Open top menu
Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013





                                        (tiếp theo)






Nói rồi lão mở khoá đẩy cánh cửa. Quả nhiên bên trong chứa lủng củng nào thùng giấy, nào vali cũ , nào máy móc hư. Trong góc một chú chó vàng nằm trên manh chiếu rách nghếch miệng lên rên ư ử. Oi chao ôi, cứ tưởng sống trên đất Mỹ vốn là thiên đàng của chó và phụ nữ, ắt hẳn nó phải hưởng một cuộc đời thanh bình và thần tiên chớ. Ngờ đâu cũng chẳng khác gì thân phận chó ở Việt Nam.

Lão già giở giọng khoác lác :

“ Tôi nói bác biết nhé, chọc tiết heo thì thường, cứ thuốn dao nhọn vào cổ nó là tiết ra ồng ộc, thế nhưng cái tang anh chó này lại khác đấy nhé,cả một nghệ thuật chứ không dễ…”

Bác Ba Phì cười hề hè :

“ Bác nói sao ấy chứ, cắt tiết chó khó gì , treo ngược , thọc dao vào cổ là xong ?”

Lão già cười nhạt :

“ Bác nói vậy chẳng hiểu gì về nghệ thuật…ẩm thực cả. Giả tỉ như bác muốn ăn tiết canh con cheo, vậy bác phải nhắm vào cổ nó bắn một phát rồi chạy thật nhanh tới hứng lấy tiết thì OK , còn bác bắt sống đè ra cắt tiết thì chẳng được giọt nào bởi vì nó sợ quá tan cả máu rồi. Cắt tiết chó thì lại khó kiểu khác . Trước tiên trói ngược lên rồi khoét ở cổ nó một mảng da, lấy chiếc đũa vót nhọn tìm tia máu đỏ mà cắt, cắt nhầm tía máu đen là tiết hôi, chỉ có vứt đi…”

Bác Ba Phi lè lưỡi :

“ Nghe ông nói tôi sởn cả gai ốc. Hoá ra con người ta dã man vậy sao ?”

“ Thịt đồng loại nó còn ăn huống hồ thịt chó ?”

Có tiếng chuông điện thoại. Lão già chạy ra bắc máy nghe rồi quay vào :

“ Ong ở nhà canh tên tử tù này nhé. Tôi phải chạy ra chợ mua vòi tưới nước tiện thể ghé chợ Việt Nam mua mắm tôm với lá húng . Bác yên tâm , tôi sẽ thết bác chầu tiết canh chó với dồi nướng ngay trên đất Mỹ này ngon chẳng kém thịt chó của Lâm mặt đỏ chợ Châu Long ngày xưa…”

Lão già đi rồi, bác Ba Phi lại gần con chó đang bị xích. Thật lạ, khác với lão già nó thường nhe nanh gầm gừ với bác Ba Phi nó lại vẫy đuôi mừng rỡ. Và nhất là đôi mắt . Ôi chao ôi đôi mắt của nó nhìn bác không hiểu sao có cái vẻ gì đó không khác gì mắt con người . Một ý nghĩ bất ngờ nảy ra. Bác lại gần , xoa xoa đầu nó và tháo xích .

“ Mày dọt cho lẹ …chớ có luớ quớ gần đây mà mất mạng . Thôi …chạy đi…”

Con chó vẫy vẫy đuôi rồi phóng ra cửa. Nó chạy ra ngoài sân, ngoáy nhìn bác Ba Phi rồi phóng mất hút vào rừng. Giống chó khôn vậy đó, mình thả chạy đi còn ngoái lại cảm ơn. Í mền ôi, vậy mà tính đưa nó ra chọc tiết thì thật dã man hết sức. Bác Ba Phi chợt giật thót người khi nghĩ tới lão già. Í chết chết, lão đang hứng xơi tiết canh chó, giờ trở về thấy mất chó không khéo lão mang bác ra cắt tiết cũng nên. Bác lo sợ đưa mắt nhìn quanh, nhà trên nhà dưới vẫn vắng ngắt, lão già đi chợ chắc còn  lâu mới về, nhân dịp này chuồn đi là hơn , dềnh dàng ở lại , lão về thấy mất chó biết ngay bác thả ra thì nguy.

Bác Ba Phi lẻn ra ngoài cổng rồi cứ nhằm con đường nhựa đi miết. Phải mau mau ra tới ngoài phố mới biết đang ở đâu mà gọi điện cho cô Út đưa xe tới đón. Bác hối đã theo chân lão già tới cái nơi mịt mù cây cối để rồi gây ra rắc rối . Biết thế sau lúc ở quán cà phê cứ từ chối phắt, nhảy xe mà về giờ đã đang ung dung đánh  một giấc ở nhà. Bác cứ xăm xăm bước đi, chẳng thiết ngó nghiêng hai bên đường coi quang cảnh ra sao. Bất ngờ một chiếc xe tải lù lù tiến tới, thắng két ngay trước mặt bác, từ trên nhảy xuống lão già mặt mũi lấm bê lấm bết, chạy tới , la toáng :

" Ói trời đất ôi, đi đâu đây ? Sao lại ra tận đây ?"

Bác Ba Phi cuống lên :

" Tôi...tôi đi dạo mát..."

Lão già trợn mắt :

" Dạo mát mà ra tận đây ? Thôi đi cha...định chuồn phải không ? "

" Không không...à.à...con Út nhà tôi vừa gọi điện tôi phải về ngay có khách..."

Lão già toét miệng cười :

" Nói phét...mới sáng nay còn than vãn ở bên Mỹ này chẳng quen thuộc ai, giờ lại nói có khách tới thăm...Thôi đi ông...ông lên xe cho con nhờ...có chết tôi cũng không cho bác về...rượu Nếp Mới đây rồi, lại cả lá mơ, lá húng, mắm tôm....chén một bữa thịt chó cái đã rồi muốn ra sao thì ra..."

Bác Ba Phi cuống lên :

" Ấy chết...ấy chết...tôi phải về..."

Lão già chẳng nói chẳng rằng lôi tuốt bác Ba Phi lên xe rồ máy chạy về trang trại. Lão giở trong cái bị đi chợ ra la liệt nào bún, bánh tráng, mẻ...miệng huyên thuyên về cái tài sống trên đất Mỹ mà vẫn có đầy đủ "của độc" y như ở Việt Nam :

" Trong cái mớ này khó nhất là món gì bác biết không ? Khó nhất không phải giềng, mắm tôm, lá mơ...khó nhất lại là mẻ bác ạ. Mẻ là cái thứ ngày xưa cả làng cả nước nhà nào cũng có, ấy thế mà triệu phú Thạch Sùng lại không để đến nỗi chịu thua cuộc, táng gia bại sản biến thành con thạch sùng suốt ngày tắc lưỡi tiếc của..."

Chèn đéc ơi, viễn ảnh của bữa thịt chó làm lão già biến mất hẳn cái vẻ lụ khụ hàng ngày, mặt mày tươi rói như sắp cưới vợ trẻ, lão lại tiếp tục ba hoa :

" Tôi đã hỏi cả chục bà nội chợ, bà nào cũng lắc đầu kêu toáng đã sang Mỹ rồi có ai dở hơi mang theo của nợ đó. Hỏi mấy quán cơm ta, quán nào cũng có món giả cầy nhưng mà lại không có mẻ, đều phải dùng yahourt thay mẻ. Tôi đã thất vọng rồi , vừa tính quay lui ra về thì một con nhỏ đi tới cười cười :" ông ơi, ông nấu cái món gì mà cần mẻ đến thế ?". Tôi không dám thò cái món "cày tơ" ra, đành nói dối nó xin cho bà già ở nhà nấu "giả cầy". Nó lắc đầu :" Con không tin nấu giả cầy mà ông lại phải cày cục đi xin mẻ như vậy. Ông cứ nói thiệt đi, con mách cho...". Con ranh này giỏi thật ông ạ. Nó nhìn cái mặt tôi mà biết được tôi là dân bợm nhậu mới giỏi. Nó bảo chỉ cần liếc qua cũng đủ biết ông là đệ tử thần lưu linh thứ dữ. Bởi vậy thấy ông xăm xoi đi tìm mẻ vậy chắc đang có cái hội cày tơ đây. Tôi hỏi nó làm sao giỏi quá vậy ? Thì ra nó là con gái lão bán thịt cày "A đây rồi" trên đê Yên Phụ ông ạ.  Sang đây bố nó phải bỏ nghề , buồn lắm, suốt ngày ngẩn ngơ như người mất hồn. Bởi vậy mẹ nó lâu lâu lại phải nấu một bừa giả cầy cho bố nó ăn cho bớt cái nỗi nhớ thịt chó nơi quê nhà. Bởi vậy nhà  nó quanh năm có mẻ  là như vậy."

Bác Ba Phi tò mò :

" Vậy rồi ông có gặp thằng chả không ?"

" Gặp bác ạ. Nhìn thấy con gái dắt người về xin mẻ nấu thịt cày lão ta đang lơ tơ mơ như người mộng du bỗng tỉnh như con sáo sậu. Lão xoắn xuýt hỏi nhà ở đâu, chó ta hay chó tây, chó đen hay chó vàng, nặng nhiêu cân ? Có biết đánh tiết canh không để lão tới giúp . Tôi thấy cái vẻ sốt sắng của chả mà phát hoảng, đành phải nói dối tôi xin mẻ để nấu giả cầy thôi, thế là lão xẹp xuống như quả bóng xì hơi , thất thểu đi vào nhà trong. Lạ thế, cái thằng cha mắc bệnh "nhớ thịt chó" mới lạ ông ạ..."

Bác Ba Phi nghe mà cứ trợn tròn cả mắt, thiệt không ngờ, ngay trên cái xứ Mỹ nổi tiếng là văn minh, thiên đường của chó và phụ nữ vậy mà lại bắt gắp những con người quái đản sống trong "nỗi nhớ thịt chó" mới kỳ. Ấy đấy, cứ lo dân mình "mất gốc" nữa đi, sang đây mà vẫn khư khư giữ được quốc hồn quốc tuý đến mức thành bệnh thế kia thử hỏi sao mà..."mất gốc" được ?

Bởi vậy lão già hể hả :

“ Nào,chúng ta cắt tiết…tôi biết bác sợ sát sinh nên chỉ nhờ bác giữ cái đầu với hai cẳng trước để tôi …tác nghiệp thôi…”

Bác Ba Phi tròn mắt :

“ Tác nghiệp là cái gì vậy ?”

Lão già cười cười :

“ Tôi đã nói với bác rồi…tôi phải khoét một miếng da cổ tìm cho ra tia máu đỏ thì mới mong được ăn tiết canh..”

“ Rùng rợn quá…tôi có một đề nghị mong ông chấp nhận nha…”

Lão già xua xua tay :

“ Khỏi khỏi…bác khỏi nói tôi cũng biết, bác định đề nghị dùng điện giết con chó thay vì chọc tiết chứ gì ? Làm vậy sao mà được ăn tiết canh ?”

Bác Ba Phi ngập ngừng :

“ Không không..tôi đề nghị ông tha bổng cho nó…nhập gia tuỳ tục ông ạ…nếu mình đang ở Việt Nam thì chẳng nói làm gì , nhưng đang trên đất Mỹ, chó được coi trọng không thua gì người, bởi vậy tôi đề nghị ông tha bổng …”

Lão già cười cùng cục :

“ Mỹ Mẽo gì cưng chiều chó kệ cha nó. Sống trên đất Mỹ nhưng tôi vẫn là người Việt Nam, vẫn phải giữ…bản sắc dân tộc chớ ? Thôi thôi, bác đừng nói nhiều, đã tới giờ cắt tiết rồi, bác xuống bếp với tôi!”

Bác Ba Phi đành thú tội :

“ Thôi tôi chẳng dám giấu ông . Tôi thả con chó chạy ra ngoài rừng rồi…”

Lão già trợn mắt :

“ Cái gì ? Ong nói cái gì ?”

Nói rồi lão chạy sầm sầm xuống bếp. Khi mở cửa nhà kho lão bỗng đứng sững như trời trồng, mắt trợn ngược, miệng gầm gừ như con thú bị chọc tiết :

“ Trời đất ơi..nó đâu..nó đâu rồi..bác thả nó thật rồi sao ? Dã man…đồ dã man…làm vậy khác nào bác giết tôi…”

Bác Ba Phi sợ hãi nhìn lão già như đang phát điên. Bất ngờ lão xô bác vào phía trong góc rồi nhanh tay đóng sập cửa và khoá lách cách phía ngoài :

“ Thế mạng…bác thả con chó ra thì bác phải thế mạng cho nó …bác cứ nằm yên trong đó chờ đến đêm  đền tội…”

Bác Ba Phi cuống quít đập cửa rầm rầm mà tịnh không thấy bóng dáng lão đâu. Bác đành ngồi thụp xuống đúng ngay chỗ con chó bị xích lúc nãy. Rõ điên thiệt, lão già định bắt bác thế mạng cho con chó thì điên thiệt. Bác bỗng nhói lên lo lắng, nhỡ thằng cha làm thiệt chứ chẳng phải doạ, đến đêm nó lôi bác ra đòm cho một phát thế  mạng cho con chó chứ chẳng giỡn. Dám lắm chớ, cứ nom cái cung cách dở dở ương ương của lão cũng đủ ớn. Giữa nơi hoang vắng này, có nổ bom cũng chẳng ai biết. Giết xong, lão lôi bác ra rừng đào một cái hố rõ sâu quăng xác xuống đó rồi lấp đất có ma nào biết ?

Nghĩ vậy, bác Ba Phi lại càng sợ càng ra sức phá cửa mà chẳng ăn thua, bác leo lên cả trần nhà cũng không tìm được lối  thoát. Bác sực nhớ tới chiếc cell phone gọi cho cô Ut nhưng hỡi ôi, bác đã để quên ở trên bàn nhà ngoài rồi. Thôi đành ngồi chờ lão già mở cửa sẽ lao ra sống mái với lão chứ còn biết làm sao ?



                                            (còn tiếp)

0 nhận xét