Open top menu
Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014





                                             (tiếp theo)

Sau những giây phút bàng hoàng ấy, tôi định thần lại và thò tay vô túi quần soóc đếm nhẩm số tiền mình còn trong túi. Tôi còn tới những bẩy đồng. Món này trước thì tôi định chi vào việc đóng tiền Hiệu đoàn và mua một ngòi viết máy mới. Nhưng bây giờ thì chẳng có thứ gì lại được ưu tiên hơn là tờ báo đang ở trước mặt. Tôi sẽ bỏ ra 5 đồng mua 5 tờ, còn 2 đồng tất phải làm một chầu kem Hùng Vương để đánh dấu một ngày trọng đại.
Tôi còn nhớ là mình đã phải đi hết ba đường phố, ghé tất cả 5 sạp báo mới thu thập được đủ mấy số báo dự tính mua (Thật ra tôi có thể mua ngay 5 số tại một sạp báo thôi, nhưng như thế nhỡ người ta hỏi đã có bài in trên báo thì sao phải đi mua thì mắc cỡ quá, không được !). Thành ra cứ mua được tờ nào thì tôi lại nhét vô bụng áo, giấu đi, rồi tiếp tục đi mua tờ nữa ở sạp khác. 
Khi đã đủ 5 số báo như dự tính, tôi mới tìm một bóng mát ở ven hồ, chỗ vắng người nhất, ngồi mở ra đọc lại tác phẩm của mình. Thật khó mà diễn tả được tâm trạng hoan hỉ, sung sướng và hãnh diện của tôi lúc đó. Và với 5 số báo đã mua, tôi đã dự tính như sau :
- Tặng thằng Tắc một số, để cho nó biết là chẳng cần nó, tôi vẫn cứ hiên ngang bước vô văn đàn như thường.
- Tặng Hòa một số để chứng tỏ tôi đã tiến bộ vượt bực trên "trường văn, trận bút" kể từ "thưở hàn vi" mà tôi và hắn đã từng chung nhau làm báo học trò.
- Một tờ tôi sẽ giả vờ thản nhiên để hớ hênh trên mặt bàn trong nhà cho cả nhà cùng đọc.
- Còn hai tờ sau cùng tôi sẽ cất đi (một tờ thỉnh thoảng giở ra coi lại, một tờ đóng vai dự trữ phòng hờ tờ kia…thất lạc ! Cẩn tắc vô áy náy mà !). Đã thế tôi còn có sáng kiến lấy trộm ve nước hoa của bà chị tôi, đem xịt lên trang báo để gọi là ướp thơm một bông hoa vừa chớm nở trong vòm trời Văn Hóa Dân Tộc !
Riêng cái vụ…phun nước hoa này cũng đã gây ra một cuộc bất đồng ý kiến lớn giữa tôi và bà chị của tôi. Theo lập trường của tôi thì chị rất phi văn nghệ. Chị coi trọng xị nước hoa hơn là một tác phẩm đã được sáng tạo bằng tinh thần. Còn chị thì la như cháy đồi khi ngửi thấy mùi nước hoa quen thuộc bốc um lên khắp cả nhà. Sau này tôi mới biết đó là thứ nước hoa đắt tiền chứ không phải thứ nước hoa thợ cạo của mấy ông làm nghề hớt tóc ở dưới các gốc cây hay bờ tường. Nước hoa của chị tôi thì chỉ cần phết sơ một tí lên cổ hay má là nó thơm cho tới cả ngày. Ối chà, thế mà thằng nhãi đã "vẩy" bất cận nhân tình lên cả một trang nhật báo thì còn trời đất nào dung thứ cho nữa cơ chứ ! 

Trước cơ sự như vậy, bà chị tôi chỉ còn biết la trời rồi đứng chết trân ở một chỗ, mặt đỏ rừ lên và nước mắt tiếc của cứ chực ứa ra trên bờ mi. Cả ngày hôm ấy chị không thèm nói với tôi một tiếng nào, mà cũng chẳng thèm ngó tới tờ báo tôi đã mở sẵn trang 2, để chình ình trên mặt bàn.
May quá, đến tối thì anh Trường Giang, một thi sĩ, vị hôn phu của chị tới nhà thăm. Chị trút cả nỗi bực dọc chất chứa trong lòng lên đầu ông anh vô tội vào đúng lúc anh đem ra khoe chị một bài thơ vừa sáng tác. Chị gắt lên:
- Thơ với thẩn cái gì. Anh làm gương hư cho thằng Tiến đấy.
Bị cụt hứng, anh ngơ ngác:
- Sao ? Chú Tiến làm sao ?
- Nó bỏ cả học hành, tối ngày chỉ lo viết với lách. Ông Cụ bực mình lắm đấy.
- Thời buổi này, nó có chí hướng về cái gì thì phải để cho nó theo chứ.
- Muốn theo gì thì theo¸nhưng phải học đã chứ. Dốt như con bò mà học đòi chí hướng cái gì.
Tôi gân cổ cãi:
- Em vẫn học đấy chứ. Học rồi, dư thời giờ thì em viết thay vì đi chơi. Có gì là quá đâu.
Anh Trường Giang dịu dàng:
- Nếu biết dung hòa như vậy thì cứ để cho chú ấy tự do. Đừng ép quá.
Tôi tố khổ ngay:
- Tại chị ấy giận em làm vẹt đi nửa xị nước hoa của anh tặng đấy mà.
Anh Trường Giang "à" lên một tiếng nhẹ nhõm trong khi chị tôi nổi sùng, giận dỗi đi phắt vào trong buồng, đóng cửa lại. Báo hại, cả tiếng sau nhà thi sĩ phải đứng ở bên ngoài chầu chực, tỉ tê dỗ dành. Mãi về sau, tình trạng bế quan tỏa cảng mới chấm dứt. Chị tôi xuất hiện với vẻ mặt phụng phịu. Còn anh Giang thì mừng quá, ngâm một câu thơ rồi xoắn xuýt :
- Ê ! Còn sớm ! Mình đi lên phố ăn mừng bài thơ mới làm của anh.
Nói rồi anh rút ở bụng áo ra một xấp giấy, lựa ra một tờ trắng tinh có chép bài thơ với nét bút còn tươi mầu mực mới. Anh có cái thông lệ là mỗi khi làm xong bài thơ nào thì lại chép tặng riêng chị tôi một bản. Đến khi bài thơ ấy đăng trên một tuần báo rồi, anh lại cắt riêng cho chị một bản nữa. Những bài thơ ấy chị tôi quý như vàng, lâu lâu hai người lại chụm đầu giở ra, bàn bạc lựa bài này, bỏ bài kia để sửa soạn cho tập thơ sắp in của anh. Bầu không khí ồn ào xen lẫn chất văn nghệ của anh đem lại, làm mọi chuyện như dịu hẳn đi. Tôi xen vào:
- Phải đấy ! Anh rủ chị đi phố, nhớ mua đền hộ em lon nước hoa em vừa xài.
Chị tôi trừng mắt:

- Nước hoa như thế mà kêu bằng"lon" à ? 
Tôi xí xóa:
- Ờ …thì lon, chậu... hay lọ, xị…gì cũng là để đựng cả mà.
Chị tôi "xì" một tiếng rồi mỉa mai:
- Dùng chữ nghĩa như vậy mà cũng học đòi làm văn sĩ !
Thế là cơn hoạn nạn của tôi đã qua như một luồng gió thoảng. Tôi vui vẻ nhìn theo tà áo của chị quấn quít bên anh, trông như cánh bướm lúc hai người đi ra ngoài ngõ.
Ngày hôm sau, nhân lúc vui chuyện, chị tôi nói với tôi:
- Anh Trường Giang đã đọc hết cái truyện của cậu đăng trên báo Giang Sơn rồi.
Tim thôi thót lại vì hồi hộp. Tôi mở to mắt nhìn chị để nghe chị lập lại lời phê bình. Lần đầu tiên được nghe một người thực sự trong giới văn nghệ như anh nhận xét về tác phẩm của mình thì còn gì hay hơn. Chị tôi nói :
- Anh ấy khen cậu có ý thức ý thung gì đó khi viết truyện nhưng lại chê là cậu còn nệ cách viết sáo quá. Chị chả hiểu gì nhưng nguyên văn câu anh ấy nói là : "Vì rỗng nên mới sáo" !
Ôi chà ! Sao mà đúng thế ! Vì "rỗng" nên mới "sáo" đích thị là căn bệnh của chúng tôi, nhất là Song Vũ Nguyễn văn Tắc. Trong thời gian chép lại truyện này, tôi đã nghe Tắc xúi dại là phải sửa cho nó kêu boong boong. Tắc nói :
- Khuynh hướng chọn bài của các báo bây giờ nó như thế ! Chứ cứ "dùi đục chấm mắm cáy" là vứt ngay vào thùng rác !
Thế là tôi đã nghe Tắc để đẽo gọt lại câu văn của mình, cóp chỗ này một tí, thuổng ý sáo ở chỗ kia một tị để cố gài một cách gượng gạo vào mấy đoạn văn của tôi. 
Bây giờ nghe được lời phê của anh Giang, tôi đã thấy rõ như ban ngày. Ừ thì "dùi đục chấm mắm cáy" tất nhiên là ít tính cách văn chương rồi, nhưng kiểu văn như "tím như tím chiều hoàng hôn hoang dại trôi theo dòng đời miên man biền biệt" thì nghĩ cho kỹ sẽ chẳng có nội dung gì, lại lộ ra cái "rỗng" của người viết. 
Thế là bao nhiêu niềm kiêu hãnh của tôi đối với tác phẩm đầu tay trong phút chốc vụt tan ra mây khói. Tôi tự nhủ từ nay mình sẽ không làm cái chuyện mài giũa quá đáng một câu văn ở ngoài tầm tay của mình để chỉ quan tâm đến nội dung của cái "ý" mà mình muốn diễn tả. 
Ghi chú thêm : 
Trong chương I tôi đã có dịp nhắc đến cuốn "Viết và Đọc Tiểu Thuyết" in năm 1961 của nhà văn Nhất Linh. Đây là một tác phẩm biên khảo mà ông đã soạn một cách công phu để truyền lại kinh nghiệm viết văn cho các thế hệ đi sau. Nhân đang đề cập đến chuyện " Vì Rỗng nên mới Sáo", tôi xin trích thêm một đoạn trong cuốn sách kể trên để độc giả tham khảo thêm (phần in đậm là do tôi có ý nhấn mạnh thêm). 

Nhất Linh viết : 

1. Sự lầm lẫn thứ nhất của tôi là lúc mới viết sách tôi chỉ để ý đến các ý thích của riêng mình. Tôi thích những truyện về đời riêng của tôi mà tôi thấy rất là lý thú, chỉ việc đem viết lên giấy và viết xong thấy nó hay ngay. Nhưng nếu đưa một người khác xem thì người ấy không thấy hay ở chỗ nào. Tôi đã bị cái tính yêu riêng những việc mình viết nó huyễn hoặc làm hoa mắt, không nghĩ đến sự tìm tòi cái hay. Tôi đã đứng vào vị trí chủ quan, nghĩ là mình đứng làm chủ mà nhận xét, chứ không đứng vào địa vị khách quan, nghĩa là mình biến thành một người khách đứng ngoài nhìn vào bằng con mắt sáng suốt hơn không bị cái yêu cái ghét riêng làm cho thiên vị. 
2. Sự lầm lẫn thứ hai là cái thích những câu văn vẻ. Tôi bị ảnh hưởng tai hại của sự học ở nhà trường của văn chương Pháp và của văn chương Tàu hay ta hồi ấy (quãng 1922 - 1930); tôi thích những câu đọc lên nghe êm tai, nhịp nhàng đăng đối (nhưng trống rỗng) thành thử tôi chỉ cốt viết ra những câu như thế và cho ngay là truyện của tôi hay. 
Tôi còn nhớ một lần viết truyện Hồng Nương (không xuất bản), tôi viết xong một câu rồi đứng lên, đi đi lại lại trong phòng, trong lòng sung sướng mê man, thỉnh thoảng lại ngừng lại đọc to câu đó lên: 
"Hồng Nương! Hồng Nương! Sao đêm nay ta đọc đến tên nàng" và tôi quên cả đi ngủ. 
Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng đọc lại nhưng chỉ để tự giễu mình sao một câu như thế lại có thể cho là hay đến mê man. 
Ngay đến khi viết truyện đăng báo Phong hoá 1932 - 1933 (năm đó tôi đã hăm bảy, hăm tám tuổi) mà vẫn còn bị câu "văn vẻ" nó quyến rũ. 
Thí dụ như câu cuối cùng trong truyện Nắng mới trong rừng xuân: 
"Đôi bạn tay cầm tay, nhìn nhau yên lặng, trên đầu gió rì rào trong cành thông như tiếng than vãn của buổi chiều". 
Tuy câu ấy không phải hoàn toàn dở nhưng bây giờ đọc lại tôi vẫn ao ước rằng không có thì hơn, hoặc có nhưng đừng "văn vẻ", "sáo" quá như thế, giản dị hơn như những câu trong các tiểu thuyết sau này của tôi, viết chỉ cốt tả đúng cảm giác, đúng những nhận xét của mình; điều cần không phải là câu văn hay mà ở chỗ cảm giác, nhận xét của mình có gì hay không, đặc biệt không. 
….
Những cuốn tiểu thuyết hay là những cuốn tả đúng sự thực cả bề trong lẫn bề ngoài, diễn tả được một cách linh động các trạng thái phức tạp của cuộc đời, đi thật sâu vào sự sống với tất cả những chuyển biến mong manh, tế nhị của tâm hồn bằng cách dùng những chi tiết về người và việc để làm hoạt động những nhân vật cùng hành vi, cảm giác và ý nghĩ của họ. 
Những cuốn đó cần phải do sự thành thực của tác giả cấu tạo nên, viết bằng một lối văn giản dị, không giảng giải nhiều, và không phải hay chỉ vì cốt truyện. 
(ngưng trích)

(còn tiếp)

0 nhận xét