước chân vào tòa soạn, nhận mình là tác giả để xin vài tờ báo biếu. Tôi tự nghĩ mình loắt choắt thế này, xưng tên có khi người ta không tin. Chẳng lẽ phải sùy Thẻ Học Sinh ra để chứng minh thì mất mặt bầu cua quá.
Tuy nhiên về mặt tinh thần thì tôi được hưởng vô số kể. Trước tiên là anh bạn Trần văn Tắc của tôi không còn nhìn tôi với mắt nhìn của một đàn em văn nghệ nữa. Nếu có thua hắn, tôi chỉ còn thua có mỗi cái "các vi dít" in hàng chữ Journaliste nữa mà thôi. Nhưng cái khoản trình diễn ấy tốn tiền quá, vả cũng chẳng có mấy khi cần phải xài đến nó ngoài mấy tên bạn đã biết nhau rồi, nên tôi tôi cũng không mấy quan tâm. Và nếu đem so sánh "thành quả" thu lượm được thì Tắc có khi còn thua sút tôi thấy rõ. Có lần cả hai đứa cùng gửi bài đi, nhưng chỉ có bài của tôi được chọn đăng trong khi bài của Tắc chỉ nhận được lời nhắn tin " Xin gửi cho sáng tác khác." 
Cũng vì thế Tắc bắt đều nghi ngờ khả năng tuyển chọn bài vở của tòa soạn báo Giang Sơn. Hắn xoay qua gửi bài cho báo Chánh Đạo, báo Tiếng Dân, báo Liên Hiệp…. Cuối cùng, Thơ của hắn được đăng tải lu bù. Thế là nghiễm nhiên về sau này, Song Vũ đã từ một nhà văn biến thành nhà thơ, sáng tác rất hăng hái. Hóa ra cái khả năng sử dụng ngôn ngữ mờ mờ, ảo ảo, như thực như hư của hắn lại thích hợp hơn trong lãnh vực thi ca. Thế là Tắc in lại ngay tấm các của mình. Lần này thì không xài tiếng Tây nữa mà để hẳn tiếng Việt đàng hoàng :
SONG VŨ
thi sĩ

Và Song Vũ kết luận chắc nịch :
- Tớ không có khiếu về Văn. Phải Thơ mới được. Thơ mới là đất dụng võ của tớ !

CHƯƠNG 5

Cuộc đời nhiều khi có những cái bất ngờ khó ai có thể đoán trước. Trải bẩy, tám cái truyện ngắn được đăng rải rác trên một vài tờ báo ở Thủ Đô như Giang Sơn, Chánh Đạo, Liên Hiệp, Hồ Gươm, Thời Tập…tôi những tưởng mình sẽ theo hoài con đường sáng tác tiểu thuyết. Nhưng với sự lựa chọn này tôi đã bị Tắc chê bai vô số kể. 
Hắn nói là tôi dại, tôi quân tử Tầu, tôi không nắm vững bản lĩnh cần thiết để chen chân thường xuyên vào trường văn, trận bút. Bởi nhân số trong vườn hoa văn nghệ thì đông đảo, thiên hạ có biết bao nhiêu người muốn nhào vô các trang báo, cho nên sáng tác gửi đi vài ba cái có khi mới "dính" một cái, còn kỳ dư bao nhiêu công lao ngày đêm cặm cụi đều bị chui vào sọt rác của tòa soạn các báo hết. Vì thế Tắc khuyên tôi viết được thì cứ viết lia. Làm Thơ, viết Văn, soạn Kịch, nếu có gan thì viết cả Phê bình, Sưu khảo nữa. Bản thảo bay về tới tấp các tòa báo, bị loại bài này đã có bài khác thay thế. Trăm bó đuốc tất phải vớ được con ếch. Tên tuổi của mình sẽ xuất hiện thường xuyên trên trang báo, "nổi tiếng mấy hồi" ! Đó là châm ngôn làm việc của Tắc vạch ra cho tôi trong những bước đầu trên con đường sự nghiệp. Tắc còn nói : 
- Đành rằng cậu thích tiểu thuyết, nhưng ở những bước đầu, đừng bao giờ nói đến chuyện thích. Hãy nhào vô bằng mọi cách cho bàn dân thiên hạ quen thuộc tên tuổi của mình đi đã. Đến lúc mình "trứ danh" rồi, cả nước biết tiếng mình rồi, đã có một chân trên văn đàn rồi, chừng đó cậu lựa "món" gì mà chẳng được.
Những lời khuyên đó, chính Tắc cũng đem ra thực hành. Hắn viết Truyện, làm Thơ và…Phê bình văn chương. Hắn đã viết rất hăng, rất nhiều, nhưng tính sổ lại chỉ có thơ của hắn là được đăng nhiều nhất. Bởi thế trong các cuộc hội họp văn nghệ về sau này, anh em đều gọi hắn là Thi sĩ. 
Tắc rất hài lòng về danh hiệu này và con người của hắn bắt đầu có một sự sửa sang để cho phù hợp, đại để như quần áo trở nên lôi thôi hơn, đôi mắt lúc nào cũng mơ màng hơn, mái tóc biếng chải hóa thành bù xù hơn. Hắn làm cứ như thể từ thưở mới lọt lòng ra, định mệnh đã an bài cho hắn trở thành thi sĩ rồi.
Nói về nhân dáng thì cái bệnh “sửa sang” này không chỉ riêng có một mình Tắc là sa đà vào. Bởi hầu hết bọn trẻ chúng tôi, ít anh nào lại không biết làm dáng cho ra vẻ văn nghệ. Đặc biệt là cái món “để râu” cho thiên hạ thấy mình không phải là thứ nhóc con để bị coi thường, hay bị cất lời dạy dỗ. 
Khốn nỗi, ở cái tuổi 16, 17 thì đã làm gì có râu. Ấy vậy mà không biết xuất xứ từ đâu mà bọn chúng tôi loan truyền với nhau rằng muốn cho râu chóng mọc thì cứ bôi Huile de Ricin lên mép là râu sẽ bị “thúc” đến phải lòi ra. 
Huile de Ricin thật ra chỉ là tinh dầu lấy từ những hạt trong quả đu đủ. Nó là thứ thuốc “giun” rất hiệu quả mà ngày xưa còn bé, cứ vài tháng, mẹ tôi lại dẫn mấy đứa trong nhà đi đến nhà thương Phủ Doãn để nơi đây cho mỗi đứa uống muột muỗng cái thứ dầu này. Ôi chao là khó nuốt ! Dầu vừa trôi qua miệng là muốn ọe hết ngay ra. Nhưng do kinh nghiệm, mẹ tôi đã mang sẵn mấy miếng Oản làm bằng bột trắng tinh, mau tan và ngọt lừ. Cái oản này chận ngay cơn buồn nôn vừa ập đến, và chỉ đến buổi chiều thôi, thì những anh giun trong bụng chịu không thấu đã bị tống ra có khi hàng búi.
Nay thì chúng tôi đem cái thứ thuốc giun này ra xài để cho chóng mọc râu. Ước vọng về râu sâu xa đến nỗi hồi đó còn có cả bài hát về râu nữa. Đó là bài hát Cung Kèn Rạng Đông của nhạc sĩ Hùng Lân đã bị sửa lại lời. 
Nguyên văn thì :
Anh nghe chăng cung kèn rạng đông 
Đang uy linh lừng vang trên không 
Đang thiết tha hùng hồn. 
Khơi chí gan Lạc Hồng 
Cháy lên nhuộn bao ánh hồng…

Bị đổi thành :
Thân nam nhi tri kỷ bộ râu
Râu ta đây là râu quai nón
Ăn uống tuy nhồm nhoàm
Râu đứng lên nhịp nhàng
Cái râu mọc quanh cái mồm…
Râu ơi râu ơi
Râu mọc quanh mồm….cái râu Sồm
Râu ơi , râu ơi
Râu mọc quanh tai…cái râu Quai

Ôi trời ! Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò là như thế. Chắc nhạc sĩ Hùng Lân hồi đó có nghe thấy thì cũng chỉ mỉm cười chứ chẳng nổi cơn lôi đình cho tổn hại sức khỏe.
Kết quả của những ngày chăm chỉ mỗi sáng bôi thuốc mọc râu, riêng tôi thì sau vài tuần cũng thấy râu cũng lún phún mọc ra, nhưng khốn thay, lớp da bị thứ tinh dầu thúc cho nóng quá, nên cứ đùn ra những thứ mụn đỏ, mọc còn mau hơn nữa. 
Thế là cả bọn tém giẹp cái vụ râu ria, chẳng anh nào còn dám rớ tới nữa.

                               (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét