Open top menu
Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013





                                                                         Nhà văn NHẬT TIẾN



                                                (tiếp theo)

                  



                                                   6



                                      TỔ CHUYÊN MÔN





Hầu hết dân Sài Gòn trong tháng 4-1975 đều đôn đáo chạy chọt để có tên trong danh sách ra đi. Nhưng số người đi lọt xét ra chẳng là bao nhiêu so với những người kẹt lại. Cho đến khi các đoàn xe vận tải chở đầy bộ đội xuất hiện trên các đờng phố thì ai cũng đều mang tâm trạng của những kẻ chấp nhận "thôi số phận đã an bài". Đã có nhiều người  ôm mặt khóc ròng.

Nhưng cũng có nhiều kẻ khác nôn nóng đi ra đường để chứng kiến quang cảnh của một thành phố vào thời khắc đổi chủ. Phố xá vì thế vẫn đông nghẹt. Chỗ này người  ta chen nhau chạy vào các cơ sở Mỹ hay các căn nhà không chủ để ùn ùn khuân ra đủ thứ đồ đạc, giẫm đạp lên cả những mớ giấy má, tài liệu vơng vãi khạp lối đi. Ở chỗ khác thì người  ta xúm xít quanh các xe chở bộ đội khi đó đã đậu lại ở các ngã tư đường phố. Có những tiếng xì xào :

- ơi !  Bộ đội gì nom trẻ thế ? Chỉ mười bốn mười lăm là cùng ?

 Nhìn những khuôn mặt trẻ măng với nước da xanh bủng, thân hình thì nhỏ thó lụng thụng trong bộ đồ lính mầu xanh, lại thêm vẻ mặt ngơ ngơ ngác ngác nửa như bỡ ngỡ, nửa như dè chừng, mấy cô bán hàng rong còn dám cất lời trêu chọc :

- Anh bộ đội ơi ! Anh đi rồi thì má ở nhà ai trông ?

- Hoài của . Giá lớn hơn chút nữa thì bên này cũng ưng !

Những tiếng cười rộ eất lên khiến cho bầu không khí ngột ngạt, e dè bỗng như tan loãng hẳn ra. Chắc hẳn cũng đã có nhiều người  thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ rằng Cộng sản mà chỉ như thế thì đâu có gì phải lo lắng.

Rồi sau đó, thành phố chỉ trong khoảnh khắc đã tràn ngập cờ xí, biểu ngữ và kèn trống um sùm. Nhân viên ở các Phường, Khóm lui tới thăm dò thì vẫn được bảo cứ tới làm việc như thường lệ. Chỉ khác trước có một điều là bên cạnh họ nay xuất hiện thêm những cán bộ ở khu về, người  nào người  nấy nom xanh xao, ốm yếu. Trời thì nóng như  đổ lửa ra mà ai cũng cố choàng lên cổ cái khăn rằn ri mầu đen trắng,thậm chí có người  còn khoác thêm cái áo sợi mỏng lên người , bộ điệu nom rõ ra vẻ ta đây ốm yếu do mới ở Rừng về.

Nhưng bầu không khí rộn ràng, hoan hỉ chẳng kéo dài được bao lâu. Chỉ ít lâu sau là cặp mắt mọi người  đã bắt đầu thấy nhớn nhác. Những thông cáo của ủy ban Quân Quản được phát liên tục trên đài rồi được đám thanh niên đeo băng đô vác loa đi từng khu xóm đọc đi đọc lại đã biến cuộc sống bình thường hàng ngày trở nên khẩn trương, nghiêm trọng. Nào cấm hát nhạc vàng. Nào giao nộp văn hóa phẩm đồi trụy. Nào dân có gốc ở địa phương nào thì phải quay về địa phương đó. Mọi người hầu như ai cũng mang cái tâm trạng phấp phỏng, lo âu như thể mình bây giờ tuy chưa sao nhưng có thể tai họa bất thường có thể ụp lên đầu bất cứ lúc nào. Cái không khí khẩn trương bất an ấy lúc nào cũng đè nặng lên tâm trí mọi người  như thể ai cũng đang nhìn thấy bầu trời vần vũ báo trước sẽ có nhiều cơn bão dữ.

Rồi đến .khi cái cụm từ "đi kinh tế mới" xuất hiện thì ai nấy cũng đều cuống cuồng lo chạy lấy một chân việc làm mà làm gì cũng đợc miễn sao có tí dính dáng  đến nhà nước hoặc các cơ sở được nhà nước cho phép hoạt động trở lại. Chẳng trách gì các Tố hợp, các Hợp tác xã, các Công ty Hợp doanh mọc ra như nấm. Mà hễ ai chui được vào đó để có một chân làm thì lòng cũng đã chắc mẩm rồi ra đời sống sẽ được an toàn.

Cùng chung với những tâm trạng ấy, tôi đã rất lấy làm mừng vì xin được quay trở lại nghề dạy học. Cái nghiệp phấn trắng bảng đen hóa ra cũng đã đãi đằng tôi thật nhiều. Tôi tự nhủ, trước sau gì thì mình cũng là một thầy giáo. Mà làm thầy giáo ở đâu thì công việc giảng dạy cũng phải tận tụy hết mình. Sự tận tụy ấy nó xuất phát từ lương tâm nghề nghiệp chứ chẳng phải khi cách mạng về  rồi thì trở cờ "ba mươi hay bốn mươi" gì hết. Bọn học trò, dù là A hay là B (tức miền Bắc hay miền Nam), theo tôi nghĩ, chúng nó đều cũng chỉ là những tờ giấy trắng để thầy cô giáo viết lên những dòng chữ đầu tiên cho tương lai của chúng sau này.

Nhờ kinh  nghiệm lâu năm giảng dạy, tôi bỗng được ban Giám Hiệu gọi lên giao cho chức Tổ Trưởng bộ môn Khoa học Tự nhiên các lớp thuộc cấp II, bao gồm 3 môn học: Sinh vật, Vật Lý và Hóa học. Thành viên trong Tổ đều là những người  đã cùng đi dạy với tôi trước đó.  Vài thầy dạy Lý, dạy Hóa, vài cô dạy Sinh vật, cả đám chúng tôi đều biết nhau cả nên tôi thấy công việc Tổ trưởng chuyên môn" của mình xét ra cũng nhẹ nhàng.

Nhưng cũng không hẳn là như thế. Cả đám có  khoảng năm sáu người  thì cả chừng ấy mống lại đã nhìn tôi với cặp mắt e dè. ý chừng họ cho là tôi phải có công trạng gì ghê gớm lắm thì mới được phong cái chức Tổ trưởng. Tuy họ chẳng cần nói ra nhưng cứ nhìn cái nụ cười nhếch mép của Thầy này, cái liếc xéo rồi quay đi của cô kia là tôi đã cảm nhận được họ đang nghĩ gì về mình.

Thôi rồi còn đâu cái thời mà chúng tôi cười nói với nhau ròn rã, hòi thăm nhau một cách tự  nhiên không kiêng dè hay tán với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới  đất vào những lúc nghỉ ngơi sau hai giờ giảng dạy. Đối với tôi những thứ rất thường tình ấy sao bây giờ nó lại quý đến thế . Thì ra có những điều mà trước đây đã hiện diện một cách dửng dưng, tưởng  chỉ là những thứ nhỏ nhặt trong đời sống ấy thế mà nay nó trờ thành cái nhu cầu trọng đại muốn lấy lại mà không được. Chẳng thế mà có lần, tôi không nhớ trong hoàn cảnh nào, mà một cô giáo đã mỉm cười với tôi một cách hồn nhiên. Tôi thấy rõ ở cô lúc đó không mang bất cứ một ngụ ý gì. Chỉ có thế thôi mà tôi bỗng thấy lòng rộn lên một nỗi mừng vui vô hạn, như một kẻ đi giữa nắng trưa vừa được hưởng một cơn gió mát. Rõ ràng là ở đây, bây giờ, mọi sự bình thường đã không còn là bình thường nữa. Nó đang bị cung cách sống hàng ngày lặng lẽ bào mòn khiến cho con người  trở nên dần dà bị biến chất.

Nhưng dù ở bất cứ tâm trạng nào thì tôi vẫn giữ nguyên được cái lương tâm nghề nghiệp. Vào lớp giảng dạy, tôi không hề có ý phân biệt đứa này là học sinh chế độ cũ, đứa kia mới ở A vào. Trò nào không hiểu bài, tôi sẵn sàng giảng giải thêm nếu nó tới hỏi tôi sau giờ học.

Với cung cách hành xử ấy, tôi yên tâm nhận lãnh chức vụ Tổ trưởng Chuyên môn được giao phó. Tuy nhiên cũng có nhiều điều đáng nói trong cái sinh hoạt được gọi là "họp tổ chuyên môn này". Bọn chúng tôi thường chọn gặp nhau mỗi tuần một lần tại một lớp học được bỏ trống vào buổi chiều. Mọi người  ai nấy đều ôm theo một đống tài liệu mà hầu hết là những cuốn sổ. Nào sổ Giáo án, nào sổ Chủ nhiệm lớp, sổ Ghi chép các buổi tham dự giờ dạy của các giáo viên cùng bộ môn, sổ Học tập chính trị, nếu ai còn tham dự Chi đoàn Thanh niên hay Công đoàn cơ sở thì còn có cả sổ Công tác, sổ Kiểm điểm cá nhân để tự học, tự bồi dưỡng..v..v..nữa. Ghê gớm thay cho cung cách sinh hoạt trong một nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa. Càng nhiều sổ sách thì càng có nghĩa là có nhiều thứ kìm kẹp. Bởi những cuốn sổ ấy không phải là thứ ghi chép cua riêng mình. Nó phải được giao nộp cho cấp trên để kiểm tra xem mình ghi chép những gì, có tuân hành đúng theo mọi chỉ thị hay không, có tiết lộ ra tư tưởng phản động nào không . . . v. .v . . .

Trong cương vị Tổ trưởng Chuyên môn, công việc của tôi là phải truyền đạt những yêu cầu của ban Giám Hiệu tới các giáo viên và nhắc nhở, kiểm tra các vị  ấy trong tiến trình sửa soạn bài vở khi họ đứng lớp. Vì vậy, chiếu theo bài bản, tôi nêu câu hỏi đầu tiên thuộc về tình hình chung căn cứ theo hoàn cảnh của mỗi người , nghĩa là đương sự gặp những khó khăn gì, những thuận lợi gì và tinh thần phục vụ bây giờ ra sao, có cái gì lấn cấn mà không tự giải quyết được hay không ?

Một cô giáo đã nhanh nhầu trá lời :

- ủi ? Khó khăn thì chả có gì khó khăn hết đâu thầy. Còn thuận lợi thì có khối ra đấy. Này nhé, ở địa phương tôi thì chính quyền vẫn tạo mọi thuận lợi cho nhà giáo làm công tác giảng dạy. ở nhà trường thì Ban Giám hiệu luôn luôn quan tâm đến đời sống của các giáo viên. Về mặt vật chất thì nhu yếu phẩm vẫn nhận lãnh đều đều không có ai khiếu nại gì hết. Về mặt tinh thần thì tôi luôn luôn được bồi dưỡng học tập đường lối chính sách của Đảng và nhà nước đế mình được toàn tâm toàn ý trong sự nghiệp giáo dục những mầm non của tổ quốc . .

Tôi hơi nhăn mặt:

- Cô nói vậy chớ, sao lại không thấy khó khăn gì hết ?

Mọi người  như khứng lại khi được nghe tôi phát biểu một cách bất ngờ. Thật ra tôi cũng chẳng quan tâm gì đến những kiểu nói năng đầu môi chót lưỡi này. Nhưng trong thâm tâm, tôi rất bực cái nhà cô này khi đã tuôn ra một tràng những lời lẽ như thế. Tôi có là cán bộ hay công an nhà nước đâu mà cô lại ứng xử với tôi những màn kịch kệch eỡm như thế. Chắc hẳn là cô đã đánh giá tôi quá thấp và tôi thấy mình không thể cho qua khi phải nhận lãnh những lời lẽ kiểu này. Vì thế tôi tiếp tục nói :

- Khó khăn đầy rẫy ra ấy chứ ! như ở địa phương tôi, sau một đêm ngủ chập chờn không đủ giấc thì cái loa báo hại nó réo ngay ở đầu nhà từ 5 giờ sáng để khua bà con dạy đi tập thể dục theo Nếp Sống Mới. Rồi cứ ra rả suốt ngày đến không còn đầu óc đâu mà chấm bài, soạn bài nữa. . . .

Trong khi cô giáo kia ấp úng không thể trả lời thì cả nhóm đã nhao nhao lên:

- Đúng đó ! Đúng đó ?

- ôi trời ơi ! Cái loa chết tiệt, nó hành con người  ta đến phát ốm mà chết mất thôi.

Thế là cả bọn thi nhau kể chuyện Phường, Khóm nơi mình cư ngụ. Nào Phường đổ khoai ra giữa lối ngõ để chờ phân phối nhu yếu phẩm, nhìn ra thì toàn là khoai ủng, khoai sùng. Nào Thanh niên đeo băng đỏ hống hách, phách lối dượt theo mấy chị  bán rau, bán bún mà đá đổ thúng mủng của họ không chút xót thương. Nào công an khu vực lừng lững đi vào nhà người  ta coi như vào chỗ không người . Nào họp hành gì liên miên, ở Tổ, ở Khóm, ở Phường, xoạch một cái là kêu đi hốt rác, thụt cống, mít tinh biểu tình để biểu dương, chào mừng ngày lễ, ngày kỷ niệm này nọ....Dân chúng cứ như lũ kiến trong chảo rang, đời sống nháo nhào không biết an trú vào đâu để mà ngơi nghỉ.



                                                   (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét