Open top menu
Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014



                                                    (tiếp theo)
Vào niên học mới, tôi còn nắm vững được việc học tập trong hai, ba tháng đầu. Nhưng càng về sau, sự cố gắng của tôi như lỏng dần ra. Lý do thứ nhất như đã nói ở trên là mọi sinh hoạt cái gì cũng mới lạ : hết giờ thì đổi giáo sư làm cho liên hệ giữa thầy và trò không còn chặt chẽ như xưa, môn học cũng hoàn toàn khác lạ, nếu không được chăm sóc tận tình thì cặp giò non của bầy chim bỡ ngỡ sẽ bị run rẩy và lạc hướng ngay. Tôi muốn nói đến tầm quan trọng và trách nhiệm lớn lao của các thầy cô phụ trách những lớp khởi đầu cho những năm nền tảng của bậc Trung Học. May mắn thay cho các bạn trẻ đã được gặp các vị giáo sư tận tâm, thấu hiểu tâm lý trẻ và có kinh nghiệm trong ngành chuyên môn của mình. Các bạn ấy sẽ được dìu dắt, hướng dẫn để đi những bước vững vàng. Và cũng may mắn thay cho các bạn trẻ khi bị lạc hướng nhưng về nhà đã có anh hay chị hoặc phụ huynh chỉ bảo, nâng đỡ. 
Tôi đã không rơi vào hai trường hợp may mắn ấy, nên chỉ trong vòng vài tháng đầu, tôi đã thấy ở một vài môn, nhất là môn Toán, đã không còn thuần túy là môn Số Học mà ở tiểu học chúng tôi rất am tường. Lên trung học, môn Số Học (Arithmétique) không còn nữa mà trở thành 2 ngành riêng biệt : Hình Học (Géométrie) và Đại số (Algèbre). Thời ấy tôi chán nhất là môn Hình Học khởi đi bằng những bài “Vẽ Toán” rất buồn nản, chẳng có gì hấp dẫn đối với tôi, ngoại trừ chính ông Thầy dạy thì cứ tới cuối tuần lại xuất hiện trong ngôi nhà Kèn ở vườn hoa Chí Linh để dạy bọn trẻ con khắp nơi tụ lại để học…hát ! 

Nhà kèn trong vườn hoa Chí Linh, cạnh Bưu Điện Hà Nội

Gọi là ngôi nhà chứ thật ra đấy chỉ là một cái đài hình bát giác, cất trên nền cao, có mái vòm che kín và bốn bề tuyênh toang không có cái cửa sổ nào bao quanh cả. Chỗ ấy, ngày thường là chỗ để cho khách nhàn tản ngồi nghỉ chân hóng mát hay về đêm cũng là nơi trú ngụ của dân hành khất, không nhà, không cửa. Nhưng vào chiều Thứ Bẩy hằng tuần thì ở đây đông vui vô số kể. 
Tôi không ưa thầy dạy Vẽ Toán trước bảng đen phấn trắng nhưng lại rất quý thầy ở những buổi chiều Thứ Bẩy vì thầy đã chịu khó tới đây, vừa phân phát những bài hát in ronéo cho bọn trẻ bất cứ từ đâu kéo đến và vừa tập cho cả lũ chúng tôi cùng hát. 
Hầu như hồi đó, chẳng buổi nào mà tôi không cuốc bộ từ dốc hàng Kèn ở ngay đầu phố Nhà Chung, đi ra Bờ Hồ, qua nhà Bưu Điện tới vườn hoa Chí Linh để cùng chen chúc trước nhà kèn với hơn trăm đứa trẻ khác cũng đã mò đến nghe dạy hát và tập hát. 
Nghĩ lại, thấy những con người thời xưa sao có thể ứng xử với nhau hiền hòa và an bình đến như thế. 
Cũng chính ở đây mà chúng tôi chen chúc nhau trước nhà Kèn để gân cổ cất lên những bài ca yêu nước tuyệt vời như Bạch Đằng Giang, như Gò Đống Đa, như Ải Chi Lăng..v..v…dưới đôi tay bắt nhịp của ông thầy. Cái quang cảnh ấy là những hình ảnh tuyệt vời, bất diệt trong tâm tưởng lũ chúng tôi, và thế hệ chúng tôi luôn biết cám ơn những ông thầy tận tụy như thế.

Khi ngồi viết đến đây, tôi lại nhớ đến Thầy Nguyễn An, người dạy các lớp hè ở trường Bách Việt, ngôi trường nhỏ xíu nằm trên đường Tràng Thi, khúc đường nhìn ra ngõ Hội Vũ. Giọng sang sảng của thầy cứ như còn vang vẳng trong đầu. Thầy dạy chúng tôi môn Pháp văn khiến chúng tôi biết thêm nhiều thứ, nhất là vở kịch Le Cid trong có những nhân vật như Don Gormas, Don Rodrigue, và nhất là nàng Chimène yêu kiều mà bọn chúng tôi đã dùng tên của nàng thay thế cho tên tất cả những “người đẹp” mà chúng tôi quen hay được biết. 
Nhưng cũng chính thầy là người đã hay thốt nên lời, bằng tiếng Pháp : “Où sont les neiges d’antan?” (Đâu rồi đâu tuyết cũ ngày xưa ?) để gợi lên trong lòng chúng tôi một nỗi niềm rung cảm, ngậm ngùi, luyến tiếc mỗi khi nhớ đến những cảnh cũ người xưa. 
Tôi nhớ đến câu của Thầy ở trên là vì nhân gợi lại quang cảnh những buổi chiều thứ Bẩy hồi xưa ở vườn Hoa Chí Linh, ven Bờ Hồ - Hà Nội. Có vẻ rằng tôi đã tham lam, chuyện gì cũng muốn ghi gói, kể lể. Nhưng sao tôi quên được hình ảnh những buổi chiều êm ả, trong khu vườn hoa xinh đẹp kia đã vang vang tiếng hát của đám trẻ nhỏ không rủ nhau mà cứ tự động kéo đến. Thật hiếm hoi khi lại có thể nhìn thấy một tập hợp đông đảo bao gồm đám trẻ lau nhau thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, lang thang bụi đời, không nhà không cửa có, mà thứ có nhà có cửa, có mái ấm gia đình cũng có, tất cả lại tự động đến với nhau để cùng nhau tập hát dưới sự chỉ dẫn tận tình của một nhà giáo yêu trẻ, yêu nghề. Thế có lạ không !

1.    CHƯƠNG 4
Nhưng dẫu quý trọng Thầy đến mức nào thì tôi cũng phải thú nhận rằng sức học của tôi cứ thế…đuối dần, nhất là môn Toán ! Hồi ở tiểu học, tôi quen với lối giải toán “giả thử” như thế này, “giả thử” như thế kia, rồi so sánh với các dữ kiện bài toán đã cho để tìm ra đáp số đúng. Cách giải này luyện cho bộ óc của chúng tôi biết suy luận, biết khách quan, biết chọn lựa phương hướng đúng..v.v….
Ấy vậy mà đi vào môn Vẽ Toán ở năm đầu bậc trung học, tôi cứ phải chia tỉ mỉ trang giấy thành nhiều ô, mỗi ô tương trưng cho một độ chiều dài có khi tính bằng centimet, có khi bằng mét, rồi vẽ hình vuông, hình chữ nhật, hình thang, hình đa giác..v..v.. tất nhiên lợi ích của nó là rèn luyện tính tỉ mỉ và chính xác vốn là điều kiện căn bản để đi xa hơn trong lãnh vực toán học. Nhưng hồi ấy sao tôi thấy chán ơi là chán. Trước thì lơ đãng lúc nghe giảng bài, sau vì bài học đã đi sâu hơn nữa thì tôi lõm bõm không hiểu thầy nói gì (hay có khi là không chịu khó tìm hiểu ). Thế là đâm ra chán học, rồi từ chỗ chán học, tôi lại bắt đầu buông thả trở về với những cám dỗ “văn nghệ” ngày xưa.
Ngã rẽ khởi đầu vào một hôm trong giờ Vẽ Toán, anh bạn ngồi bên cạnh tôi lén mở tờ nhật báo Giang Sơn ra khoe :

- Cậu có thấy cái này không ?
Tôi nhìn xuống trang báo ngắm nghía. Hắn chỉ ngay vào một bút hiệu đặt dưới cái truyện ngắn đăng trong mục “Truyện ngắn hằng ngày” :
- Song Vũ đó !
- Song Vũ là ai ?
Hắn vỗ ngực:
- Tớ chứ còn ai ! Trời ơi ! Tớ viết báo từ lâu, cậu không biết à ?
Tôi nhìn hắn nghi ngờ. Trong thâm tâm, tôi không thấy có liên hệ mảy may gì giữa cái tên cúng cơm Trần văn Tắc của hắn với cái bút hiệu Song Vũ hào hoa kia. Chừng như hiểu rõ sự nghi ngờ của tôi, hắn hụp lưng xuống gậm bàn để tránh cặp mắt kiểm soát của giáo sư, rồi moi ở ví ra một tấm danh thiếp trao cho tôi. Tôi cầm lấy, liếc qua. Quả nhiên hắn làm cho tôi phục lăn vì mấy hàng chữ :
TRẦN VĂN TẮC
Bút hiệu SONG VŨ
Journaliste

Journaliste thì là ký giả đứt đuôi đi rồi. Ôi chà ! Mới mấy phút trước, đối với tôi hắn chỉ là một thằng nhãi con, nhưng coi xong tôi thấy hắn trở nên to lớn trọng đại vô cùng. Giuốc-nan-lít ! Giuốc-nan-lít ! Ba cái tiếng đó như nổ lên đùng đùng, nghe sao mà hấp dẫn và giòn giã đến thế !
Tôi cầm tấm thiệp như cầm trong tay một phép lạ và nhìn hắn cảm động như tôi đang được hân hạnh tiếp xúc với một yếu nhân. Mãi rồi tôi mới hỏi hắn được một câu :
- Oai quá nhỉ ! Cậu nhỏ thế này mà cũng được nhà báo mời cộng tác kia à ?
Tắc nhún vai ra vẻ điệu nghệ nhà nghề lắm:
- Ờ …thì cũng gửi bài thường xuyên.
- Đăng được bao nhiêu tác phẩm rồi ?
Tắc hơi ấp úng:
- Cũng vài ba truyện gì đó…
Tôi chợt nghĩ bụng, dám tên này "lòe" mình lắm. Mới vừa rồi nó nói " Tớ viết báo từ lâu", lại nói: "..thì cũng gửi bài thường xuyên", như vậy mà mới chỉ đăng có "vài ba truyện gì đó" là sao? Nhưng mặc dù vậy, sự cảm phục của tôi đối với hắn cũng chỉ giảm đi có tí xíu, tí xịu thôi. Vì hắn có bài được đăng báo hẳn hòi, chẳng phải là oai lắm sao. Mà bài báo ấy là đây, ngay trước mặt tôi, một truyện có tên là "Nợ đời chưa trả" với cái tên tác giả SONG VŨ chềnh ềnh, được in tới hai lần, một lần ở ngay cạnh tít bài, một lần ở cuối truyện, có mở ngoặc đơn ghi thêm hàng chữ : " Hà Đô, một ngày sang mùa năm Sửu." 

Ối chà chà….nghe sao nó "văn nghệ" đến thế ! 


                         (còn tiếp)

0 nhận xét