Open top menu
Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

                                       (tiếp theo)

Thế là từ buổi hôm đó, tôi cứ xoắn lấy Trần văn Tắc như bóng với hình. Tôi cung phụng hắn đủ thứ mà không bao giờ tiếc tiền. Ăn một cái bánh rán tôi cũng mua hai cái. Tính uống một ly nước, tôi cũng muốn cố chờ bằng được để mời Tắc một ly dù đang khát khô cổ. Tắc không còn là thằng bạn tầm thường ngồi bên tôi cả mấy tháng trời nay nữa. Bây giờ dưới mắt tôi, đó là một "Giuốc-nan-lít" chính cống Bà lang Trọc, có "Các-vi-dít" in đàng hoàng và có tác phẩm in trên nhật báo Giang Sơn. 
Qua câu chuyện với Tắc, tôi vẫn giấu hắn là tôi cũng đã từng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ Bút Mới. Nói ra xấu hổ chết, vì một đàng báo của hắn là báo in, có độc giả trên toàn quốc, còn báo của tôi chỉ là thứ báo con nít, nào có khác chi một hòn non bộ để cạnh núi Thái Sơn. Bởi thế, tôi chỉ đóng vai khù khờ "yêu văn nghệ nhưng không dám làm văn nghệ" và cứ để cho hắn tha hồ huyênh hoang, nồ nạt tôi đủ thứ toàn những danh từ đao to búa lớn như sáng tạo, thiên tài, vạch đường cho một nền văn nghệ mới…v..v…
Thực sự trong thâm tâm, tôi đã có chủ đích rồi. Tôi sẽ trở lại với nghề văn chương. Nhưng lần này tôi sẽ quyết tâm đi bằng cánh cửa lớn : cánh cửa "Nhật báo Giang Sơn" như Tắc vậy, chứ không thèm viết báo con nít in thạch bản nhì nhằng nữa.
Định kiến của tôi là sẽ viết được một truyện ngắn thật hay, rồi một hôm nào đó sẽ trịnh trọng mời Song Vũ đi ăn một chầu bánh tôm ở Cổ Ngư. Khi đó tôi sẽ nhờ hắn giới thiệu với tòa soạn báo Giang Sơn. Hẳn nhiên là hắn sẽ chẳng bao giờ chối từ một kẻ đã không quên nghĩ đến hắn từ một ly kem đến một cái bánh rán, hoặc hôm nào rủng rẻng thì còn có thể thêm một chầu thạch trắng hay thạch đen gì đó nữa không chừng.
Vấn đề chính yếu đi vào lãnh vực báo chí không phải là thiếu người giới thiệu mà là ở chỗ phải viết cho hay. Viết không hay thì dù có đến trăm lời gửi gấm tất cũng bị sổ toẹt. 
Vậy thì tôi biết viết cái gì đây? Mà thế nào thì được gọi là một tác phẩm hay ? Ôi chà ! Từ xưa đến nay đã bao nhiêu lần tôi được đọc các tác phẩm hay của biết bao nhiêu tác giả lừng danh đương thời, vậy mà bây giờ bảo định nghĩa thế nào là “một tác phẩm hay” thì tôi tịt mít.
Phải chi mà ngày đó tôi có được những bài đề cập đến việc viết lách như cuốn “ Viết và đọc Tiểu Thuyết” của nhà văn Nhất Linh, hay bỏ rẻ lắm thì cũng có được bài viết đăng ở Thiếu Nhi số 57 vào tháng 9-1972 thì hay ho biết mấy. Xin trích lại như sau :

VIẾT LÀ GÌ ?

“Viết là thể hiện lên trang giấy những cảm nghĩ, những tư tưởngcủa mình. Có thể ta viết cho chính mình (viết nhật ký), cho bạn bè ( viết thư từ), cho đám đông (sáng tác Thơ, Văn, Kịch, phê bình, biên khảo…).
Có nhiều vấn đề để viết. Có thể ta viết để mô tả một hành động, diễn tả một tâm trạng, phát biểu một ý nghĩ, trình bầy một sự kiện, một biến cố…v.v..
Muốn viết được, trước tiên ta phải có Ý. Sau đem thể hiện Ý thành LỜI tức CÂU VĂN.
Quy tắc viết một CÂU VĂN cho đúng, cho gẫy gọn gọi là VĂN PHẠM.
Trong một câu văn, Lời và Ý phải tương xứng với nhau. Ý ít mà lời nhiều thì câu văn rườm rà, nhạt nhẽo. Ngược lại Ý nhiều mà lời ngắn ngủi thì câu Văn trở nên Cộc.
Bởi vậy Ý và Lời luôn luôn có ảnh hưởng mật thiết với nhau. Hễ sửa một Lời cho đẹp thì Ý có thể được nâng lên, mới hơn, hay hơn. Hãy nhận xét đoạn văn dưới đây :
“ Và bên kia con đường Phan Thanh Giản một cây phượng đã nhô lên sau bức tường của một ngôi biệt thự những cành cây khẳng khiu mang đầy hoa đỏ nhìn ra trông thật tuyệt, mầu đỏ của phượng nổi bật giữa màu xanh tươi mướt mịn của lá cây trong khu vườn ngoài cửa sổ lớp Hà”
Ta thấy tác giả có những ý sau đây :
1) Tác giả ngổi ở cửa sổ lớp học nhìn ra.
2) Ngoài cửa sổ là khu vườn có cây xanh tươi mướt mịn.
3) Bên kia khu vườn, qua đường Phan Thanh Giản là một cây phượng nhô lên khỏi bức tường của một căn biệt thự. Hoa phượng đỏ trên cành nổi bật trên nền lá xanh của khu vườn.
4) Cảnh đó thật tuyệt.
Với những ý đã phân tích và với lời trích đăng ở trên, ta thấy lời không thể hiện hết ý, việc xếp đặt ý hãy còn lộn xộn làm câu văn chưa được sáng sủa, mạch lạc. Có thể sửa lại như sau: 
“ Qua khung cửa sổ chỗ Hà ngồi là vườn cây xanh mướt. Phía sau vườn cây, bên kia đường Phan Thanh Giản là một cây phượng khẳng khiu nhô lên từ dẫy tường vôi của một ngôi biệt thự. Hoa Phượng đỏ thắm. Mầu đỏ chói mắt điểm trên màu xanh mát mắt của lùm cây, nom thật tuyệt.”
Văn sửa được như vậy được coi là gọn. Nhưng đoạn văn còn theo khuôn mẫu tả cảnh thông thường bởi những chữ : bên kia đường là một cây phượng nhô lên nom thật tuyệt. Có thể vẫn ý ấy, ta diễn tả một cách khác mang nhiều tính cánh sáng tạo, riêng biệt hơn:
“Khung cửa sổ chỗ Hà ngồi là một thế giới đầy mầu sắc. Mầu xanh trong của nền trời. Mầu xanh mướt của vườn cây. Mầu vàng chói của dẫy tường vôi trong ngôi biệt thự phía đằng xa. Mầu nâu đậm của những cành cây phượng khẳng khiu, gầy guộc . Và mầu hoa phượng nở đỏ chói trên cành. Tất cả như bừng dậy, rực rỡ dưới bầu trời chan hòa ánh sáng.”
(ngưng trích)
***
Từ đoạn tả cảnh I đến đoạn tả cảnh III ở trên, ta thấy rõ là có một sự biến đổi sáng tạo. Viết văn, cần nhất là sáng tạo. Đó là trên nền tảng của những cái chung, ta tìm ra được những khía cạnh riêng của mình mà không ai thấy, không ai có ..v..v….Điều này sẽ làm cho tác phẩm dễ hay và không bị nhàm chán bởi nếu không thì sẽ chóng rơi vào tình trạng “viết như thế thì ai cũng có thể viết được”. 
Vào thời gian đó, tôi không tìm thấy những bài báo nào hướng dẫn cụ thể cho mình “viết văn” đại loại như loạt bài trên Thiếu Nhi kể trên. Mặc dù vậy, tôi cũng biết tự mò mẫm bằng cách “đọc kỹ một cuốn sách”, rồi lại “đọc trên báo bài giới thiệu hay phê bình cuốn đó”, mục đích là để nghiền ngẫm xem các phê bình gia mổ xẻ và đánh giá một tác phẩm như thế nào. Tất nhiên những cuốn của các nhà phê bình chuyên nghiệp như Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan thì bọn tôi cũng đã vầy nát, không phải cả cuốn mà chỉ chú trọng ở những trang nói về các tác giả hay tác phẩm nào mà mình thích thôi.
Căn cứ vào dư luận độc giả, cuốn được khen nồng nhiệt nhất vào thời kỳ đó là cuốn "Đất" của nhà văn Ngọc Giao. Tác phẩm này diễn tả cuộc đời vợ chồng anh Xã Bèo khốn khổ, sống chết cho mảnh đất của mình. Tôi xúc động nhất là cái cảnh chị Xã Bèo còn đau chưa khỏi mà vẫn phải theo chồng ra ruộng. Rồi anh chị thay nhau làm trâu kéo cầy để để vỡ mảnh đất của mình cho kịp ngày gieo mạ. Đó là một hình ảnh chua xót của người nông dân V.N sau tám mươi năm Pháp thuộc, nhưng đấy cũng là hình ảnh hào hùng, kiên nhẫn, chịu đựng của một thế hệ mới đang ra công khai dựng lại từ đầu với hai bàn tay trắng và với sự bền bỉ, nhẫn nại chỉ có ở những con người quê mùa, chất phác.
Tôi không dám ước mơ là sẽ đạt tới ngay mức nghệ thuật của các bậc đàn Anh, đàn Cụ như vậy. Ước mơ nhỏ bé của tôi chỉ vừa vặn bằng một phần tư trang nhật báo hàng ngày. Nghĩa là vừa đủ tầm mức để tòa báo chấp nhận cho một truyện của tôi được đăng vô đó. 
Tôi bỗng nẩy ra cái ý nghĩ đem bài của Song Vũ ra làm tiêu chuẩn để mà sáng tác. Thật ra ba cái truyện ngắn của Vũ tôi đã đọc gần như thuộc lòng vài đoạn. Hắn có biệt tài dùng câu văn sáo và rỗng, đọc lên chẳng có mấy nghĩa lý gì nhưng nghe lại uyển chuyển vui tai. Tỉ dụ như tả cảnh buổi chiều ở thành phố, hắn viết dông dài đại để như :
" Con phố rưng rưng trải dài triền miên trong không gian khắc khoải tím như nỗi tím buồn hoàng hôn đong đầy không gian cô quạnh của thành phố lúc lên đèn".
Hoặc giả những câu :" Đã hơn một lần mưa về trong khóm lá…", "Đã hơn một lần con tim dạt dào thổn thức…"..v..v..Phải thành thật mà nói, gò được như thế cũng không phải là dễ. Và vào thời kỳ đó, văn chương tân kỳ gọt giũa bề gì cũng được tiếp đón nồng hậu hơn là thứ văn xuôi xị, thẳng đuồn đuột, có gì nói nấy.

Bắt chước Song Vũ, tôi bắt đầu đem các truyện ngắn đã viết của tôi ra lựa chọn và sửa chữa tuy không theo hẳn giọng văn cầu kỳ đó nhưng cũng loại bớt đi những câu mà tôi cho là quá "thật thà". Truyện ngắn được tôi lựa chọn đầu tiên là truyện "Chiếc nhẫn Mặt Ngọc", tác phẩm mà đã có lần Hòa mạt sát không tiếc lời. 
Tất nhiên những ý kiến của Hòa cũng đem lại cho tôi nhiều điều hữu ích. Tôi sửa chữa cốt truyện lại cho bớt vẻ xếp đặt hơn, câu văn gọt giũa lại cho bớt nôm na đi, và nhất là theo kiểu Song Vũ, thỉnh thoảng tôi lại chêm vào ít đoạn tả cảnh theo đúng mốt đương thời : cũng hoàng hôn tím tím, cũng thành phố lên đèn, cũng dòng đời tám hướng hay lạc nẻo tâm tư. Tổng cộng truyện ngắn của tôi dài tới tám trang giấy khổ đôi, chữ nhỏ xíu. Sau khi kiểm điểm lại theo đúng luật lệ nhà báo : chấm phẩy rõ ràng, khi đối thoại phải hai chấm xuống dòng, có gạch đầu dòng, không viết tháu, không viết tắt, những chỗ in nghiêng để nhấn mạnh phải gạch dưới, bài chỉ chép có một mặt giấy..v..v…
Cuối cùng, tôi hoàn toàn tự mãn về cả hình thức lẫn nội dung. Rồi tôi trịnh trọng cho tác phẩm vào một phong bì thật trắng, thật phẳng phiu, ngoài nắn nót đề : " Kính gửi ông Chủ Nhiệm nhật báo Giang Sơn", ở dưới lại cẩn thận ghi thêm : "Bài lai cảo, không lấy nhuận bút." 
Ối chà ! Đấy là một kinh nghiệm bằng vàng mà Song Vũ truyền lại cho tôi. Hắn nói :
- Cậu là tay mơ mới vô nghề, muốn dễ dãi được đăng thì phải đề rõ là "không lấy nhuận bút". Bầy tỏ ý định dứt khoát như vậy sẽ khiến người ta không ngại, chứ cứ im lìm không nói rõ ra, họ sợ khi đăng rồi, mình tới gõ cửa đòi tiền thì vỡ nợ. Mà nếu có phải trả tiền thì thà họ để mua bài của các cây bút đã nổi tiếng còn hơn.
Tôi thắc mắc:
- Thế rồi nay mai có bài đăng hoài, mình cũng phải theo cái kiểu cơm nhà vác ngà voi vậy mãi sao ?
Song Vũ cười ha hả:
- Cậu thật chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng. Thì cứ mong nó đăng cho hoài đi đã nào. Càng đăng nhiều càng có tiếng. Một khi đã nổi tiếng rồi thì ô-voa tụi nó, chạy qua báo khác. Có khi độc giả sẽ óe lên, cật vấn tòa soạn là sao lâu không thấy xuất hiện bài của tác giả đó nữa. Ui cha, lúc đó phải biết, có mà họ phải trải chiếu hoa mời cậu lại, chứ ở đó mà kỳ kèo chuyện nhuận bút !


                               (còn tiếp)


0 nhận xét